Trong tiếng Việt
hiện thời, kể ra được sử dụng như một
trạng ngữ biểu thị tình thái chủ quan (thuộc về người nói) về một sự tình được
nêu ra sau đó.
Từ điển tiếng Việt
(Hoàng Phê 1985) giải thích: “Tổ hợp biểu thị ý khẳng định về điều qua suy nghĩ
thấy có lẽ đúng như thế”. Một số từ điển Anh Việt chú là “in reality, in fact,
tell the truth, to be fair”. Những cách chú giải này quả thật không giúp hiểu và
dùng đúng kể ra; và càng không giúp
phân biệt kể ra với những cách nói gần
gũi (nhưng không đồng nghĩa) như “nói (một cách) công bằng”, “nói thật”, “thật
ra”, “dù sao...”, v.v..
Thử xét các tình huống
sau:
Tình huống 1:
Tí và Tèo chơi với
nhau. Tèo trêu Tí hơi quá đáng, Tí chịu không được, đánh Tèo. Tí bị mẹ bắt phải
xin lỗi Tèo. (Nghĩa là, theo suy nghĩ bình thường của mẹ, của nhiều người khác,
Tí có lỗi). Sau đó, bố nói nhỏ với mẹ:
(1) Trong chuyện này, kể ra Tèo cũng có lỗi.
(Có thể hiểu: ông bố không phản đối việc trách phạt của bà mẹ
– vì Tí đánh bạn là xấu – nhưng ý của ông là có lý do (Tèo trêu bạn) để nhận
định khác: “Tèo cũng có lỗi”. Nếu không, chắc chắn ông sẽ không dùng kể ra).
Tình huống 2:
Na và Nu vào một
quán phở lạ, ăn thấy rất ngon. Nhưng giá cao gần gấp đôi những nơi khác. Sau
khi ra ngoài, Na nói với Nu:
(2) Phở ngon như vậy, kể ra cũng không mắc.
(Giá phở ở quán này mắc là điều mà ai đã từng ăn phở cũng phải
thừa nhận, kể cả Na. Nhưng ý của Na là có
lý do (phở rất ngon) để nhận định khác:
“phở ở đây cũng không mắc”. Nếu không, Na sẽ không dùng kể ra).
Tình huống 3:
Hoa thi vào đại học,
trượt ba lần. Lần thứ tư thì đậu. Nghe tin, Bông nói với bạn bè:
(3) Kể ra cái Hoa cũng giỏi.
(Trượt ba lần thì quả là học kém; đó là điều không ai chối
cãi. Nhưng ý của Bông là có lý do (chẳng
hạn, sự bền chí của Hoa) để nhận định
khác: “Hoa cũng (có thể được xem là) giỏi”. Nếu không, Bông sẽ không dùng kể ra).
Chú ý:
- Trong cả ba ví dụ trên, khi đưa ra một phát ngôn có kể ra, ý kiến đã “có sẵn” (Tí sai, giá phở cao, Hoa học kém) của đa số người trong những tình huống tương tự sẽ không mất đi. Người nói dùng kể ra để cho biết rằng, theo mình, có đủ lý do để nghĩ một điều khác hay một mặt khác, bổ sung cho nhận định thông thường (của mọi người, trong đó có thể có cả mình).
- Theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ kể ra là một cách diễn đạt ngắn gọn (và cố định hóa) một biểu thức điều kiện: “Nếu kể ra (nói ra) đầy đủ / tất cả các lý do thì có thể cho rằng...”.
(Như vậy, có thể
diễn đạt lại: “Nếu kể ra đầy đủ các
lý do thì có thể cho rằng Tèo cũng có lỗi”, “Nếu kể ra đầy đủ các lý do thì có thể cho rằng phở ở đó cũng không mắc”,
“Nếu kể ra đầy đủ các lý do thì có thể
cho rằng Hoa cũng giỏi”.
- Kể ra có thể ở đầu câu hoặc ở trước phần thuyết.
(4) Kể ra, làm như vậy cũng không phải là lịch sự.
(5) Làm như vậy, kể ra cũng không phải là lịch sự.
(Về ngữ pháp, nếu ở
đầu câu thì sau kể ra nên có dấu phẩy,
nếu ở trước phần thuyết thì kể ra nên
nằm giữa hai dấu phẩy. Như vậy có thể thấy rõ tính chất hơn quan hệ giữa nó với
phần còn lại của câu).
- Kể ra thường đòi hỏi vị từ tình thái cũng hoặc vẫn đứng trước vị từ chính. Lý do là nó cho biết quan hệ bổ sung với một nhận định thông thường (dù có hiển ngôn hay không) như đã nói ở trên.
(6) Trong chuyện đó, kể ra anh cũng gặp may.
(7) Nó làm việc này, kể ra vẫn tốt hơn tôi.
No comments:
Post a Comment