Wednesday 26 March 2014

MỘT CHÚT – MỘT ÍT – MỘT SỐ – MỘT VÀI





Một chút, một ít, một số, một vài (cùng với dăm từ/ ngữ khác) là những tổ hợp cố định thường được xem là gần nghĩa, vì đều biểu thị một (số) lượng nhỏ, có tính ước chừng (không chính xác). Người Việt hầu như không bao giờ “có thể” dùng sai những tổ hợp đó; nhưng phân biệt một cách hiển ngôn ngữ pháp (và phần nào ngữ nghĩa) giữa chúng không phải là điều đơn giản.
Trong một bài viết cách đây không lâu, Bùi Mạnh Hùng đã cố gắng “lập thức các quy tắc ngữ pháp để hướng dẫn cho người học, nhất là người nước ngoài, hiểu và dùng đúng các nhóm từ chuyên dụng” này [1/24]. Những phân tích của Bùi Mạnh Hùng trong bài viết này rất thú vị và đặt ra nhiều vấn đề để tiếp tục suy nghĩ. Tuy nhiên, có lẽ do nhiều nguyên nhân (chưa khảo sát hết các tiểu loại danh từ/ danh ngữ có khả năng kết hợp hoặc không kết hợp với một ít/ một chút, chưa đặt các tổ hợp đang xét trong bối cảnh sử dụng cụ thể, chưa quan tâm đến cách tri nhận của người bản ngữ, chịu “áp lực” từ kết quả “tìm nhanh trên google”,...), những phân biệt của tác giả về một ítmột chút chưa thực sự minh bạch, khách quan và đắc dụng; thậm chí có chỗ còn có phần cảm tính.
Dựa trên những gì mà các nhà nghiên cứu đi trước đã đạt được, trong phạm vi bài này chúng tôi thử xem xét lại ngữ pháp và ngữ nghĩa của một ít, một chút (cùng với một vài tổ hợp có liên quan) nhằm làm sáng tỏ khả năng hành chức của chúng, góp phần phục vụ công việc dạy tiếng.
Các tổ hợp đang bàn có thể phân làm hai nhóm: nhóm 1 (một chút, một ít) tuyệt nhiên không kết hợp được với danh từ đơn vị, và nhóm 2 (một số, một vài) thì ngược lại.