Friday 22 September 2017

CẢ và TẤT CẢ



Cảtất cả là hai từ([1]) đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng hầu như chưa có tài liệu ngữ pháp nào lập thức đủ rành mạch để có thể ứng dụng vào việc dạy tiếng. 
            Từ điển Hoàng Phê 2014 định nghĩa: cả: (đại từ) toàn thể, hết thảy, không trừ một ai hay thành phần nào; (trợ từ) biểu thị ý nhấn mạnh về mức độ cao, phạm vi không hạn chế của sự việc; tất cả: từ dùng để chỉ mọi đối tượng được nói đến, không trừ một đối tượng nào.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (1963) đã bàn khá chi tiết về những từ này. Theo các tác giả, cảtất cả là “lượng từ toàn thể” (tất cả là “từ kép”) dùng để trỏ “toàn thể của một sự vật” hoặc “nhiều sự vật hợp lại thành một toàn thể” [6: 327]; lượng của toàn thể này có thể là “toàn lượng nhất định” (“nhất định” ở đây có thể được hiểu là “chính xác”, vd: “cả năm quả cam”), “toàn lượng bất định (vd “tất cả cam”) hoặc “toàn lượng phỏng chừng” (vd: “cả mấy quả cam”). Những nhận xét của tác giả chưa cho thấy sự khác biệt giữa cảtất cả. Hơn nữa, các tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng tất cả có thể kết hợp trực tiếp với danh từ khối (“tất cả vải”, “tất cả cam”) và giải thích: “vì nói đến toàn lượng bất định, nên ý “bất định” ấy ảnh hưởng đến thể từ chính, và thể từ chính không có loại từ hay lượng từ đơn vị” [6: 328].
            Nguyễn Anh Quế (1988) có nhận xét rõ hơn về từ cả: “Cả đại từ luôn luôn đứng trước một D để biểu thị số nhiều toàn bộ hoặc toàn bộ một số đơn nhưng hàm ẩn nghĩa là bên trong có chứa đựng một số nhiều sự vật hoặc cá thể khác (nếu danh từ trung tâm chỉ sự vật, chỉ đơn vị hành chính) hoặc hàm ẩn ý nghĩa toàn bộ thời gian trong đơn vị ấy (nếu danh từ trung tâm chỉ thời gian)”. Ngoài ra, tác giả còn đề cập hai cả khác: cả hư từ (tạo thành cặp liên từ đẳng lập: cả... lẫn..., cả... và...) và cả trợ từ “để nhấn mạnh” (giống như ngay cả, cả đến)” [4: 219]. Về tất cả thì tác giả chỉ nhắc đến khi so sánh với mọi: “tất cả có thể chỉ toàn bộ nhiều sự vật, mà cũng có thể chỉ toàn bộ một sự vật” [4: 76]. Những nhận xét vừa trích, đặc biệt là về cả đại từ, của Nguyễn Anh Quế rất đáng suy nghĩ, dù chưa hoàn toàn minh bạch.
            Cao Xuân Hạo, trong công trình năm 1982, xem cả là lượng từ [1: 271] nằm trong thế đối lập với nửa; trong công trình 1997, xem cảtất cả là phân từ hay phân lượng từ (quotifier) [1:391]; trong công trình 2006 lại xem là lượng từ không xác định [2: 102]. Thậm chí, có chỗ ông xem cảtất cả là đại từ đảm đương chức năng phân lượng: “Chức năng phân lượng có thể do danh từ (nửa, phần, đa số), đại từ (cả, tất cả), ngữ đoạn phó từ (hết, hầu hết, tuyệt đại đa số)” [1: 366]. Những kiến giải của ông về cảtất cả rất thuyết phục, dù thuật ngữ chưa nhất quán, và có nhiều chi tiết cần phải được làm sáng rõ thêm.
Theo đó, về ngữ pháp, cảtất cả “chỉ có thể kết hợp với danh từ đơn vị chứ không bao giờ kết hợp được với danh từ khối”, vì “danh từ đơn vị biểu thị những thực thể phân lập trong không gian (hay một chiều kích nào khác) và do đó có thể đếm được và chia được” [1: 393]. Từ đó, tác giả giải thích rằng những từ như phát, giọt, lúc, bên, nơi, lần “tuy là đơn vị và do đó có thể đếm được, nhưng lại không có kích thước xác định trong không gian (nơi, bên) hay thời gian (lúc, lần) hoặc quá nhỏ (giọt, phát) để có thể chia nhỏ hơn nữa” [1: 273] cho nên không thể kết hợp với cả (tác giả không xét tất cả) [1: 272].
            Khác với các tác giả khác, Nguyễn Đức Dân trong công trình năm 1987 đã bàn đến từ cả khi minh họa giả thuyết chuyển hóa từ thực từ sang hư từ. Theo ông, ban đầu, cả vừa có nghĩa “nhiều, lớn” vừa có nghĩa “tổng thể”, với hai vị trí đứng sau hoặc đứng trước từ mà nó đi kèm. Dần dần có sự phân biệt: cả đứng trước danh từ có nghĩa “tổng thể, toàn khối”, hoạt động với tư cách “đại từ”. Chính cả đại từ này chuyển hóa thành cả “nhấn mạnh” qua nhiều cấu trúc trung gian [5: 182-184]. Nguyễn Đức Dân không miêu tả đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của cả, và cũng không phân biệt cả với tất cả; nhưng những diễn giải của ông gợi ra nhiều điều thú vị để tiếp tục khảo sát hai từ trên dưới góc độ đồng đại.
            Trong bài viết này, chúng tôi tiếp thu những thành tựu của những tác giả đi trước và cố gắng phân tích rõ hơn ngữ pháp và ngữ nghĩa của hai từ cảtất cả. Để dễ theo dõi, chúng tôi vẫn gọi cảtất cả là lượng từ, theo “ngữ pháp truyền thống”, thay vì phân từ hay phân lượng từ – một thuật ngữ ít quen thuộc – dù sự khác biệt hai thuật ngữ này đã được Cao Xuân Hạo nêu rõ [1: 391].