Friday, 20 July 2012

TẬN



     1.      Tận là một trợ từ, cho biết vị trí hoặc thời điểm (do danh ngữ đi sau nó biểu thị) là cái giới hạn được xem là rất xa.

(1) Nhà chị ở tận Phú Lâm.
(2) Căn phòng của nó nằm tận tầng thượng.
(3) Bố tôi để quyển từ điển tận đầu tủ.
(4) Chiếc lá này sẽ trôi ra tận ngoài biển.
(5) Anh ra tận đây để mua à?


(6) Hôm qua tôi làm việc đến tận 12 giờ.
(7) Nó nghỉ học tới tận ngày mốt.
(8) Đến tận bây giờ nó vẫn chưa biết chuyện đó.

(9) Ông ấy đứng dậy đưa khách ra tận cửa.
(10) Chúng tôi sẽ giao hàng tận nhà / tận nơi.
(11) Cô giáo đến tận bàn để sửa cho từng em.
(12) Tài liệu này anh phải đưa tận tay ông ấy.
(13) Tôi phải thấy tận mắt mới tin.

Chú thích:
      ·         Có lẽ khởi thủy tận được dùng như một vị từ (trong “năm cùng tháng tận”, “thế cùng lực tận”), với nghĩa là “hết”, “đến giới hạn cuối cùng” – Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê 1985). Nhưng hiện nay, cách dùng này không còn khả năng sản sinh nữa. (Thảng hoặc chỉ bắt gặp trong kết hợp “tận cùng”, “vô cùng tận”).
      ·         Trong một số trường hợp, tận có thể thay bằng ngay, nhưng nghĩa thay đổi hẳn. Lý do: ngay đứng trước một danh ngữ chỉ thời điểm/địa điểm để biểu thị ý của người nói rằng đúng vào thời điểm đó (chứ không muộn hơn) / đúng ở địa điểm đó (chứ không ở nơi nào khác).

(14) Nhà chị ở ngay chợ Phú Lâm.
(15) Căn phòng của nó nằm ngay tầng thượng.
(16) Bố tôi để quyển từ điển ngay trước mặt tôi.
(17) Tôi sẽ đi ngay bây giờ.
(18) Ngay cuối tuần này tôi sẽ trả hết cho anh.
(19) Ngay lúc này đây nó vẫn chưa biết chuyện đó.

      ·         Ở các ví dụ (1)-(8) có thể thay tận bằng mãi, tất nhiên có khác biệt chút ít về ngữ nghĩa.
Còn ở các ví dụ (9)-(13) thì không thể. Lý do là ở các câu này tận tạo ra một hàm ý (cả người nói và người nghe đều hiểu) mà nếu thay bằng mãi thì hàm ý này sẽ mất đi. Đó là sự tôn trọng, sự quan tâm chăm sóc, sự tiện lợi, v.v. mà chủ thể dành cho một đối tượng nào đó.
Thử so sánh câu (9) với câu (20) và câu (10) với hai câu (21), (22) sau đây:

(20) ?Tôi đứng dậy đưa ông giám đốc/bố tôi ra tận cửa.
(21) *Chúng tôi sẽ giao hàng tận siêu thị của chúng tôi.
(22) Chúng tôi sẽ giao hàng tận kho.

Câu (20) bất thường về ngữ nghĩa so với (9): “ông giám đốc” hay “bố tôi” là những người đáng kính (đối với tôi), vì vậy đưa họ ra đến cửa là điều rất bình thường để bày tỏ sự tôn kính ấy. Cho nên dùng tận là khó hiểu.
Tương tự, câu (21) là vô nghĩa, vì khách mua ở siêu thị được giao hàng ở nơi mua là điều bình thường. Câu (22) cũng sẽ vô nghĩa nếu hiểu “kho” là kho của “chúng tôi”, và sẽ có nghĩa bình thường nếu hiểu là “kho” của công ty/cửa hàng đối tác.

Chính vì tận ở nhóm ví dụ thứ ba (9)-(13) có một hàm ý như vậy nên không thể thay bằng mãi.

Thêm vài ví dụ:
(23) Chủ tịch X ra tận sân bay để đón Ngài Tổng thống Y.
(24) Những công nhân đó đã vào tận văn phòng tổng giám đốc để phản đối.
(25) Hắn xông vào tận phòng ngủ để chém người.

      ·         Về mặt thực hành tiếng, một số kết hợp như tận tay, tận mặt, tận mắt, tận tâm, tận thế, v.v., có thể được diễn giải theo những cách khác nhau, sao cho dễ hiểu. Nhưng chung quy những kết hợp trên về ngữ nghĩa không khác gì với những điều đã nói trên.

      2.      [tận + V] có nghĩa là [V đến mức cao nhất] hoặc [V với mọi khả năng có được].
Đây có lẽ là ngữ nghĩa phái sinh từ trường hợp trên.
Ở đây tận là vị từ tình thái, đi trước chỉ một vài V nhưng khả năng xuất hiện rất cao.

-          tận dụng
-          tận hưởng
-          tận thu
-          tận diệt
-          tận sát


1 comment:

  1. Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin kiến thức Tiếng Việt rất hữu ích, liệu bạn có thể cho mình biết tài liệu tham khảo của bài viết được không? mình đang viết luận văn nên rất cần thông tin chia sẻ từ bạn. Cảm ơn bạn nhiều!

    ReplyDelete