Trong một bài trước,
chúng tôi có bàn về ngay cả trong sự phân biệt với thậm chí.
Những nội dung
trong đó có lẽ vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề thì dễ tạo cảm
giác rằng ngay cả là một khối bất khả phân ly, hoặc nói nôm na, là một “từ”.
Thật ra, ngay cả
là một ngữ đoạn gồm hai yếu tố (hai từ: ngay
và cả) kết hợp và nghĩa của mỗi yếu tố
vẫn được bảo toàn.
Ở đây chúng tôi
xin nói thêm chút ít về cả và ngay, với tư cách hai từ riêng rẽ.
Cả, thường được gọi
là trợ từ, biểu thị cái đối tượng (do danh ngữ theo sau nó thể hiện) cũng nằm
trong phạm vi ứng dụng của sự tình đang nói đến.
(1) Ông ấy mời toàn bộ nhân
viên, cả anh bảo vệ. // Cả anh bảo vệ cũng được mời.
(2) Ông ấy đuổi việc bảy công
nhân, và cả hai kỹ sư (nữa).
(3) Nó học nhiều thứ tiếng lắm.
Nó học cả tiếng Nhật. // Cả tiếng Nhật nó cũng học.
Trong ba câu trên,
“anh bảo vệ”, “hai kỹ sư”, “tiếng Nhật” nằm trong tầm tác động của “mời”, “đuổi” và “học”.
Tuy nhiên, có sự
khác nhau.
Ở (1) “anh bảo vệ” thực chất cũng là một nhân viên trong cái
khối “toàn bộ nhân viên”; nghĩa là ta có một hiện tượng thừa;
Ở (2) “hai kỹ sư” không nằm trong cái khối “bảy công nhân”;
nghĩa là ta có một hiện tượng bổ sung;
Ở (3) “tiếng Nhật” không rõ nằm hay không nằm trong cái khối
“nhiều thứ tiếng”.
Từ 3 ví dụ trên có
thể thấy cả chỉ là một dấu hiệu cho
biết đối tượng-danh ngữ theo sau nó cũng nằm trong vùng tác động của sự tình-vị
từ chứ không có nghĩa là “bao gồm”. Hay nói đơn giản hơn, đối tượng được đánh dấu
bằng cả không bị loại trừ trong sự
tình đang đề cập.
Lại xét:
(4) Nó đi chơi cả khi trời mưa.
(5) Cả khi trời mưa nó cũng đi chơi.
Câu (4) (5) khác với (1) – (3) ở chỗ vắng mặt cái “khối” đối
chiếu đi trước. Nhưng cả bao giờ cũng
tiền giả định có những điều vốn nằm trong nội dung sự tình, dù có được nói ra
hay không, chẳng hạn (nó đi chơi) khi trời
đẹp, khi trời nắng, khi trời mát, v.v.. Chính điều này mang lại có câu một
hàm ý: [nó đi chơi khi trời đẹp + khi trời mưa → nó đi chơi quá nhiều].
Tương tự:
(6) Nó ăn cả tiết canh. // Cả tiết
canh nó cũng ăn.
(7) Nó chửi cả tôi. // Cả tôi nó cũng chửi.
(8) Nó đi làm cả chủ nhật. // Cả chủ nhật nó cũng đi làm.
Chú thích:
–
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê 1995) định nghĩa
(chúng tôi chỉ trích phần có liên quan đến vấn đề đang bàn):
cả: t hay đ. Có số lượng thành phần ở mức tối đa, không bỏ sót một thành
phần nào; hết thảy. Cả nước một lòng. Nhà
đi vắng cả.
cả: tr. từ biểu thị ý nhấn mạnh về mức độ cao, phạm vi không hạn chế của
sự việc. Làm cả khi trời mưa. Tiếng trống
nghe điếc cả tai. Chẳng ai đến cả. Ai cũng biết cả.
Theo suy nghĩ của chúng tôi, định nghĩa trên có hai vấn đề: (i) Không rõ cả trong Nhà đi vắng cả và Ai cũng biết
cả, Chẳng ai đến cả khác nhau ở
chỗ nào; (ii) Có thể cả ở hai trường
hợp trên là một; chỉ khác nhau ở ngữ pháp và ngữ nghĩa của yếu tố đi theo nó.
Nhưng đây là một chuyện khác; chúng tôi sẽ bàn đến khi có dịp.
–
Hình như GS Cao Xuân Hạo là người đầu tiên và
duy nhất gọi những yếu tố như cả, chính... là “vị từ tình thái” chuyên đi
với danh từ. Nghe có vẻ lạ (nên khó chấp nhận) nhưng cũng đáng suy nghĩ.
Ngay, cũng thường
được gọi là trợ từ, biểu thị tính chính xác của một đối tượng (thường là thời
điểm và địa điểm) trong sự tình đang bàn.
Theo suy nghĩ của
chúng tôi, ngay vốn là một vị từ có
nghĩa là “thẳng”, vốn đối nghĩa với “chệch”. Cho nên có thể diễn đạt lại một
cách nôm na như sau: “ngay A” có
nghĩa là “A chứ không chệch khỏi A”.
(9) Tai nạn xảy ra ngay trước mắt tôi.
(10) Tôi sẽ đi ngay bây giờ.
(11) Ngay trước bệnh viện là một đống rác to tướng.
(12) Nếu có hắn ở đây tôi sẽ chỉ
ngay mặt hắn mà nói rằng “Anh là đồ đểu”.
(13) Số hắn quả là đen. Hỏi ai
không hỏi, lại đi hỏi ngay lão Tám Cụt.
Sau ngay thường là một danh ngữ chỉ thời
gian hoặc vị trí, những trường hợp khác ít thấy hơn, nhưng không phải là không
có (đặc biệt nhiều ở phương ngữ Nam bộ).
Bây giờ xét những
câu sau đây:
(14) Vấn đề đó rất phức tạp. Cả giáo sư Thế cũng không trả lời được.
(15) Vấn đề đó rất phức tạp. Ngay giáo sư Thế cũng không trả lời được.
Ở (14), cả tạo một
tiền giả định: “có nhiều nhà khoa học không trả lời được”; vì vậy “cả giáo sư Thế” được hiểu là giáo sư Thế
không phải là ngoại lệ so với cái khối “nhiều nhà khoa học không trả lời được”.
Ở (15), ngay không
có tiền giả định như vậy. Người nói dùng ngay
để thể hiện ý rằng “Tôi nói “thẳng” một trường hợp là giáo sư Thế...”. (Thật
ra, ngay mà diễn thành thẳng chắc hẳn không thỏa đáng, vì “nói
thẳng” thường được dùng để rào đón cho một phát ngôn mà người nói cho là có thể
làm mếch lòng người nghe; nhưng nếu diễn giải “Tôi nói ngay trường hợp...” thì e rằng sa vào cách giải thích luẩn quẩn.)
Trong thực tế, người Việt, nhất là ở nông thôn, vẫn hay dùng một phát ngôn
tương tự để dẫn nhập cho một trường hợp
“điển hình” có liên quan đến sự tình đang đề cập.
Chẳng hạn:
(16) – Chú Tám tệ quá! Không qua hỏi thăm được một
tiếng!
–
Nói đâu xa! Tao nói ngay ba mày nè,
lúc chú Tám mày gặp chuyện, ổng có thèm hỏi tiếng nào đâu!
Với ý nghĩa tình thái như vừa nói, ngay cũng phân biệt với đến,
chính. So sánh:
(17) Vấn đề đó rất phức tạp. Đến giáo sư Thế cũng không trả lời được.
(18) Vấn đề đó rất phức tạp. Chính giáo sư Thế cũng không trả lời được.
Ở (17), đến cho biết
“giáo sư Thế” ở vị trí cao trong nhóm những người (được kỳ vọng là) có khả năng
trả lời vấn đề đó.
Ở (18), chính cho
biết “giáo sư Thế” chứ chẳng phải ai khác.
Sau đây là một số
trường hợp (trích từ Thời xa vắng” của Nguyễn Khải, bản trên mạng) mà chúng tôi cho rằng ngay đắc dụng hơn cả hoặc không thể thay bằng cả:
(19) Cả năm ngày ấy vẫn còn là
bí mật, ngay đến nhà sát tường cũng
không hiểu.
(20) Nó không còn biết đau đã
đành, ngay mình cũng không có cảm
giác đau đớn khi thằng bạn đã tắt thở, nằm trên lưng.
(21) Đã từ lâu không ai đến nhà
nhưng đều có rất nhiều chuyện đồn đại khiến Tính nhận ra không chỉ con anh mà ngay em mình cũng bị đối xử còn quá một
thằng ở.
(22) Tôi xin nói ngay là từ nay
ông không thể chống được bất cứ một quyết định nào của chính quyền, trừ phi mệnh
lệnh ấy sai lầm. Ngay một tạ thóc cứu
tế, chính quyền cũng phải có mệnh lệnh cho gia đình sử dụng từng bữa số lượng
bao nhiêu, ăn cách nào chứ không thể để ông tự tiện sử dụng bừa bãi để độ ba
ngày sau cả nhà lại ăn cám.
(23) Cô bé tìm ra chỗ yếu của
Sài. Sài đành chịu số phận hẩm hiu để cho mọi người, cả người thân thuộc lẫn kẻ
dửng dưng đều hài lòng vì cậu không chê vợ. Nhưng thực sự thì đừng ai bắt, ngay Sài cũng không tài nào bắt mình phải
nói cười, phải làm lụng, phải ăn uống, phải sai bảo và đi lại với cô ta được.
(24) "Pháp
luật làm gì có quyền làm như thế" - "Pháp luật thì không nhưng dư luận
sẽ lên án. Chú nói thật: ngay như bố mẹ anh em ruột của Sài không phải
hoàn toàn ưa cô Tuyết, nhất là sự cách biệt giữa hai gia đình”.
(Chú thích: Ở nông
thôn Nam bộ vẫn còn một cách nói mào đầu, tương tự như “Nói một cách công bằng,...”,
đó là “Nói nào ngay,...”).
Từ những điều vừa
trình bày, có thể nói ngữ đoạn ngay cả, về mặt ngữ pháp là một sự kết hợp giữa
tình thái ngay và tình thái cả, ranh giới giữa ngay và cả vẫn còn khá rõ
ràng; nhưng có vẻ cả mang gánh nặng
ngữ nghĩa nhiều hơn ngay. (Về lý thuyết,
hai yếu tố tình thái cùng chức năng ngữ nghĩa khó có thể kết hợp với nhau.)
Tuy nhiên, cũng cần
nói thêm rằng tổ hợp ngay + cả quen thuộc và ổn định đến mức dường
như ngay đã san sẻ một phần ngữ nghĩa
của cả.
Ngữ đoạn kể cả,
tính cả cũng có biểu hiện tương tự.
No comments:
Post a Comment