Monday 22 July 2013

LUÔN


      Luôn là một từ khó, có nhiều biểu hiện ngữ nghĩa khác nhau. Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1995), luôn được định nghĩa như sau: 1. Một cách lặp lại nhiều lần hoặc liên tiếp không ngớt. Đến thăm nhau luôn. 2. Một cách không ngừng hoặc gần như đồng thời, không để có sự gián đoạn. Viết luôn một lúc mấy lá thư. 3. Liền ngay tức thời (sau sự việc có liên quan). Nói xong, làm luôn. 4. Không phải chỉ có tính chất nhất thời, trong một thời gian, mà suốt từ đó về sau là như thế. Nó bỏ làng đi luôn không về nữa.
Về cơ bản, một số tài liệu khác cũng trình bày nghĩa của luôn tương tự.
Những nét nghĩa của luôn diễn giải như trên nói chung là chưa giúp đối lập luôn với những từ có nghĩa gần gũi. Chẳng hạn, với nghĩa 1 luôn có thể thay bằng liên tục, thường xuyên; với nghĩa 2 luôn có thể thay bằng liên tục, liền, ngay; với nghĩa 3 luôn có thể thay bằng liền, ngay; với nghĩa 4 luôn có thể thay bằng mãi, hẳn. Nếu hình dung ngữ nghĩa của luôn rời rạc như vừa nói sẽ dễ dàng đồng nhất luôn với các từ/ngữ có thể thay thế cho nó; và hệ quả là chúng ta có một tập hợp các khả năng “đồng nghĩa” rất đáng ngờ - một hiện tượng khó chấp nhận về mặt lý thuyết. Hơn nữa, theo ngữ liệu mà chúng tôi thu thập được từ một số tác phẩm văn chương, và từ khẩu ngữ tự nhiên (ghi âm) thì luôn còn một vài biểu hiện khác mà Từ điển tiếng Việt (TĐTV) chưa đề cập, không thể thay bằng các từ/ngữ nói trên; và nếu bổ sung những biểu hiện này vào từ điển thì sự rời rạc và bất cập vừa nói lại càng lộ rõ hơn.
Trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ phân tích ngữ nghĩa của luôn dựa trên tiền đề rằng ngữ nghĩa của một từ (thường là “hư từ”) bao giờ cũng được hình thành trên một cơ sở nhận thức thống nhất, liên quan đến cách nhận thức thực tại của người bản ngữ. Theo đó, các nét nghĩa của luôn có thể được nhận thức như là các biểu hiện của cùng một nội dung ngữ nghĩa ở mức độ cơ sở của nó (semantic primitives, Wierzbicka 1996); và chính điều này làm cho nó khu biệt với các khả năng thay thế có tính chất tình huống của những đơn vị từ vựng khác.

Monday 1 July 2013

BỘ...?




     Trong khẩu ngữ Nam bộ có một từ bộ dùng như sau:

Tình huống: Thấy một người bạn hớp một hớp trà rồi lắc đầu, người ta có thể hỏi:

(1) Bộ anh không thích à?

(2) Bộ trà không ngon sao?

   Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2003) không đề cập từ bộ này, còn Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín (2007) thì có đề cập, nhưng giải thích không đúng.