Ngữ đoạn tình thái
cuối câu “... còn gì!” có hai trường
hợp khác nhau cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp, là cách diễn đạt khẩu ngữ mà có lẽ
người Việt nào cũng nói đúng và hiểu đúng.
... RỒI CÒN GÌ!
Một phát ngôn có
chứa “... (đã)... rồi còn gì (nữa)!”
là lời đáp cho một phát ngôn cầu/khiến (hoặc hàm ý cầu/khiến) đi trước nó.
Cũng giống như nhiều
hiện tượng tương tự của tiếng Việt, cách nói này có lẽ xuất phát từ một cấu
trúc chất vấn [“... (đã)... rồi, (anh)
còn (muốn) gì (nữa)?”] nhằm bác bỏ hoặc khước từ một yêu sách của người đối
thoại; sau đó nó được rút gọn thành một ngữ đoạn tình thái cuối câu với sắc
thái âm tính khá rõ.
Nó cho biết ý người
nói: [hành động/trạng thái vừa nói đã đủ] + [đừng đòi hỏi thêm gì cả]
(1) – Em rửa chén đi!
– Em nấu cơm rồi còn gì!
(2) – Con đói bụng quá!
– Lúc nãy con ăn một ổ bánh mì rồi
còn gì!
(3) – Em muốn may một cái áo
dài...
– Em đã có hai cái rồi còn gì!
(4) – Thằng Tèo giận cậu đấy!
– Tớ đã xin lỗi nó rồi còn gì!
Cần chú ý:
(i)
lời của người đối thoại phải là hoặc được hiểu
là một lời cầu/khiến (đề nghị, yêu cầu, xin phép, ...);
(ii)
nội dung của lời đáp có chứa “... rồi còn gì!” không thể lặp lại nội dung
của lời cầu/khiến (vì “... rồi còn gì!”
không phải là “... rồi.”) mà nó phải
nêu ra một trường hợp khác (trường hợp này chính là lý do để khước từ, bác bỏ
điều mà người đối thoại muốn).
Chẳng hạn:
(5) Con: – Sinh nhật con, bố
mua iPhone cho con nhé!
Bố: – *Bố mua (iPhone) cho con rồi còn gì!
– Bố mua iPad cho con rồi
còn gì!
– Con có cái Nokia rồi còn
gì!
... CÒN GÌ!
“... còn gì!” cũng là một ngữ đoạn tình thái
cuối câu rất quen thuộc với người Việt.
Phát ngôn có chứa
“... còn gì!” cho biết hành động/trạng
thái được nêu ra trước đó chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả là không còn gì. Từ đó, nó được dùng để đưa
ra một cảnh báo nhằm ngăn trở hành động/trạng thái vừa nêu.
Cũng giống nhiều
hiện tượng khác, cái ý phủ định không còn
gì là hàm ý rút ra từ một lời chất vấn: “..., còn gì?”
Phát ngôn có chứa
“... còn gì!” không cần bất cứ một
phát ngôn nào đi trước nó.
(6) (Thấy đứa em cầm ly nước chạy,
đứa chị bảo:)
Em chạy, nước đổ hết còn
gì!
(7) (Thấy đứa em cột dây vào cổ
con mèo, đứa chị bảo:)
Em làm vậy nó chết còn gì!
(8) (Thấy đứa em nấu cơm mà để
lửa rất to, đứa chị bảo:)
Lửa to vậy, cơm cháy còn
gì!
Do những điều vừa
nói, ở cách dùng này không thể thêm rồi
hay đã... rồi vào trước còn gì.
Ấy thế mà trong một
quyển giáo trình dạy tiếng Việt người ta lại cho [còn gì: kết cấu đặt ở cuối câu, biểu thị ý khẳng định điều vừa nêu là một
sự thật không thể bác bỏ] với hai ví dụ:
(a) Chúng ta không gặp nhau năm, sáu năm rồi còn
gì.
(b) Làm như vậy hỏng hết còn gì.
Thực chất đây là hai
trường hợp dùng hoàn toàn khác nhau như đã nói trên; và cái định nghĩa vừa dẫn cũng
chẳng có liên quan gì đến ngữ nghĩa hoặc cách dùng của còn gì. (Thật ra, trong phần bài tập, tác giả không đưa ra bất kỳ một
tình huống nào có thể dùng như kiểu (b) mà chỉ có mấy câu kiểu (a)).
Ngay câu mẫu ở phần
bài tập cũng không chuẩn:
-
(Anh chưa
thăm mẹ vợ à?)
Tối qua tôi đã đến thăm rồi còn gì.
Ở đây tác giả đã lẫn
lộn “... rồi còn gì!” với “... rồi!”. Lời đáp trên hoàn toàn sai chuẩn
mực nói năng bình thường của người Việt.
Rồi tác giả đưa ra
một số câu dẫn vốn là những câu hỏi tuyển chọn (không mang hàm ý) và yêu cầu học
viên dùng “... còn gì” để trả lời
(chú ý: không có rồi, cũng chẳng có đã):
-
Anh cho
con tiền ăn sáng chưa?
-
Trước khi
con ngủ, em cho con uống thuốc ho chưa?
-
Em ủi (là)
cho anh cái áo sơ mi trắng chưa?
Nếu căn cứ theo
câu mẫu ở trên, chắc chắn người học sẽ sản sinh những câu như:
-
*Anh cho nó tiền ăn sáng rồi còn gì!
(Nếu cho rằng câu hỏi có hàm ý cầu/khiến
thì may ra có thể nói: “Nó ăn cơm nguội rồi còn gì!”)
-
*Em cho nó uống thuốc ho rồi còn gì!
(*Em cho nó uống (thuốc) rồi còn gì!)
(*Nó uống trước khi ngủ rồi còn gì!)
-
*Em ủi cho anh cái áo sơ mi trắng rồi còn gì!
(*Em ủi cho anh cái áo đó rồi còn gì!)
Riêng câu dẫn sau đây:
-
Bà ngoại bị
bệnh. Chị không gọi điện hỏi thăm sao?
Nếu được cho là có hàm ý, có thể có lời đáp:
-
Chị (/Tao) đã ghé thăm rồi còn gì!
-
Chị (/Tao) đã mua biếu ngoại mấy hộp sữa rồi còn
gì!
Hai câu này là
đúng, vì không theo mẫu!
Tuy nhiên, khó
lòng tìm thấy những câu đáp như vậy ở một đứa cháu ngoại “bình thường”, yêu
thương bà. Vì trả lời với nội dung gì thì cũng có nghĩa là “Chị/Tao đã làm tròn
bổn phận rồi. Đừng đòi hỏi gì nữa!”.
E rằng “phong ba
bão táp” trong tiếng Việt nổi lên từ những trang sách như thế này!
No comments:
Post a Comment