Friday, 24 August 2012

ĐỪNG chứ không phải KHÔNG


     Hành động cầu khiến là hành động (thường) được thực hiện bằng lời nói. Do vậy, cấu trúc cầu khiến (manipulative) rất gần với cấu trúc hành động nói năng.
     Cấu trúc cầu khiến có dạng [A V1 B V2], trong đó B và V2 là hai bổ ngữ-tham tố của V1.
     Có thể hiểu đơn giản: cấu trúc cầu khiến là kiểu cấu trúc “A bảo [B] [làm gì]”.

(1) Mẹ nó bảo nó đi chợ.
(2) Nó đề nghị tôi tham gia hội đó.
(3) Nó năn nỉ tôi nói chuyện đó với cô ấy.


     Ở cấu trúc cầu khiến, nội dung cầu khiến (do V2 biểu thị) chính là hành động mà người nói cầu/khiến; do vậy khi ở dạng phủ định (nghĩa là bị can ngăn, cấm đoán) thì người ta dùng đừng/chớ/thôi chứ không dùng không.

(4) Mẹ nó bảo nó đừng đi chợ.
(5) Nó đề nghị tôi đừng tham gia hội đó.
(6) Nó năn nỉ tôi đừng nói chuyện đó với cô ấy.

     Nếu sử dụng không thì cấu trúc cầu khiến sẽ được hiểu là cấu trúc hành động nói năng.

(7) Mẹ nó bảo nó (là) không đi chợ. // Mẹ nó bảo (là) nó không đi chợ.
(8) Nó đề nghị (là) tôi không tham gia hội đó.
(9) Nó năn nỉ (là) tôi không nói chuyện đó với cô ấy.

     Lý do: cấu trúc hành động nói năng có dạng “A bảo [B] (là) [điều gì]” / “A bảo (là) [điều gì]”.

(10) Mẹ nó bảo nó (là) bố nó sẽ về trễ.
(11) Nó nói với mẹ nó (là) bố nó sẽ về trễ.
(12) Mẹ nó bảo (là) bố nó sẽ về trễ.

     Chú ý:
     (i) vai trò của là/rằng rất quan trọng để xác nhận thành phần theo sau là nội dung nói năng (chứ không phải nội dung cầu khiến);
     (ii) ở một số vị từ, sự có mặt giới từ với cũng là dấu hiệu cho biết đó không phải là vị từ cầu khiến (“A bảo với B...”, “A đề nghị với B...” chắc chắn là một cấu trúc hành động nói năng).
     (iii) có một số vị từ cấu khiến đã tiền giả định nghĩa khẳng định hay phủ định hành động cầu khiến nên không thể kết hợp với yếu tố phủ định nữa:

(13) *Mẹ nó sai nó đừng đi chợ.
(14) *Nó nhờ mẹ nó đừng mua cho nó quần jean.
(15) *Mẹ nó cấm nó thôi hút thuốc.

     Như vậy hai câu sau đây khác biệt về cấu trúc: câu đầu là một cấu trúc cầu khiến, câu sau là một cấu trúc hành động nói năng.
(16) Mẹ nó cấm nó đi chơi.
(17) Mẹ nó cấm nó không được đi chơi.
     Câu (17) hoàn toàn đúng với ngữ pháp tiếng Việt chứ không hề “phi logic” như có người chế giễu.

No comments:

Post a Comment