XỨNG
Cấu trúc: A xứng
với B.
A và B là những danh
ngữ chỉ vật, động vật, người, sự việc, v.v..
“A xứng với B” tức là A tương ứng với B về
giá trị.
(1)Bộ bàn ghế này không xứng với
căn nhà.
(2)Hai cô cậu đó rất xứng với
nhau.
(3)Tiền lương không xứng với
công sức bỏ ra.
(4)Công việc đó không xứng với
anh.
(5)Phải đổi xe thôi! Chiếc xe
cà tàng này không xứng với mình.
Có thể thấy xứng khác với hợp ở chỗ xứng bao giờ
cũng được nhìn nhận trên trục giá trị cao thấp, tốt xấu, sang hèn; trong khi đó
hợp không hàm nghĩa giá trị như vậy.
Hay nói khái quát hơn, xứng nhìn nhận
sự tương ứng giữa hai thực thể trên một chuẩn dương tính (B được chọn là chuẩn,
và ở bậc cao hơn trên thang độ), còn hợp
nhìn nhận sự tương ứng giữa hai sự vật trong quan hệ tương đối với nhau.
So sánh lần lượt
(1) – (5) với (6) – (10):
(6)Bộ bàn ghế này không hợp với
căn nhà.
(7)Hai cô cậu đó rất hợp với
nhau.
(8)Công việc đó không hợp với
anh.
(9)*Tiền lương không hợp với
công sức bỏ ra.
(10)Chiếc xe này 150 phân khối,
không hợp với chị.
Bộ bàn ghế không xứng với căn nhà là vì nó quá cũ kỹ, xấu
xí, rẻ tiền, trong khi căn nhà thì đẹp và sang trọng. Còn bộ bàn ghế không hợp với căn nhà vì nó bọc simili đỏ (rất đẹp) trong khi căn nhà có kiến trúc cổ.
Hai người xứng với nhau vì cả hai đều là bác sĩ, cả
hai đều sinh ra trong gia đình gia giáo, cả hai đều đẹp đẽ, thanh lịch. Còn hai
người hợp nhau có thể là vì cùng
thích trời trang, cùng thích karaoke, cùng hướng ngoại.
Công việc đó không
xứng với anh, vì anh là một kỹ sư mà
lại đi làm bảo vệ. Còn công việc đó không hợp
với anh, vì anh là một kỹ sư phầm mềm lại được giao làm trưởng phòng tiếp thị.
Câu (9) bất khả chấp
vì công sức luôn được xem là chuẩn để trả lương.
ĐÁNG
Cấu trúc (i): A đáng VP.
A là một danh ngữ
chỉ vật, động vật, người, sự việc, v.v., là đối thể của vị từ theo sau.
V là một ngữ vị từ
(động từ hay tính từ).
“A đáng V” tức là A có đủ điều kiện hay giá
trị để bị/được V hoặc để X thực hiện V (Lưu ý: X là chủ thể của V, không hiện
diện trong cấu trúc). Cái “tư cách” này có thể mang bất cứ giá trị gì, cả dương
và âm.)
(11)Cái túi xách đó 500 ngàn
thì cũng đáng mua. Nó sang trọng quá!
(12)Lời nói của anh ta không
đáng tin đâu!
(13)Hành động đó rất đáng trân trọng.
(14)Món đó đáng thử đấy!
(15)Một hành động khuất tất như
vậy không đáng làm đâu!
(16)Hành động của con đáng phạt
không?
Cấu trúc (ii): A đáng/không đáng.
Ở trường hợp này có thể xem là vị từ theo sau đã bị tỉnh lược.
(17)Anh đừng giận nó nữa. Chuyện
đó không đáng đâu!
(18)Anh bỏ công sức để chạy
theo danh hiệu. Liệu có đáng không?
(19)Một triệu à? Cũng đáng!
Cấu trúc (iii): A đáng B.
Ở trường hợp này
(ít dùng hơn) sau đáng là một danh ngữ
dùng để định lượng cho “tư cách” của A. Nghĩa là nghĩa của đáng cũng không có gì khác với trường hợp chính đã nói ở trên.
(20)Kết quả như vậy thì cũng
đáng đồng tiền bát gạo.
(21)Kể ra, được trả như vậy thì
cũng đáng công!
(22)Lời khen của ông ấy đáng
giá đấy!
(23)Cái túi xách đó chỉ đáng
vài chục ngàn thôi, tiếc làm gì!
Chú thích: Về đáng,
có một số kết hợp thường dùng:
đáng giá; đáng công;
đáng đồng tiền; đáng đồng tiền bát gạo;
đáng mặt; đáng mặt đàn ông;
đáng kể; đáng nhớ;
đáng tin; đáng nói;
đáng yêu; đáng thương;
đáng buồn; v.v..
XỨNG ĐÁNG
Cấu trúc (i): A xứng
đáng với B.
A và B là những
danh ngữ chỉ vật, động vật, người, công việc, v.v..
“A xứng đáng với B”: giống xứng:
A tương ứng với B về giá trị (B bao giờ cũng là giá trị chuẩn và có giá trị bậc
cao hơn); khác xứng: A có đủ giá trị để được/có B.
(24)Anh Nam không xứng đáng với
cái ghế trưởng phòng.
(25)Anh Nam xứng đáng với cô ấy.
(26)Cuốn tiểu thuyết này rất xứng
đáng với giải Nobel.
(27)Anh Nam xứng đáng với những
lời khen tặng đó.
Điều vừa nói trên cho
thấy xứng đáng có quan hệ một chiều
(A→B), trong khi xứng có thể có quan hệ hai chiều (A↔B).
So sánh:
(28)Anh Nam xứng với cô ấy.
(29)Cô ấy xứng với anh Nam.
(30)Hai người xứng với nhau.
(31)Anh Nam xứng đáng với cô ấy.
(32)??Cô ấy xứng đáng với anh
Nam.
(33)*Hai người xứng đáng với
nhau.
(Về ngữ pháp, câu
(32) không sai, nhưng nó hoàn toàn không tương ứng với câu (31)).
Tương tự, không thể
nói:
(34)*Giải Nobel xứng đáng với
cuốn tiểu thuyết này.
(35)*Những lời khen tặng đó xứng
đáng với anh Nam.
(Tất nhiên, cũng không thể loại trừ một sự ràng buộc mang
tính tri nhận: trong nhiều trường hợp người ta khó chấp nhận kiểu đảo chiều
quan hệ giữa A và B (vd (34)) vì lý do tương tự như khi người ta nói “chiếc xe
đậu trước căn nhà” chứ không thể nói “căn nhà nằm trước chiếc xe”.)
Cấu trúc (ii): A xứng đáng + VP.
VP là một ngữ vị từ,
có thể có hoặc không có bổ ngữ.
“A xứng đáng + VP” tức là A có đủ giá trị
để thực hiện hành động hay mang trạng thái/thuộc tính mà thành phần VP thể hiện
– A là chủ thể của V.
(36)Anh ta xứng đáng làm thủ
lĩnh.
(37)Con thật xứng đáng là con của
bố mẹ.
(38)Chị xứng đáng đại diện cho
phụ nữ làng này.
(39)Thành công này xứng đáng được
tuyên dương.
Có thể diễn giải:
(36): Anh ta đủ
giá trị để làm thủ lĩnh; (37): Con đủ giá trị để là con của bố mẹ; (38): Chị đủ
giá trị để đại diện cho phụ nữ làng này; (39): Thành công này đủ giá trị để được
tuyên dương.
Điều này khác với đáng: A đáng VP là A đáng bị/được V, hoặc đáng để X
thực hiện V, nghĩa là A là đối thể của V chứ không phải là chủ thể.
Nói rõ hơn: “Cái áo đó đáng mua” có thể diễn giải:
“Cái áo đó có đủ giá trị (đẹp/rẻ/bền…) để được người ta (/chị/tôi…)
mua”; trong đó người ta/chị/tôi có thể xem là ẩn mặt.
Có thể xem cách diễn giải này là cách phân biệt đáng với xứng đáng.
(Trong trường hợp
này, không có sự chia sẻ nào giữa xứng
đáng và xứng.)
Như vậy, sẽ có những
câu khó được chấp nhận, chẳng hạn:
(40)*Cái áo đó xứng đáng mua.
(41)*Thằng bé xứng đáng yêu
quá!
(42)*Đây là công thức xứng đáng
nhớ.
(43)*Hành động đó không xứng
đáng trọng.
(44)*Tốc độ tăng trưởng không xứng
đáng kể.
Tuy nhiên, có 2
trường hợp phức tạp:
a.
Sau đáng
và xứng đáng là ngữ vị từ bị/được
+ VP
b.
Sau đáng
và xứng đáng là một giới ngữ để
+ VP.
Trường hợp (a):
(45) a. Hành động đó đáng khen
đấy!
b. *Hành động đó xứng đáng khen đấy!
(46) a. Hành động đó đáng được
khen đấy!
b. Hành động đó xứng đáng được khen đấy!
Ở (45), xứng đáng không thể thay cho đáng. Nhưng ở (46), với sự hiện diện của
được,
xứng đáng có thể thay cho đáng.
Có thể diễn giải
(46a): “Hành động đó đủ giá trị để được khen” – tức là không khác gì cách diễn
giải (36) – (39).
Có thể diễn giải
(46b): “Hành động đó đủ giá trị để được người ta/ông hiệu trưởng khen” – tức là
không khác gì cách diễn giải của ví dụ về “cái áo” ở trên.
Trường hợp (b):
(47) a. Chiếc áo đó xứng đáng để
chị mặc trong ngày cưới.
b. Chiếc áo đó đáng để chị mặc trong ngày
cưới.
c. Chiếc áo đó đáng mặc trong ngày cưới.
Câu (47c) có thể
diễn giải thành (47b) tương tự ví dụ về “cái áo” ở trên. Và câu (47a) cũng hoàn
toàn không có gì khác biệt về cả ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp.
Theo suy nghĩ của
tội, sở dĩ có hiện tượng này là vì xứng
đáng có một cách dùng tương đồng với cấu trúc (ii) của đáng, như sau:
Cấu trúc (iii): A xứng đáng/không xứng đáng.
(48) (Chị thấy cái áo này mặc
trong ngày cưới được không? Có “thường” lắm không?)
a. Được đấy! Cái áo đó xứng đáng đấy!
b. Không được đâu! Nó không xứng đáng đâu!
(49) (Anh nghĩ, mình nên bầu ai
làm trưởng khoa? Ông Hà hay ông Tú?)
Ông Hà không xứng đáng. Ông Tú xứng đáng hơn.
Tất nhiên, ở hai
ví dụ này cũng có thể xem là những cách dùng tỉnh lược (hoặc tỉnh lược với B
như cầu trúc (i) hoặc tỉnh lược VP như cấu trúc (ii)).
Ở (48a) có thể diễn
giải: “Cái áo đó xứng đáng với chị / xứng đáng với ngày cưới”; hoặc “Cái áo đó
xứng đáng được mặc trong ngày cưới”.
Ở (49) có thể diễn
giải: “Ông Hà không xứng đáng làm trưởng khoa. Ông Tú xứng đáng làm trưởng
khoa”.
Tuy nhiên, dù giải
thích như thế nào thì vẫn phải chấp nhận tình trạng giao nhau giữa xứng đáng và đáng ở hai trường hợp (a) và (b) nói trên.
No comments:
Post a Comment