Wednesday 1 May 2013

TRÁI (LẠI) – NGƯỢC (LẠI) – ĐỔI (LẠI) – BÙ (LẠI)

            Trái, ngược, đổi, là những vị từ “bình thường”, có thể đóng vai trò vị từ trung tâm của phần thuyết/vị ngữ, và có thể làm phó từ khi xuất hiện sau một vị từ khác (Khả năng này rất hay thấy ở trái, ngược, hầu như không thấy ở đổi).
            Trái, ngược, đổi có thể kết hợp với phó từ lại để tạo thành một ngữ đoạn chuyên đóng vai trò trạng ngữ câu; trong đó, quan trọng nhất là trái lại  ngược lại.
Do nghĩa từ vựng của tráingược, nhìn chung các trạng ngữ này có vẻ như chuyên đánh dấu sự đối lập hay khác biệt giữa sự tình trước và sau nó, từ góc độ của người nói. Có thể xem đây là một trạng ngữ cảnh huống: sự tình đi trước tạo thành cảnh huống bất tương hợp cho sự tình theo sau, sự tình theo sau diễn ra trong cảnh huống bất tương hợp mà sự tình đi trước tạo ra.
            Trong đa số trường hợp, sự vắng mặt của loại trạng ngữ này không làm tổn hại gì đến nội dung của phát ngôn, vì trên thực tế sự bất tương hợp giữa hai sự tình đã được bảo đảm bằng chính ngữ nghĩa của các tiểu cú/câu biểu thị hai sự tình đó hoặc bằng liên từ nhưng, , còn. Như vậy, loại trạng ngữ này có lẽ cũng nên được xem là một thứ quán ngữ tình thái chủ quan, ít nhất là về ngữ nghĩa.
            Trong bài này, chúng tôi xuất phát từ trái (lại), từ đó đối chiếu với những trường hợp còn lại.

Khi không...



Tình cờ nghe tình khúc “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng.
Có hai câu rất đẹp:
-          Trời nắng hạ, khi không mà trở rét!
-          Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt, sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa?

Khi không... là một cách nói đã lâu lắm rồi mới được nghe lại, ít nhất là ở cái đất Sài Gòn này.
Khi không... giống như tự nhiên: “(khi) không có lý do”.
Người miền Nam thường dùng khi không hay tự nhiên để “bình” về một “sự” gì đó mà mình không biết sao lại xảy ra.
Có vẻ gì đó rất hồn nhiên, ngây thơ, chứ không “cứng nhắc” như những từ đã "hư" quá nhiều: bỗng/bỗng dưng/bỗng nhiên.