Tuesday, 14 February 2012

CÓ X ĐÂU! và KHÔNG X ĐÂU!


            Về câu phủ định tiếng Việt, đã có nhiều công trình khảo sát rất công phu. (Về logic của sự phủ định, xin đọc Nguyễn Đức Dân 1987, Lôgich - ngữ nghĩa - cú pháp, Nxb ĐH&THCN)
            Ở đây, dưới góc độ thực hành tiếng, tôi chỉ xin đề cập một vấn đề, đó là phân biệt có X đâukhông X đâu.
            Thật ra, khác biệt giữa ba câu sau đây rất rõ ràng đối với người Việt, dù hiển ngôn nó không phải là điều dễ dàng:
       Tôi không uống cà phê.
       Tôi không uống cà phê đâu!
       Tôi có uống cà phê đâu!


            Về lý thuyết, không là hai vị từ (tình thái). Có X đâu thực chất là một kết cấu nghi vấn mang nghĩa phủ định. Không X đâu là một kết cấu phủ định có ý nghĩa đặc trưng – do từ phiếm định đâu biểu thị. Tuy nhiên, về mặt thực hành tiếng, hai hình thức có vẻ đối nghịch nhau lại “cùng” (?) nghĩa (phủ định) là một điều thú vị cần lý giải.

            Sau đây, tôi xin thử đưa ra một cách giải thích mà tôi nghĩ là đơn giản nhất.

            Có X đâu là một cấu trúc nhằm chất vấn tính hiện thực của sự vật/sự tình X để phủ nhận/bác bỏ X; do đó, nó liên quan đến [± hiện thực]. Nói cụ thể hơn, có X đâu được dùng để phủ nhận sự hiện thực hoặc sự tồn tại của X; trong đó, X là sự vật/sự tình đã được nêu ra (trực tiếp và gián tiếp) bởi lời thoại trước đó hoặc bởi tình huống phát ngôn.

            Có thể diễn đạt một cách nôm na như sau:
                        A: – “...X...”
                        B: – “Có X đâu!”       
“Anh nói X, vậy có X ở đâu, hãy cho tôi xem!”
           Không có X!” + hàm ý: “nói X là không có căn cứ / sai”          

Xét ví dụ sau:
(1)  Mẹ:   – Tèo, sao con đánh em?
Tèo:   – Con có đánh nó đâu! / Con có làm gì nó đâu! / Có ai đánh nó đâu!
           
            Ở (1), câu hỏi của bà mẹ cho thấy sự tình “Tèo đánh em” được xem như đã hiện thực (vì vậy bà mẹ chỉ hỏi lý do), câu đáp của Tèo phủ nhận cái tiền giả định đã được thiết lập ấy (bằng cách chất vấn cái hiện thực mà bà mẹ đã xác quyết).
Nếu thay câu hỏi bằng một câu trần thuật thì tình hình cũng không có gì khác: “Tèo, mẹ đã dặn con rồi. Con không được đánh em!”; từ câu nói của mẹ, Tèo có thể hiểu là mẹ trách mình đánh em (đối với mẹ, chuyện “Tèo đánh em” đã xảy ra rồi), và Tèo cũng có thể trả lời như trên.
Câu đáp của Tèo có thể có tầm phủ định rộng hơn (chứ không thể nhỏ hơn hoặc lệch khỏi) phạm vi hiện thực mà bà mẹ đưa ra:

(2)  Mẹ:  – Tèo, sao con đánh em?
Tèo:  – Con có làm gì nó đâu! / Có ai đánh nó đâu! / *Con có đụng/ghẹo nó đâu!

Ở câu trên, “làm gì” > “đánh”, “ai” > “Tèo”; “đụng” < “đánh”, “ghẹo” ≠ “đánh”.
           
            Ví dụ sau đây cũng tương tự, có nhiều phát ngôn có thể tiền giả định hoặc hàm ý có một hiện thực nào đó; và có nhiều cách phủ nhận bằng có X đâu.

(3)  – Ai làm vỡ cái tách của bố? / Con làm vỡ cái tách của bố à? / Tèo, con làm vỡ mấy cái tách rồi?
– Con có làm vỡ đâu! / Có phải con làm đâu! / Con có dùng cái tách đó đâu! / Từ sáng đến giờ con có ở nhà đâu! 

Cần chú ý, các câu trả lời không phải bao giờ cũng phủ nhận trực tiếp (hiện thực của người đối thoại: “con làm vỡ tách”) mà nhiều khi nó phủ nhận gián tiếp (“con không dùng cái tách đó” “con không làm vỡ”, “con không ở nhà” “con không đụng đến cái tách đó” “con không làm vỡ”).

Một số ví dụ khác:
(4)  – Con ra xem ai gọi cửa đó?
 – Có ai đâu! / Con có thấy ai đâu!
(5)  – Nhờ có anh, mọi chuyện đã xong xuôi. Cảm ơn anh rất nhiều!
 – Có gì đâu! / Có gì đâu mà phải cảm ơn! / Tôi có làm được gì đâu!
(6)  – Tết này, mình được nghỉ 8 ngày! Tuyệt vời!
 – Có nhiều gì đâu! / Có đủ thời gian để đi đâu đâu! / Có được mấy ngày đâu!
(7)  – Tắt tivi, đi ngủ đi!
 – Ngày mai con có đi học đâu!

Ở các ví dụ trên, phát ngôn đi trước của người đối thoại là một câu hỏi, một câu trần thuật, một câu cảm thán, một câu mệnh lệnh. Cũng có trường hợp người đối thoại không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào cả, nhưng tình huống ngoài ngôn ngữ cũng có thể cho phép người ta đưa ra một phủ nhận hoặc bác bỏ có X đâu. Tất nhiên, phải có một quá trình suy ý.

(8)  (Một bà mẹ mua cho con gái một cái váy đỏ chói, cô con gái bảo)
   – Màu này con có thích đâu!
(9)  (Cô giáo cho biết kết quả thi, Nam bị điểm thấp. Tèo an ủi)
   – Có gì đâu mà buồn! Lần sau ráng lên!
(10)   (Chị Hà khuyên Lan li dị chồng. Lan im lặng. Chị Hà nói)
   – Quyết định đi! Người như vậy, có gì đâu mà tiếc! / Chuyện li dị có gì ghê gớm đâu!

            Ở ba trường hợp trên, người đối thoại không hề nói gì cả; nhưng dựa trên tình huống thực tế và kinh nghiệm, người nói cho rằng mẹ mình nghĩ mình thích màu đỏ (vd (8)), bạn mình buồn (vd (9)), bạn mình tiếc cuộc hôn nhân hoặc sợ chia tay (vd (10)) nên đã đưa ra các phát ngôn như trên. Cái “hiện thực” đã nói ở trên được người nói rút ra từ tình huống, qua một quá trình suy ý (“tặng màu đỏ” “con thích màu đỏ”; “bị điểm thấp” “buồn”; “im lặng” “không muốn li dị” “tiếc”/ “sợ”). 

            Tuy nhiên, ở mỗi tình huống cụ thể, cái yếu tố X bị phủ nhận/bác bỏ lại được lựa chọn tùy vào mục đích phát ngôn của người nói. Ở (8), cô con gái phủ nhận suy nghĩ của bà mẹ (đúng hơn là cái suy nghĩ mà cô gán cho bà mẹ (“con thích màu đỏ”), vì có thể bà mẹ mua cái váy đỏ chỉ vì nó rẻ). Trong khi đó, ở (9), Tèo không phủ nhận tâm trạng buồn của Nam (vì không thể phủ nhận được) mà chỉ phủ nhận lý do mà Tèo nghĩ là đã làm Nam buồn; và ở (10) Hà không phủ nhận sự tiếc nuối của Lan mà chỉ phủ nhận lý do mà Hà cho là đã làm Lan tiếc. Tất nhiên, ở mỗi trường hợp như vậy, phát ngôn có X đâu có lực ngôn trung riêng (chẳng hạn, ở (8) là một yêu cầu: “con muốn đổi cái váy khác”; ở (9) là một lời khuyên: “bạn đừng buồn”; và ở (10) là một lời khuyến khích “chị hãy quyết định”).  


            Không X đâu là một cấu trúc có thể diễn đạt ý phủ định một sự tình (chứ không phải sự vật) chưa hiện thực. (GS NĐDân cho là nó phủ định sự tồn tại của hành động; e rằng không phải như vậy, vì đây là đặc trưng của có X đâu.)
            Có vẻ như cấu trúc không X đâu được sử dụng để từ khước và/hay phủ nhận X (tạm dùng hai từ này để phân biệt, dù nó không đủ rõ), với X là
(i)          điều mà người đối thoại đang quan tâm hoặc điều mà người đối thoại kỳ vọng, tức mong muốn được trả lời khẳng định (hoặc mong muốn được đáp ứng bằng hành động);  
(ii)         điều mà người đối thoại nhận định, hoặc là điều mà người đối thoại không hiển ngôn nhưng người nói cho là như vậy, do suy đoán từ tình huống ngoài ngôn ngữ.

Cả (i) và (ii) của không X đâu có một thừa số chung, đó là cái hàm ý mà cấu trúc không X hoặc có X đâu không có được.

Có thể diễn đạt như sau:
       A: – “...X...”
       B: – “Không X đâu!” 
         →Không X!” + hàm ý [“không phải như (anh) nghĩ/mong
                                                    hoặc “đừng mong/nghĩ là X”] 

            Ở trường hợp (i), người đối thoại đưa ra một phát ngôn là lời mời, đề nghị, yêu cầu, ra lệnh, và người tiếp nhận dùng không X đâu để từ khước.

(11)            – Đi uống cà phê?
         – Tôi không đi đâu!
(12)            – Chờ tôi một chút nhé!
         – Tôi không chờ đâu!
(13)            – Chờ tôi một chút nhé!
         – Tôi không có thì giờ đâu!
(14)            – Đi xem phim chứ?
         – Tuần này không có phim hay đâu!

            Cũng tương tự trường hợp có X đâu, ở đây câu đáp có thể là lời từ khước trực tiếp (10) (11), nhưng cũng có thể là lời từ khước gián tiếp, bằng cách nại lý do (12) (13).

            Ở bốn ví dụ trên, người nói đã từ khước lời mời. Có nhiều khi trong lời đáp vẫn có sự từ khước, nhưng không phải là từ khước lời mời mà chỉ là từ khước những hệ lụy liên quan đến nó.

(15)            – Tối nay anh đi với tôi đến gặp cô ấy nhé! Đi một mình tôi ngại quá!
         – Được rồi, nhưng tôi sẽ không nói gì đâu đấy!
(16)            – Anh đến dự tiệc với chúng tôi cho vui!
         – Đến thì được, nhưng tôi không uống đâu!

            Ở hai ví dụ trên, người nói nghĩ rằng bạn mình mời mình là muốn mình “làm xúc tác” để nói chuyện với cô gái, dự tiệc là uống rượu, nên đã từ khước (điều mà bạn mình mong muốn), dù cuối cùng vẫn nhận lời đi.

            Ở trường hợp (i), có thể là lời đáp cho một câu hỏi. Trong không X đâu, X là cái nội dung mà người hỏi đang quan tâm hoặc mong muốn được trả lời theo hướng khẳng định. Và cũng như trên, lời đáp có thể trực tiếp, có thể gián tiếp.

(17)            – Anh Nam có đến không?
         – Anh ấy không đến đâu!
(18)            – Tôi mua cái điện thoại này được không?
         – Hiệu này không mua được đâu! Nó không bền đâu.
(19)            – Tuần sau picnic. Không biết thời tiết thế nào!
         – Đừng lo! Tháng này không có mưa đâu!
           
            Tất cả các ví dụ từ (11) đến (19) đều có thể trả lời bằng cấu trúc không X; chẳng hạn: “Tôi không đi”, “Tôi không chờ”, “Tôi không có thì giờ”, ..., “Nó không bền”, “Tháng này không có mưa”. Có điều là cấu trúc không X có tình thái zéro nên nó buộc phải viện đến tình thái ở phát ngôn trước hoặc tình huống giao tiếp hoặc ngữ điệu thì mới có thể biết được thái độ của người nói đối với người đối thoại hoặc phát ngôn của người đối thoại. (Nếu không, câu sẽ đáng ngờ về mặt ngữ dụng.)
            Trong khi đó, với không X đâu, như trên đã nói, bao giờ cũng đi kèm với hàm ý “không phải như (anh) nghĩ/mong”. Chính cái hàm ý này làm cho phát ngôn có vẻ “mềm” đi rất nhiều (do nó tỏ ra cho người đối thoại biết là người nói biết điều mong đợi của họ). Cho nên trong hội thoại, mô thức không X đâu có vẻ như trội hơn không X rất nhiều.
 
            Tất cả các ví dụ cho trường hợp (i) vừa nói, không có dạng đối ứng có X đâu.

            Ở trường hợp (ii), người nói có thể dùng không X đâu để phủ nhận, bác bỏ một phát ngôn trần thuật của người đối thoại (khác với trường hợp (i) là một lời mời mọc, yêu cầu, hoặc câu hỏi), hoặc điều mà tình huống phát ngôn cho phép người nói suy ra rằng đó chính là ý của người đối thoại (người đối thoại không đưa ra một phát ngôn nào cả). Ví dụ:

(20)          A: – Chúng ta chờ một chút nhé! Còn thiếu anh Năm.
         B: – Chờ làm gì? Anh Năm không đến đâu!
(21)          A: – Tôi nghĩ, chúng ta có thể nhờ anh Năm giúp.
         B: – Đừng nhờ, anh ta không đáng tin đâu!
(22)             (Thấy Tèo đang tần ngần trước một chiếc điện thoại, Nam nói)
         – Cái điện thoại đó không tốt đâu!
(23) (Ở quê, bà mẹ lăng xăng chuẩn bị bánh mứt, chờ con trai về. Cô con gái nói)
         – Tết này nó không về đâu. Nó nói với con là nó bận lắm.

            Ở (20), (21) người nói phủ nhận/bác bỏ ý của người đối thoại rằng “anh Năm sẽ đến”, “anh rất đáng tin”. Trong các ví dụ sau, tình huống (thái độ, hành động của người đối thoại) cho phép suy ra rằng người đối thoại nghĩ cái điện thoại đó tốt (vì anh ta muốn mua) (vd (22)), bà mẹ nghĩ rằng con trai mình sẽ về chơi tết (vd (23)); do vậy người nói đã dùng không X đâu để phủ nhận/bác bỏ những suy ý đó.
           
            Tuy nhiên, khác với trường hợp (i), các tình huống trong các ví dụ ((20) – (23)) đều có thể dùng có X đâu để phủ nhận/bác bỏ. Chẳng hạn:

         (20’)  A: – Chúng ta chờ một chút nhé! Còn thiếu anh Năm.
                    B: – Anh Năm có đến được đâu (mà chờ)!
          (21’) A: – Tôi nghĩ, chúng ta có thể nhờ anh Năm giúp.
                    B: – Thôi! Anh ta có đáng tin đâu!
          (22’)  (Thấy Tèo đang tần ngần trước một chiếc điện thoại, Nam nói:)
                          – Điện thoại đó có tốt đâu! / Hiệu đó có tốt đâu!
          (23’) (Ở quê, bà mẹ lăng xăng chuẩn bị bánh mứt, chờ con trai về. Cô con gái nói:)
                           – Tết này nó có về đâu! Mẹ làm nhiều làm gì!

            Giữa hai cách nói trên có sự khác biệt đáng kể về ngữ nghĩa. Về lý thuyết, ở các câu (20’) – (23’) là sự phủ nhận hiện thực, không phải là cái hiện thực trong thực tế mà là cái hiện thực được thiết lập từ tình huống hay phát ngôn của người đối thoại. Tuy nhiên, điều đó có vẻ chưa đủ rõ để biệt loại không X đâucó X đâu.

            Để rõ hơn, có lẽ cần quan tâm đến hàm ý của mỗi phát ngôn.

            Ở (20), phát ngôn của người đối thoại (A) có ý rằng “anh Năm sẽ đến”, đây là sự tình sẽ diễn ra sau phát ngôn (sự tình chưa hiện thực); và lời đáp “anh Năm không đến đâu” đã bác bỏ cái sự tình ấy, kèm với cái hàm ý “không như anh nghĩ (hay anh muốn)”.
Trong khi đó, ở (20’) khi A bảo “chờ”, B tri nhận rằng, đối với A, khả năng “anh Năm đến” là một sự tình xem như đã hiện thực (trong đầu của A, bởi vì nó tiền giả định cho cái đề nghị “chờ thêm một chút”); phát ngôn “anh Năm có đến được đâu (mà chờ)” phủ nhận cái khả năng “anh Năm đến” (B nhận được tin nhắn là anh Năm bận, chẳng hạn), kèm theo cái hàm ý “nói “anh Năm đến” là không có căn cứ” (hoặc ““anh Năm đến” không thể là hiện thực”).

            Ở (21), từ phát ngôn của A có thể suy ra rằng “anh ấy là người đáng tin”, và lời đáp “anh ấy không đáng tin đâu” bác bỏ nhận định ấy, kèm với hàm ý “không như anh nghĩ” hoặc “không thể nhờ cậy như anh mong đợi”.
Trong khi đó, ở (21’) phát ngôn của A được tri nhận rằng “anh ấy là người đáng tin” là một hiện thực (nó tiền giả định cho đề nghị “nhờ anh ấy giúp”); “anh ta có đáng tin đâu” phủ nhận cái hiện thực ấy, kèm theo hàm ý “nói “anh ta có thể nhờ cậy được” là không có căn cứ/sai”.

            Ở (22), thái độ tần ngần (vì “muốn mua”) của Tèo cho thấy là có thể Tèo nghĩ “cái điện thoại đó tốt”; và “cái điện thoại đó không tốt đâu” bác bỏ nhận định ấy, kèm với hàm ý “nó không như anh nghĩ”.
Trong khi đó, ở (22’) tình huống (thái độ của người bạn) cho phép Nam (người nói) nghĩ rằng đối với Tèo, có tồn tại khả năng “điện thoại đó tốt”; Nam phủ nhận/bác bỏ bằng “điện thoại đó / hiệu đó có tốt đâu”, kèm theo hàm ý “nói “điện thoại đó tốt” là không có căn cứ”, tất nhiên hệ quả của nó là “không nên mua”.

            Cần chú ý rằng ở (22’) không thể nói “cái điện thoại đó có tốt đâu” (“cái điện thoại đó” có sở chỉ cụ thể), vì “cái điện thoại đó” dù tốt hay xấu cũng không thể là một hiện thực (chưa mua, chưa sử dụng thì không thể nhận định gì về “cái điện thoại đó”) mà chỉ có thể nhận định chung về “điện thoại đó” hoặc “hiệu đó”. (Xét vd (18) để thấy rõ hơn: ở tình huống (18) không thể đáp “Hiệu này có mua được đâu!”)

            Hơn nữa, ở đây tính kinh nghiệm thể hiện rất rõ: người ta có thể nói “Tôi nghĩ, hiệu điện thoại đó không tốt đâu” chứ không thể nói “Tôi nghĩ, hiệu điện thoại đó tốt đâu”. Lý do: vị từ “nghĩ” (trong ngữ đoạn tình thái “Tôi nghĩ”) bao giờ cũng vô hàm cho nên không thể dẫn nhập cho một nhận định mang tính hiện thực (có X đâu khẳng định hiện thực ~X).

Chú thích:
(a)   Trong “Tôi thấy nó đi”, vị từ “thấy” mang hàm thực (factive), vì sự tình được nói đến sau đó là có thực; trong “Tôi suýt bị đụng xe”, vị từ “suýt” mang hàm hư (contra-factive, counter-factive), vì sự tình “bị đụng xe” đã không xảy ra; trong “Tôi nghĩ là nó đi”, vị từ “nghĩ” vô hàm (non-factive), vì không thể xác định được sự tình “nó đi” có xảy ra hay không.
(b)  Tôi nghĩ...” có thể xem là một cách để kiểm tra tính hiện thực: “Tôi nghĩ...” không thể dẫn nhập cho một sự tình đã xác quyết [±hiện thực] nên không thể đi với có X đâu.

            Ở (23) bà mẹ làm bánh mứt là vì nghĩ rằng con trai mình sẽ về; cô con gái bác bỏ suy nghĩ ấy bằng “nó không về đâu”, kèm theo hàm ý “không như mẹ mong”.
            Trong khi ở (23’), hành động của bà mẹ cho thấy trong ý nghĩ của bà mẹ “con trai mình sẽ về”, và bị bác bỏ bằng “nó có về đâu”, kèm với hàm ý “nghĩ “nó về” là không có căn cứ”.

            So sánh hai câu trả lời (a) và (b) ở hai ví dụ sau đây sẽ thấy rõ hơn:

(24)          – Chị phải giữ kín chuyện này cho tôi đấy!
         – (a) Tôi không nói với ai đâu!
         – (b) Tôi có bao giờ nhiều chuyện đâu!
(25)           – Chị có biết chuyện hai vợ chồng cô Lan không?
         – (a) Thôi, tôi không nghe đâu. Đừng nói!
          – (b) Có chuyện gì vậy? Tôi có nghe gì đâu!

            Hàm ý ở (24a): “tôi không mách lẻo như chị nghĩ”; ở (24b) phản bác ý nghĩ cho rằng “tôi nhiều chuyện” (bằng chứng là “tôi chưa bao giờ như thế từ trước đến giờ”), và hàm ý “lo ngại tôi mách lẻo là không có căn cứ”.
            Hàm ý ở (25a): “(tôi không nghe) như chị muốn”; ở (25b) phản bác ý nghĩ cho rằng “tôi đã có nghe”, và hàm ý “cho rằng tôi đã biết là không có căn cứ” (cho nên chị cứ kể đi!).

            Theo quan sát của chúng tôi, với các câu hỏi tổng quát trung tính (có... không?), lời đáp phủ định thường là không X đâu chứ khó có thể là có X đâu; trong khi với các câu hỏi xác nhận (... phải không?, ... à? ... hả?, ... chứ?, ... nhỉ?, v.v.) khả năng đáp bằng hai cách là như nhau. So sánh:

(26)             – Bưu điện có xa không?
         – (a) Không xa đâu! Chỉ khoảng 10 phút đi bộ thôi.
(không xa + không như anh nghĩ)
         – (b) ??Có xa đâu! Chỉ khoảng 10 phút đi bộ thôi.
(27)             – Bưu điện xa lắm à?
         – (a) Không xa đâu. Chỉ khoảng 10 phút đi bộ thôi.
(không xa + không như anh nghĩ)
         – (b) Có xa đâu! Chỉ khoảng 10 phút đi bộ thôi.
(không xa + nghĩ “xa” là không có căn cứ)
(28)             – Phim đó có hay không?
         – Không, phim đó không hay đâu!
(không hay + không giống như như anh/người ta nghĩ)
         – ?Không, phim đó có hay đâu!
(29)             – Nghe nói phim đó hay lắm, phải không?
         – Phim đó không hay đâu!
(không hay + không giống như anh/người ta nghĩ)
         – Phim đó có hay đâu!
(không hay + nói “nó hay” là không có căn cứ)


Tóm lại:
       Có X đâu để phủ nhận sự vật/sự tình X mà người đối thoại xem là hiện thực; cũng tức là khẳng định hiện thực “~X”.
       Không X đâu dùng để phù nhận/bác bỏ sự tình chưa hiện thực, có 2 trường hợp:
o   Không X đâu [dùng đáp lại lời mời (/yêu cầu, đề nghị, xin phép) hoặc câu hỏi “có... không?”] không tranh chấp với có X đâu;
o   Không X đâu [dùng cho các trường hợp khác] có thể có cách nói thay thế có X đâu; nhưng một bên (không X đâu) phủ nhận/bác bỏ sự tình chưa hiện thực, còn một bên (có X đâu) phủ nhận/bác bỏ sự tình được người đối thoại xem là hiện thực.
       Về hình thức không X đâu có thể được dẫn nhập bằng “Tôi nghĩ..”, và được dùng để đáp cho câu hỏi “có... không?”.
       Hàm ý “không như (anh) mong/nghĩ” của không X đâu và hàm ý “nói/nghĩ X là không có căn cứ” của có X đâu có thể được dùng để phân biệt 2 cách dùng trên, và để phân biệt với không X.


 Chú thích:
     1.     Trường hợp (ii) như vừa trình bày ở trên (vd (20) – vd (28)) là “vùng tranh chấp” giữa có X đâukhông X đâu. Điểm phân biệt cơ bản giữa chúng là ở tính hiện thực của X: người ta dùng có X đâu để phủ nhận/bác bỏ X khi người ta nhận thấy người đối thoại nói/nghĩ rằng X hiện thực (trong nhận thức của người đối thoại).
         Có lẽ chính vì đặc trưng này mà có người cho rằng có X đâu được dùng để phủ nhận/bác bỏ một sự tình/sự việc thuộc về quá khứ, trong khi không X đâu được dùng để phủ nhận/bác bỏ một sự tình phi quá khứ.
          Thiết nghĩ, đó cũng là một cách giải thích có thể chấp nhận được (có vẻ dễ tiếp nhận đối với học viên nước ngoài), nhưng nó không đủ bao quát và cũng không phản ánh cách tri nhận của người bản ngữ. 

     2.     Hàm ý của không X đâucó X đâu mà chúng tôi biện ra trên đây là nhằm thêm một nét phân biệt hai cách nói đó với nhau (đặc biệt trường hợp (ii) của không X đâu) và với không X. Trên thực tế, ở mỗi phát ngôn, với vị từ và các thành phần tham gia vào cấu trúc vị ngữ của nó, hàm ý mỗi phát ngôn có thể được diễn giải phong phú hơn nhiều.
 

3 comments:

  1. Vậy còn sự khác nhau của cấu trúc "không X đâu" và "không X gì" là như thế nào ạ? admin của blog có thể giải thích giúp giùm em được không ạ? em xin cảm ơn rất nhiều.

    ReplyDelete
    Replies
    1. "không X đâu" thì có những hàm ý như đã nói trong bài. Còn "không X gì" thì không có hàm ý; nó chỉ là một cấu trúc phủ định tổng quát, trung tính.

      Delete
    2. Dạ, em cám ơn rất nhiều ạ ^^

      Delete