Thoạt nhìn, có vẻ như “nói đến...” và “nói về...” là hai ngữ đoạn có thể luân phiên tự do trong những ngữ
cảnh nào đó: nói đến chị hàng xóm, nói về
chị hàng xóm, nói đến chính trị, nói về chính trị, nói đến chuyện cũ, nói về chuyện
cũ, v.v...
Lý do: về ngữ nghĩa, “đến...” và “về...” đều biểu thị đối tượng hoặc phạm vi hiện thực mà Người nói muốn
phản ánh trong quá trình phát ngôn.
(1) a.
Lan nói nhiều chuyện vui về sếp của mình.
b.
Lan nói về sếp một số điều không hay lắm.
c.
Tôi không muốn nói đến cô ta.
d.
Bây giờ họ bắt đầu nói đến chính trị Mỹ.
Trong một số ngữ cảnh, đến có thể được thay bằng về với sự khác biệt ý nghĩa không đáng kể,
chẳng hạn:
(2) a.
Chúng ta sẽ nói đến (/về) vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ em.
b.
Họ đang nói đến (/về) chúng ta đấy.
Tuy nhiên, danh ngữ sau về và danh ngữ sau đến là hai tham tố khác nhau. Chúng tôi gọi tham tố sau về là Đề tài, và tham tố sau đến là Đích.
Tham tố Đích có thể chuyển thành Đề
tài (bằng cách thay đến bằng về) như ở (1c, d), khả năng ngược lại thì
hiếm hơn. Nhưng không phải bao giờ cũng có thể chuyển đổi được. Chẳng hạn:
(3) a.
Trong câu chuyện, Lan nói đến một người
đàn ông nào đó.
b.
Trong quyển sách này, tác giả có nói đến
Việt Nam.
c.
??Trong câu chuyện, Lan nói về một
người đàn ông nào đó.
d.
??Trong quyển sách này, tác giả có nói về Việt Nam.
Hai câu (c) và (d) có về dẫn nhập cho tham tố Đề tài rõ ràng là
khó chấp nhận.
Do là hai tham tố khác nhau, đến và về có khả năng cùng xuất hiện trong cùng một câu khi mà ngữ đoạn “về...” đứng đầu câu làm khung đề:
(4) a.
Về thời kỳ Phục hưng, ông ấy chỉ nói đến hội họa.
b.
Về thời kỳ Phục hưng, ông ấy chỉ nói đến Pháp.
c.
Về ông Kim, ai cũng nói đến cái tốt.
Khi đó, thành phần đứng sau đến thường là một bình diện, một tính chất,
một bộ phận của cái thành phần lớn hơn đứng sau về. Hay nói khác hơn, thành phần sau đến và sau về cùng biểu
hiện một “thực thể” nhưng với hai phạm vi khác nhau.
Đặc biệt, nếu kết hợp hai thành phần
đứng sau đến và về thì cấu trúc của chúng phải được tổ chức lại thành một danh ngữ
mà yếu tố trung tâm của bổ ngữ có phạm vi hẹp hơn đóng vai
trò trung tâm của cả danh ngữ. Câu (4a, c) sẽ được viết lại:
(5) a.
Ông ấy chỉ nói đến (/về) hội họa thời kỳ Phục hưng.
b.
Ai cũng muốn nói đến (/về) cái tốt của ông Kim.
Sau đây là những khác biệt giữa đến và về.
(i). Đến đánh dấu Đích, trong khi về đánh dấu Đề tài. Một quyển sách, một diễn giả
“nói về Việt Nam” thì chắc chắn Việt
Nam là Đề tài xuyên suốt quyển sách hoặc buổi thuyết trình; nhưng nếu “nói đến Việt Nam” thì có thể một điều gì đó
của Việt Nam, liên quan đến Việt Nam, thậm chí chỉ cái tên Việt Nam được phát
ra.
Vì vậy, sau một phút lơ đễnh, người
ta có thể hỏi: “Xin lỗi, anh vừa nói đến
điều gì?” chứ không thể “Xin lỗi, anh vừa nói về điều gì?”; hoặc người ta có thể nói: “Tôi không muốn nói đến tên anh ta” chứ không thể “Tôi không
muốn nói về tên anh ta”. Hai học sinh
A và B đánh nhau, thầy giáo gọi A lên và mắng. B nhấp nhổm, có vẻ muốn giải
thích điều gì đó. Thầy giáo nói: “Tôi chưa nói đến (/*về) anh, anh cứ chờ
đấy!”.
(ii). Giới ngữ “về ...” có thể đứng vị trí đầu câu làm
khung đề cho câu, trong khi đó “đến...”
không có khả năng đó. Ngược lại, thành phần sau đến có thể tách ra đưa lên đầu câu (nhưng phải là một danh ngữ xác
định), còn đến có thể một mình kết
thúc câu; trong khi đó về không thể kết
thúc câu:
(6) a.
Về chuyện đó, Lan sẽ nói một vài lời.
b.
*Chuyện đó, Lan sẽ nói (một vài lời) về.
c.
Chuyện đó, Lan chưa muốn nói đến.
(iii). Khi sau nói là Đích thì nó không cho phép xuất hiện bổ ngữ Đối tượng (chẳng hạn điều..., chuyện..., việc...) nữa (chỉ trừ
trường hợp đại từ gì trong câu nghi vấn
và câu phủ định: “Anh nói gì đến Lan?”, “Lan chẳng nói gì đến anh cả”); trong
khi đó Đề tài thì vẫn cho phép với những ràng buộc nhất định.
(7) a.
*Lan đã nói một số điều đến ông giám đốc.
b.
*Lan đã nói đến ông giám đốc một số điều.
Ss: c. Lan đã nói một số điều về ông
giám đốc.
d. Lan đã nói về ông giám đốc một số
điều.
(iv). “Đến...” có thể xuất hiện khi sau nói có một trạng từ/trạng ngữ nào đấy. Tuy nhiên, khả năng
này rất hạn chế so với về, và lại
càng khó xảy ra nếu trạng từ/trạng ngữ đó phân cách vị từ nói năng với ngữ đoạn
“đến...” biểu thị Đích. Ví dụ:
(8) a.
Lan đã nói đến ông ấy một cách thiếu kính trọng.
b.
??Lan đã nói một cách thiếu kính trọng đến ông ấy.
c.
*Lan đã nói xấu (/tốt, vô lễ, dối) đến ông ấy.
d.
*Lan đã nói đến ông ấy xấu (/tốt, vô lễ, dối).
Để diễn đạt một điều gì đấy tương tự,
thường người ta phải dùng một cách nói thay thế được đánh dấu bằng những yếu tố
có ý nghĩa Phương tiện: bằng, qua, với. Chẳng hạn:
(9) a.
Lan đã nói đến ông ấy bằng những lời lẽ cay độc.
b.
Lan đã nói đến ông ấy với thái độ vô lễ.
(v). Tham tố Đích của danh ngữ sau đến có thể được thể hiện tương tự như tham
tố Đích của quá trình hành động-di chuyển chứ không giống với “một phạm vi/đối
tượng hiện thực mà quá trình nói
năng muốn phản ánh” nữa. Đây là đặc điểm của đến mà về hoàn toàn không
chia sẻ.
Ở các ví dụ sau đây, sự kiện hay đối
tượng dường như đã được định vị trên một chuỗi tuyến tính có trật tự xác định,
do vậy, Đích chính là “điều gì đó” được định vị một cách tường
minh với cả Người nói và Người nghe trong quá trình nói: Người nói nói đến đâu
(= nói đến sự kiện/đối tượng gì) thì cũng giống như đi đến đâu trong hành trình
nói năng.
Ví dụ:
(10)
a. –
Hôm qua bà đã kể đến đâu rồi?
– Bà kể đến đoạn Thạch
Sanh bị kẹt trong hang đá ạ!
b.
Mỗi lần cô nói đến tên Luân, mặt cô lại đỏ lên.
c.
Radio chỉ tường thuật đến hết hiệp một thôi. Chán thật!
d.
(...) Anh Nam nói đến đó thì ngừng lại.
e.
Tôi nhắc đến đó rồi mà bạn vẫn không nhớ ra à?
Chú
thích:
Các nhà ngữ học
quan niệm một câu là một sự tình do vị từ (động từ, tính từ) biểu thị cùng với
các tham tố chung quanh nó. Đây là một phổ quát đối với tất cả các ngôn ngữ.
Ví dụ: trong “Nó
ăn cơm” ta có sự tình “ăn” cùng với hai tham tố là “nó” và “cơm”; trong “Nó ăn
cơm bằng đũa” có sự tình “ăn” cùng với ba tham tố là “nó”, “cơm” và “đũa”. Mỗi
tham tố có tên riêng: “nó” = tác thể, “cơm” = đối thể (hay đối tượng), “đũa” =
phương tiện.
Như vậy, hai câu
“Nó ăn cơm” và “Nó ăn đũa” có cấu trúc S-V-O giống nhau nhưng có ngữ nghĩa khác
nhau: một câu có tham tố đối thể và một câu có tham tố phương tiện.
Đại khái là như
vậy.
Cách phân tích này
tỏ ra hữu dụng trong việc miêu tả cấu trúc ngữ nghĩa của câu.
No comments:
Post a Comment