Thật ra, hưởng và thưởng thức không phải là vấn đề của người Việt. Có lẽ không có người Việt
nào dùng sai hay hiểu sai hai từ này. Nhưng khi cần dịch hay giải thích thì hai
từ này lại sinh chuyện.
1. Thưởng
thức là ăn, uống, đọc, xem, nghe,
nhìn, hít thở – nghĩa là sử dụng các giác quan – để cảm thấy cái ngon, cái
thơm, cái hay, cái đẹp, cái thú vị, v.v. của đối tượng. Nghĩa là một hành động
mà mục đích nằm ngay trong quá trình thực hiện chứ không phải sau đó.
Do mục đích là để cảm nhận đối tượng, hành động thưởng thức thường phải diễn ra chầm chậm, có chủ ý và trong một bối cảnh
nhất định.
2.
Hưởng
là có được (hoặc ở trạng thái có điều kiện/có quyền có được) cái gì đó có giá
trị, nó mang đến cho chủ thể lợi ích, hoặc cảm giác hài lòng, hạnh phúc.
Thông thường, “cái gì đó”, dù vật chất hay
tinh thần, không phải ai cũng có, lúc nào cũng có mà chỉ những người có cơ may
hay đủ điều kiện mới có được.
Một “cái gì đó” quá cụ thể, đơn giản, thông
thường, dễ có được thì không dùng hưởng.
Chủ thể hưởng
cái gì đó nghĩa là có hay ở trạng thái có cái đó, do vậy có khi chủ thể có nó
mà không biết hoặc không sử dụng (có phúc mà không biết hưởng).
hưởng lộc hưởng thọ
hưởng lợi hưởng phúc
hưởng hạnh phúc gia đình hưởng hạnh phúc làm mẹ
hưởng không khí gia đình hưởng tuần trăng mật
hưởng mức lương X hưởng chế độ bảo hiểm
hưởng học bổng hưởng trợ cấp
hưởng gia tài hưởng sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ
hưởng một buổi sáng yên bình hưởng thú vui
hưởng tự do hưởng hương hoa
Thử so sánh
với nhận:
3.
Nhận
là có được, lấy được cái gì đó do người khác hoặc từ nơi khác đưa đến.
“Cái gì đó” không chắc là mang lại lợi ích
cho người nhận (có thể là một cú điện thoại
đe dọa, một bức thư tống tiền, một quyết định buộc thôi việc, một cái tát,
v.v.). Người nhận không chắc được quyền sử dụng hay định đoạt vật có được.
“Cái gì đó” thường là những gì cụ thể, bất
kể giá trị lớn hay nhỏ.
Có những trường hợp có thể dùng hưởng hoặc nhận và có những trường hợp chỉ dùng một trong hai từ. Nhưng dù thế
nào thì hai từ này vẫn không đồng nghĩa với nhau.
–
Bình thường nói “Nó nhận ổ bánh mì” chứ không
nói “Nó hưởng ổ bánh mì”. Khi dùng câu sau thì phải có bối cảnh (chẳng hạn: Thằng
Tí mua ổ bánh mì, để trên bàn. Nó cãi nhau rồi đánh nhau với thằng Tèo, nên bị
phạt và bị đuổi ra ngoài. Vậy là “Thằng Bé Ba hưởng ổ bánh mì”).
–
Bình thường nói “Anh nhận 5 triệu đồng lương
tháng này rồi” chứ không nói “Anh hưởng 5 triệu đồng lương tháng này rồi”.
Bình thường nói “Anh nhận lương 5 triệu” thì
có thể hiểu là anh lãnh 5 triệu. Nhưng nói
“Anh hưởng mức lương 5 triệu” thì không có nghĩa là anh bỏ túi 5 triệu mà chỉ
có nghĩa là anh thuộc nhóm được trả 5 triệu/tháng (hay diễn đạt cách khác: anh
“ở trạng thái có điều kiện / có quyền” lãnh số tiền 5 triệu/tháng); số tiền thực
lãnh có thể nhiều hay ít hơn con số đó.
Vì vậy, có thể nói “Nó mới nhận học bổng một
tuần mà đã xài hết rồi”, chứ không thể nói “Nó mới hưởng học bổng một tuần mà
đã xài hết rồi”.
Vì vậy, có thể nói “Anh ấy được hưởng gia
tài nhưng anh ấy đã không nhận”.
–
Người ta nói “Vui quá, tôi được hưởng tự do!”
khi người ta ý thức về sự tự do mà trước đó người ta không có được.
Tương tự, một bà mẹ 3 con bình thường sẽ
không nói “Tôi đã được hưởng hạnh phúc làm mẹ” (càng không bao giờ nói “Tôi đã
được hưởng hạnh phúc làm mẹ 3 lần”(!?)). Trạng thái “hưởng hạnh phúc làm mẹ”
thường chỉ dành để nói về một người phụ nữ hiếm muộn hoặc một người phụ nữ đã từng
chịu bất hạnh nào đó; và cũng chỉ dùng khi người đó mong muốn có được một đứa
con (hoặc người nói cho là như vậy).
Người ta “hưởng hạnh phúc gia đình” cũng phải
có những bối cảnh nhất định.
Những trường hợp tương tự với ví dụ này không
thể dùng nhận.
No comments:
Post a Comment