Monday, 2 January 2012

ÍT - NHIỀU (1)



I.                Nhận xét về ngữ pháp và ngữ nghĩa của ÍT / NHIỀU

Từ điển Hoàng Phê giải nghĩa: ít: “có số lượng nhỏ, hoặc ở mức thấp”, nhiều: “có số lượng lớn, hoặc ở mức cao, trái với ít”.
Quả thật, trong ý niệm của mọi người Việt, ítnhiều là hai từ đối nghĩa. Tuy nhiên, thái độ cú pháp của hai từ chỉ giống nhau ở 2 trường hợp đầu, gần nhau ở trường hợp thứ tư và khác xa nhau ở trường hợp thứ ba.


1.     Trường hợp 1
(1)  Thư viện này ít/nhiều sách (/người/bàn ghế/nhân viên) quá.
(2)  Thư viện này sách (/người/bàn ghế/nhân viên) ít/nhiều quá.
(3)  Tờ báo này rất (hơi/quá) ít/nhiều hình ảnh.
(4)  Tờ báo này hình ảnh rất (/hơi/quá) ít/nhiều.

Trong các ví dụ trên, ít/nhiều đóng vai trò trung tâm của thuyết/vị ngữ, liên kết với đối tượng (diễn đạt bằng một danh từ) ở cả hai vị trí trước và sau (ít/nhiều + N, và N + ít/nhiều).

2.     Trường hợp 2
(5)  Thư viện này có ít/nhiều sách quá.
(6)  Tờ báo này có rất (/hơi/quá) ít/nhiều hình ảnh.
(7)  Anh mất rất ít/nhiều tiền cho căn nhà này.
(8)  Vụ vừa rồi ông kiếm được rất ít/nhiều tiền.

      Ở các ví dụ trên, ít/nhiều cũng liên kết trực tiếp với đối tượng (là một danh từ), nhưng nó lại là bổ ngữ cho một vị từ khác đứng trước.  Nếu không có yếu tố đánh dấu (chẳng hạn những từ chỉ mức độ như ở trên) thì ít được hiểu là “một ít” chứ không nằm trong thế đối lập với nhiều như ở các ví dụ trường hợp 1.

(9)   Chị cố làm thêm giờ để kiếm ít tiền cho cái tết này.
(10) May mắn là cận tết chị cũng kiếm được ít quần áo mới cho các con.

     Ở hai ví dụ vừa nêu có sự bất cân xứng: câu (9) khó thay ít bằng nhiều, câu (10) có thể thay ít bằng nhiều, nhưng ở cả hai câu ít không thể kết hợp với từ chỉ mức độ (vd rất).
  
3.     Trường hợp 3
(11)   a. Nó đã lớn nên ít/*nhiều cần mẹ giúp.     
                b. Nhà đông người nên tôi ít/*nhiều phải nấu cơm.
                c. Người mệt mỏi nên tôi ít/*nhiều muốn đi ra ngoài.
(12)  a. Mấy hôm nay thằng bé có vẻ ít/*nhiều nói.
b. Càng lớn tuổi tôi càng ít/*nhiều đi.
c. Em ít/*nhiều đọc quá thì làm sao giỏi được?
d. Trong khi dạy, tôi rất ít/*nhiều ngồi.
e. Suốt ngày chạy ngoài đồng, thằng bé ít mặc áo.
f. Nó ít ngồi trên ghế.
(13)  a. Dạo này vui nên thằng bé ít/*nhiều nhớ mẹ. 
 b. Nó ít/*nhiều nghĩ đến chuyện cũ.
        c. Thằng bé sống với dì nó nên bà ít/*nhiều lo lắng.
 d. Sống ở đây, thằng bé ít/*nhiều cảm thấy cô đơn.
 e. Nó có vẻ ít/*nhiều biết về lịch sử, đúng không?
 f. Tôi ít/*nhiều thấy nó làm việc nhà.
(14)  a. Rửa bằng oxy già ít/*nhiều xót.
b. Từ khi tập thể dục, làm việc tôi ít/*nhiều mệt hơn trước.
c. Nó luôn chọn cái gì ít/*nhiều mệt để làm.
d. Ban đêm ít/*nhiều nóng hơn.                         
e. Năm nay có vẻ ít/*nhiều lạnh.
f. Bưởi mùa này ít/*nhiều chua.            
g. Trà Bảo Lộc ít/*nhiều đắng nên dễ uống.
(15)  a. Gió ít/*nhiều thổi hướng này.
b. Tháng này lá ít/*nhiều rụng.
c. Mới tập đi nhưng nó ít/*nhiều ngã lắm.
d. Mưa ít/*nhiều tạt vào nhà, không cần đóng cửa đâu!
e. Nhà vùng này ít/*nhiều treo tranh chân dung. 

Nhận xét:
        (i)              Từ những ví dụ trên có thể thấy sự đối xứng về nghĩa và ngữ pháp giữa ítnhiều chỉ thể hiện ở trường hợp 1 và 2, tức là khi nó kết hợp với danh từ để tạo thành một ngữ đoạn lượng tính. Tuy nhiên, sự đối xứng này không phải là sự đối xứng hoàn toàn: ít không thể thay bằng nhiều khi nó xuất hiện trước danh từ với nghĩa là “một ít”, “chút ít” (ví dụ (9) và (10)).

        (ii)            Trong khi đó, biểu hiện bất cân xứng giữa ítnhiều rất rõ rệt ở trường hợp thứ 3: nhiều tuyệt nhiên không thể xuất hiện trước vị từ; trong khi đó ít tỏ ra rất “năng động”, nó có thể đi trước nhiều tiểu loại vị từ khác nhau: vị từ hành động, quá trình, trạng thái và tư thế; nghĩa là [±động] và [±chủ ý], và cả một số vị từ tình thái (vd (11)).  

        (iii)          Khi đi trước vị từ hành động, ít mang đến cho cả phần thuyết ý nghĩa trạng thái. Lý do: vị từ trung tâm của thuyết là ít chứ không còn là vị từ theo sau; do đó, ngay trước ít và sau ít (sau vị từ thứ hai hoặc sau bổ ngữ của vị từ này) hoàn toàn có thể thêm từ chỉ mức độ (rất, hơi, quá).  

        (iv)          Khoảng trống ngữ nghĩa và ngữ pháp mà sự bất cân xứng giữa ítnhiều tạo ra có thể được lấp đầy bằng hay – một yếu tố cũng có tính thang độ. Trong hầu hết các ví dụ ở trường hợp 3, hay có thể thay thế cho ít ở thế đối nghĩa tương ứng. Như vậy, ít trong trường hợp này không khác “ít khi”- một ngữ đoạn biểu thị tần suất của sự tình. Tuy nhiên, [ít + V] không phải bao giờ cũng có thể thay thế bằng [ít khi + V] – khi đầu câu là một ngữ đoạn biểu thị một khúc đoạn thời gian nhất định. Chẳng hạn, so sánh các câu (a) với (b) sau đây:

(16)    a. Hôm nay sao chị ít nói vậy?
     b. ??Hôm nay sao chị ít khi nói vậy?
(17)   a. Dạo này thằng bé ít ăn quá!
     b. ??Dạo này thằng bé ít khi ăn quá!

        (v)            Nói chung, khi một sự tình có thể tri nhận về tần suất thì trước hết nó phải được phân đoạn trên trục thời gian, tức là nó có thể được phân xuất thành lần, thao tác, động tác. Hay nói cách khác, sự tình được thể hiện trong câu có thể được phân lập như một “đơn vị” (+) bên cạnh những “đơn vị” (-) trong thời gian tuyệt đối hoặc tương đối (so sánh với những trường hợp khác có liên quan). Nói “Nó ít đi mua sắm” tức là nhận định rằng “nó đi mua sắm” (+) một vài lần trong chuỗi xen kẽ “không đi mua sắm” (-). Tất nhiên, khi phân xuất như vậy thì sự tình được miêu tả không phải là sự tình được biểu thị bằng vị từ đi sau mà là sự tình được biểu thị bằng ít. Tức là ta có một sự tình quan hệ hoặc tồn tại.

        (vi)          Điều vừa nói trên dẫn đến một hệ quả là những sự tình không thể phân đoạn được thì sẽ không thể mang tính tần suất – nghĩa là ít không phải là ít khi, không đối nghĩa với hay. Vd: 

(18)   a. Nó có vẻ ít biết về lịch sử.
         b. Mẹ nó bỏ rơi nó từ nhỏ nên nó ít thương mẹ nó.
Thông thường, người ta chỉ có thể “biết” hay “không biết” chứ không thể khi biết khi không, do vậy “ít biết” ở đây có nghĩa là “biết ở mức độ thấp” chứ không thể hiểu “ít khi biết”. Tương tự, về tình cảm, “con ít thương mẹ” được hiểu là  “con thương mẹ ở mức độ thấp” chứ khó có thể hiểu khi thương khi không – tất nhiên, khi hiểu “thương” nghĩa là làm hành động gì đó để biểu hiện tình thương thì là chuyện khác. 
    Trường hợp đang nói hoàn toàn khác với “Nó ít nghe mẹ”, “Nó ít nhớ mẹ”.

        (vii)        Một hệ quả khác: Khi diễn đạt một thuộc tính hay trạng thái thường tồn (hay được xem là thường tồn) của một sự vật cụ thể, xác định, khó có thể sử dụng các yếu tố tần suất. So sánh các câu (a) với (b) sau đây:

(19) a. Cái cặp này *ít/*hay làm bằng da.
 b. Loại cặp dành cho học sinh tiểu học ít/hay làm bằng da.
(20) a. Hội sở của Ngân hàng Á châu *ít/*hay nằm ở Quận 1.
 b. Hội sở của các ngân hàng ít/hay nằm ở các quận xa trung tâm.

Bàn thêm về trường hợp 3
            – Ở trường hợp 3, ít có quan hệ trực tiếp với vị từ đi sau, nhưng ngữ nghĩa của nó cũng chịu sự ràng buộc chặt chẽ của các danh ngữ có liên quan. Nghĩa là, ngữ nghĩa của ít sẽ thay đổi tùy vào bản chất ngữ pháp và ngữ nghĩa của danh ngữ làm tham tố. Lấy ví dụ:

(21)    a. Chiếc xe này ít hư lắm.
   b. Xe này ít hư lắm.

Câu trên nhận định về một chiếc xe cụ thể, do đó ít biểu thị nghĩa tần suất ở dạng đơn giản nhất: thỉnh thoảng nó mới hư một lần. Còn câu dưới nhận định về một loại (“xe này”), cho nên có thể giải nghĩa của ít: thỉnh thoảng mới có một/vài chiếc bị hư, chứ không phải là “(rất) ít chiếc xe loại này bị hư”.
   Với cách hiểu như trên, câu “Cái ly này ít vỡ lắm, mua đi!” không được chấp nhận, khác hẳn với “(Loại) ly này ít vỡ lắm, mua đi!”.
    Tương tự:
(22)    a. Nó ít nói về chuyện đó.
         b. Người ta ít nói về chuyện đó.

Câu trên cho biết tần suất của hành động nói của “nó” (ít khi); trong khi câu dưới được hiểu: “thỉnh thoảng mới có người nói về chuyện đó”.
   Như vậy, trong chừng mực nào đó liệu có thể khái quát rằng nghĩa tần suất của ít được nhận thức trên cả trục thời gian lẫn trên tỉ lệ các thực thể được nói đến?
            – Có những trường hợp có thể xem là ít mơ hồ, bởi vì khó có thể cả quyết nghĩa của nó là gì.
Chẳng hạn, khi được bác sĩ hỏi, một bệnh nhân trả lời:

(23)     Tay trái ít đau hơn tay phải.  

Bác sĩ có thể hiểu là tay trái “ít khi đau” nhưng cũng có thể hiểu là “đau ít” hơn tay phải. Tuy nhiên, có lẽ cách hiểu thứ nhất là sự chọn lựa ưu tiên, vì nó hợp hệ thống hơn, và vì cách hiểu thứ hai có nhiều cách diễn đạt khác để chọn lựa (“đau ít hơn”, “không đau bằng”, v.v.).
    Tương tự:
(24)   a. Khúc sông này ít lở (đất) hơn khúc đằng kia.
               b. Bưởi mùa này ít chua.

–     Xét một tình huống phức tạp hơn:
Hai người bạn đang đi qua một đoạn đường rất xấu. Một người nói:

(25)             Xe này ít lắc thật.

Có hai sự mơ hồ: (a) thật sự con đường xấu làm xe lắc chứ chiếc xe không có thuộc tính lắc; (b) ngữ đoạn “xe này” biểu thị tính loại nhưng cũng có thể hiểu là “chiếc xe này” vì “loại xe này” thường không lắc.
Như vậy, câu trên có lẽ nên được hiểu: khi đi qua những đoạn đường xấu, loại xe này lắc ít hơn người ta nghĩ (không phải là “ít khi lắc”). Cách hiểu này có thể được xác nhận nếu thử dùng dạng đối nghĩa của nó:

(26)    a. Xe này ít lắc thật.
   b. *Xe này lắc nhiều thật.
   c. *Xe này hay lắc thật.

       Rõ ràng hai câu trên đều không ổn. May ra có thể nói:

(27)    Xe này lắc dữ/ghê quá!

Trong đó dữ/ghê là từ biểu thị sự đánh giá chủ quan của người nói, không gắn trực tiếp vào thuộc tính “lắc” của xe nên khả chấp (có thể hiểu: “... tôi thấy dữ/ghê quá”).

4.     Trường hợp 4
(28) a. *Nó đã lớn nên cần ít/nhiều mẹ giúp.     
              b. *Nhà đông người nên tôi phải ít/nhiều nấu cơm.
              c. *Người mệt mỏi nên tôi muốn ít/nhiều đi ra ngoài.
              d. Dạo này nó đã ít/*nhiều đi chơi.
              e. Dạo này nó vẫn ít/*nhiều đọc sách.
(29)a. Trong cuộc họp, anh ấy nói ít/nhiều nhưng rất hay.
b. Dạo này chị ấy mua sắm ít/nhiều nhỉ?
c. Em đọc ít hay đọc nhiều là tùy em.
d. Trong khi dạy, tôi ngồi ít/nhiều hơn đứng.
e. *Suốt ngày chạy ngoài đồng, thằng bé đội ít/nhiều mũ.
f. *Mưa mà nó đem ít/nhiều áo mưa.
g. ?Anh nhìn cô ấy ít/nhiều thì sẽ thấy cô ấy đẹp. 
(30) a. Dạo này thằng bé nhớ mẹ ít/nhiều.
 b. Nó nghĩ đến chuyện đó ít/nhiều hơn.
       c. Thằng bé sống với dì nó nên bà lo lắng ít/nhiều hơn.
d. Sống ở đây, thằng bé cảm thấy ít/*nhiều cô đơn.
e. Tôi thấy ít/nhiều người/*cô ấy.
f. Nó có vẻ biết ít/nhiều về lịch sử.
(31)a. ??Rửa bằng oxy già xót ít/nhiều.
b. ??Hôm nay tôi mệt ít/nhiều.
c. ??Nó luôn chọn cái gì mệt ít/nhiều để làm.
d. ??Ban đêm nóng ít/nhiều.                              
e. ??Năm nay có vẻ lạnh ít/nhiều.
f. ??Bưởi mùa này chua ít/nhiều.                       
g. *Trà Bảo Lộc đắng ít/nhiều.
h. *Gần đây cô ấy mập ít/nhiều.
(32) a. ??Tháng này gió thổi ít/nhiều.
b. Tháng này lá rụng ít/nhiều.
c. ??Mới tập đi nhưng nó ngã ít/nhiều lắm.
d. ??Mưa tạt ít/nhiều vào nhà, không cần đóng cửa đâu!
e. Nhà vùng này treo ít/nhiều tranh chân dung.
f. *Cái cửa này đóng ít/nhiều.

    Nhận xét:
(i)              So với trường hợp 3, ở trường hợp 4 tình hình có vẻ kém thuần nhất hơn rất nhiều, khó có thể xác định ngữ nghĩa và hoạt động của ít/nhiều. Lý do: vị từ trung tâm trong thuyết là một vị từ nào đó chứ không phải là ít/nhiều. Chính vị từ này sẽ chi phối các tham tố trong cấu trúc vị ngữ, và do đó sẽ chi phối ít/nhiều.

(ii)            Khả năng hoạt động của nhiều ở vị trí sau vị từ lớn hơn rất nhiều so với trường hợp 3, có thể nói nó tỏ ra tương đương với ít. (Nhiều không cân xứng với ít vì không phải bao giờ nhiều cũng xuất hiện ở vị trí của ít và ngược lại. Chẳng hạn: so sánh nghĩ nhiều/?nghĩ ít, lo lắng nhiều/?lo lắng ít)

(iii)          Có thể nói, những vị từ có ít/nhiều theo sau thì nghĩa của nó phải hàm chứa khả năng lượng hóa theo thang độ ít-nhiều; nếu không ta sẽ có một cấu trúc kém tự nhiên. Chẳng hạn: “ngã ?ít/?nhiều”, “chua ?ít/?nhiều”, “đội ?ít/?nhiều”, v.v..

(iv)          Như vừa nói ở (i), nghĩa của các vị từ tình thái (vd (28)) hay vị từ hành động cùng với các tham tố của nó sẽ dung nạp hay không dung nạp ít/nhiều. Chẳng hạn, “đem ít/nhiều sách/tiền” thì được, nhưng “đem ít/nhiều áo mưa” thì không; “trong cuộc họp, anh ấy nói ít/nhiều quá”, “anh ấy nói nhiều với tôi” thì được, nhưng “anh ấy nói ít với tôi” thì không.

(v)            Trong cấu trúc [ít + V] (như ít đi, ít mua sắm, ít nhớ) ít tác động đến vị từ theo sau, do đó thường có nghĩa tần suất; trong khi đó, ở [V + ít] (như đi ít, mua sắm ít, nhớ ít) ít mang nghĩa mức độ thấp, số lượng thấp liên quan đến đối tượng theo sau nó (đối tượng này có thể xuất hiện như là một tham tố hoặc không). Chẳng hạn, “ít mua sắm” nghĩa là “ít khi (đi) mua sắm”, còn “mua sắm ít” nghĩa là “chỉ mua sắm một vài món”; “ít nhớ” nghĩa là “ít khi, thỉnh thoảng nhớ”, còn “nhớ ít” nghĩa là “không nhớ da diết”. Dù sao thì sự khác biệt về ngữ nghĩa như vừa nói không thể khái quát cho mọi vị từ đứng trước ít.

(vi)          Các vị từ biểu thị trạng thái, quá trình (vd (30)-(32)) có vẻ khó tri nhận theo thang độ ít-nhiều, vì bản thân nó có thể được đánh dấu mức độ (rất/hơi/quá/lắm, v.v.) mà không cần đến ít/nhiều. Nhưng trong nhiều trường hợp chỉ cần thêm vào phần thuyết một ngữ đoạn so sánh “hơn...” thì khả năng được chấp nhận cao hơn. Chẳng hạn: “Rửa bằng oxy già xót ít/nhiều hơn rửa bằng cồn” (vs. (31a), “Hôm nay tôi mệt ít/nhiều hơn hôm qua” (vs. (31b); “nó ngã ít/nhiều hơn thằng bé kia” (vs. (32c)).

(vii)        Về ngữ pháp và ngữ nghĩa, cần phân biệt quan hệ giữa các thành phần trong cấu trúc (a) [V + (ít/nhiều + NP)Obj] và (b) [V + ít/nhiềuadv + NPObj] và (c) [V + ít/nhiều + Ø]. Chẳng hạn:

       ở (a) ta có “mua ít thịt, nhiều cá”, “đi ít/nhiều nơi”;
       ở (b) ít/nhiều là một phó từ (trạng từ, phụ từ - adverb) của vị từ đứng trước, nó có thể đứng ngay sau vị từ hoặc gián cách vị từ bởi một danh ngữ đối tượng; Vd: “nhớ mẹ ít/nhiều”, “lo lắng về chuyện tiền bạc ít/nhiều hơn” (vs. “lo lắng (là) ít/nhiều tiền quá”);
       ở (c) danh ngữ sau ít/nhiều là zéro, khi đó nghĩa của nó mơ hồ; Vd: “nói ít” là không nói dài, chỉ vài lời, “nói nhiều” có thể có nghĩa ngược lại, nhưng cũng có thể có nghĩa thuộc tính (“một người nói nhiều” - đối nghĩa với “hay nói”); “đi ít” có thể hiểu là thỉnh thoảng mới đi, đi đoạn đường ngắn, đi vài bước (vì bị đau), “đi nhiều” thì ngược lại.

Như vậy, qua những điểm nhận xét trên có thể nói, với ít/nhiều đi sau V khó lòng khái quát quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa của nó.


No comments:

Post a Comment