Thursday, 19 January 2012

“NP nào cũng…” và “NP gì cũng…”



      Trong tiếng Việt (và một số thứ tiếng khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn) có hiện tượng sử dụng các từ phiếm định (hay bất định, có gốc từ đại từ nghi vấn) kết hợp với cũng để nói về một toàn thể hay bất cứ yếu tố nào trong cái toàn thể ấy: ai cũng..., gì cũng..., đâu cũng…, mấy / bao nhiêu (/giờ, xa) cũng..., sao cũng....

      Riêng 2 từ nào có thể làm định ngữ cho một danh từ/ngữ kết hợp với cũng để biểu hiện nghĩa toàn thể hay một yếu tố bất kỳ trong cái toàn thể do danh từ/ngữ (ký hiệu NP) đó biểu thị, tạo thành 2 dạng thức phổ biến: NP nào cũng..., NP gì cũng....

     So với các dạng thức trên, hai dạng thức NP nào cũng, NP gì cũng tỏ ra đắc dụng hơn vì chính NP này thu hẹp cái ngoại diên vốn hết sức rộng mà hai từ bất định nào, tạo ra.

      So sánh:
(1)   a. Trong công ty tôi, ai cũng phải mặc đồng phục.
b. Trong công ty tôi, nhân viên nào cũng phải mặc đồng phục.
(2)   a. Anh mua gì cũng được.
b. Anh mua món/loại/hiệu gì cũng được.

       Trong nhiều trường hợp, hai dạng thức NP nào cũngNP gì cũng có thể được dùng thay thế cho nhau, nhưng giữa chúng vẫn tồn tại một ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, ranh giới đó không hiếm khi bị vi phạm, nếu người dùng không cẩn trọng.

       Về ngữ pháp-ngữ nghĩa, vốn là một từ nghi vấn (chuyên) được dùng để hỏi về chủng loại, thuộc tính, chất liệu, nội dung của sự vật, hiện tượng (dù nó được dùng một mình hay làm định ngữ cho một NP); trong khi đó, nào vốn là một từ nghi vấn chuyên dùng trong những câu hỏi hạn định, tuyển chọn, đặt ra yêu cầu chọn lựa cho người nghe trong cái tập hợp chỉ định mà NP đi trước nó biểu thị (sự có mặt của NP trước nào là bắt buộc, khác với ).

      Ngoài sự phân biệt vừa nói, việc sử dụng N nào cũng hay N gì cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. 

      Để tiện khảo sát, có thể chia các NP làm 2 nhóm: nhóm 1 là nhóm mà NP chủ yếu tồn tại trong dạng thức N nào cũng, nhóm 2 là nhóm NP có thể tồn tại ở cả hai dạng thức NP nào cũngNP gì cũng.

Nhóm 1

      Thuộc nhóm 1 là dạng thức NP nào cũng..., trong đó NP là những danh từ/ngữ biểu thị một tập hợp chỉ định (không nhất thiết phải hữu hạn) theo tình huống giao tiếp.

Sau đây là những trường hợp chủ yếu dùng NP nào cũng:

1.    Các NP nằm trong phạm vi (hồi chỉ) những cái đã được đề cập đến ở phần trước của câu hoặc ở ngữ cảnh trước đó (nghĩa là cái tập hợp chứa nó đã được chỉ định).

(3)   a. Anh ấy đã viết ba truyện. Truyện nào/??gì cũng có tiếng vang.
b. Bà ấy mua cả chục cái áo. Cái nào/*gì cũng trẻ trung.
c. Hai cái quần, cái nào/*gì cũng thủng một lỗ to tướng.
d. Văn của ông, chữ nào/*gì cũng chắc nụi, lớn lao.
e. Ba con chó này, con nào/*gì cũng thông minh.

     Cách sử dụng NP nào cũng trong trường hợp này tương tự với cách sử dụng câu hỏi nào hạn định và tuyển chọn đã đề cập ở trên.

2.   Các NP biểu thị những sự vật, hiện tượng mà bản thân nó không hàm chứa tính loại. Trường hợp này khác với trường hợp 1 trên ở chỗ trong câu hay trong ngữ cảnh trước đó không nhất thiết phải hiển ngôn cái tập hợp hạn định cho biểu thức NP nào cũng.

Có thể kể đến các NP thuộc một số lĩnh vực như sau:

2.1. Các NP chỉ thời gian: sáng, trưa, chiều, tối, đêm, tuần, tháng, ngày, năm, mùa, v.v..

(4)   a. Sáng nào/*gì chúng tôi cũng chạy bộ.
b. Chiều nào/*gì nó cũng tập thể dục.
c. Năm nào/*gì chị cũng về Bắc một chuyến.

    Trong nhóm này, có một số từ  ngày, nămmùa có hơi khác, người ta có thể nói:

(5)  a. Hôm nay là ngày gì thì bà cũng thức dậy từ 4 giờ sáng để ra chợ.
b. Mùa gì thì người ta cũng cần những thứ này, đâu cứ phải mùa cưới.

     Rõ ràng, ở vị trí của trong trường hợp này chúng ta có thể điền vào một nội dung hay tên gọi (suy cho cùng thì nội dung, tên gọi cũng đều biểu thị một thuộc tính, nghĩa là những dấu hiệu có thể quy loại), chẳng hạn: ngày Nhà giáo, ngày giỗ, năm Giáp Mùi, mùa sầu riêng, mùa du lịch, v.v.. Trong khi đó, với các từ còn lại, sáng này tiếp sau sáng kia, đêm này tiếp sau đêm kia, tuần này tiếp sau tuần kia, v.v., nên không làm thành thuộc tính. (Một NP không hàm chứa tính loại là một NP không thể quy loại cho nó - tức là cho sự vật hiện tượng mà nó biểu thị - theo một thuộc tính nào đó. Nói một cách cụ thể, chúng ta chỉ có thể hỏi "sáng nào?" (và trả lời sáng nay, sáng mai, sáng ngày 13 tháng 6 năm 2009) chứ không thể hỏi "sáng gì?".) 

    Riêng tuầntháng, có điều cần nói thêm. Chúng ta có thể nói tuần lễ phim Pháp, tháng An toàn giao thông - cũng là một thứ tên gọi - nhưng nó không thể có tư cách "tự nhiên" như ngày giỗ, năm Giáp Mùi, mùa sầu riêng, có lẽ vì nó không có tính chu kỳ nên không được tri nhận như một thuộc tính.

     2.2. Các NP chỉ người: người, bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, nhân viên, người lính, anh bảo vệ, cô thư ký, v.v.

(6)   a. Sinh viên nào cũng phải học tiếng Anh.
b. Cô thư ký nào cũng năng động.

     Trường hợp này vẫn có thể dùng gì cũng, nhưng nghĩa khác rất xa. NP nào cũng X, nghĩa là bất kỳ/mọi thành viên là NP đều X (sinh viên nào = bất kỳ/mọi sinh viên, hay diễn đạt cách khác: bất kỳ/mọi cá thể là sinh viên); trong khi đó, NP gì cũng Y, nghĩa là bất kỳ/mọi thành viên NP mang thuộc tính hay thuộc một loại bất kỳ đều Y (sinh viên gì = bất kỳ/mọi sinh viên thuộc các “loại” khác nhau). Như vậy, sinh viên gì cũng phải học tiếng Anh chỉ mọi sinh viên, bất luận “loại” (ngành học, lĩnh vực, hệ đào tạo) v.v.. (Thật ra, theo chúng tôi, cách dùng này chính là một kiểu nói tắt của sinh viên khoa gì, sinh viên hệ gì.)

      2.3. Các NP chỉ những bộ phận được chia cắt theo một cách nào đó từ một thực thể hay một tổng thể chỉ định; và những bộ phận này tạo thành một tập hợp xác định và cũng như NP ở 2.2, bản thân nó cũng không hàm chứa tính loại.
  • Đó là những NP biểu thị bộ phận cơ thể người hay hình thức ẩn dụ của nó như đầu, khuôn mặt, mặt, tay, chân, kể cả cách dùng ẩn dụ của nó.
(7)   a. Tay nào cũng thuận.
b. Khuôn mặt nào cũng nghiêm nghị và xa lạ.
c. Xấp vải này may mặt nào cũng đẹp.
d. Đôi đũa đó, gắp đầu nào cũng được.
e. Ban nhạc này, tay nào chơi cũng tuyệt.
  • Đó là các NP chỉ phương hướng, chiều kích không gian: phía, bên, hướng, đằng, bề, chiều; kể cả cách dùng ẩn dụ của nó.
(8)   a. Xấp vải này may bề nào cũng đẹp.
b. Căn nhà này bề/chiều nào cũng 10 mét.
c. Cô ấy xét bề trong bề ngoài, bề nào cũng nhất.
d. Anh cứ bình tĩnh mà làm, đằng nào cũng trễ rồi.
  • Đó là các NP chỉ nơi chốn: nơi, chỗ, nước, làng, xóm, làng quê, đường, ngả, khu, khu vực, vùng, miền, v.v..
(9)   a. Đường nào cũng kẹt xe.
b. Chỗ nào cũng đầy bụi.
c. Chỗ nào cũng đau.
  • Đó là các NP chỉ đơn vị hành chính, tổ chức, cơ quan: bang, tỉnh, thành phố, quận, huyện, công ty, văn phòng, nhà máy, v.v..
(10) a. Nước nào cũng có vấn đề về xã hội.
b. Tôi sống ở thành phố nào cũng được.
c. Chiều thứ bảy văn phòng nào cũng đóng cửa.
d. Thiên tai thì vùng nào cũng có.
  •  Đó là các NP chỉ các thực thể thiên nhiên như sông, núi, biển, rừng, thác, suối, đảo v.v..
(11) a. Con sông nào cũng đỏ nặng phù sa.
b. Vùng/bãi biển nào cũng bị ô nhiễm dầu.
c. Ngọn/quả/dãy núi nào cũng bị khai thác nham nhở.
d. Hòn đảo nào cũng có chim yến.


3.     Các NP được tạo thành từ sự danh hóa một vị từ, bản thân nó, cũng không hàm chứa tính loại, có lẽ là do tính chỉ định của vị từ theo sau làm định ngữ. Ví dụ:
    
(12) a. Sự dối trá nào/??gì cũng phải trả giá cả.
        b. Sự lựa chọn nào/??gì cũng đau đớn.
        c. Câu nói nào/??gì của ông nó cũng ghi nhớ.
        d. Vẻ đẹp nào/??gì rồi cũng tàn phai.

   Trong các câu trên sự có mặt của là khó chấp nhận, vì người nghe sẽ không thể nhận biết được ngoại diên của các khái niệm mà NP diễn đạt; hay nói rõ hơn, người ta không thể xác định các loại "sự dối trá", "sự lựa chọn", "câu nói", "vẻ đẹp".

    Nói rõ hơn, trong các NP kiểu này, danh từ chỉ loại làm trung tâm đã được phân loại bằng chính vị từ theo sau ("sự gì?", "việc gì?", "lời gì?", "câu gì?", "vẻ gì?", v.v.). Do đó cả NP được xem như một "thực thể", nhưng là một thực thể không thể phân loại; cái thực thể-khái niệm trừu tượng này khác với các thực thể-sự vật như con mèo, cái bàn ở chỗ người ta vẫn có thể tiếp tục phân loại "mèo gì?" - mèo xiêm, "bàn gì?" - bàn gỗ, chứ không thể phân loại "dối trá gì?", "lựa chọn gì?", "câu nói gì?".
    (Trong một phát ngôn như "Sự lựa chọn màu sắc nào của anh cũng tạo ấn tượng mạnh cho người xem", thì "màu sắc" không phải là một (chủng) loại "lựa chọn" mà nó chỉ đóng vai trò hạn định - để thu hẹp ngoại diên - cho "lựa chọn".)



4.    Các NP mà trung tâm là một danh từ chỉ loại có kèm theo một/những định ngữ chỉ chủng loại, tính chất. Trường hợp này đương nhiên sử dụng nào cũng, vì chủng loại, tính chất của danh từ trung tâm đã được hiển ngôn đầy đủ, và vì thế khó có thể đặt câu hỏi (vốn có ảnh hưởng đến cách dùng của gì cũngnào cũng) sau NP.

(13) a. Cái áo sơ mi nào ở đây cũng đáng mua.
       b. Cái áo ngoại nào cô ấy cũng khen.
       c. Tiết tiếng Pháp nào cũng thế.
       d. Tiếng động khẽ nào ở ngoài cửa cũng làm tôi giật mình.

   Quả vậy, trong các ví dụ trên, sự xuất hiện của gì cũng sau các  định ngữ chỉ chủng loại (sơ mi ở (13a), tiếng Pháp ở (13c)), các định ngữ chỉ tính chất (ngoại ở (13b) và khẽ ở (13d)) là khó chấp nhận.

(Chú thích: Khái niệm "danh từ chỉ loại" chúng tôi dùng trên đây tương đương với thuật ngữ "danh từ đơn vị" của GS Cao Xuân Hạo. Theo truyền thống, nhưng từ như tiết, tiếng (vd (13)), và nghề, môn, món (vd (16)-(18) dưới đây) thường không được xem là danh từ chỉ loại.)


Nhóm 2

    Thuộc nhóm này là các trường hợp mà khả năng dùng NP nào cũng hay NP gì cũng là tùy vào sự chọn lựa của người nói. Nói chung, có một sự đối lập đều đặn giữa hai dạng thức đó:

1.      NP là các danh từ khối hàm chứa tính (chủng) loại. Khi kết hợp với gì , NP gì cũng hướng người nghe đến nghĩa (toàn thể) chủng loại của sự vật, còn khi kết hợp với nào thì NP nào cũng  hướng người nghe đến những thực thể có sẵn. Ví dụ:

(14) a. Đi chơi thì em mặc áo gì cũng được.
b. Đường xấu thì đi xe gì cũng bị xóc.
c. Bàn gì cũng đẹp, trừ bàn nhựa.
d. Chiên cá thì dầu gì cũng được.

            So sánh lần lượt với các câu (15) sau đây:
(15) a. Đi chơi thì em mặc (cái) áo nào cũng được.
b. Đường xấu thì đi (cái) xe nào cũng bị xóc.
c. (Cái) Bàn nào cũng đẹp, trừ bàn giáo viên.
d. Chiên cá thì (loại) dầu nào cũng được.

(14a) muốn nói đến tất cả các loại áo như áo thun, áo sơ mi, áo bà ba, áo đầm, v.v., trong khi (15a) muốn nói đến những loại/cái áo có sẵn. (14b) và (15b) cũng tương tự.
Nghĩa của (14c) hướng đến tất cả các loại bàn với các chất liệu (làm thành các chủng loại) khác nhau như bàn gỗ, bàn inox, bàn nhựa v.v., trong khi (15c) muốn nói đến tất cả những loại/cái bàn có sẵn ở một nơi nào đó (một tập hợp chỉ định). (14d) và (15d) cũng tương tự.

            (Chú thích: Với NP nào cũng có một điều đáng chú ý: dù trung tâm NP là danh từ khối hay danh từ chỉ loại thì sự khác biệt nghĩa giữa chúng cũng không lớn lắm – một bên là toàn thể các loại (áo, xe, bàn), một bên là toàn thể các cá thể (áo, xe, bàn) – vì cả hai đều cùng chỉ một tập hợp cụ thể, có sẵn, đã được chỉ định hoặc hiện tồn. Chính vì vậy, nếu trung tâm NP là danh từ khối thì vẫn luôn có khả năng thêm vào đó một danh từ chỉ loại. Sự chọn lựa tùy thuộc vào ngữ cảnh. Xem thêm ví dụ (11))

2.     NP là các danh từ chỉ loại. Ở trường hợp này khả năng hoạt động của NP gì cũngNP nào cũng là ngang nhau. Và rất khó chỉ ra sự khác biệt ý nghĩa giữa chúng. Chẳng hạn:

(16)    a. Nghề gì cũng quý.
  b. Nghề nào cũng quý.
(17)    a. Môn gì cũng cần.
           b. Môn nào cũng cần.
(18)    a. Món gì chị tôi cũng biết nấu. 
          b. Món nào chị tôi cũng biết nấu.
(19)    a. Các con vật ở nông trại này, con gì cũng được chăm sóc tốt.
 b. Các con vật ở nông trại này, con nào cũng được chăm sóc tốt.
(20)   a. Anh cứ lấy một quyển, quyển gì cũng được.
b. Anh cứ lấy một quyển, quyển nào cũng được.
(21)  a. Hàng hóa ở đây, thứ gì cũng mắc.
        b. Hàng hóa ở đây thứ nào cũng mắc.

     Thật ra, ở các câu trên, cái ý nghĩa chủng loại của và cái ý nghĩa tập hợp chỉ định hay hạn định của nào vẫn không mất đi, nhưng tình huống – đúng ra là ngữ cảnh – không làm lộ ra.
    Hãy thử kiểm tra:
Ở (18) quả thật khó có thể phân biệt (a) và (b). Bây giờ chúng ta sẽ cho ngữ cảnh khác:

   (18)     c. Chị tôi nấu ăn rất giỏi, món gì chị nấu cũng ngon.
              d. Chị tôi nấu ăn rất giỏi, món nào chị nấu cũng ngon.
              e. ??Trong ba món này, món gì chị tôi nấu cũng ngon.
              f. Trong ba món này, món nào chị tôi nấu cũng ngon.

            Rõ ràng, với ngữ cảnh (18c, d), nào rất gần nhau, không khác gì (18a, b). Nhưng ngữ cảnh (18e, f) thì không phải như vậy. Câu (18f) rất bình thường, vì món nào dùng để chỉ bất kỳ/mọi món trong cái tập hợp ba món đang nói. Trong khi đó, món gì chỉ tất cả các món ăn có thể có chứ không quy chiếu ba món đang nói, nên câu (18e) khó chấp nhận.

          Tương tự, so sánh các câu (19a, b) với câu (3e) ở trên.
          Ở (19), con gìcon nào đều có thể quy chiếu các con vật ở nông trại này. Khó có thể nói dùng hay nào tốt hơn (tất nhiên giữa chúng vẫn có sự khác biệt nhất định về ý nghĩa: con gì hướng đến loại động vật (gà, heo, bò, v.v.), trong khi con nào chỉ tất cả những con vật có trong nông trại.
          Trong khi đó ở câu (3e) sau đây:

    (3)    e. Ba con chó này, con nào/*gì cũng thông minh.

    Rõ ràng, danh ngữ ba con chó này làm đề của câu đã đặt ra cái khung quy chiếu, theo đó chỉ con nào mới đáp ứng chứ không phải con gì.

         Qua những điều trình bày ở trên , ta thấy rằng về mặt cấu trúc, NP trong NP gì cũng thường chỉ là một danh từ khối hoặc chỉ là một danh từ chỉ loại (và  chính là định ngữ duy nhất của nó); trong khi đó ở NP nào cũng, NP có thể có cấu trúc phức tạp hơn: danh từ trung tâm (thường là danh từ chỉ loại) có thể có nhiều định ngữ khác nhau (nếu trung tâm mang hình thức danh từ khối thì vẫn luôn tiềm tàng khả năng thêm danh từ chỉ loại vào trước nó).

   Về mặt số lượng, không phải tất cả các danh từ chỉ loại nào cũng kết hợp được với gì cũng, trong khi đó tất cả danh từ chỉ loại  nói riêng và tất cả các NP nói chung đều kết hợp được với nào cũng.
      Như vậy dễ đoán rằng, trong giao tiếp hằng ngày, NP nào cũng có lẽ là cấu trúc được sử dụng trội hơn, bởi lẽ ngoài lý do đã nói ở trên, nó còn gắn chặt với bối cảnh giao tiếp hơn là NP gì cũng.


1 comment:

  1. Trong bài viết, tác giả MH đã đề cập đến khái niệm “chỉ định”, một khái niệm rất đắc dụng khi bàn về danh ngữ. Nhưng không thấy tác giả đi sâu bình diện lý thuyết của nó..

    Trong lý thuyết NNH hiện đại (tiếng Việt), người ta không phân biệt, hay đúng hơn là chưa nói đến khái niệm “chỉ định” này. (Trừ GS Cao Xuân Hạo. GS CXHạo gọi là "phân biệt" – nhưng không giải thích rõ nội hàm. “Sơ thảo..., tr.214).)

    Nói một cách đơn giản, tính chỉ định (specific) là ngữ nghĩa của NP mà người nói muốn chỉ đến. Rất thích hợp với "nào". Nó khác với tính xác định ở chỗ tính xác định phải được hiển ngôn bằng các dấu hiệu ngữ pháp (ví dụ "này", "kia", "đó", "the", "this"... hoặc các định ngữ hạn định như "NP của nó", "NP mà tôi vừa viết xong"...).

    Nó không phải là tính chủng loại.

    Tính (chủng) loại thì tác giả đã giải thích thêm ở phần 2.1., sau vd 5 rồi. "Sáng" thì không thể có tính loại, vì không thể có "sáng gì" - tức là "loại sáng".

    Khi nghe hỏi "Chị lấy cái áo nào?", trả lời "Cái áo xanh xanh", “Cái áo Sifa” thì "xanh xanh", “Sifa” là định ngữ "phân biệt" để phân biệt với cái áo khác bất kỳ, chứ không phải là loại áo. (Rất khác với trường hợp "Chị lấy áo gì?" "Tôi lấy áo sơ mi" - "áo sơ mi" là chủng loại, chỉ bất kỳ cái áo nào được mang thuộc tính "sơ mi" tồn tại trên thế giới.)

    Cho nên, ở đây, nếu đi sâu hơn về lý thuyết, vai trò của "cái" rất quan trọng. Điều này lại liên quan đến tính đơn vị (và bản chất của nó lại là sự phân lập trong KG và TG). Tác giả không bàn đến khái niệm này có lẽ vì quá phức tạp.

    "Cái áo sơ mi ngoại nào" tức là tất cả/bất kỳ "cái" nào trong cái tập hợp mà người nói chỉ định (áo-sơmi-ngoại) chứ không phải là tất cả/bất kỳ "cái" nào mang thuộc tính "áo", "sơ mi" và "ngoại". Cách hiểu thứ hai liên quan đến gì - nghĩa là tất cả/bất kỳ "cái áo sơ mi ngoại" tồn tại trên thế giới.

    Chính sự đan xen khó hiểu đó sẽ giải thích cho trường hợp khi thì dùng "gì", khi thì dùng "nào".

    ReplyDelete