Nhiều
người cho rằng lượng dùng với những
danh từ/ngữ không đếm được còn số/số lượng
thì đi với danh từ/ngữ đếm được. Cách hiểu này tỏ ra không bao quát được tất cả
các trường hợp dùng 3 từ này.
A.
LƯỢNG
Lượng thường đi trước những danh từ/ngữ
biểu thị những vật thể (chúng tôi dùng khái niệm này để gọi chung cả người, hiện
tượng, sự việc được danh hóa) không đếm được, trước hết là những danh từ biểu
thị chất liệu; trong khi đó số thường
dùng để biểu thị những vật thể đếm được. (Vật
thể chứ không phải là danh từ đếm được
hay danh từ không đếm được.)
(1)
Lượng mưa hằng năm là 1500mm.
(2)
Lượng canxi trong viên thuốc này là 10mg.
(3)
Lượng độc chất này đủ giết chết một con voi.
(4)
Lượng xe lưu thông trên đường gia tăng mạnh, đã vượt
tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
(5)
Số/số lượng học sinh đạt điểm 10 đã giảm so với
năm ngoái.
(6)
Số/số lượng bài sinh viên nộp là 35.
(7)
Số/số lượng học bổng của chương trình quá ít
trong khi học phí phải đóng khá cao.
Ở đây có một điều
quan trọng: trong tư duy của người Việt Nam, một vật thể có thể đếm được hay
không là căn cứ vào hình thức tồn tại trong tự nhiên của nó.
Nếu vật thể tồn tại
phân lập trong không gian, theo tư duy người Việt, thì được xem là đếm được; nếu
ngược lại là không đếm được.
Nếu xét về tính “phân
lập” trong không gian như trên thì rõ ràng số
sẽ đi với danh từ đơn vị (tức loại từ, là lớp từ mà đặc trưng ngữ nghĩa cơ bản
của nó là tính phân lập trong không gian, thành từng cá thể), còn lượng sẽ đi với danh từ khối (tức danh từ
“thường”, đặc trưng ngữ nghĩa cơ bản là biểu hiện loại, chất liệu); vì người Việt
đếm bằng cái, con, bức, trận, v.v. chứ
không đếm bằng ghế, bò, tranh, mưa,
v.v..
Ta sẽ có:
- số trận mưa – lượng mưa
- số giờ nắng – lượng nắng
- số ly/chai/hồ nước – lượng nước
- số viên can-xi – lượng can-xi
- số tin/mẩu tin – lượng thông tin
- số cây thông – lượng dầu thông
- số mặt hàng – lượng hàng hóa
- số đầu sách phát hành – lượng sách phát hành
Xét ở góc độ này, sự đối lập giữa số và lượng khá rạch ròi.
Theo “ngữ pháp truyền
thống” (?) danh từ đếm được là những từ như bàn, ghế, sách, bút, sông, xe,
v.v.; danh từ không đếm được là sữa, đường, nước, bia, v.v.; loại từ thì không
được xem là đếm được hay không, dù ai cũng biết là người VN đếm ba cuốn sách, hai chiếc xe chứ không phải ba
sách, hai xe. Và nếu hiểu chặt chẽ,
thì vẫn có thể đếm được hai ly sữa, ba muỗng đường. Nói điều này để thấy rằng
miêu tả ngữ pháp bằng những khái niệm quen thuộc (đếm được – không đếm được)
không chắc là tiện lợi hơn: nếu nói lượng
đi với danh từ không đếm được thì sẽ loại bỏ cách nói hết sức đúng ngữ pháp của
tiếng Việt, chẳng hạn lượng xe, lượng
sách, lượng tài liệu, lượng bài, v.v..
B.
SỐ
Số đi với danh từ đơn vị, đây là một đặc
trưng mà lượng không có được.
Tuy
nhiên, trong thực tế sử dụng tiếng Việt, những trường hợp số được dùng trước những danh từ khối cũng rất nhiều, nếu không muốn
nói là nhiều hơn (và tự nhiên hơn) những trường hợp dùng
trước danh từ đơn vị. Ví dụ:
(8)
Số bàn cần thanh lý đợt này là 60 cái.
(9)
Cơ quan kiểm dịch sẽ tiêm phòng cho số trâu nhiễm
bệnh.
(10) Chính phủ quyết định tịch thu số xe nhập lậu.
Và nó đứng trước cả
những danh từ khối biểu thị chất liệu – thường được hiểu là danh từ không đếm
được “chính danh”:
(11)
Số nước cất trong kho dược chỉ đủ dùng
trong 2 ngày.
(12)
Anh làm gì với số xi măng chết này?
(13)
Bà không hy vọng gì tìm lại số vàng đã mất.
(14)
Số lúa đó coi như tôi cho luôn vợ chồng
anh.
(15)
Sau khi lập biên bản xong thì số ma túy
đó biến mất.
Rõ ràng, nếu căn cứ
trên tính [± đếm được]
của danh từ/ngữ thì sẽ không có sự phân biệt giữa số và lượng.
Như trên vừa nói, lượng đứng trước danh từ khối (chỉ loại như
xe, sách, chỉ chất liệu như sữa, đường), số đứng trước danh từ đơn vị (như trận, ngày, học sinh) và danh từ khối (cả xe, sách, cả sữa, đường).
Tuy
nhiên, có một sự “phân bố bổ sung” khá đều đặn giữa lượng và số khi cùng đứng
trước danh từ khối chỉ loại: lượng thường
biểu thị số lượng lớn, không giới hạn và không xác định, trong khi số biểu thị lượng có giới hạn và thường
là xác định.
(16)
a. Lượng/??số xe lưu thông đã vượt quá sức chịu
đựng của hệ thống đường sá nội thị.
b.
Số/*lượng xe gửi ở đây là của nhân viên công ty.
(17)
a. Lượng/*số hàng hóa trao đổi giữa hai nước
ngày càng tăng.
b. Hải quan quyết định thu giữ số/*lượng hàng hóa này.
c. Số/*lượng hàng hóa bị thu giữ này không có người nhận.
(18)
a. Số/*lượng tiền kiếm được nó đưa hết cho mẹ.
b. Các ngân hàng không kiểm soát được lượng/*số tiền lưu
thông trên thị trường.
(19)
a. Số/??lượng tiền mặt mang theo cũng đủ để mua
sắm, không cần đến thẻ.
b. Lượng/*số tiền mặt lưu thông trên thị trường càng lớn thì
nguy cơ lạm phát càng cao.
(Do đặc điểm này, có
thể rút ra một nhận xét mang tính thực hành: thường đi với số là những danh từ/ngữ biểu thị những vật thể cụ thể, liên quan đến
sinh hoạt hàng ngày của một cá nhân hay gia đình; trong khi đó, thường đi với lượng là những danh từ/ngữ biểu thị những
vật thể hiểu khái quát hay có khối lượng lớn, có tính chất vĩ mô, liên quan đến
kinh tế, xã hội của cơ quan, tổ chức, quốc gia, thế giới.)
Ngoài
ra, còn một biểu hiện quan trọng của số:
khi đứng trước danh từ khối và có định ngữ hạn định (như số vàng nhập lậu, số sách này, số trâu nhiễm bệnh, v.v.) thì số hành chức như một danh từ đơn vị (loại
từ) biểu
thị một tập hợp toàn khối có thể đếm được, tính toán được của vật thể
theo sau.
Chính vì biểu hiện này số có thể dễ dàng được thay thế bằng một
danh từ đơn vị (biểu thị) tập hợp, chẳng hạn:
- số trâu bị bệnh – đàn/đám trâu bị bệnh
- số xe này – đống/đám/mớ xe này
- số vàng nhập lậu – mớ/đống vàng nhập lậu
- số ma túy đó – đống/gói/ ma túy đó
- số nợ – phần/đống nợ
- số lãi – phần lãi
- số dư – phần dư
- số ruộng – phần/đám ruộng, v.v..
Hơn nữa, do mang đặc trưng của danh từ đơn vị, số có thể làm trung tâm của những ngữ đoạn
như sau:
(20)
Chị thấy số đó đẹp không? (số/đống/mớ quần áo)
(21)
Số này tôi tặng thư viện, số còn lại cậu cứ lấy
hết đi. (số/đống/mớ/phần sách)
Thậm chí, nó có thể đứng một mình làm thành ngữ đoạn hoặc kết
hợp với quán từ bất định một:
(22)
Sách này anh cho tôi à? Tôi lấy một số thôi.
(23)
Lớp học như cái kho chứa đồ cũ vậy: bàn ghế (một)
số thì hư, (một) số thì gãy.
(24)
Cả trung đội tan tác: (một) số chết, (một) số bị
thương, (một) số đào ngũ.
(Ghi chú: Số hoạt động như một danh từ đơn vị chứ
không thực sự là danh từ đơn vị, vì nó không được đếm như những danh từ đơn vị
bình thường (không nói hai/ba/nhiều số
sách).)
C.
SỐ LƯỢNG
– Số lượng có thể đứng trước một danh từ/ngữ
mang ý nghĩa chủng loại hay tập hợp (danh từ khối như bàn, bò, tranh, hoặc danh ngữ đẳng lập như quần áo, sách báo, trâu bò) – tương tự số.
(25)
Ông là họa sĩ có số lượng/số tranh bán được nhiều
nhất trong cuộc triển lãm.
(26)
Trong tuần qua, số lượng/số xe bị tạm giữ là 567
chiếc.
(27)
Diễn đàn này có số lượng/số thành viên cao nhất.
(28)
Số lượng/số sách báo phát hành hằng ngày lên đến
hàng ngàn tờ.
– Nếu theo sau là một
danh từ/ngữ Hán Việt hoặc vay mượn Ấn Âu thì số và số lượng có thể xem
là đồng nhất: số/số lượng học sinh, bệnh nhân, thành viên, ủy viên, vũ
khí, trang phục, cơ quan, tổ chức, tivi, điện thoại, iPad, laptop, netbook,
v.v.. Có lẽ lý do là những danh từ/ngữ loại này mang thuộc tính chủng loại hoặc
tập hợp hơn là mang tính đơn vị – dù rằng người Việt vẫn có thể nói 12 thành viên, 5 tổ chức, 2 tivi, 3 laptop.
– Nếu theo sau là một
danh từ đơn vị chính danh thì có thể dùng số
chứ khó có thể dùng số lượng. Chẳng hạn:
(29)
Số/?số lượng bộ đồng phục đăng ký là 800. (ss: số
lượng đồng phục)
(30)
Chúng tôi đã gửi thống kê số/??số lượng con bò
chết trong tuần qua.
(31)
Số/?số lượng giường bệnh tính theo đầu người ở
vùng này rất thấp.
(32)
Hỏi: Số/*số lượng viên kẹo mỗi em được nhận là
bao nhiêu?
(33)
Tai nạn giao thông quý I giảm cả về số/*số lượng
vụ lẫn số/?? số lượng người chết.
(Ghi chú: Theo ghi nhận của chúng tôi,
thật ra, ngay cả số cũng rất ít khi
đi với danh từ đơn vị, đặc biệt là cái,
con, chiếc và theo sau là những danh
từ biểu thị những vật thể “thông thường”, vì kém tự nhiên. Thử so sánh:
- số căn nhà bị cháy – ?số cái ghế bị gãy
- số đầu gia súc xuất chuồng – ?số con gà làm thịt
- số vụ tai nạn giao thông – ?số chiếc xe bị hư
- số thùng chén đĩa bị vỡ – ?số cái đĩa bị vỡ
Về hiện tượng “kém tự nhiên” này, chúng
tôi xin để ngỏ.)
–
Đứng trước những danh ngữ có lượng từ các,
những, mỗi, từng thường là số lượng
chứ không thể là số (hay lượng).
(34)
Hầu hết các trường đều tuyển thẳng không hạn chế
số lượng các TS trong đội tuyển Olympic quốc tế năm 2011.
(35)
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy “số lượng các thứ
trưởng thuộc các bộ quá nhiều so với quy định của CP”.
(36)
Bộ Nội vụ khẳng định: cơ cấu tổ chức Chính phủ
khóa sau tinh gọn, hợp lý hơn khóa trước; số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc chính phủ từ 48 cơ quan năm 2001 đến 2010 còn 30 cơ quan; giảm
được 18 cơ quan.
(37)
Số lượng những thuê bao không đăng ký hoặc đăng
ký “ảo” lên đến hàng triệu.
(38)
Chị kê khai cụ thể số lượng mỗi/từng loại (giấy
bạc) nhé!
–
Trong thực tế sử dụng, có thể thấy thường không dùng số lượng mà dùng số cho
những lượng đã hạn định, được xem là ít. Chẳng hạn: khó nói số lượng người trong gia đình, số lượng bạn
bè, số lượng bạn thân, số lượng trứng/chén đĩa bị vỡ, số lượng món ăn trong bữa tiệc, v.v..
– Xét về ngữ pháp lẫn
ngữ nghĩa, số với tư cách là danh từ
đơn vị (như vừa nói ở trên) không thể thay bằng số lượng. Các câu sau đây không thể dùng số lượng:
(39)
Ai sẽ trả tiền số sách đó?
(40)
Số quần áo này chị tặng cho trẻ em nghèo.
(41)
Siêu thị sẽ chuyển số hàng đã có hóa đơn đến tận
nhà.
(42)
Tôi muốn báo cáo cách xử lý số trâu bò bị nhiễm
bệnh.
Do số
lượng không có đặc trưng của một danh từ đơn vị như số, nó không thể đi với các danh từ khối biểu thị chất
liệu. (Không thể nói: số lượng
vàng, số lượng ma túy, số lượng thịt, số lượng vitamin, số lượng đất, số lượng
nước, v.v..).
Chú
thích:
Khi diễn đạt khái niệm lượng với tư
cách là một bình diện của sự vật (nói nôm na là “đối trọng” của chất lượng) thì hầu như chỉ dùng số lượng chứ không dùng số, và hiếm khi dùng lượng. Xét về mặt này thì số và số lượng là hai khái niệm
không đồng nhất với nhau cả về khả năng hoạt động và ngữ nghĩa.
(43)
Quý 1/2011 xuất khẩu gạo đạt cao nhất về số lượng
và giá trị.
(44) Loài quạ có khả năng phân biệt những ký hiệu thể
hiện số lượng giống như con người.
(45) Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh thanh tra Bộ
GD-ĐT cho biết kỳ thi năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục điều động lực lượng thanh tra ủy
quyền từ các trường ĐH, CĐ về coi thi ở các địa phương; số lượng tương đương với
năm 2010.
(46) ĐH Quốc gia Hà Nội ưu tiên xét tuyển các đối tượng
theo quy định không hạn chế số lượng.
Ở các ví dụ trên, số (và lượng) tuyệt nhiên không thể thay cho số lượng.
Do đặc điểm này, số lượng có thể đi với ngay trước các
con số; trong khi đó, nếu muốn kết hợp với các con số thì số cần phải có định ngữ là danh từ biểu thị vật thể.
(47)
Số lượng/*số 300 cái một ngày không phải là quá
sức đối với công nhân. (ss: Số áo 300 cái…)
(48) “Hoa học trò” phát hành mỗi tuần một kỳ với số
lượng/*số gần 20 vạn bản.
(49) Thế khai nhận hằng ngày mua bình gas không rõ nguồn gốc trên thị trường,
về sang chiết vào bình gas mini rồi đem đi tiêu thụ với số lượng/*số khoảng 100
bình/ngày.
No comments:
Post a Comment