Thursday, 18 October 2012

CÒN


     Trong một bài viết trước, tôi đã khảo sát còn trong quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa với vẫn. Ở bài này tôi xin bàn về “cái” còn khác.

I.          Còn, liên từ, liên kết hai cấu trúc đề - thuyết (hai mệnh đề) với hai đề khác nhau. Hay nói cách khác, với tư cách liên từ, còn đánh dấu sự chuyển đề.

(1) Thằng anh rất chăm, còn thằng em thì lười lắm.
(2) Bố nó chạy xe ôm, còn mẹ nó ở nhà làm nội trợ.
(3) Tôi không thích, còn chị (thì sao)?
(4) Hôm qua hơi vắng khách, còn hôm nay thì chưa biết thế nào.


Về còn này, theo tôi có hai vấn đề đáng quan tâm:              
  • Trong đa số trường hợp, có lẽ còn thích hợp hơn nhưng khi chuyển dịch but tiếng Anh, nếu không có sự ràng buộc ngữ dụng nào.
Ở câu (1) và câu (2) nếu thay còn bằng nhưng:
(5) Thằng anh rất chăm, nhưng thằng em thì lười lắm.
(6) Bố nó chạy xe ôm, nhưng mẹ nó ở nhà làm nội trợ.
thì sẽ xuất hiện hàm ý: chẳng hạn ở (5) người nói muốn bác bỏ ý (của người đối diện) rằng hai anh em thì giống tính nhau; ở (6) người nói nghĩ rằng lẽ ra mẹ nó cũng phải làm cái gì đó để kiếm thêm thu nhập, v.v.. Với còn, những hàm ý tương tự như vậy sẽ không có. Hay nói đúng hơn, còn trung tính trong những phát ngôn có 2 đề phân biệt và 2 thuyết đối nghĩa nhau.

     Do điều vừa nói, ở những phát ngôn sau đây không thể thay nhưng bằng còn:
(7) Ông chồng kiếm được nhiều tiền lắm, nhưng bà vợ rất tằn tiện. Họ giàu cũng phải.
(8) ??Ông chồng kiếm được nhiều tiền lắm, còn bà vợ rất tằn tiện. Họ giàu cũng phải.
(9) Cái xác nó lớn, nhưng cái gan nó nhỏ.
(10) ??Cái xác nó lớn, còn cái gan nó nhỏ.

     Cũng có những phát ngôn còn khó thay bằng nhưng:
(11) Cái màu nâu của tôi, còn cái màu xanh của em gái tôi.
(12) ?Cái màu nâu của tôi, nhưng cái màu xanh của em gái tôi.
(13) Hôm nay anh ấy có ở nhà, còn ngày mai thì anh ấy phải về vùng Hạ rồi.
(14) ?Hôm nay anh ấy có ở nhà, nhưng ngày mai thì anh ấy phải về vùng Hạ rồi.

     Đặc biệt, những câu nghi vấn càng khó có thể thay còn bằng nhưng (lý do là khó hình dung được quan hệ đối lập giữa một sự tình đã biết và một sự tình chưa biết):

(15) Phở bò ngon, còn phở gà thế nào?
(16) ??Phở bò ngon, nhưng phở gà thế nào?
(17) Chị không thích đi ăn ở những chỗ như thế này, còn chồng chị thì sao?
(18) ??Chị không thích đi ăn ở những chỗ như thế này, nhưng chồng chị thì sao?

  • Trong trường hợp chỉ có một đề (đề không đổi), còn lại có vai trò khá kỳ lạ (vì có hiện tượng bất đối xứng giữa 2 đề của hai vế câu): nó đánh dấu sự chuyển đổi bổ ngữ (đối tượng được đề cập) và “đề bạt” bổ ngữ này lên thành đề.

(19) Bố tôi thích những thằng con trai mạnh mẽ, còn những gã gà mái thì ghét thậm tệ.
(20) Ông chỉ lo cứu mấy chậu kiểng quý của ông, còn đám mạ thì ông phó mặc cho trời.
(21) Mấy ngày nghỉ thằng bé chỉ đi chơi, còn bài vở thì chẳng ngó ngàng gì tới.

     (Quả thật, hiện tượng bất đối xứng này rất khó giải thích. Tôi ngờ rằng ở đây có vai trò của người đối thoại: chính mối quan tâm của người đối thoại buộc người nói phải chuyển chủ đề. Ở những câu trên không thấy có mặt người đối thoại, nhưng có thể cho rằng người nói đoán biết rằng người đối thoại sẽ thắc mắc về chuyện khác hay bình diện khác của điều vừa đề cập – khi nhắc đến chuyện đi chơi của thằng bé thì sẽ nảy sinh thắc mắc về chuyện học hành của nó, khi nhắc đến mấy chậu kiểng thì sẽ nảy sinh thắc mắc về số phận của đám mạ, v.v. – nên đã lấy nó làm đề cho phần phát ngôn tiếp theo. Về bản chất, chính thông tin hiển ngôn và hàm ý trong vế câu đầu đòi hỏi thông tin bổ sung ở vế câu tiếp theo; đó là chưa nói đến quan hệ giữa người nói, người nghe và sự tình được nói đến. Dù sao đây chỉ là một ý kiến, không lấy gì làm chắc.)


II.        Còn ngữ pháp hóa
     Chúng ta thử xét những phát ngôn quen thuộc sau đây:
(22)        – Ở đây chỉ có mỗi anh Nam biết ngoại ngữ!
         – Không, còn anh Hà, anh Hà nói được tiếng Nhật.
(23) Ở đây, ngoài anh Nam (biết ngoại ngữ), còn có anh Hà biết ngoại ngữ.

(24)        – Buổi tối Na rất bận. Nghe nói cô ấy đang đi học thêm tiếng Anh.
         Còn tiếng Pháp nữa. Cô ấy còn học tiếng Pháp nữa.
(25) Buổi tối Na rất bận. Cô ấy học tiếng Anh, và còn học tiếng Pháp nữa. // Ngoài tiếng Anh, Na còn học tiếng Pháp. // Cô Na, ngoài tiếng Anh, còn học tiếng Pháp.

Ở vd (22), “anh Nam [có thuộc tính X]”, chưa phải đã hết, “còn có anh Hà [có thuộc tính Y]”.
Ở vd (24), “cô Na [có thuộc tính X]”, chưa phải đã hết, “(cô ấy) còn [có thuộc tính Y]”.
     Có thể thấy ngữ đoạn thêm vào ở giữa câu (chưa phải đã hết), theo chúng tôi, là ngữ đoạn biểu thị tình thái chủ quan của người nói, nó hiển ngôn – hay đúng hơn, nó diễn giải – cho liên từ còn ở các lời đáp (22) và (24). Nghĩa là liên từ còn vẫn mang dáng dấp của một vị từ (với nghĩa là “chưa hết”).
     Trong khi đó, với cấu trúc “ngoài... (ra), ... còn...”,  còn lại đóng vai trò một vị từ tình thái, cũng biểu thị tình thái chủ quan của người nói (câu (23) và (25)). Nếu không kể đến sự khác biệt ngữ pháp của còn trong mỗi trường hợp thì giữa (22) và (23), giữa (24) và (25) hầu như không có gì khác biệt.

     Chúng tôi cho rằng còn trong trường hợp đang bàn là một thứ còn đang quá trình ngữ pháp hóa: nó là còn vị từ (đối nghĩa với hết) đang chuyển thành còn liên từ (mang ý nghĩa đối lập-bổ sung).

     Hiện tượng vừa đề cập thể hiện nhất quán ở các trường hợp gần gũi:
        -          không chỉ... (mà) còn...
        -          đã... (lại) còn...
        -          thà... còn hơn...

     Cách diễn giải trên có thể ứng dụng cho những phát ngôn sau:
(26)        - Thằng Tèo giỏi toán thật!
         - Cái Na còn giỏi hơn!  
                     // Còn cái Na, cái Na giỏi hơn!
                     // Còn cái Na, cái Na còn giỏi hơn!
(27) Hôm nay 34 độ, mà nghe nói ngày mai còn nóng hơn đấy!
         (Nói về “nóng”, không chỉ hôm nay, ngày mai cũng vậy; thậm chí nóng hơn.)
(28)        – Ôi chao, lội bộ mỏi cả chân!
         – Sao lại đi bộ? Còn cái xe đạp để làm cái gì?
(29)        – Chị Hà phải leo lên sửa lại mái nhà đấy!
         Còn chồng chị ấy? Còn chồng chị ấy đâu?

  • Với cấu trúc [X, còn Y] đang bàn, cần chú ý là giữa X và Y có sự khác biệt nhưng phải có sự tương đồng về ngữ nghĩa, hay nói cách khác Y là một sự đối lập-bổ sung cho X, nếu không câu sẽ bất khả chấp.
  •  Cũng cần chú ý, còn là một liên từ bậc câu (liên kết hai cấu trúc đề - thuyết, hai vế câu) chứ không giống như nhưng hoặc (nhưng/ có thể liên kết hai cấu trúc đề - thuyết, cũng có thể liên kết hai ngữ đoạn ở bậc dưới câu).
     Ví dụ:
(30) Món này hương vị thơm ngon tốt cho sức khỏe.
(31) *Món này hương vị thơm ngon còn tốt cho sức khỏe.
(32) Ông ấy kiếm được nhiều tiền nhưng rất tằn tiện.
(33) *Ông ấy kiếm được nhiều tiền còn rất tằn tiện.
    
     Ở (31) và (33), do đồng chủ đề, còn trước hết được nhận biết như là một vị từ trung tâm của phần thuyết thứ hai.
     Câu (31) và (33) sẽ ổn nếu thêm trước còn một liên từ khác, chẳng hạn . Nếu không, cả phát ngôn phải được phát triển thêm để (nội dung của nó) đủ sức liên kết hai vế câu, lúc này ấn tượng về một đề tỉnh lược là rất rõ ràng. Chẳng hạn:

(34) Món này hương vị thơm ngon, [nó] còn tốt cho sức khỏe, nên bán rất chạy.
(35) Ông ấy kiếm được nhiều tiền, [ông ấy] còn rất tằn tiện, nên giàu là phải.

     Điều này cho thấy còn chưa được ngữ pháp hóa đầy đủ, cho nên nó chưa hoàn toàn đủ tư cách làm liên từ liên kết các ngữ đoạn bậc dưới câu, dù về ngữ nghĩa không có gì trở ngại.

1 comment:

  1. Người làm từ điển song ngữ rất cần đọc những đọc bài thế này.

    ReplyDelete