Này, đây,
ấy, đó/đấy, kia là nhóm từ rất khó gọi tên, vì gọi
theo kiểu nào thì cũng không thỏa.
I.
Để dễ hình dung,
có thể trình bày nhóm từ này theo kiểu
“truyền thống”, nghĩa là bắt chước ngữ pháp châu Âu: (i) đại từ, (ii) tính từ (chỉ định).
Nó là đại từ,
vì nó có thể độc lập làm thành một ngữ đoạn để tham gia vào cấu trúc câu. Tuy
nhiên, khả năng này bị ràng rịt tứ phía.
Khi nó ở cương vị
đề/chủ ngữ, thành phần thuyết/vị ngữ không thể có trung tâm là một vị từ bình
thường – bất kể loại nào – mà phải là hệ từ là:
(1) Đây là quyển sách của thầy Dân.
(2) Đó/Đấy là trường tôi.
(3) Kia là trạm xe buýt.
(4) *Đó đẹp quá!
(5) *Kia ăn ngon hơn.
Riêng ấy và này không được nhìn nhận ở cương vị này.
Này thì hầu như chỉ xuất hiện trong một
câu Kiều, và được hết quyển sách này đến quyển sách khác dẫn lại để cho rằng nó
có tư cách đề/chủ ngữ: “Này chồng này mẹ này cha, Này là em ruột này là em dâu”. (Có lẽ trong tiếng Việt
hiện đại, đây đã thay thế hoàn toàn
cho này khi làm đề).
Trong khi đó, ấy hầu như không thể:
(6) *Ấy là quyển sách tôi mới mua.
(7) *Ấy là nhà tôi.
(8) *Ấy là mẹ, ấy là cha, ấy em gái tôi.
Ở tư cách bổ ngữ,
nhóm từ đang bàn cũng được dùng rất hạn chế: nó chỉ là đại từ chỉ vị
trí chứ không thể dùng để chỉ bất cứ cái gì khác.
(9) Hôm nào mình về đó/đấy
chơi nghe!
(10) Từ đây đến đó/đấy bao xa?
(11) Đến kia ngồi mát hơn.
(12) Em qua kia ngồi nhé?
(13) Em về đây mấy ngày?
(14) Ở đây ai cũng nhớ em.
(15) *Ở quán này có món heo mọi
nướng rất ngon. Tôi thích đó.
(16) *Cái áo đẹp thật! Chị mua đó đi!
Một lần nữa, ấy và
này không giống những từ còn lại.
(17) *Tôi sẽ đến này/ấy
cuối tuần này.
(18) *Chị mua ở này/ấy
à?
Có điều lạ: riêng đây có thể đứng sau hệ từ là đề làm thuyết/vị
ngữ.
(19) Giải pháp cho tương lai là
đây.
(20) Sự thật là đây.
Tuy nhiên, cách dùng này rất hãn hữu: những trường hợp chỉ
trỏ sự vật bình thường hầu như không thể dùng. Chẳng hạn:
(21) ??Cuốn sách của tôi là đây.
(22) ??Nhà tôi là đây.
Nói thêm:
Thật
ra, đây chỉ có quan hệ với nhóm đang
bàn (đúng ra chỉ là đó/đấy, kia, vì ở
vd (17) và (18) ấy/này đã bị loại) ở
ý nghĩa chỉ định vị trí (vd (9) – (14)).
Nói
rõ hơn, đây là một đại từ chỉ định
cái nơi/chỗ mà người nói đang tồn tại và đưa ra phát ngôn. Đây bao giờ cũng là đây của
người nói, và sẽ trở thành đó/đấy khi
chuyển lượt lời cho người nghe.
Đây trực chỉ nơi/chỗ của người nói, đó trực chỉ nơi/chỗ của người nghe (hay
nói rộng hơn, xa người nói mà gần người nghe), còn kia trực chỉ nơi/chỗ xa cả người nói và người nghe (có thể không tồn
tại trước mắt của cà người nói và người nghe).
Ngoài
ý nghĩa này, đây không thể tham gia
vào các cấu trúc danh ngữ với tư cách là định ngữ (đó/đấy, kia thì được, như các ví dụ (23) – (26) cho thấy).
Duy
có một lối nói đặc biệt:
–
Xin lỗi, anh đây
là...?
–
Xin giới thiệu, chị Hà đây là vợ của bác sĩ Nam.
Ở đây không thể nói đây là định ngữ của anh, chị Hà. Và như vậy chúng tôi cho rằng có lẽ ngữ đoạn duy nhất
mà đây xuất hiện sau một danh từ
chung (nơi đây trong câu Nơi
đây đã diễn ra một trận đánh ác
liệt) cũng nên xem cùng loại với anh
đây, chị Hà đây.
(Chúng tôi ngờ rằng lối diễn đạt
vừa đề cập là một cách nói trớ từ này,
vì lý do lịch sự: rõ ràng anh đây, chị Hà
đây lịch sự hơn anh này, chị Hà này.
Hơn nữa, nếu ở phát ngôn của một người lớn với người nhỏ hơn mình thì này vẫn là một chọn lựa ưu tiên: Anh này là ai vậy? Thằng này là thằng Tâm,
ông không nhớ à?)
Và nếu chấp nhận cách lý giải vừa
phát biểu thì cuối cùng chỉ còn lại một ngoại lệ là nơi đây, dù trong mọi trường
hợp nơi
đây đều có thể thay bằng nơi này.
Nó là tính
từ, vì nó chiếm vị trí sau một danh từ, làm định ngữ cho danh từ đó để
tạo thành một ngữ danh từ. Khả năng này cũng không được phân đều cho cả nhóm.
Vì đây đứng lẻ loi bên ngoài.
(23) Chỗ này có ai ngồi chưa ạ?
(24) Tôi không muốn nói đến việc
ấy.
(25) Chuyện đó/đấy
đến đâu rồi?
(26) Anh kia là bạn chị à?
Nhưng không thể nói:
(27) *Chuyện đây không phải là chuyện của anh.
(28) *Tôi sẽ làm xong việc đây trước thứ bảy.
Những người “cóp”
hệ thống của ngôn ngữ phương Tây cho rằng như vậy (đại từ và tính từ) là hợp
lý, hệ thống, phản ánh được khả năng kết hợp của các từ đang bàn – đặc biệt là
tránh được hiện tượng khó giải thích: yếu tố “chuyên” đứng sau danh từ để làm định
ngữ mà lại gọi là “đại từ”(!).
(Nhưng họ quên rằng,
nếu là tính từ, những từ này sẽ tạo thành một nhóm tính từ “lạ” của tiếng Việt,
vì không thể hoạt động như những tính từ khác: không thể đứng trực tiếp sau đề/chủ
ngữ để làm thuyết/vị ngữ. Giữa hai đặc trưng của tính từ, không hiểu sao họ lại
ưu tiên cho đặc trưng làm định ngữ hơn?!)
Những người cho
nhóm từ trên là đại từ, bất kể khả năng hoạt động của nó, cũng có cái lý riêng:
(i) tránh được bất cập vừa nói, (ii) thích hợp với chủ trương không có từ loại
tính từ (mà chỉ có vị từ). Nhưng nếu vậy thì phải cho rằng ở đây hoặc có sự
chuyển loại (đại từ chuyển thành cái giống như tính từ, nhưng nếu như vậy thì lại
rất kỳ cục: này, đây, ấy, đó/đấy,
kia lại trở thành vị từ!!) hoặc mở rộng
“khả năng” của đại từ (đại từ làm định ngữ cho danh từ).
Có vẻ như gần đây
nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ giải pháp đại từ hơn tính từ.
Cũng có người
trung dung, gọi nhóm đang bàn là “chỉ định từ” hay “từ chỉ định” để khỏi phải
băn khoăn.
II.
Có một sự luận
phiên trong một số trường hợp giữa ấy
và đó, khiến nhiều người cho rằng ấy và đó đồng nghĩa với nhau, khác nhau ở sự ưu tiên mang tính địa
phương.
Quả thật, có sự
phân biệt địa phương trong khi chọn lựa ấy
– đó; nhưng nó chỉ là nét thứ yếu.
Đó khác ấy ở một số điểm:
- Đó dùng trực chỉ (chỉ trỏ, đặc biệt là khi đi kèm với cử chỉ), trong khi ấy dùng hồi chỉ.
(29) Em đó lên gặp tôi.
(30) – Trong
ba cái áo này, chị thích cái nào?
– Tôi thích cái đó, cái màu đen.
Ở tiếng Việt, có sự đối lập hiển nhiên giữa anh/chị/ông/bà/cô...
đó và anh/chị/ông/bà/cô... ấy.
Trong đó riêng em ấy
không tồn tại với tư cách đại từ ngôi thứ ba ((s)he) mà thay vào đó là nó hoặc một cách gọi mà người ta nghĩ là
lịch sự hơn (cô ấy, chú ấy, em...).
Chính vì vậy,
không thể thay ấy bằng đó khi hồi chỉ bố mẹ hoặc một người
thân.
(31) (Anh gặp bố anh lần cuối
là khi nào?) – Tôi không nhớ. Lâu rồi ông ấy/*đó không về.
(32) (Ông xã chị về chưa?) – Giờ
này anh ấy/*đó vẫn chưa về?
- Đó trực chỉ những sự vật, đặc biệt là những vật nhỏ, cụ thể; trong khi ấy hồi chỉ những sự vật trừu tượng hay những sự việc đã biết (chẳng hạn có danh từ đi trước là chuyện, việc, điều...).
(33) Rau đó/*ấy bán sao vậy chị?
(34) Con gà đó/*ấy
mấy ký?
(35) Cậu nhầm rồi. Cây đó/*ấy
của tớ, cây của cậu màu xanh mà!
(36) Tôi biết chuyện ấy/đó
rồi. Đừng nói nữa!
(37) Chuyện ấy/đó
xảy ra cách đây hơn một năm.
(38) Bố tôi đã trăng trối như vậy.
Những điều ấy/đó tôi không bao giờ quên.
Ở cách dùng này có
sự tranh chấp giữa ấy và đó. Ấy
bao giờ cũng dùng hồi chỉ, trong khi đó
dùng trực chỉ và có vẻ (chỉ có vẻ) cũng dùng hồi chỉ. Thật ra, trong tình huống
mà người ta dùng ấy để hồi chỉ (thay
cho danh ngữ chỉ một sự vật hay sự việc đã nói đến trong văn cảnh trước,
hoặc đã biết) thì vẫn có thể dùng đó
để trực chỉ (chỉ thực thể đã được nói đến hay biết). Hay nói nôm na: ấy dùng để chỉ “lời”, còn đó dùng để chỉ “vật”.
(39) Ông cưu mang chúng, lo cái
ăn cái mặc cho chúng, dạy chúng một nghề để tự kiếm sống. Thế mà cuối cùng những
cố gắng ấy/đó đã đổ sông đổ biển.
(40) Anh đã dành những ngày cuối
đời để chăm sóc người bệnh, những người cùng cảnh ngộ với anh. Cuộc đời ấy/đó
thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ.
- Đó có thể kết hợp với một từ nghi vấn (nào, gì, đâu, ai) để chỉ phiếm chỉ; ấy thì hầu như không thể.
(41) Chị muốn tìm nơi nào đó/*ấy
để khóc cho thỏa.
(42) Có ai đó/*ấy muốn tìm anh ở
ngoài cổng đó!
(43) Họ nói với nhau chuyện gì đó/??ấy,
tôi không biết.
(44) Cuối tuần nên đi đâu đó/*ấy
cho thoải mái.
- Đó có thể dùng cuối một phát ngôn để đánh dấu sự đáng chú ý của nội dung phát ngôn trước đó (người nói cho rằng thông tin đưa ra là thông tin mới, cần cho người nghe); ấy thì không thể. Trường hợp này, đó hoạt động như một ngữ khí từ / từ tính thái cuối câu.
(45) Hắn là con ông bộ trưởng đó/*ấy!
(46) Bố hắn là ông bảo vệ của
trường đó/*ấy!
(47) Của tôi đó/*ấy!
// Của chị đó/*ấy!
(48) Tôi nói thật đó/*ấy!
- Đó có thể dùng trong nghi vấn để hỏi một điều mà người nói đang chứng kiến hoặc biết sắp diễn ra (vì có dấu hiệu cụ thể); ấy không thể. Trường hợp này, đó hoạt động như một ngữ khí từ / từ tính thái cuối câu.
(49) Anh đang ăn gì đó/*ấy?
(50) Em định đi đâu đó/*ấy?
(51) Chị đi mua gì đó/*ấy?
- Đó có thể đứng riêng ở đầu câu như một thán từ (thán từ gọi đáp), nhằm lưu ý người nghe rằng cái sự vật, sự việc đã nói trước đấy (hay có vẻ như đã nói) giờ đây đã hiển hiện; và do vậy, sau nó là một phát ngôn nhắc lại (hay đúng hơn là để đay nghiến) người nghe về điều đã nói trước đấy.
Ấy
cũng là một thán từ (gọi đáp) đứng riêng ở đầu câu, nhằm báo trước một phát
ngôn cho biết rằng người nói có thái độ không đồng tình, hoặc can ngăn người
nghe.
(52) Đó, tôi nói có sai đâu.
(53) Đó, đã bảo mà!
(54) Đó, tôi đã nói với anh rồi, đừng cho nó đi xe máy, mà anh có nghe
tôi đâu!
(55) Ấy, sao lại nói thế!
(56) Ấy, anh còn làm thế là tôi giận đấy!
(57) Ấy, ấy, đừng đánh nó!
Đó còn có một cách dùng khác, nó đứng đầu
câu để báo động một sự việc đang đến hoặc vừa xảy ra. (Cuối câu có thể dùng
thêm một từ đó tình thái).
(58) Đó, nó về đó!
(59) Đó, nó chứ ai nữa!
(60) Anh nói là cho nó tự do để
nó phát triển tự nhiên. Đó, nó bỏ nhà
đi để phát triển tự do đó! Anh hài lòng chưa?
Riêng câu (58) và (59) có thể thay bằng kìa ở cả đầu câu và cuối câu, nhưng ý nghĩa có khác: kìa chỉ có ý
báo động để gây chú ý, có thể kèm theo thái độ vui mừng hoặc ngạc nhiên; trong
khi đó có thái độ âm tính rõ rệt, có
thể viết tiếp câu (58) và (59) như sau:
(61) Đó, nó về đó! Vậy mà anh cãi tôi!
(62) Đó, nó chứ ai nữa! Nhìn kỹ xem! Vậy mà không nhìn ra!
So sánh:
(63) Kìa, bố về! Bố về kìa!
(64) Kìa, xe buýt đến rồi kìa!
(65) Kìa, anh Nam! Vậy mà tôi tưởng ai! Vui quá!
Cần chú ý, 3 mục đó cuối cùng thật ra là sự phái sinh từ đó đã nói trên kia, sự khác biệt về ngữ
pháp khá rõ ràng, nhưng về ngữ nghĩa vẫn còn có sự liên tưởng có thể suy ra được.
Bài viết bổ ích, cảm ơn anh.
ReplyDeleteRất cám ơn về bài viết hữu ích này^^
ReplyDeleteGiờ em mới phân biệt được các từ này...
Tiếng Việt đâu có dễ. Tôi là người nước ngoài nhưng được đọc bài viết này thì tôi mới phân biệt được các từ này.
ReplyDeleteBài viết này rất hữu ích đấy!