1. Giữ gìn tiếng Việt là mối quan
tâm của rất nhiều người Việt Nam từ nhiều năm nay, gần đây nhất là loạt bài
đăng trên báo Tuổi Trẻ cuối năm 2009 - đầu năm 2010. Nếu tìm trên mạng, chúng
ta có thể thấy rất nhiều website của các tổ chức, cơ quan và cá nhân có đề cập
ít nhiều đến vấn đề này.([1]) Đặc
biệt, các diễn đàn ở các website này quy tụ không ít những thành viên có thể được
xem là trẻ tuổi (căn cứ vào những thông tin mà các thành viên đó cung cấp hoặc
căn cứ vào ngôn từ mà họ sử dụng).
Nhìn chung, thái độ của hầu hết những người
tham gia thảo luận trên mạng có một số điểm chung: (i) tiếng Việt đang bị nghèo
đi, xấu đi do sự lạm dụng từ ngữ tiếng nước ngoài, (ii) tiếng Việt đang bị biến
dạng do sự phá phách hoặc sự giản tiện hóa quá mức (để thích hợp với việc nhắn
tin hoặc “chat”), (iii) cần và phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Về những nguyên nhân gây ra những hiện tượng
đáng lo ngại liên quan với tiếng Việt, có vẻ như dư luận hay nhắc đến:
–
Yếu tố bên trong:
thói học đòi, vọng ngoại, sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của một bộ phận xã hội,
chủ yếu là giới trẻ;
–
Yếu tố bên ngoài:
Việt Nam hội nhập thế giới, kinh tế thị trường phát triển, thông tin bùng nổ
(đi kèm với sự phổ biến của điện thoại di động, máy tính, internet), văn hóa nước
ngoài xâm nhập, v.v..
Những điều vừa nói trên có lẽ không có gì sai. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, các hiện tượng tiêu cực vừa kể chỉ là những hiện tượng bề mặt, hiện tượng ngoại vi. Nó có thể được điều chỉnh bằng một vài quy định nhà nước (chẳng hạn, Chính phủ cấm sử dụng tiếng nước ngoài ở một số phạm vi, lĩnh vực, phương tiện), bằng một vài phong trào xã hội, và đặc biệt là nó sẽ biến đổi hoặc biến mất cùng với sự thay đổi (hoặc trưởng thành) của chủ thể sử dụng. Điều thứ ba này có thể thấy rất rõ trên mạng: ở rất nhiều diễn đàn, ban quản trị (với sự ủng hộ của các thành viên) đưa ra quy định (chứ không chỉ là khuyến cáo) về cách thể hiện tiếng Việt, chẳng hạn như phải có dấu thanh, không được viết tắt khó hiểu, không được sử dụng ngôn từ xúc phạm người khác, v.v.. Và rất nhiều thành viên xác định rõ ràng rằng cái ngôn từ (thực ra chủ yếu là chữ viết) “chít chát” chỉ sử dụng trong phạm vi giao tiếp cá nhân hay có tính chất cá nhân (do bắt chước, do tiện dụng, do muốn biểu hiện cá tính, v.v.) còn thì họ “không dại gì” dùng nó để viết đơn xin việc làm hay để nói với cấp trên.
Chúng tôi cho rằng tình trạng đáng báo động
của tiếng Việt không thể hiện ở các hiện tượng (liên quan đến “giới trẻ”) vừa đề
cập mà là ở các sản phẩm ngôn ngữ được tạo ra bởi chính bộ phận tinh hoa của xã
hội – trước hết là các nhà văn, nhà báo, giáo viên, những người mà sản phẩm
ngôn ngữ của họ có vai trò định hướng đối với xã hội. Trong đó, chúng tôi đặc
biệt quan tâm đến báo chí, trước hết là báo viết, vì nó là sản phẩm ngôn ngữ mà
mọi tầng lớp xã hội đều ít nhiều có tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày của
mình.
Vậy, tiếng Việt trong báo như thế nào?
2. Chúng tôi đã thử khảo sát ngẫu
nhiên diện mạo tiếng Việt ở một tờ báo duy nhất (tờ Tuổi Trẻ) trong một số duy
nhất (ra ngày 8 tháng 3 năm 2010, 20 trang, không tính quảng cáo).([2])
Kết quả: chúng tôi thu thập được khoảng 100
câu và đoạn câu (với 8 trang A4, cỡ chữ 12, Times New Roman) mà theo chúng tôi
là có “vấn đề”. (Sau đây chúng tôi tạm gọi những “vấn đề” đó là “lỗi” để tiện
trình bày, dù biết rằng “lỗi” là một khái niệm động và trong nhiều trường hợp
không dễ đạt được sự đồng thuận của các nhà ngôn ngữ học, cho nên cần phải được
thảo luận thêm).
Chúng tôi không tiến hành đếm, phân loại và
tính tỉ lệ một cách rành mạch các lỗi đã thu thập được, vì nhiều lý do:
–
có những câu
riêng nó không có lỗi (ngữ pháp, từ vựng), nhưng nó lại có vấn đề khi nằm trong
quan hệ logic với những câu khác – tức cách lập luận;
–
có yếu tố là lỗi chỉ
khi nằm trong quan hệ với yếu tố khác trong cùng một câu hoặc ở một câu khác –
một trong hai yếu tố ấy đều có thể quy là lỗi;
–
có những lỗi được
xác định là lỗi từ vựng hoặc lỗi ngữ pháp hoặc lỗi logic là tùy vào hướng khắc
phục (hơn nữa, không dễ gì xác định ranh giới giữa phạm trù từ vựng và phạm trù
ngữ pháp);
–
có những trường hợp
có “vấn đề” nhưng khó có thể xác định đó là lỗi, vì trên thực tế người đọc
không thể biết chính xác điều mà người viết muốn diễn đạt.
Trong khuôn khổ bài này chúng tôi không đề
cập đến các lỗi liên quan đến dấu câu và cách viết hoa, dù những lỗi này khá phổ
biến và không phải là không nghiêm trọng. Lý do: (i) những lỗi thuộc dạng này
quá nhiều và tương đối giống nhau; (ii) về dấu câu, khả năng tùy chọn trong nhiều
trường hợp là rất lớn; (iii) về cách viết hoa, hiện nay chưa có quy tắc nào được
xem là chuẩn mực, do đó, muốn xác định lỗi e rằng phải trình bày cặn kẽ một
quan điểm có thể chấp nhận được; (iv) trong giới hạn của một bài viết, trình
bày những lỗi dạng này là một điều khó.
3. Các lỗi ghi nhận được có thể tạm
phân thành hai nhóm: những lỗi liên quan đến nội dung diễn đạt, và những lỗi liên quan đến hình thức diễn đạt: từ vựng và ngữ pháp.
3.1.
Những lỗi liên quan đến nội dung diễn đạt là những lỗi thuộc về logic-nhận thức:
(i) ý được triển khai không mạch lạc, câu (hoặc đoạn câu) trở nên khó hiểu, khó
chấp nhận; (ii) nội dung muốn truyền đạt có thể gây ngờ vực về mặt nhận thức,
(iii) quan hệ phụ thuộc hoặc bao hàm giữa các khái niệm chưa được xử lý tốt.
(Như đã nói ở trên, việc phân loại lỗi
không phải là việc dễ dàng, vì khi một từ dùng sai không đơn thuần là lỗi từ vựng
mà có thể xem là lỗi nội dung diễn đạt – liên quan đến độ chênh giữa nhận thức
của người viết và nội hàm của từ-khái niệm. Cái từ dùng sai ấy nếu đặt trong
quan hệ kết hợp với những yếu tố khác thì lại có thể xem là một lỗi ngữ pháp.
Do vậy, sự phân loại dù xuất phát từ quan điểm nào thì cũng chỉ có ý nghĩa tương
đối).([3])
Lỗi về nội dung diễn đạt trước hết là sự
thiếu mạch lạc, thiếu logic. Chẳng hạn:
(1) Trao đổi với Tuổi Trẻ,
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng tổ ấm gia đình là khởi nguồn mọi
thành công của người phụ nữ. Do vậy, mái ấm không đảm bảo thì có thành công
trong sự nghiệp, phụ nữ vẫn buồn.
Điều
thứ hai là được tổ chức tạo điều kiện và được đánh giá đúng, được đồng nghiệp
công nhận. Trong gia đình, người phụ nữ đã chịu vất vả, thiệt thòi. Họ
cũng phải phấn đấu cho sự nghiệp.
Điều
thứ ba, người phụ nữ muốn thành công thì phải chịu học, chịu đọc. Học ở đây
không phải là chạy theo bằng cấp mà tri thức phải luôn được bồi đắp bằng
cách tự học, tự nghiên cứu, học ở thực tế, ở đồng nghiệp, đồng bào.
Ở đoạn trích trên (chúng tôi phân đoạn và gạch
dưới để dễ theo dõi - NVP), từ “khởi nguồn” làm cho người đọc chờ đợi những
phân tích liên quan đến vai trò của “tổ ấm gia đình” đối với thành công của người
phụ nữ. Hóa ra không phải như vậy, tác giả trình bày nó chỉ như là một trong ba điều kiện bảo đảm thành
công của phụ nữ.
Sau đó, đọc kỹ, ở mỗi điều kiện người đọc đều
cảm thấy lập luận có vẻ được triển khai không hợp lý: Ở điều thứ nhất, logic thông
thường phải là “mái ấm không đảm bảo thì
phụ nữ sẽ không thành công (hoặc khó
thành công hoặc chưa được xem là
thành công) (chứ không phải là “buồn”); hơn nữa, nếu cái “khởi nguồn” ấy
“không đảm bảo” thì làm sao có thành công để mà “buồn”?! Ở điều thứ ba, logic thông thường sẽ là “học ở đây không phải là chạy theo bằng cấp
mà là học thực sự, học để thu nhận kiến thức, có lẽ vì người đọc chờ đợi một
cấu trúc như sau: “A không phải là X mà là Y”. (Ngoài ra, ở điều thứ ba, có một
hàm ngôn (implicature) làm người đọc phải suy nghĩ: phải chăng việc “học” (của
phụ nữ) thường chỉ là việc “chạy theo bằng cấp” nên người viết phải lên tiếng cảnh
báo? Bởi vì, theo logic thông thường, người đọc sẽ chờ được nghe: học cái gì, tại
sao phải học (quan hệ giữa dẫn ý và tiếp ý)).
Riêng điều thứ hai, thoạt tiên người đọc có
thể tiếp nhận dễ dàng: phụ nữ cần được tạo điều kiện vì trong gia đình họ “đã
chịu vất vả, thiệt thòi”. Tuy nhiên, quan hệ ngữ nghĩa giữa câu thứ ba (“Họ cũng
phải phấn đấu cho sự nghiệp”) và câu thứ hai của đoạn này đã dẫn đến một
suy ý: phụ nữ cần được tổ chức tạo điều kiện, đồng nghiệp công nhận là vì họ chịu
hai điều, một là “vất vả, thiệt thòi” trong gia đình và hai là “phấn đấu cho sự nghiệp”! Mà điều thứ hai này
không thể xem là một cái gì đó có tính chất (bất lợi) như điều thứ nhất!
Sau đây là một trường hợp khác:
(2) Mỗi phụ nữ vào
ngày này hãy biết vui mừng về sự tiến bộ của bình đẳng giới - một sự tiến
bộ mà nếu phụ nữ không muốn và nam giới không ủng hộ thì cũng khó mà tạo
ra.
Câu trên không có sai sót gì về từ vựng, ngữ
pháp (nếu không tính cách sử dụng danh ngữ “bình đẳng giới”). Tuy nhiên, về nội
dung, sự có mặt của vị từ “biết” lại làm người đọc ngờ ngợ. “Kể từ khi tôi biết
yêu biết ghét” nghĩa là kể từ khi tôi trưởng
thành hoặc tôi có đủ hiểu biết /đủ khả năng tinh thần để yêu, ghét. Phải
chăng người viết cho rằng có những phụ nữ không ý thức được đầy đủ ý nghĩa của sự
tiến bộ trong cuộc đấu tranh bình đẳng giới? Tiếp đó, tác giả cho rằng sự tiến
bộ không thể được “tạo ra” nếu “phụ nữ không muốn” và “nam giới không ủng hộ”. Chính
cái điều kiện thứ hai này làm nảy sinh ngờ vực: Sự bình đẳng giới không phải do
đấu tranh mà có ư? Nếu nam giới không ủng hộ thì sao?
Tương tự:
(3) Phương hạnh phúc mỗi khi gặp
khó khăn lại được như một con mèo nhỏ nép vào bờ vai mạnh mẽ của một người
đàn ông để được yêu thương và chia sẻ.
(4) Trong khuôn khổ Ngày điện ảnh Việt
Nam cũng sẽ diễn ra Cuộc thi sáng tác kịch bản phim Truyện Kiều. Giải đặc
biệt dành cho kịch bản phim Truyện Kiều xuất sắc nhất là 200 triệu đồng.
Câu (3) không có lỗi gì về từ vựng, ngữ
pháp. Tuy nhiên, cấu trúc mỗi... một...
lại mang lại một nét nghĩa tường minh: “mỗi khi gặp khó khăn”, Phương lại cần
“một người đàn ông”. Một nhu cầu (về đàn ông) như thế liệu có quá đáng chăng?
Câu (4) cũng không có gì sai, nhưng về nội
dung thì người đọc có quyền nghi ngờ: chỉ trong khuôn khổ một ngày thôi mà có
thể sáng tác (và bình chọn) kịch bản phim Truyện Kiều được ư?
Lỗi về nội dung diễn đạt còn thể hiện ở cách
xử lý mối quan hệ giải thích hoặc liệt kê giữa các thực thể, đối tượng – về bản
chất đây là mối quan hệ thượng danh - hạ danh (hypernym - hyponym) giữa các
khái niệm do danh từ/danh ngữ diễn đạt. Chẳng hạn:
(5) Nhiều bảng hiệu
buôn (người Việt, người Minh Hương, người Việt gốc Hoa) nổi tiếng
một thời ở Hội An và ở cả xứ Đàng Trong còn đến bây giờ như: Vạn Bửu, Tấn
Ký, Thuận An Đường, Tường Lan, Đức Hưng, Đại Xáng...
(6) Đông đảo người
dân và người đi đường vừa hãi hùng tránh đường vừa trố mắt
ngạc nhiên.
(7) Nếu không có gà
cũng có thể sử dụng giò heo, thịt heo, bồ câu, vịt, dê, tùy ý thích và tùy đối
tượng sử dụng. Tất cả đều tốt cho người già, nam giới, phụ nữ mang thai
hoặc sau sinh, thanh thiếu niên, trẻ em suy dinh dưỡng. Mỗi tuần có thể ăn
một lần.
Ở (5), người đọc có thể thắc mắc mối quan hệ
hạ danh - thượng danh giữa “người Minh Hương” và “người Việt gốc Hoa”, giữa “Hội
An” và “xứ Đàng Trong”. Ở câu (6) cũng tương tự. (Riêng ở câu (6) còn một trạng
thái mà người đọc khó tưởng tượng: một người “vừa hãi hùng” “vừa trố mắt ngạc
nhiên” thì vẻ mặt của những người đó sẽ ra sao?!).
Ở câu (7), trong những “loại” người mà tác
giả liệt kê hình như chỉ thiếu phụ nữ “bình thường” (nghĩa là không phải “mang
thai”, không phải “sau khi sinh”) còn thì đủ cả. Vậy có cần phải phân biệt “đối
tượng sử dụng” (“tùy đối tượng sử dụng”) không? (Chưa kể, “thanh thiếu niên”
cũng bao hàm “trẻ em suy dinh dưỡng”).
Có một hiện tượng cũng có liên quan đến vấn
đề này, đó là sự không đồng chất trong quan hệ giữa các thực thể, đối tượng được
nêu ra. Ví dụ:
(8) Ngoài
ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam có mặt ổn định tại Lào, cạnh tranh
ngang ngửa thậm chí thắng thế hàng Thái, hiện nay hàng loạt tập đoàn lớn
trong nước như Viettel Mobile, Điện lực Việt Nam, Sacombank, Lao - Viet bank,
Công ty cổ phần cao su Việt - Lào... đều xuất hiện trên đất nước triệu voi.
(9) Với cách tổ chức
ngày hội bằng nhiều hoạt động, nhiều loại hình trường tham gia
như năm nay, những thông tin hết sức cần thiết sẽ đến được với thí sinh để lựa
chọn ngành dự thi phù hợp.
Liệu “ngành hàng” và “tập đoàn”, “hoạt động”
và “loại hình trường tham gia” có đồng chất với nhau không? có quan hệ cân bằng
với các yếu tố khác trong câu không? Ở câu (9) còn có vấn đề ở chỗ dùng từ “bằng”,
và ở chỗ thành phần trạng ngữ “để lựa chọn...” (ai lựa chọn?).
3.2.
Những lỗi về từ vựng thường có hai dạng: (i) dùng từ ngữ không đúng, không đắt;
và (ii) sử dụng từ ngữ theo kiểu khẩu ngữ, do đó nội hàm và ngoại diên không rõ
ràng. Chẳng hạn:
(10) Bỗng tất cả con
mắt hiếu kỳ đổ dồn về phía một tay đua bị ngã lăn lộn mấy vòng, văng ra khỏi đường
phố.
(11) Tại TP.HCM, dự
kiến một ca điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng HIFU có giá thành khoảng
50 triệu đồng.
(12) Từ ngày 6-3,
các điểm kinh doanh hoa đang tăng công suất để đáp ứng kịp hóa đơn
đặt trước. Hiện nay các loại hoa hồng giá 5.000-8.000 đồng/bông, riêng
hoa hồng đỏ giá cao hơn 1.000-2.000 đồng.
(13) Bí thư T.Ư Đoàn
Phan Văn Mãi đề nghị mỗi bạn trẻ, các cấp bộ Đoàn - Hội - Đội cần
có những hành động cụ thể, thiết thực bảo vệ cảnh quan môi trường sống
quanh mình để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời vận động mọi người cùng
tham gia và ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường sống chung.
Ở (10), một người khi bị “văng ra khỏi đường
phố” thì sẽ văng đến đâu? Ở (11), “giá thành” của một ca điều trị có phải là “chi
phí” điều trị không? Có “giá thành” thì có giá bán và tiền lãi không? Ở (12), “đáp
ứng hóa đơn” liệu có chỉn chu? Cái “hiện nay” để chỉ khoảng thời gian vài ngày
trước 8/3 có giống với cái “hiện nay” trong “hiện nay chúng ta đang tiến hành
công nghiệp hóa” không? Và có thể nói “hiện nay mưa to quá” không? Ở (13), “cảnh
quan môi trường” là gì? “cảnh quan”? “môi trường”? “cảnh quan của môi trường”?
hay “cảnh quan và môi trường”? (Riêng
câu (13) còn hai lỗi khó chấp nhận: vị từ “đề nghị” luôn được sử dụng theo mẫu
“(ai) đề nghị (ai) (V)” chứ không phải
là “(ai) đề nghị (ai) cần (V)”; và vị từ “vận động” cũng vậy:
“(ai) vận động (ai) (V)”, ở đây “V”
phải được thể hiện bằng một vị từ hành động có chủ ý chứ không thể là “ý thức”
([-hành động] [-chủ ý])).
Trong
20 trang báo mà chúng tôi khảo sát có hai khái niệm chưa thấy có trong Từ điển Tiếng
Việt của Hoàng Phê (1995):
(14) Ban tổ chức sẽ
chọn năm phim ngắn để trình chiếu trong vòng chung kết tại Hội luận điện
ảnh lần thứ 5, phim hay nhất sẽ do các tham luận viên của hội luận điện ảnh
bình chọn và trao giải tại buổi hội luận điện ảnh.
“Hội luận (điện ảnh)” ((cinema) symposium –
chú thích của chính tác giả) có gì khác với “hội thảo”, “hội nghị” hay “hội nghị
chuyên đề”? Và “tham luận viên” có khác với “báo cáo viên” hay “người tham dự”?
Về từ vựng, chúng tôi cho rằng có hiện tượng
nói tắt trong khẩu ngữ xâm nhập vào phong cách viết, tạo ra những khái niệm mơ
hồ về nghĩa (câu (15) – (17)) hoặc tạo ra những ngữ định danh thiếu tính chặt
chẽ và tính hợp lý (dù rằng suy cho cùng bản chất của dấu hiệu ngôn ngữ là võ
đoán). Chẳng hạn:
(15) Theo bà, một phụ
nữ muốn phấn đấu, tiến bộ cần những yếu tố gì?
(16) Đợt không khí
lạnh làm nhiệt độ phổ biến ở hai khu vực này giảm xuống 17-21OC.
(17) Lạng lách vài
vòng trên đường Nguyễn Tất Thành đông nghẹt phương tiện qua lại, các tay
đua hoàn tất khâu thử máy và lên đường vào vòng đua.
(18) Họ cũng phải phấn
đấu cho sự nghiệp.
(19) Những chiếc xe
này cao trên 50cm, dài hơn 80cm, nặng 25-30kg, bề ngoài nhái mẫu mã y như
môtô phân khối lớn.
(20) Sắp tới, chúng tôi mong muốn khơi gợi được
tinh thần lãnh đạo đắc nhân tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ở (15), “phấn đấu” là phấn đấu cho cái gì,
phấn đấu làm gì? Cố gắng làm một bữa cơm tươm tất cho gia đình với một số tiền
ít ỏi có phải là “phấn đấu” không? Ở (18), khái niệm “sự nghiệp” cũng mơ hồ
tương tự. Ở (16), “phổ biến” được hiểu như thế nào? Và nếu nó có một nội hàm chặt
chẽ nào đó (theo các nhà chuyên môn) thì liệu người đọc bình thường có thể tiếp
nhận được không?
Theo hiểu biết thông thường, “phương tiện”
là một khái niệm bao trùm “xe cộ”, vậy (ở câu (17)) khi “qua lại” trên đường,
ngoài “xe cộ” còn “phương tiện” gì khác nữa? Có cần thiết phải dùng “phương tiện”
thay cho “xe cộ”? Theo Từ điển Hoàng Phê (1995), “lên đường” là bắt đầu rời nơi đang ở để đi xa, vậy
“lên đường vào vòng đua” được hiểu thế nào? Hay “lên đường vào vòng đua” = “bắt
đầu đua”? Ở (20), “cộng đồng doanh nghiệp” chắc chắn chỉ một tập thể, một giới,
vậy tại sao không phải là “cộng đồng doanh nhân”? Hay “doanh nghiệp” = “doanh
nhân”?
Riêng ở câu (19), cách nói “môtô phân khối
lớn” là một hiện tượng đáng suy nghĩ. Phân khối (= cc) là một đơn vị đo lường
cho nên không có lớn và nhỏ. Tất nhiên, ai cũng biết xe “phân khối lớn” nghĩa
là xe có dung tích xilanh lớn. Có lẽ bất cứ thứ tiếng nào cũng có những chọn lựa
không phải là tối ưu tương tự như thế. Nhưng liệu cách định danh như thế có làm
cho tiếng Việt nghèo đi hoặc kém logic không? Phải chăng không còn chọn lựa nào
khác? (Hơn nữa, dung tích xilanh bao nhiêu thì được xem là lớn? Mươi năm trước,
đa số xe sử dụng là loại Honda Cub từ 70cc trở xuống nên 100cc cũng đã được xem
là lớn!).([4])
(Thật ra, các hiện tượng ở (15)-(20) hầu
như không bị người đọc hiểu sai. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, tại sao các phương
tiện thông tin đại chúng lại không phải là các kênh cung cấp những ngữ định danh
có tính gợi mở và chuẩn mực hơn?)
3.3.
Lỗi về ngữ pháp có vẻ đa dạng hơn. Trong đó, chúng tôi chú ý các biểu hiện sau
đây: (i) dùng sai hoặc mơ hồ các yếu tố hay các biểu thức quy chiếu (chủ yếu là
hồi chỉ); (ii) không thể hiện đúng cấu trúc vị ngữ hạt nhân; (iii) nhập nhằng
trong quan hệ cú pháp giữa các thành phần câu; (iv) sai kết từ; (v) không chuẩn
mực trong việc tổ chức ngữ đoạn.
Trước hết, có thể thấy có một số trường hợp
người viết quy chiếu sai hay quy chiếu mơ hồ. Chẳng hạn:
(21) Phải giúp phụ nữ
hạnh phúc trong cả công việc lẫn gia đình thì đó mới thật sự là bình đẳng
giới.
(22) Phần lớn tranh bày
tỏ lòng yêu quý và tôn trọng đối với những phụ nữ quanh mình...
(23) Nhờ có sự khởi
đầu lẻ loi ấy, năm 1920 Quốc hội Mỹ mới chịu thông qua đạo luật cho phép
phụ nữ đi bầu cử bên cạnh cử tri nam. Đạo luật này được thông qua ở
Canada năm 1960, ở Úc năm 1966, ở Thụy Sĩ năm 1971. (1-4)
(24) Thành viên khác
của nhóm, Lý Văn Lợi, cho biết mỗi năm có khoảng 6.500 sinh viên ĐH Cần Thơ ra
trường, theo đó là việc loại bỏ các đồ dùng sinh hoạt với giá cho
không hoặc đi vào các đống rác.
(25) Chiều 7-3, liên
quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng tại cầu Trà Niền (huyện Phong Điền), ông Nguyễn
Thanh Sơn - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết cơ quan chức năng hiện
đang xử lý hiện trường, tiến hành trục vớt nhà cửa của dân. Đồng thời đã
họp khẩn để chỉ đạo các cơ quan chức năng gồm ngành giao thông, xây
dựng, công an khảo sát toàn diện hiện trường nhằm có bước đánh giá thiệt
hại, tìm ra nguyên nhân của vụ sạt lở nghiêm trọng này.
(26) Cùng một công
việc nếu phụ nữ đạt yêu cầu thấp hơn một chút thì nên ưu tiên cho phụ nữ. Nhưng
thực tế ở nhiều khía cạnh như quyết định một vấn đề gì đó, ý kiến
của phụ nữ có vai trò thấp hơn nam giới. Nếu người phụ nữ ấy từng
có nhiều ý kiến1 đem lại thành công thì ý kiến2
còn có ý nghĩa, nếu không thì thường bị xem nhẹ.
Ở (21), “đó” chỉ hành động “giúp phụ nữ”, hay
chỉ “phụ nữ hạnh phúc”, hay chỉ toàn bộ thành phần đứng trước? Dù chỉ cái gì
thì cả ngữ đoạn “đó... bình đẳng giới” cũng phải được tổ chức lại để rõ nghĩa
hơn. Ở (22), về ngữ phá p, “mình” quy chiếu “tranh”, câu không thể chấp nhận được.
Ở (23), “đạo luật này” là đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1920. Như
vậy, sau đó nó lại được Canada, Úc, Thụy Sĩ thông qua?! Ở (24), người đọc không
thể xác định được đối tượng hồi chỉ của “đó”. (Thông thường, “(theo) đó” thường
được sử dụng để quy chiếu một văn bản (luật, quy định, quyết định, thông báo,
v.v.)).
Ở (25), do câu thứ hai trong ví dụ này (“đã
họp khẩn”) thiếu đề (/ chủ ngữ) nên về ngữ pháp có thể hiểu “cơ quan chức năng”
là đề của vị từ “họp”, ta có: “cơ quan chức năng chỉ đạo cho các cơ quan chức
năng”! Đó là chưa kể trạng ngữ “đồng thời” làm người ta nghi ngờ về cách làm việc
của “cơ quan chức năng”: làm sao “xử lý hiện trường, tiến hành trục vớt” đồng
thời với “họp khẩn”?!
Ở (26) tình hình còn rắc rối hơn: Thứ nhất,
“quyết định” không thể là một trường hợp của “khía cạnh”, nên không thể viết “ở
nhiều khía cạnh như quyết định một vấn đề gì đó”. Thứ hai, “người phụ nữ
ấy” không thể quy chiếu “phụ nữ” trước đó được, vì “phụ nữ” là một danh từ khối.
Thứ ba, “ý kiến2” không thể quy chiếu cho “ý kiến1” vì
không có yếu tố hồi chỉ (“đó”, “ấy”).
Rõ
ràng việc quy chiếu trong những câu và đoạn câu trên đã làm tổn hại đến việc diễn
đạt nội dung.
Hiện tượng thứ hai cần chú ý về ngữ pháp là
hiện tượng liên quan đến cấu trúc hạt nhân vị từ (cấu trúc tham tố).
Ở ví dụ (13) ở trên chúng tôi đã có nhắc đến
trường hợp vị từ “đề nghị” (không có “nên” trong cấu trúc hạt nhân của nó) và vị
từ “vận động” (không thể kết hợp với vị từ [-động] [-chủ ý]. Sau đây là một vài
trường hợp khác:
(27) Họ hướng dẫn
các bà mẹ nên cho trẻ tránh tiếp xúc với các loại thực
phẩm này ngay từ ba tháng cuối của thai kỳ cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
(28) Ngày 7-3, tại
TP.HCM diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 và 1.970 năm
ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong đó, như Hội Liên hiệp phụ nữ
TP phối hợp tổ chức hội thi “Trổ tài nội trợ” thu hút hàng trăm phụ nữ
tham gia các tiết mục nấu ăn, cắm hoa...
(29) Các bác sĩ nhận
định đây là trường hợp có diễn tiến bệnh rất nhanh, gây nhiễm trùng huyết,
suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.
(30) Có thể nói quá
trình diễn tập ngày 6-3 đã giúp khắc phục ngay những nhược điểm trong
công tác lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm. Trong đó, công tác cảnh báo làm tốt
và cương quyết không cho phương tiện thủy đi vào khu vực cấm lưu thông.
Ở (27), “hướng dẫn” đòi hỏi hai bổ ngữ (ai)
(làm gì) cho nên không thể có “nên” trong khung vị ngữ. Ngoài ra, giữa hai trật
tự “các bà mẹ cho trẻ tránh tiếp xúc” và “các bà mẹ tránh cho trẻ tiếp xúc”, có
lẽ trật tự sau tốt hơn, vì “tránh” là một vị từ [+động] [+chủ ý] có lẽ thích hợp
với chủ thể là “các bà mẹ” hơn là “trẻ” (trong đó có cả thai nhi). Ở (28), vị từ
“phối hợp” cũng cần có ít nhất một bổ ngữ: [(ai) phối hợp với (ai)]. Ở (29), vị
từ “gây” đòi hỏi tác thể (ai / cái gì). Ở (30), “công tác cảnh báo” không thể
đóng vai trò chủ thể của “làm tốt” và “cương quyết không cho”. Hơn nữa, “làm tốt”
(cái gì) và “cương quyết không cho” (ai - làm gì / cái gì - diễn ra) không thể
có cùng bổ ngữ.
Một vấn đề ngữ pháp khác cần được chú ý, đó
là hiện tượng nhập nhằng chức năng cú pháp trong câu. Chẳng hạn các câu sau
đây:
(31) Tôi cho rằng sau
khi lai dắt thành công đốt hầm này sẽ giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm,
nhưng chúng tôi không chủ quan khi lai dắt các đốt hầm số 2, 3 và 4.
(32) Những chiếc xe
này cao trên 50cm, dài hơn 80cm, nặng 25-30kg, bề ngoài nhái mẫu mã y như
môtô phân khối lớn.
(33) Tóm lại, việc
phối hợp các thực phẩm trên vừa là thức ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể
vừa là thuốc bổ dưỡng giúp ta sống khỏe.
(34)Vẫn theo báo
cáo trên viết: “Sự vươn lên của các nhà lãnh đạo nữ chắc chắn có liên hệ
ít nhiều với việc họ là những thành viên của các danh gia vọng tộc: tất cả họ đều
là con gái, vợ hay vợ góa của các nhà cựu lãnh đạo hay những nhân vật đối lập
hàng đầu”.
(35) Ông Nguyễn Đăng
Nghĩa - đại biểu HĐND TP, kiến nghị ngoài siết chặt quản lý, nâng
trách nhiệm của quản lý nhà nước, người sản xuất thì cần đẩy mạnh
bán hàng ở hệ thống siêu thị.
(36) Ngay lập tức
Danny lấy được cảm tình của HLV trưởng Jose Luis lẫn trợ lý Trần Công Minh bởi
kỹ thuật khá nhuyễn, nhãn quan chiến thuật tốt cùng khả năng di chuyển liên tục
không biết mệt mỏi dù anh chỉ cao 1,68m. Vì thế, chỉ sau một thời gian
ngắn thử việc Danny đã được ký hợp đồng do hòa nhập rất nhanh vào lối
chơi của toàn đội.
(37) Với những thông
tin từ các website chính hãng, Như thiết lập một kho dữ liệu trên 50 sản phẩm
điện tử, áo quần, đồ dân dụng... như tính năng, cấu hình, trọng
lượng của sản phẩm do nhà cung cấp đưa ra, giá bán bao nhiêu và đại lý
thường có ở đâu.
Ở (31), “sau khi” cùng với ngữ đoạn sau nó tạo
thành một khung đề (/ trạng ngữ), trong khi câu cần một chủ đề (/chủ ngữ), do
đó câu sai ngữ pháp. Ở (32) ta có một hiện tượng “chập cấu trúc”: “bề ngoài
nhái mẫu mã (của) môtô phân khối lớn” và “mẫu mã y như môtô phân
khối lớn”. Ở (33), câu chưa có thuyết (/ vị ngữ), vì phần thuyết của câu thực
chất chỉ là phần thuyết của “các thực phẩm trên”. Hiện tượng sai ngữ pháp này
hiếm gặp trong tiếng Việt. Ở (34), vị từ “viết” làm thành phần dẫn nhập mất tư
cách trạng ngữ, nhưng cũng không làm cho nó có tư cách đề (/ chủ ngữ), vì có “vẫn
theo”.
Ở (35), sự vắng mặt tác thể của “siết chặt”,
của “nâng trách nhiệm” và của “đẩy mạnh” cho phép xác định các tác thể đó là đồng
nhất, như vậy câu trở nên khó chấp nhận về mặt nhận thức: cơ quan nhà nước có
thể “siết chặt quản lý” chứ không thể “đẩy mạnh bán hàng ở hệ thống siêu thị”
được. Ở (36), “chỉ sau một thời gian ngắn thử việc Danny đã ký được hợp đồng” vừa
là kết quả của “vì...” vừa là kết quả của “do...”. Câu thiếu tường minh về mặt
ngữ pháp lẫn logic. Ở (37), sự có mặt của “như...” làm toàn bộ thành phần đứng
sau nó không có mối liên kết nào về ngữ pháp với thành phần chính. (Chưa kể
quan hệ nghĩa thượng danh - hạ danh giữa “đồ dân dụng và “sản phẩm điện tử, áo
quần”).
Lỗi về kết từ (liên từ, giới từ) cũng là một
lỗi ngữ pháp phổ biến trong 20 trang báo này. Có trường hợp dùng sai kết từ, có
trường hợp thể hiện quan hệ hô ứng giữa hai thành phần không đúng. Ví dụ:
(38) Ý tưởng dùng các
sáng tác thiên tài của Mozart và Ravel như một biện pháp trừng trị đối với
những học sinh ngỗ ngược đã khiến cả những người yêu âm nhạc lẫn những người
làm công tác về giáo dục nổi giận.
(39) Thủ môn Santos đã
có một trận cầu xuất sắc với nhiều pha bắt bóng vô hiệu hóa các chân sút Huỳnh
Kesley, Amaobi hay Philani.
(40) Nhà nước, Chính
phủ cũng có nhiều chính sách với phụ nữ hơn, ví dụ như ngày 8-3 trước
đây không thể long trọng bằng hiện nay. Nhưng thực tế vẫn còn có những vấn
đề phụ nữ gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống hơn so với nam giới.
(41) Trong tuyển chọn
lao động, kể cả phụ nữ đạt tiêu chuẩn ngang bằng nam giới nhưng
phụ nữ thường bị thiệt thòi.
(42) Theo Trung tâm
Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ đêm nay (8-3) và sáng
9-3, một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh hơn sẽ tăng cường ảnh
hưởng đến miền Bắc và Bắc Trung bộ, gây mưa rét ở các tỉnh miền
Bắc tới Thừa Thiên - Huế trong hai ngày 9 và 10-3.
(43) Trong công việc sắp
xếp hài hòa từ công việc xã hội, công việc gia đình.
(44) Tất cả vật dụng từ
đồ nghề sửa xe, phụ tùng thay thế, nước giải khát, dép tông, xăng nhớt... được
chuẩn bị kỹ lưỡng.
(45) Phụ nữ ở vai trò
công việc nào phải làm tốt công việc ở vị trí của mình.
(46) Gần đây tại nhiều
cửa hàng chuyên bán xe gắn máy siêu nhỏ cũng như trên các trang web rao vặt, diễn
đàn của dân chơi môtô mini náo nhiệt đến độ nào thì những cuộc đua trên
phố cũng “nóng” ngang ngửa.
Ở (38), “trừng trị” cần bổ ngữ trực tiếp
(“trừng trị” ai) chứ không thể có “đối với”. Ngoài ra, giới từ “về” làm cho người
đọc khó nghĩ: giáo viên là người “làm công tác giáo dục” hay “làm công tác về
giáo dục”? Ở (39), liên từ “và” đã bị thay bằng “hay”. Ở (40), giới từ “với”
làm cho người đọc nghĩ rằng phụ nữ là đối tượng mà Chính phủ phải đối phó.
(Cũng cần chú ý: cái ví dụ mà tác giả đưa ra để chứng minh cho chính sách của
Chính phủ có vẻ phản tác dụng; ngữ đoạn “những vấn đề” của câu sau đó cũng
không rõ quan hệ ngữ pháp thế nào với các bộ phận khác của câu).
Ở (41), chúng ta có một cấu trúc hoàn toàn
phi ngữ pháp. Lẽ ra tác giả phải sử dụng mô hình: “kể cả S cũng V” hoặc “S – V,
kể cả S’ ”. Chẳng hạn: “kể cả những phụ nữ đạt tiêu chuẩn ngang bằng nam giới
cũng thường bị thiệt thòi” hoặc “phụ nữ thường bị thiệt thòi, kể cả những phụ nữ
đạt tiêu chuẩn ngang bằng nam giới”.
Ở (42), “từ” không đi với “đến” (thực ra bỏ
“từ” thì tốt hơn), và “tới” lại không đi với “từ” – quan hệ hô ứng hoàn toàn
không thể hiện. Ví dụ (43) và (44) cũng tương tự. Ở (45) và (46) cũng có lỗi về
quan hệ hô ứng: “nào” phải đi với “cũng” (45), và “nào” phải đi với “nấy/ấy/đó”.
Lỗi ngữ pháp cuối cùng mà chúng tôi muốn đề
cập là lỗi về cách tổ chức ngữ đoạn danh từ (danh ngữ).
Trong nhiều trường hợp, ngữ pháp đòi hỏi một
thực thể, đối tượng (= một “vật”) phải được diễn đạt bằng một danh ngữ, nhất là
khi trước nó có một giới từ. Ví dụ:
(47) Phát biểu tại
chương trình nói và làm tháng 3-2010 - do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP tổ
chức sáng 7-3, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho biết thăm dò dư luận ở
TP gần đây nhất cho thấy an toàn thực phẩm đứng thứ ba trong số bảy vấn đề
bức xúc, chỉ đứng sau bức xúc về giá cả tăng và ngập nước đô thị.
(48) Chị Thanh Hà -
chủ một tiệm bán cà phê, ăn sáng và cơm trưa văn phòng trên đường Bà Huyện
Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) - cho biết ...
(49) Một trong những
đội được giới truyền thông chú ý nhất là CLB bóng đá TP.HCM. Mùa giải 2009, với
vị trí thứ 4 chung cuộc, CLB bóng đá TP.HCM đã bị truyền thông và người
hâm mộ hết lời ta thán. Mùa bóng 2010 này TP.HCM chuẩn bị đón tiếp HLV người
Trung Quốc Vương Á Đông ký hợp đồng dẫn dắt ở giai đoạn 2.
(50) Vấn đề hết sức
đáng lo ngại hiện nay về an toàn thực phẩm là các ngộ độc mãn tính,
có thể không thấy được ngay lập tức, do các loại độc chất nằm trong thực phẩm”
- ông Châu cảnh báo.
(51) Theo Quách Văn
Đen, thành viên sáng lập câu lạc bộ và cửa hàng 3R GOODS ĐH Cần Thơ, ĐBSCL được
dự báo là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng sự cảnh
báo và giáo dục cho cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Ở (47), “thăm dò dư luận gần đây nhất”,
“giá cả tăng” và “ngập nước đô thị” lẽ ra đều phải được danh hóa: chẳng hạn “cuộc/kết
quả thăm dò dư luận”, “chuyện/tình trạng giá cả tăng”, “chuyện/tình trạng ngập
nước đô thị”. (Riêng danh ngữ cuối cùng này lại có định ngữ “đô thị” rất khó hiểu
– phải chăng đây là một “loại” ngập nước phân biệt với “ngập nước nông thôn”?).
Tương tự, ở (48), (49), (50) “ăn sáng”, “truyền
thông” và “ngộ độc mãn tính” cần được danh hóa chẳng hạn bằng “thức”, “giới” và
“hiện tượng” lần lượt.([5])
Riêng hai ngữ đoạn “an toàn thực phẩm” và
“biến đổi khí hậu” trong (50) (51) cần bàn thêm. Về ngữ pháp, hiển nhiên phải
danh hóa hai ngữ đoạn trên bằng “hiện tượng”, “tình trạng”, “chuyện”, chẳng hạn.
Có một vấn đề đáng suy nghĩ là những ngữ đoạn ấy xuất hiện rất thường xuyên
trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có nhu cầu nói tắt, viết tắt,
tức là cố định hóa nó thành một tên gọi – một ngữ định danh. Ở đây áp lực của
quy tắc tiết kiệm của ngôn ngữ dường như mạnh hơn các quy tắc ngữ pháp. Tuy
nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, có lẽ không cần xem những trường hợp vừa
nói như một biệt lệ như vậy. Cuộc sống phát triển, sẽ ngày càng có nhiều sự kiện,
quá trình cần được gọi tên, biệt lệ sẽ trở thành thông lệ.
Hơn nữa, tâm thế của người bản ngữ có lẽ vẫn
còn chưa sẵn sàng cho những biệt lệ như thế: Nếu hai hiện tượng trên có thể chấp
nhận được (vì có vẻ “quen quen”) thì trường hợp sau đây e rằng khó hơn:
(52) Ngày 7-3, (...)
có khoảng 3.000ha lúa mùa chủ yếu ở vùng U Minh Thượng bị mất trắng (thiệt hại
từ 70% trở lên) do nắng hạn và xâm nhập mặn.
Rõ ràng ở (52) một cấu trúc “bình thường” dễ
được chấp nhận hơn: “...do nắng hạn và do (nước) mặn xâm nhập”.
Về danh ngữ, có nhiều trường hợp phạm lỗi
ngữ pháp, theo chúng tôi, khá nghiêm trọng vì liên quan đến bản chất từ loại.
Chẳng hạn:
(53) Về và nhìn mẹ gội
đầu, vẫn là nước bồ kết thân thương mẹ lấy từ cây bồ kết ở đầu làng.
(54) Không khí đường
đua càng nóng khi năm chiếc xe lao nhanh về phía trước với tốc độ rất
cao giữa đủ loại xe máy, xe tải, xe container...
(55) Phần lớn xe
này không còi, không đề và sử dụng nhiên liệu xăng thơm hoặc xăng pha nhớt
(tỉ lệ 25 xăng/1 nhớt).
(56) Bên cạnh sự kiện
nổi bật Lễ trao giải Cánh diều vàng 2009, Ngày điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên sẽ
diễn ra các hoạt động: chiếu phim tiêu biểu của nền điện ảnh dân tộc
cách mạng Việt Nam, thi tìm hiểu lịch sử điện ảnh Việt Nam, hội thảo Điện ảnh
Việt Nam hội nhập quốc tế, hội thảo khuyến khích sáng tác và trải nghiệm nghệ
sĩ tại Hà Nội và TP.HCM...
Ở (53), “nước” là danh từ khối không thể có
định ngữ trang trí “thân thương” được. (Hơn nữa, làm sao có thể lấy “nước bồ kết”
từ cây bồ kết?). Ở (54), “năm chiếc xe” không thể đóng vai trò của đề (/ chủ ngữ)
của vị từ theo sau nó, vì nó bất định (ngữ cảnh trước đó không cho biết “năm
chiếc xe” nào). Ở (55), danh ngữ “xe này” cần có danh từ đơn vị làm trung tâm,
chẳng hạn “(những) chiếc xe này”). Ở (56), “phim tiêu biểu” cũng thiếu danh từ
đơn vị làm trung tâm, “những bộ phim tiêu biểu”. Ngoài ra, ở đây chúng ta còn
có những kết hợp tối nghĩa: “dân tộc cách mạng”, “trải nghiệm nghệ sĩ”!
Những kết hợp tương tự cũng xuất hiện ở các
ví dụ sau:
(57) Theo bà Vũ, nguồn
hoa vẫn dồi dào, hoa đẹp về nhiều do chủng loại hoa trong dịp thị trường 8-3
đa dạng từ hoa hồng đến các loại hoa lys, hoa lan, tulip, cát tường...
(58) Trung bình một
lẵng hoa từ 300.000-700.000 đồng, mẫu mã khá đa dạng, trong đó có nhiều lẵng
hoa được kết theo hình trái tim, mẫu ưa chuộng của dịp ngày tình yêu 14-2.
(59) Giá trị thu
nhập kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa do phụ nữ mang lại cho gia đình,
cho đất nước quá cụ thể đã trở thành yếu tố quan trọng đánh tan mọi mối nghi ngờ,
rằng có cần phải bình đẳng giới không và có thể thực hiện bình đẳng giới không.
(60) Nhà trường ngỏ
ý trợ vốn nhưng ba bạn lại muốn “khởi nghiệp” từ đôi tay và vốn tự tạo bằng
số tiền kiếm được từ những công việc chạy bàn, bán hoa tươi, nuôi dế, viết
thư pháp của nhóm.
(61) Các tay đua ở độ
tuổi 17-25 liều mạng cưỡi những chiếc xe tí hon lao với tốc độ trên
60-80km/giờ.
Ở (57), (58), “dịp thị trường 8-3”, “dịp
ngày tình yêu 14-2” là những danh ngữ lủng củng. Ở (57), tác giả kể ra 4 loại
hoa, nhưng chỉ sử dụng 2 từ “hoa”. Tại sao không phải là 4 hoặc là 1?
Ở (59), “giá trị thu nhập kinh tế - xã hội
và bảo tồn văn hóa” là một tổ hợp hoàn toàn vô nghĩa. Ở (60), “vốn tự tạo bằng
số tiền kiếm được”, và ở (61), “từ 60-80km/giờ” là những cách diễn đạt tối
nghĩa; người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu: “vốn tự tạo” nếu không phải bằng “số tiền
kiếm được” thì bằng gì? Và “từ 60-80km/giờ” là “từ” bao nhiêu, 60km hay 80km?
4. Kết luận:
Qua một số câu và đoạn câu có “vấn đề” như
chúng tôi vừa trình bày ở trên, có thể thấy rằng mối đe dọa đối với tiếng Việt
không phải (chỉ) là những biểu hiện bề ngoài liên quan đến sự lạm dụng từ ngữ
nước ngoài hay sự quái dị của ngôn ngữ “chit chat” của giới trẻ - đây chỉ là những
“bệnh ngoài da”. Sự thiếu mạch lạc, thiếu logic khi diễn đạt một nội dung nào
đó, sự thiếu cân nhắc khi sử dụng từ ngữ, và đặc biệt là sự vi phạm những quy tắc
ngữ pháp của tiếng Việt, đó mới thực sự là nguy cơ. Lý do là những hiện tượng
này rất thường bị bỏ qua hoặc không bị xem là lỗi (người đọc có đủ khả năng thu
nhặt thông tin dựa trên kiến thức nền và sự phỏng đoán chứ không phải chỉ dựa
trên ngôn từ) – và dần dần nó sẽ làm biến dạng tiếng Việt.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng những vấn
đề được đề cập ở trên không phải là xa lạ với thực tế sử dụng tiếng Việt hằng
ngày của mỗi người chúng ta – nghĩa là ai trong chúng ta cũng có thể vướng vào
những lỗi tương tự như thế, nếu không cẩn trọng. Chúng ta giao tiếp với nhau bằng
tiếng mẹ đẻ; nhiều khi sự thiếu chuẩn mực trong ngôn từ hoặc sự thiếu mạch lạc
trong việc triển khai ý vẫn không làm tổn hại (hoặc không làm tổn hại nhiều) đến
quá trình giao tiếp. Chính điều đó làm chúng ta dễ dãi với những gì mình nói
ra, viết ra.
Do vậy, có thể nói rằng trách nhiệm giữ gìn
tiếng Việt là của mỗi người Việt Nam chứ không chỉ của các nhà văn, nhà báo,
nhà giáo và nhà ngôn ngữ học.
[1] Với cụm từ “trong sáng tiếng
Việt”, Google đưa ra 4.690.000 kết quả; với “giữ gìn tiếng Việt” 812.000 kết quả;
với “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” 2.220.000 kết quả. Thực ra, chỉ một
phần rất nhỏ trong các con số khổng lồ này là có nói đến vấn đề hữu quan. Tuy
nhiên, chỉ cần bấm vào vài mươi kết quả mà Google cung cấp cũng có thể hình
dung được phần nào vấn đề đang bàn.
[2] Báo Tuổi Trẻ là một nhật báo
có số lượng phát hành cao trên khắp cả nước. Tuy nhiên, chúng tôi chọn tờ báo này
như là một đối tượng khảo sát ngẫu nhiên chứ không vì bất cứ lý do nào khác (càng
không phải là để phê bình, chỉ trích). Những hiện tượng ngôn ngữ ở báo Tuổi Trẻ
cũng là những hiện tượng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể gặp phải khi
sử dụng tiếng Việt.
[3] Trong phần sau đây, khi phân
tích, chúng tôi sẽ không đề cập đến tất cả các lỗi trong một câu hoặc một đoạn
câu mà chỉ đề cập những lỗi tiêu biểu, đang nói đến.
[4] Trên thực tế, đã từ lâu
người Sài Gòn sử dụng “môtô” cho các loại xe có dung tích xilanh từ 125cc
trở lên, có thiết kế khác chút ít với loại xe máy “thông thường”.
[5] Câu
cuối cùng của ví dụ (49) cũng cần suy ngẫm: lẽ nào TP.HCM dành cả một mùa bóng
để “chuẩn bị đón tiếp” một HLV?
No comments:
Post a Comment