Wednesday, 30 November 2011

Khi nào "quyển" không cần "sách"?


Từ chỉ loại (= danh từ chỉ loại, loại từ, danh từ đơn vị) trong tiếng Việt thường được diễn giải như là một nhóm các từ đi kèm với những danh từ “bình thường” cùng một vài quy tắc ngữ pháp đại loại như:
a) Nó buộc phải có mặt trong một danh ngữ có chứa số từ (vd ba con chó) hoặc trong một danh ngữ mà trong đó danh từ đóng vai trò là thành tố chính (theo quan điểm truyền thống) được xem như đã được xác định (vd con chó này, người đàn ông anh nói chuyện hôm qua, quyển sách của tôi...)
b) Nó không được có mặt khi danh từ mà nó đi kèm chưa được xác định (vd Tôi thích ăn táo chứ không phải là Tôi thích ăn trái táo).


Trong nhiều sách dạy tiếng, những từ chỉ loại như quyển, chiếc, cái, cây, tấm, bức, v.v., “yếu thế” đến mức mà nhiều tác giả lặp lại lặp lại “quyển sách”, “chiếc xe”, “cây bút” mà quên rằng nó có thể đứng riêng, không đi kèm với một danh từ nào cả (vd quyển nào? con này bao nhiêu tiền?). cách dùng này là rất phổ biến. Các từ chỉ loại này có dạng tương đương ở tiếng Anh là one. Ví dụ với từ that one của tiếng Anh, tùy theo danh từ mà nó chỉ, có thể được dịch sang tiếng Việt là cái đó, tờ đó, quyển đó, trái đó, con đó...).
Từ chỉ loại dùng theo cách riêng lẻ như trên (không đi kèm với danh từ “bình thường”) cũng có thể có một vài ràng buộc cần được lưu ý:
- Thứ nhất, nó được dùng khi sự vật đang được đề cập ở trước mắt người nói lẫn người nghe. Một cô hàng sách chỉ hỏi được người mua "quyển nào?" khi trước mặt họ là một kệ (đầy) sách; tương tự, chủ quán chỉ hỏi “mấy ổ?” khi trước mặt là tủ bánh mì và dĩ nhiên biết rõ là người mua đang muốn mua bánh mì.
- Thứ hai, nó được dùng khi sự vật đã được nhắc đến ở phát ngôn trước đó. vd  (– Lấy cho tôi quyển sách) – Đây, quyển anh hỏi đây! Hoặc (– Mấy cái chén?) – Ba cái.
- Thứ ba, nó được dùng khi nó hồi chỉ đúng cái sự vật đã nói ở Đề. Sẽ sai ngữ pháp nếu dùng từ chỉ loại chỉ vì không muốn lặp lại tên gọi của sự vật. Ví dụ:
            “Quyển sách của tôi là quyển anh đang đọc.”
Câu này được chấp nhận vì quyển anh đang đọc và quyển sách của tôi là một thực thể duy nhất.
*“Quyển sách của tôi dày hơn quyển anh đang đọc.”
Câu này không được chấp nhận, vì quyển anh đang đọc và quyển sách của tôi là hai thực thể khác nhau. (Và dĩ nhiên, có thể quyển anh đang đọc là tạp chí, tạp san chứ không phải là sách!)
- Thứ tư, nó được dùng khi nó là một bộ phận của một tổng thể.
“Trong số các quyển sách anh đã đọc, anh thích quyển nào nhất?”
“Anh cứ chọn một quyển trong tủ sách của tôi.”
Không thể nói:
            *“Trong những thứ mà anh đã mua, anh thích quyển nào nhất?”
            *“Anh cứ chọn một quyển trong đống đồ đạc trong tủ.”
 
Như vậy, không phải bao giờ "quyển" cũng cần "sách", "chiếc" cũng cần "xe", “cây” cũng cần “bút”!

1 comment:

  1. Tôi đặc biệt thích cái "Thứ ba" và cái "Thứ tư".
    Riêng cái "Thứ tư" có vẻ nó là sự bổ sung cho quan điểm của GS CXHạo về quan hệ bộ phận - toàn thể khi nói về DT đơn vị.

    ReplyDelete