Tuesday, 31 July 2012

MAU - NHANH



Maunhanh là hai từ gần nghĩa chứ không đồng nghĩa.

     1.      Về ngữ nghĩa, mau + V có nghĩa là mất thời gian rất ít/ngắn để đạt trạng thái V. Về ngữ pháp, mau là một vị từ tình thái, có bổ ngữ là một vị từ biểu thị trạng thái theo sau nó. (Ở đây, mau có thể xem là đồng nghĩa với chóng).

(1) Thằng bé này mau lớn quá!
(2) Màu này mau cũ lắm, đừng mua!
(3) Dùng không đúng cách thì cái gì cũng mau hư.
(4) Ăn bún mau đói lắm.
(5) Con bé hay giận nhưng mau quên.
(6) Nếu tập trung thì mau hiểu bài hơn.


Cần chú ý:
  • Sau mau là một vị từ không chủ ý, cho nên vị từ hành động đi sau nó sẽ hành chức như một vị từ trạng thái, không chủ ý.
     Vì vậy, “Thằng bé này mau nói/đi quá!” có nghĩa là “Thằng bé này mau biết nói/đi quá!” chứ không phải “Thằng bé này nói/đi mau quá!” (nói/đi với tốc độ cao hơn bình thường).
     Và cũng vì vậy, không thể nói:
(7) *Anh mau làm bài tập quá!
(8) *Nó mau đánh tôi, tôi không đỡ kịp.

  • Mau có một cách dùng đặc biệt: đi trước bổ ngữ là danh ngữ. Nói là đặc biệt vì khả năng này rất hãn hữu, chúng tôi chỉ tìm được một vài trường hợp: mau nước mắt, mau miệng, mau mồm mau miệng, mau tay mau chân. Và cũng đặc biệt, những trường hợp này có thể thay bằng nhanh, trừ mau nước mắt.

      2.      Về ngữ nghĩa, V + nhanh có nghĩa là V (hành động, trạng thái) diễn ra với tốc độ cao hơn hoặc trong một thời gian ít/ngắn hơn bình thường. Về ngữ pháp, nhanh là một phó từ (trạng từ) thường đi sau một vị từ hành động, trạng thái, có thể có hoặc không có chủ ý.

(9) Nó đi/làm/viết nhanh lắm.
(10) Nó hiểu/nhớ/quên rất nhanh.
(11) Nó phản ứng/cảm nhận rất nhanh.
(12) Giai đoạn khó khăn đã qua nhanh.
(13) Diện mạo thành phố thay đổi nhanh đến mức chóng mặt.
(14) Có gió, quần áo khô nhanh lắm.

Chú ý:
  • Nhanh có thể làm vị từ chính trong những trường hợp sau:

                 -  Nhanh đi với bổ ngữ là một bộ phận thận thân thể để cho biết bộ phận đó hoạt động/phản ứng với tốc độ cao, thường theo sau là một hành động/trạng thái kết quả hoặc tiếp nối.

(15) Quả bóng bay đên, nó nhanh mắt nên tránh kịp.
(16) nhanh tay chụp lấy quả bóng.
(17) Con nhanh chân chạy ra chợ mua cho mẹ mấy quả cà nhé!

                  -  Nhanh có thể làm vị từ chính, biểu thị thuộc tính của chủ thể. Nhưng, cách dùng này đòi hỏi ngữ cảnh, vì nghĩa của nó không đủ rõ nếu không có một vị từ khác đi kèm.

(18) Thằng bé nhanh quá!
(19) Anh có nhanh không?
(20) Ông không còn nhanh như hồi trẻ nữa.
(21) Chiếc xe này nhanh quá!

     Chính nhờ khả năng này, nhanh có thể đi với một vị từ, và thường hơn là một danh từ, để tạo thành một ngữ định danh: lực lượng phản ứng nhanh, tin nhanh, tàu nhanh, ghi nhanh.

  • Hiện nay, maunhanh giao nhau khi chúng được sử dụng sau vị từ. Nhưng ở cách dùng này nhanh lấn lướt mau trong mọi bối cảnh.
Chẳng hạn:
(22) Làm gì thì làm nhanh/mau lên, đừng cù cưa nữa!
(23) Nó đi nhanh/mau hơn tôi.
(24) Rượu bốc hơi nhanh/mau hơn nước.

Nhưng khó bắt gặp những câu như:
(25) ?Mỹ phản ứng rất mau trước những biến chuyển ở vùng Vịnh.
(26) ?Giá dầu giảm rất mau.
(27) ?Tốc độ tăng trưởng của quốc gia này được đánh giá là mau nhất khu vực.

No comments:

Post a Comment