Sunday 5 July 2015

HÃY...! và ...ĐI!



1.  Ở nhiều thứ tiếng, chẳng hạn tiếng Latin, tiếng Anh([1]), câu mệnh lệnh thuộc một thức ngữ pháp (imperative mood), phân biệt với những phát ngôn thuộc thức trần thuật (indicative) và thức giả định (subjunctive). Dĩ nhiên, cấu trúc trần thuật, bao gồm cả cấu trúc nghi vấn, cũng có thể có lực ngôn trung (illocution force) như một phát ngôn thuộc thức mệnh lệnh.
     Trong đa số các sách ngữ pháp tiếng Việt, thuật ngữ "câu mệnh lệnh" (hay "câu cầu khiến", "câu sai khiến", "câu khuyến lệnh") nằm trong sự phân biệt với "câu trần thuật" (hay "tường thuật"), "câu nghi vấn" và "câu cảm thán" – bốn loại câu phân loại theo “mục đích phát ngôn”([2]). Theo đó, câu mệnh lệnh được hiểu là một phát ngôn tác động trực tiếp vào người nghe, nhằm làm người nghe thực hiện một hành động được nêu trong nội dung phát ngôn đó.
     Tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, có nhiều phương thức diễn đạt “mệnh lệnh”; trong đó hãyđi có thể xem là hai chỉ tố từ vựng nổi bật. Người nói sử dụng hãyđi để hiển ngôn trực tiếp hành động yêu cầu; người nghe (có khi bao gồm cả người nói) ở vào tình thế phải thực hiện yêu cầu đó. Chẳng hạn:
(1) Em hãy trình bày ý nghĩa lịch sử của cách mạng Pháp!
(2) Cuộc họp kết thúc. Chúng ta hãy trở về làm việc!
(3) Con khóa cửa đi!
(4) Em ăn đi!