Wednesday, 21 November 2012

ĐỂ là làm hay không làm?

     Để là một vị từ bình thường. Từ điển Hoàng Phê cho để có hai cách dùng là động từ và kết từ; là động từ, để có 7 nghĩa; là kết từ có 2 nghĩa.
 
     Theo suy nghĩ của tôi, có thể cho rằng để vốn là một vị từ có nghĩa “thực hiện một hành động là không làm gì cả cho sự tình diễn ra một cách tự nhiên”.
     Về cơ bản, vị từ để là một vị từ [+động] và [+chủ ý] nhưng ở một số trường hợp nó có những biểu hiện khác.

 

    Sau đây chúng tôi tạm chia các biểu hiện của để thành 5 nhóm, nhằm mục đích dễ trình bày chứ không phải vì lý do ngữ nghĩa.

Nhóm 1:
(1) Họ qua đời, để lại một tài sản lớn.
(2) Đây là tài sản vô giá mà cha ông ta để lại cho chúng ta.
(3) Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.
(4) Họ đã đánh một trận để đời.

     Ở nhóm 1, trong thực tế, “để lại tài sản”, “để lại tiếng” có vẻ như nằm ngoài ý chí của chủ thể (khi người ta qua đời, đương nhiên tài sản hoặc tiếng tăm vẫn còn ở lại, dù người ta có muốn hay không). Tuy nhiên, ở những trường hợp khác tính [+chủ ý] lại thể hiện rất rõ:
(5) Nếu con nghe lời bố, bố sẽ để lại toàn bộ tài sản cho con.
(6) Chúng ta đánh trận này để đời, anh em hãy cố gắng lên!
     Ở nhóm 1, cũng khó khẳng định để là một vị từ [+động] vì những thuộc tính liên quan không thể hiện: sự “để (lại)” không thay đổi trên trục thời gian.
    
Nhóm 2:
(7) Hắn để râu / móng tay / tóc dài.
(8) Anh để nắng như vậy, cây chết thì sao?
(9) Nó ngủ, nó để cửa nên mới bị ăn trộm.

     Ở nhóm 2, trong thực tế không thể khẳng định cái việc “để râu”, “để nắng”, “để cửa” thuộc về ý muốn của chủ thể hay chỉ là một quá trình tự nhiên mà chủ thể không can thiệp gì hết. Tuy nhiên, về ngữ pháp, cách nói “đừng để râu”, “không muốn để râu” vẫn là tiềm năng; do vậy có lẽ phải xem để có tính [+chủ ý] ở cả hai nhóm 1 và 2.
     Để nhóm 2 có thể xem là [+động].

Nhóm 3:
(10) Em để gió vào cho mát!
(11) Em đừng làm nó sợ. Em để nó ăn hết đi!
(12) Suỵt! Con để em ngủ!
(13) Họ muốn ra đi thì tôi đành để họ ra đi.
(14) Để máy nhé, nó đang quét virus đó!
(15) Nướng thịt thì để cháy cháy một chút mới ngon.

     Ở nhóm 3, với sự có mặt của các yếu tố cầu khiến, rõ ràng để là một vị từ [+chủ ý]. Và [+động].

Nhóm 4:
(16) Chị đừng rửa. Chị để em rửa cho.
(17) Tôi đi ra ngoài một lát. Tài liệu để yên đó nhé!
(18) Anh để trống chỗ này cho tôi!
(19) Anh để tôi trả tiền.
(20) Tôi đang cần máy, anh để máy cho tôi mượn một lát nhé?
(21) Đừng để ai biết chuyện này nhé!

     Nhóm 4 cũng giống nhóm 3. Có điều, cái hành động để có vẻ như là một hành động (không làm gì cả) cho một sự tình nào đó tự nhiên diễn ra trong những tình huống bình thường.
     Bình thường thì (16): chị sẽ rửa chén, (17): tài liệu sẽ bị dọn đi, (18): trang giấy sẽ không có chỗ để ghi chú, v.v.. Trong khi đó, ở nhóm 3, cái hành động liên quan không thể biết chắc là có diễn ra hay không.
     Ở tất cả các câu thuộc 4 nhóm trên, để rõ ràng là “thực hiện hành động không làm gì cả” (gọi là “hành động vô hành”).

Nhóm 5:
(22) Cá nhiều lắm, tôi để dưới ao, chừng nào ăn mới bắt.
(23) Anh để cá dưới ao đi, mang lên nó chết đó!
(24) Ông quyết định không che. Ông sẽ để nắng vài ngày cho cây khỏe.
(25) Ông quyết định, ngày mai ông sẽ để cây ngoài nắng cho cây cứng cáp hơn.
(26) (Anh ta đặt lá đơn ly hôn trước mặt chị.) Chị để lá đơn trên bàn mấy ngày trời, không buồn đụng đến.
(27) Chị để lá đơn ly hôn trên bàn để anh ta ký.
(28) để sách trên bàn.
(29) để sách lên bàn.

     Ở nhóm 5, để [+chủ ý] nhưng phức tạp hơn. Câu (22) cho biết chủ thể thực hiện cái hành động là không làm gì cả, cá vào ao thì “để” trong ao, không bắt lên. Trong khi đó, (23) thì khác: cá đã bắt lên rồi, sau đó chủ thể đặt xuống ao cho nó không chết; nghĩa là ở (23) chủ thể thực hiện cái hành động là tác động vào cá cho cá có được cái vị trí cần thiết (hành động chuyển vị).
     Tương tự, ở (24), cây vốn nằm ngoài nắng; chủ thể thực hiện cái hành động là không làm gì cả. Trong khi đó, ở (25), cây vốn nằm trong mát, chủ thể thực hiện cái hành động là tác động vào cây cho cây có được cái vị trí có thể đón nắng.
     Như vậy, có thể nói ở nhóm 5, hành động để [+chủ ý] có thể xuất hiện trong hai khung vị ngữ (hai sự tình): không tác động và tác động.
     Tuy nhiên, về ngữ pháp, biểu hiện tác động của để là do những yếu tố khác quyết định chứ không phải do bản thân nó. Khác biệt giữa [(26): không tác động] và [(27): tác động nhằm làm cho đối tượng nằm ở vị trí cần thiết] là do tình huống bên ngoài ngôn ngữ quyết định. Trong khi đó, khác biệt giữa [(28): không tác động] và [(29): tác động] là do yếu tố chỉ đích “lên” quyết định.
     (Trong tiếng Việt có những vị từ quá trình “mập ra”, “giàu lên”, “xấu đi”, “giãn ra”, v.v.; nghĩa là chỉ tố hướng làm vị từ [-động] trở thành [+động]. Để trong cách dùng trên có lẽ cũng tương tự như vậy: “để trên bàn” không tác động, “để lên bàn” tác động; “để trong túi” không tác động, “để vào túi” tác động).

     Bây giờ hãy xét các câu sau đây để thấy để vị từ chuyển thành để kết từ như thế nào.
(30) Nhớ tưới nghe, để cây chết uổng lắm!
(31)        Nó không tưới là vì nó muốn để cây chết.
(32)        Nó không tưới để cây chết.
(33) Mấy con cá này làm món gì ăn đi, để nó chết mất ngon.
(34)        Làm mấy con cá này ngay đi, để nó không chết.
(35)        Làm mấy con cá này để nấu cháo.
(36)        Làm mấy con cá này để anh em nhậu.
(37) Uống đi, để nó nguội đó!
(38)        Sữa nóng lắm, để nguội rồi uống!
(39)        Uống sữa để đỡ mệt.
(40)        Nó cố uống hết ly sữa để mẹ yên tâm.
     Ở (30) (31), để là vị từ; ở (32) để có hai cách hiểu: (i) để là vị từ giống (30) (31), (ii) để là chỉ tố mục đích (kết từ, có thể thay bằng cho, nhằm mục đích). (Chú thích cho tình huống (i): chẳng hạn, ông bố đi xa dặn con ở nhà tưới cây, đứa con mải chơi quên mất chứ sự việc cây chết nằm ngoài ý muốn của nó).
     Có lẽ cách hiểu (ii) được chọn lựa nhiều hơn, nếu làm một cuộc điều tra nào đó. Tuy nhiên, không có bằng chứng gì để nói rằng (ii) được ưu tiên hơn (i).
     Ở (33), để là vị từ. Trong khi đó, để ở các câu (34) – (36), để là kết từ. Chính cái sự tình “nó không chết” (quá trình tự nhiên là nó sẽ chết nếu không can thiệp), sự tình “nấu cháo”, “anh em nhậu” cho biết để hoạt động như một chỉ tố mục đích.

     Như vậy, với những điều trình bày trên có thể nói để là một vị từ hành động [+động] [+chủ ý] (trừ cách dùng ở nhóm 1: [–động]), vốn có nghĩa là không làm gì cả, nhưng với sự có mặt của các yếu tố khác trong câu, hoặc do tình huống, nó có thể mang nghĩa hành động chuyển vị (có tác động).
     để với tư cách là một kết từ mục đích là kết quả của quá trình ngữ pháp hóa để vị từ.

     Có lẽ vẫn cần suy nghĩ nhiều hơn về cái từ “bình thường” này.  

No comments:

Post a Comment