I.
Sự, việc,
chuyện, điều, cuộc, cái là những từ có mặt thường trực trong
tiếng nói của người Việt. Ít có ai sử dụng sai những từ này; nhưng giải thích
hay phân biệt rành mạch từ này với từ kia không phải là chuyện đơn giản.
Nhằm
mục đích dạy tiếng, chúng tôi thử đưa ra một cách phân biệt. Hy vọng “độ bao phủ”
được chừng 70-80%.
1.
Điều hiển nhiên là các từ trên là những danh từ
“chính danh”, có thể tự làm thành một danh ngữ (nghĩa là nó hoạt động như một
danh từ khối, không cần có định ngữ) để đảm đương một cương vị ngữ pháp (thường
là bổ ngữ).
Chẳng
hạn: gây sự, vô sự, hữu sự; vào cuộc, ngoài cuộc, bỏ cuộc, thắng cuộc; có việc, xong việc; có chuyện, nhiều chuyện, kiếm chuyện; có điều (là), lắm điều, đặt điều, v.v..
Nếu
nhìn ở góc độ này thì cái khác hẳn,
nó phải có định ngữ. Hay nói khác đi, cái
là một danh từ đơn vị (loại từ) “thuần chất”, tuyệt nhiên không thể hoạt động
như một danh từ khối.
(1) *Tôi không thích cái. (Ss: cái đó/cái màu xanh)
Tuy
nhiên, trong quá trình dạy tiếng, cách dùng này của các từ trên không gây nhầm
lẫn.
2.
Sự phức tạp nảy sinh khi các từ trên giữ vai trò
trung tâm của một danh ngữ với một định ngữ theo sau. Ngoài sự khác biệt về ngữ
nghĩa vốn có của mỗi từ, còn có một sự khác biệt khá rõ về ngữ pháp.
- Sự và cuộc chỉ có thể kết hợp với vị từ/ngữ đoạn vị từ; trong khi các từ còn lại có thể kết hợp với nhiều cấu trúc ngữ pháp khác nhau, miễn tương hợp về ý nghĩa.
Chẳng hạn:
(2) a.
Chiến tranh gắn liền với sự mất
mát/đau khổ của người dân.
b. *Chiến tranh gắn liền với sự người dân mất mát/đau khổ.
(3) a.
Họ đang chuẩn bị cho cuộc kiểm
tra/thương lượng/chiến đấu sắp tới.
b. *Họ đang chuẩn bị cho cuộc Bộ Giáo dục kiểm tra.
(4) Nó dành toàn bộ thời gian
cho việc đó/nội trợ/dọn dẹp nhà cửa/bạn
nó nhờ làm.
(5) Nó đã kể với tôi chuyện đó/gia đình nó/cãi nhau với bạn/bố
mẹ nó sắp ly dị.
(6) Ông ấy có vẻ không quan tâm
đến điều này/quan trọng đó/anh nói.
(7) Tôi không thích cái bạo lực của phim này/anh đề nghị.
- Khi tham gia cấu tạo danh ngữ, nói chung các từ đang bàn giữ vai trò là trung tâm; chúng hành chức hoàn toàn giống như một danh từ đơn vị (thường phải được đánh dấu về số, và trong nhiều trường hợp, khi đã biết đối tượng được nói đến (biểu hiện bằng một định ngữ) thì nó có thể đứng một mình (nhưng phải có có lượng ngữ đi trước)).
Riêng sự thì khác: tư cách danh từ đơn vị của sự không rõ ràng như các từ còn lại. Sự luôn cần một định ngữ theo sau, và ít
khi kết hợp với lượng ngữ phía trước và/hoặc định ngữ chỉ thứ tự phía sau.
So
sánh các câu sau đây:
(8) a.
Mấy cái áo thêu tay kia đẹp quá! Có lẽ tôi sẽ mua một cái.
b. Thi hoa hậu, mấy năm trước có mấy
cuộc thì tôi không biết. Nhưng bắt đầu
từ năm nay chỉ còn một cuộc.
c. Anh phải làm hai việc: vừa trực điện thoại vừa bảo vệ.
d. Chuyện cơm nước và chuyện dạy con
học, cả hai chuyện đều làm anh mệt mỏi.
e. Trong ba điều ông ấy nói, chúng
tôi chỉ đồng ý hai điều.
(9) a. ?(Anh
không chịu nổi sự trống trải, anh
cũng không chịu nổi sự ồn ào.) Anh
ghét cả hai sự. (Ss: hai sự khó chịu đó/hai cảm giác đó.)
b. ?Ông ấy hài lòng hai sự: Ông hài lòng về kết quả học tập của
con, và càng hài lòng hơn khi thấy nó biết nghĩ đến bố mẹ.
c. ?Có người nổi tiếng vì tài năng, có
người nổi tiếng vì giỏi tự đánh bóng. Tôi thích sự thứ nhất hơn.
Sau
đây chúng tôi sẽ miêu tả chi tiết hơn từng từ trong nhóm.
II.
SỰ
Nhìn
chung, sự là danh từ biểu thị một “sự
kiện”, “biến cố”, một “cái” gì đó đã/chưa xảy ra.
Rồi
từ đó, sự được sử dụng như một tác tố
ngữ pháp hóa chuyên dụng: sự danh hóa
một ngữ đoạn vị từ thành một danh ngữ để gọi tên một hành động, quá trình, trạng
thái của đối tượng. Nhưng điểm khác biệt cơ bản so với những từ khác trong nhóm
là sự khái quát hóa những hành động,
quá trình, trạng thái ấy như là một khái niệm, phạm trù hiện thực.
Hay
nói cách khác, sự là yếu tố dùng để
khái niệm hóa, phạm trù hóa một hành động, quá trình, trạng thái của sự vật.
Sự không gọi tên một hành động, quá
trình, trạng thái như là một sự tình cá thể hoặc một đơn vị phân lập về không
gian và thời gian. Chính mức độ trừu tượng hóa cao này mà sự có những yêu cầu ngữ pháp khá rõ nét.
1.
Sự hầu
như không thể kết hợp với những vị từ đơn tiết, bất kể đặc trưng ngữ nghĩa của
nó. (Ngoại lệ: sự sống, sự chết, sự học.)
Lý
do: các vị từ đơn tiết này chỉ có thể biểu hiện một hành động, quá trình, trạng
thái cụ thể của đối tượng chứ không đủ sức tạo nên một khái niệm, phạm trù.
(10) *sự làm/ăn/viết/nấu/đi/mở/đóng/đánh/ném... (vị từ [+động] [+chủ ý]);
(11) *sự ngã/đổ/rơi/chảy/tan/đông/đặc, v.v.. [+động][-chủ ý]
(12) *sự vui/buồn/hiền/xấu/đẹp/mệt/mềm/nóng/chắc, v.v.. [-động][-chủ ý]
(13) *sự ngồi/đứng/nằm/giữ/ở/nghỉ, v.v.. [-động][+chủ ý]
(Đi bao giờ cũng được dùng để biểu hiện một
hành động (di chuyển) của một đối tượng, được định vị không gian và thời gian;
thường không thể nói sự đi. Trong khi đó, đi lại là hoạt động (di chuyển) được khái quát hóa. Cho nên đi lại, cùng với sự, dễ dàng tạo thành một danh ngữ biểu hiện khái niệm, phạm trù
(di chuyển). Còn sự đi lại có gắn với một đối tượng nào hay
không là tùy vào sự có mặt của thành phần khác – chẳng hạn định ngữ, sự đi lại của người dân, sự đi lại của những người như chúng tôi.)
2.
Sự tự
do kết hợp với một ngữ đoạn vị từ đẳng lập để tạo thành một khái niệm, phạm
trù.
Ở
trường hợp này, ngữ đoạn vị từ đẳng lập đi sau hoàn toàn đủ sức tạo thành một
phạm trù/khái niệm vì bản thân nó đã biểu hiện nghĩa khái quát của một tồn tại.
Do vậy, khả năng này có thể xem là mở.
Thực
chất, đây chỉ là mặt khác của điều vừa nói ở 1.
(14) sự làm ăn/viết lách/mở mang/đi lại/ăn uống
(15) sự tan vỡ/tan chảy/đông đặc/đổ vỡ/sụp đổ/bùng nổ
(16) sự vui vẻ/buồn bực/đẹp đẽ/xinh đẹp/mệt mỏi/đau đớn/mềm mỏng/chắc chắn
(17) sự nghỉ ngơi/ăn ở/giữ gìn
Nếu
sau vị từ có một bổ ngữ (bất kể bổ ngữ này biểu hiện một đối tượng chỉ định hay
một chủng loại) thì cả ngữ đoạn vị từ đó hầu như không thể kết hợp với sự, trừ một số vị từ tĩnh tạo thành một
ngữ đoạn thường được xem là có tính thành ngữ.
(18) *sự làm bài/làm bài tập toán/viết chữ/viết hóa đơn/đi xe/đi bằng ngựa
(19) *sự ngã xuống đất/rơi lá/rơi quả cam/chảy nước/cháy nhà/cháy khu rừng
này
(20) *sự mỏi tay/đau ngực/mềm tay/mềm thịt/chắc cửa
Ss: sự vui mắt/vui lòng/đau lòng/ngon miệng/bền
lòng/chắc tay
(21) *sự ngồi ghế/ngồi trên ghế/ở nhà/ở lại nhà/đứng trong nhà
Chính
vì đặc điểm (phạm trù hóa) mà khả năng kết hợp sẽ lớn hơn nếu sau sự là một ngữ đoạn Hán Việt.
(22) sự hoạt động/thực hiện/thi hành/tiến hành/tấn công/công kích/chỉ
trích/chế tác/tăng trưởng/phát triển/khổ hạnh/mỹ mãn/lưu thông, v.v.
3.
Sự có
thể đi trước vị từ, không thể đi trước một tiểu cú (cụm chủ-vị, clause):
(23) sự băn khoăn của chị//*sự
chị băn khoăn
(24) sự học hành của con cái//*sự
con cái học hành
(25) sự hài lòng về công việc//*sự
anh hài lòng về công việc
Chú
thích:
Ít nhất từ giữa
thế kỷ XX trở về trước, sự được dùng
nhiều và rộng hơn hiện nay. Có khá nhiều trường hợp, theo cách nói ngày nay phải
thay sự bằng chuyện, việc, cái hoặc một từ nào khác. Chẳng hạn:
-
Hai đứa cháu bà chết, sự đó xảy ra, biết đâu lại không bởi lòng quả báo.
-
Chắc đã xảy ra sự gì đây?
-
Đó là một sự
ít khi xảy ra.
- Rồi sự ước mong kia ở trong tâm tư Mai thành như một sự có thực.
- Lộc ôn lại hết những sự xảy ra...
- Rồi sự ước mong kia ở trong tâm tư Mai thành như một sự có thực.
- Lộc ôn lại hết những sự xảy ra...
Thậm chí, có một
vài cách dùng khó được chấp nhận về mặt ngữ pháp. Chẳng hạn:
-
...một thiếu phụ trêu chàng đương nhớ tưởng tới
chàng, đương mong mỏi ở sự hành động
của chàng...
-
Dũng hơi có vẻ ngạc nhiên vì sự đến thăm đột ngột và táo bạo của
Loan.
-
... cha mẹ từ con là một sự rất không có nghĩa, cũng như con từ cha mẹ.
- Sự ấy là ái tình.
- Lúc này, nàng mới cảm thấy rõ rệt hết cả cái mãnh liệt của đời Dũng, một cuộc đời đắm đuối trong sự hành động mê man.
- Sự đã qua rồi, nghĩ không còn cách nào khác để thu xếp cho ổn cả.
- Sự ấy là ái tình.
- Lúc này, nàng mới cảm thấy rõ rệt hết cả cái mãnh liệt của đời Dũng, một cuộc đời đắm đuối trong sự hành động mê man.
- Sự đã qua rồi, nghĩ không còn cách nào khác để thu xếp cho ổn cả.
(Những ví dụ trên
được lấy từ tác phẩm “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng và “Đoạn tuyệt” của Nhất
Linh, http://www.vnthuquan.net/)
CUỘC
Cuộc là danh từ biểu thị một hoạt động
được tri nhận như một quá trình; tức là phải có độ dài thời gian nhất định. Từ
điển Tiếng Việt (Hoàng Phê 1995) còn thêm: có nhiều người tham gia.
Chẳng
hạn:
-
cuộc sống/chạy/thi/họp/nói
chuyện/đấu giá/đấu kiếm
-
cuộc kiểm
tra/chiến đấu/đấu tranh/họp/thảo luận/trao đổi/thương lượng/giải phẫu/diễn tập
Tất
nhiên, không phải bất cứ quá trình/hoạt động có độ dài thời gian nào cũng được
người Việt tri nhận là cuộc, chẳng hạn
không nói cuộc ăn, cuộc học, cuộc viết, cuộc nấu cơm,
v.v..
Có
thể lưu ý ba đặc điểm của cuộc:
(i)
Cuộc kết hợp với định ngữ là những vị từ/ngữ vị
từ mang thuộc tính [+động] và [+chủ ý], hầu như không thể kết hợp với vị từ/ngữ
vị từ [-động] và/hoặc [-chủ ý].
Chẳng
hạn:
-
cuộc chạy/*cuộc đứng
-
cuộc leo (núi)/*cuộc ngã (xuống vực)
- cuộc chiến đấu/*cuộc đình chiến
-
cuộc đấu tranh/*cuộc sụp đổ
-
cuộc thương lượng/*cuộc đồng ý
-
cuộc di cư/*cuộc cư trú
Sau
cuộc có hai danh từ mà chúng tôi xem
là ngoại lệ: cuộc chiến tranh và cuộc đời.
(ii)
Cuộc để
chỉ những quá trình/hoạt động mang tính chính thức xã hội hơn là những quá
trình/hoạt động bình thường, riêng tư.
(“Cuộc
chạy” chắc chắn không dùng để nói về quá trình hay hoạt động “chạy” thể dục hằng
ngày của một người. Người ta có thể nói “cuộc
chơi của các đại gia (các công ty, các nước lớn...)” chứ không thể nói “cuộc chơi của hai cháu bé”, “cuộc chơi của các em lớp 5A”. Người ta không
nói “cuộc cưới”, “cuộc giỗ” dù có quá trình và đông người
tham gia. Tuy nhiên, gần đây có một vài trường hợp có thể xem là lạ: cuộc vui, cuộc nhậu.)
(iii)
Cuộc
được dùng khi người ta nhìn quá trình từ bên ngoài, nghĩa là quá trình là một
chuỗi diễn tiến, có bắt đầu, có đỉnh điểm, có kết thúc, và được nhìn từ điểm kết
thúc. (Có lẽ vấn đề này liên quan đến khái niệm thể (aspect), cần được khảo sát
riêng.)
VIỆC
Việc là danh từ biểu thị “cái” mà người
ta phải làm, phải bỏ công sức (trong một thời gian nhất định) nhằm mục đích nào
đó. Nét nghĩa từ vựng này rất quan yếu khi việc
tham gia vào cấu trúc một danh ngữ với tư cách là trung tâm (ngữ pháp-ngữ
nghĩa) của danh ngữ đó.
Như
vậy, về ngữ nghĩa, một hành động hay một sự kiện có thể được tri nhận như là một
“việc”, nếu nó tương hợp với cái nghĩa “việc” từ vựng vừa nói trên.
Chúng
ta có thể nói:
(26) việc anh làm hôm qua
(27) việc chị ấy hứa làm
(28) việc trang trí cái cổng
(29) việc trồng hoa
(30) việc đi chợ
Nhưng
khó nói:
(31) ??việc con trâu phá đám cỏ ông Năm
(32) ??việc cánh cửa bị hỏng khóa
(33) ??việc nồi cơm sắp thiu
(34) ??việc gió thổi
(35) ??việc thế chiến thứ hai nổ ra
(36) ??việc anh Nam yêu cô Lan
vì lý do đơn giản là người ta chẳng làm cái “việc” gì liên quan đến những sự tình như vậy.
Từ
ngữ nghĩa như trên, việc chịu một số
ràng buộc về ngữ pháp:
1.
Việc
có thể kết hợp trực tiếp với những vị từ đơn tiết (khác với sự), nhưng trừ những ngữ đoạn có tính cố
định cao (việc học, việc làm), còn thì sau vị từ phải có
thêm một/vài thành phần bổ ngữ/trạng ngữ đủ để vạch ra cái sở chỉ mà việc biểu thị.
(37) a. ?Trong
mùa mưa, việc đi rất khó khăn.
b. Trong mùa mưa, việc đi học rất khó khăn.
c. Trong mùa mưa, việc đi đến trường rất khó khăn.
d. Trong mùa mưa, việc đi đến trường của các em rất khó
khăn.
(38) a. ?
Nó chỉ quan tâm đến việc đá.
b. Nó chỉ quan tâm đến việc đá bóng.
c. Nó chỉ quan tâm đến việc đá quả bóng này vào khung lưới trước
mặt.
2.
Việc
có thể kết hợp dễ dàng với những ngữ đoạn vị từ đẳng lập (tương tự sự). Lúc này, yêu cầu về một thông tin bổ
sung (bổ ngữ/trạng ngữ) là không bắt buộc – nghĩa là tùy ngữ cảnh.
(39) a. ?Việc đi càng ngày càng dễ dàng hơn.
b. Việc đi lại càng ngày càng dễ dàng hơn.
c. Việc đi lại của họ càng ngày càng dễ dàng hơn.
(40) a. ?Bà
không để ý lắm đến việc ăn.
b. Bà không để ý lắm đến việc ăn uống.
c. Bà không để ý lắm đến việc ăn uống của nó.
Ở
đây việc khác biệt với sự khá tinh tế: “việc đi lại”, “việc ăn uống”
thường dùng để trỏ những “hành động” cụ thể của những thực thể chỉ định, trong
khi “sự đi lại”, “sự ăn uống” thường dùng để trỏ một phạm
trù hay một bình diện của hiện thực.
Tất
nhiên, ranh giới giữa sự và việc không phải là rạch ròi và bất biến.
3.
Việc
có thể nhận định ngữ là một tiểu cú (sự
không có khả năng này). Ví dụ:
(41) Việc anh bàn hôm qua đến đâu rồi?
(42) Việc chị làm sai số liệu ông ấy đã biết.
4.
Như đã nói, việc
chính là “cái” mà người ta làm nên nó khó kết hợp với những vị từ quá trình, trạng
thái [-chủ ý] hoặc khó có định ngữ là một (tiểu cú diễn đạt) sự tình quá trình,
trạng thái [-chủ ý]. Chuyện hoặc cái (hoặc một từ khác) sẽ thay cho việc trong những trường hợp này.
(43) a. *Việc đổ cây làm cho tôi lo lắng. (Ss: việc đốn cây)
b. *Tôi đang suy nghĩ về việc chảy nước ở nhà.
c. *Việc nước mưa chảy vào nhà làm cho tôi lo lắng.
(44) a. *Việc bức tranh treo trên tường có gây
khó chịu gì không?
b. Việc treo bức tranh lên tường có gây khó chịu gì không?
(45) a. ?Việc xấu của anh tôi biết rồi.
b. Chuyện xấu của anh tôi biết rồi.
c. Chuyện xấu anh làm tôi biết rồi.
d. Chuyện anh làm xấu tôi biết rồi.
(46) a.
*Ai cũng thích việc duyên dáng của cô
ấy.
b. Ai cũng thích cái/vẻ
duyên dáng của cô ấy.
(47) a.
?Việc buồn của cô ấy không ai hiểu được.
b. Cái/Chuyện buồn của cô ấy
không ai hiểu được.
5.
Khác với sự
và cuộc, việc có thể có định ngữ là một danh ngữ; danh ngữ này cho biết cái phạm
vi mà “việc” diễn ra.
-
việc
nhà/nước/trường/lớp/nội trợ/bếp núc/cơm nước/ruộng nương/văn phòng/văn thư
Tuy nhiên, cần
chú ý: “việc ông giám đốc Hải” bất khả
chấp, nhưng “việc của ông giám đốc Hải”
thì khả chấp và được hiểu là “việc mà
ông giám đốc Hải làm/yêu cầu”
CHUYỆN
Chuyện là danh từ biểu thị một sự kiện,
biến cố với tất cả các chi tiết có liên quan. (Nói nôm na: việc là “cái” mà người ta làm, còn chuyện là “cái” xảy ra mà người ta có thể kể lại, thuật lại với các
chi tiết của nó).
Nói
chung, chuyện là trung tâm của một
danh ngữ mà định ngữ là một ngữ đoạn vị từ, danh từ hoặc một tiểu cú. “Chuyện X” là tất cả những diễn biến,
tình tiết có liên quan đến sự tình X
hoặc đối tượng X.
Định
ngữ sau chuyện cho biết phạm vi đang
nói đến của chuyện; do vậy nó quyết định
độ rộng hẹp của danh ngữ chứa chuyện:
- “chuyện cô Lan” (tất cả những gì liên quan đến cô Lan) > “chuyện sức khỏe của cô Lan” (tất cả những gì liên quan đến sức khỏe của Lan) > “chuyện cô Lan bị rụng tóc” (chỉ liên quan đến hiện tượng rụng tóc của Lan), v.v.
Về
ngữ pháp và ngữ nghĩa, chuyện được
dùng rộng hơn việc, vì nó không bị hạn
định ở nét nghĩa [+chủ ý] (“cái mà người ta làm”), và nó có thể kết hợp dễ dàng
với các cấu trúc vị ngữ khác nhau (việc
thường không xuất hiện trước vị từ đơn tiết).
Thử
so sánh:
(48) a. Chuyện/Việc nấu nướng giao cho các chị lớn
tuổi.
b. Chuyện/?Việc nấu giao cho
các chị lớn tuổi.
c.
Tôi không biết chuyện/việc làm ăn gian dối của họ.
d.
Ông ấy rất quan tâm đến chuyện/?việc ăn/ngủ.
(49) a. Chuyện anh báo cáo đúng hạn được sếp
đánh giá cao đấy!
b. Việc anh báo cáo đúng hạn được sếp đánh giá cao đấy!
(50) a. Chuyện tôi bị ngã, đừng nói với mẹ tôi
nhé!
b. ??Việc tôi bị ngã, đừng nói với mẹ tôi nhé!
(51) a. Chuyện visa thế nào rồi? Xong chưa?
b. ??Việc visa thế nào rồi? Xong chưa?
(52) a. Anh biết chuyện
cô Lan yêu lão Nam chưa?
b. ??Anh biết việc cô Lan yêu lão Nam chưa?
(53) a. Anh biết chuyện
cô Lan chưa?
b. ?Anh biết việc cô Lan chưa?
Rõ
ràng, “bị ngã”, “yêu” không được xem là một việc;
và ở (57) “cô Lan” chưa đủ để được hiểu là một việc.
ĐIỀU
Điều là danh từ quy chiếu “cái” mà người
ta nói đến, nhắc đến, nghĩ đến. Điều thường
xuất hiện trong các cấu trúc có vị từ nói năng, cảm nghĩ. Có thể nói, trong các
quá trình nói năng, cảm nghĩ, có hai danh từ “chuyên dụng” là điều và chuyện.
Tất
nhiên, nghĩa từ vựng của điều và chuyện khác nhau, do đó khả năng hoạt động
của nó cũng khác nhau. Nói chung, chuyện
quy chiếu những sự kiện, biến cố trong thế giới hiện thực. Do đó, chuyện có thể kết hợp với yếu tố hạn định
nào đó (ngữ danh từ, ngữ vị từ, tiểu cú) để biểu thị sự kiện, biến cố liên quan
đến yếu tố đó, hay nói chính xác hơn, nó biểu thị sự kiện, biến cố trong đời sống
hiện thực mà yếu tố đứng sau nó chỉ định. Trong khi đó, điều thường quy chiếu những “cái” thuộc thế giới chủ quan như là sản
phẩm vật chất của quá trình nói năng, cảm nghĩ.
So
sánh hai câu:
(54) a. Anh
ta đã nói hai chuyện về cô ấy với
tôi.
b. Anh ta đã nói hai điều về cô ấy với tôi.
Ở
(a) người ta chờ nghe hai hành động, hai biến cố có liên quan đến “cô ấy”, chẳng
hạn: chuyện “cô ấy” cãi nhau với chồng,
chuyện ông giám đốc tăng lương trước
thời hạn cho “cô ấy”, v.v.. Trong khi đó, ở (b) người ta chờ nghe hai điều – hai nhận định, đánh giá của
“anh ta” về “cô ấy” – chẳng hạn: “cô ấy” là một người có nam tính, “cô ấy” là một
người vụng về, v.v..
Tương
tự:
(55) a. Tôi
nói cho anh nghe chuyện (/*điều) này: hôm qua cô Lan bị giám đốc mắng
đấy!
b. Chuyện (/*Điều) của nó
tôi chỉ nói với anh thôi chứ có nói với ai khác đâu!
c.
Tôi nói cho anh nghe điều (/*chuyện) này: nói sau lưng người khác là
không tốt đâu!
Ở
(a) và (b) liên quan đến một biến cố nên dùng chuyện; ở (c) khứ chỉ một phát ngôn nên dùng điều.
Thế
giới của chuyện rộng hơn, bao gồm thế
giới của điều nên khả năng thay điều bằng chuyện khó diễn ra hơn khả năng ngược lại, tất nhiên không thể có đồng
nghĩa hoàn toàn trong sự thay thế này.
So
sánh hai câu sau đây:
(56) a. Anh
nên cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng. Tôi nói với anh điều này là vì tôi biết họ có nhiều tai tiếng.
b. Công ty đó đang bị điều tra về việc trốn
thuế đấy. Tôi nói với anh chuyện này
là vì tôi biết anh sắp ký hợp đồng với họ.
Ở
(a) điều này quy chiếu phát ngôn trước
đó “Anh nên cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng”; trong khi ở (b) chuyện này chỉ sự kiện công ty đó đang bị
điều tra. Nếu thay chuyện này bằng điều này ở (b) thì quy chiếu cũng thay đổi,
lúc này điểm quy chiếu sẽ là chính phát ngôn trước đó: “Công ty đó đang bị điều
tra về việc trốn thuế đấy”.
Về
ngữ pháp, khả năng kết hợp của điều với
những yếu tố đi sau khá hạn chế so với chuyện.
1.
Điều
không thể nhận một danh ngữ bất kỳ làm định ngữ cho nó, trong khi khả năng này
hết sức rộng rãi đối với chuyện, kể cả
khi có một kết tố như về, của: chuyện
(/*điều) về cô ấy, chuyện (/*điều) của cô ấy.
(57) Nó lo lắng về chuyện/*điều bài vở.
(58) Chuyện/*Điều trường lớp vẫn
là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh.
(59) Chuyện/*Điều nhà cửa làm
nó mất ăn mất ngủ.
(60) Chuyện/*Điều của chị làm
tôi xúc động.
Trong trường hợp sau đây:
(61) Anh ta có nói một số điều về cô ấy.
“(về) cô ấy” không có quan hệ ngữ
pháp với điều mà chỉ có quan hệ với “nói”.
Bằng chứng là phát ngôn trên có thể có trật tự khác mà ý nghĩa vẫn bảo toàn:
(62) a. Anh
ta có nói về cô ấy một số điều.
b. Về cô ấy, anh ta có nói một số điều.
2.
Điều
không thể nhận một ngữ vị từ, một cú bất kỳ làm định ngữ trực tiếp cho nó. Khả
năng này thường chỉ có nếu định ngữ cho điều
là một ngữ vị từ hay tiểu cú có chứa vị từ thuộc nhóm cảm nghĩ, nói năng.
So sánh:
(63) a. *Ông
cứ băn khoăn mãi về điều sa thải tên Sáu
bảo vệ.
b. Sa thải tên Sáu bảo vệ là điều mà ông băn khoăn.
c. Sa thải tên Sáu bảo vệ là điều ông ấy băn khoăn.
d. Điều băn khoăn của ông ấy là nên hay không nên sa thải tên Sáu.
(64) a. *Điều thất nghiệp không làm hắn lo lắng.
b. Thất nghiệp không phải là điều hắn lo lắng.
c. Điều lo lắng của hắn không phải là mất việc làm.
(65) a. *Nó
không muốn mất thời gian cho điều nấu
nướng.
b. Mất thời gian cho việc nấu nướng không phải là điều nó muốn.
c. Điều mong muốn của nó là không phải nấu nướng.
Có
thể diễn đạt lại theo cách khác để thấy rõ hơn điều nằm trong khung nghĩa của ngữ vị từ/cú như thế nào:
(66) Ông cứ băn khoăn một điều: “Nên hay không nên sa thải tên Sáu
bảo vệ?”.
(67) Hắn không lo lắng điều này: hắn bị thất nghiệp.
(68) Nó muốn duy nhất một điều là không phải nấu nướng.
Giữ
vai trò định ngữ cho điều thường là
các ngữ vị từ, các tiểu cú liên quan đến quá trình nói năng, cảm nghĩ. Chẳng hạn:
điều băn khoăn/lo lắng/quan tâm/ray rứt/áy
náy/đề nghị/chú ý/buồn bực/khó chịu/chất vấn/nghi hoặc, v.v..
(69) Nó viết ra những điều nó nghĩ.
(70) Những điều anh nói có phải là sự thật?
(71) Mọi người tỏ ra hài lòng với
ba điều mà ông vừa nêu ra.
(72) Mọi người tỏ ra hài lòng với
ba điều kiến nghị của ông
(73) Điều làm chị lo lắng là nó không hé môi nói tiếng nào về chuyện
đó.
Tất
nhiên, trong rất nhiều trường hợp, cái khung nghĩa của những ngữ vị từ hay tiểu
cú đó không hiển hiện đầy đủ.
(74) Nó học được nhiều điều (mà nó nghĩ là) hay.
(75) Đọc quyển sách này nó phát
hiện được nhiều điều (nó cảm thấy) thú
vị.
(76) Điều (mà chúng ta cho là) tốt đẹp ở mỗi con người ngày càng ít đi.
(77) Tình trạng béo phì ở trẻ
em là điều đáng (để chúng ta) lo ngại.
Tuy
nhiên, thực tế sử dụng ngôn ngữ phức tạp hơn: cùng là thuộc tính của sự vật,
nhưng có khi nó được biểu hiện như là một nhận định (sản phẩm chủ quan) của người
nói với sự có mặt của điều. Ví dụ:
(78) Điều (mà chúng ta thấy) hấp dẫn ở cô ấy chính là sự tự tin.
(79) Sự tự tin là điều (mà chúng ta thấy) hấp dẫn ở cô ấy.
Dĩ
nhiên, ở hai câu trên, cái có thể
thay cho điều, khi đó thuộc tính được
đề cập hình như không còn thuộc về quá trình cảm nghĩ hay nói năng nữa mà nó
như là một thực thể gắn liền với đối tượng.
(80) Cái hấp dẫn ở cô ấy chính là sự tự tin.
(81) Sự tự tin là cái hấp dẫn ở cô ấy.
Dường
như có những thuộc tính mà người bản ngữ xem là hiển nhiên gắn liền với đối tượng
chứ không phải là nhận định của riêng ai (sản phẩm của quá trình cảm nghĩ, nói
năng). Do vậy, không thể dùng điều.
Ví dụ:
(82) a. *Cô
ấy có điều tươi tắn mà ai cũng thích.
b. Cô ấy có cái tươi tắn mà ai cũng thích.
(83) a. *Điều dài dòng ở bài viết này, tôi nghĩ
là cần thiết.
b. Cái dài dòng ở bài viết này, tôi nghĩ là cần thiết.
Có
thể minh họa thêm bằng các đối lập: điều
cao cả – *điều cao lớn, điều
thấp hèn – *điều thấp bé, điều vô giá – *điều đắt tiền, điều vĩ đại
– *điều khổng lồ, v.v..
Có những trường
hợp dùng điều khó có thể xem là chỉn
chu. Ví dụ:
(84) ??Tôi không đồng ý với những
điều ông ấy làm.
(85) ??Tôi sẽ giúp anh giải quyết
những điều anh đang đối phó.
(86) ??Thời gian đầu, chúng tôi
có một số điều thuận lợi, nhưng cũng
có một số điều khó khăn.
CÁI
Cái là một danh từ đơn vị điển hình. Hầu
như quyển sách ngữ pháp nào bàn về từ loại cũng nói đến nó. Ở đây, chúng tôi chỉ
đề cập khả năng tạo danh ngữ từ một vị từ/ngữ vị từ của nó.
Về
ngữ nghĩa, cái biểu hiện một (sự) vật;
do đó nó có vai trò vật thể hóa các hoạt động, quá trình, trạng thái. Điểm đặc
biệt là danh ngữ mà nó là trung tâm có thể gọi tên một khái niệm/phạm trù khái
quát và cũng có thể gọi tên một “vật” cụ thể, có sở chỉ hẳn hoi, tùy thuộc vào
định ngữ sau nó.
Về
ngữ pháp, có thể nói, cái được sử dụng
rộng rãi nhất và tự do nhất so với các từ gần gũi. Nó có thể kết hợp với vị từ
đơn tiết (cái ăn/mặc/ở/đấm/đá/được/mất/khác/chung/riêng/vui/
buồn/đẹp/hay/trắng, v.v.), ngữ vị từ đẳng lập (cái đi lại/ăn mặc/thay đổi/sống còn/khôn ngoan/giả dối/cao thượng/hẹp
hòi/trắng trẻo/băn khoăn, v.v.), ngữ vị từ có bổ ngữ (cái lắc đầu/gật đầu/chớp mắt/nhíu mày/búng tay, v.v.), tiểu cú (cái (mà) anh đề nghị/cô ấy hy vọng/chúng
tôi hy sinh/bà để dành, v.v.).
Có
một điều cần chú ý về cái.
1.
Cái vật
thể hóa một hoạt động, quá trình, trạng thái, và cái có thể kết hợp với nhiều kiểu cấu trúc khác nhau. Tuy nhiên, dường
như cái ít đi với những vị từ [+động][+chủ
ý] mà ngoại diên quá rộng (đặc biệt là các vị từ Hán Việt hai âm tiết) và khó
đi với những vị từ mà hành động không có tính động tác. Có lẽ lý do là khi vật
thể hóa một hành động, thường ta sẽ có một động tác (nếu hành động đó có thể
chia cắt thành các động tác).
Rõ
ràng, [cái đá/đấm/tát] tự nhiên và dễ
hình dung hơn [?cái đánh] rất nhiều,
và [?cái đánh] dù sao cũng dễ chấp nhận
hơn [??cái chiến đấu/tấn công].
Tương
tự:
-
cái
xô/hích/đẩy // ??cái chen/lấn
-
cái đạp/đập/vỗ/gõ/chạm // ?cái
nhịp/miết/mài/rờ/xoa
-
?cái
phát triển/chiến đấu/đấu tranh/trang điểm/tiến hành/phục vụ/tập trung
Theo quan sát của
chúng tôi, thường trong phong cách khẩu ngữ cái
mới đi với các vị từ [+động][+chủ ý] Hán Việt (thông thường sẽ là sự). Ví dụ:
(87) a. Cái
tăng trưởng của Trung Quốc là cái
tăng trưởng dựa trên sức lao động giá rẻ. Đó là cái tăng trưởng thiếu bền vững. (Ss: sự tăng trưởng)
b. Chúng ta không thể chấp nhận cái đấu tranh vô tổ chức, vô kỷ luật như
thế. (Ss: sự/cách đấu tranh)
2.
Khi một khái niệm đã được biệt loại (bằng một
danh từ đơn vị) thì cái không có chỗ.
Cái chỉ có thể dùng khi nó gọi tên một
thuộc tính, trạng thái được định vị trên một đối tượng cụ thể, nghĩa là thành
phần định ngữ sau nó phải đủ rõ để phân xuất vật này với vật khác.
(88) a. Tôi
thích màu/*cái xanh chứ không thích màu/*cái đỏ.
b. Tôi thích cái/màu xanh của quần
jean chứ không thích cái/màu xanh này.
c. Chị ấy trắng ra, nhưng cái/*màu
trắng đó có vẻ không bình thường.
(89) a. Tôi
sợ cảm giác/sự trống trải.
b. Tôi sợ cái/*cảm giác/?sự trống
trải của ngôi nhà này.
(90) a. Suỵt!
Tôi nghe có tiếng/*cái lách cách.
b. Không phải tiếng tôn đập đâu! Cái lách cách này là cái lách cách của ổ khóa.
3. Các
danh ngữ có cái làm trung tâm có thể
dùng (i) để gọi tên một khái niệm/phạm trù rất rộng, nhưng cũng có thể dùng (ii)
để gọi tên một (sự) vật cụ thể, được chỉ định, tùy thuộc vào ngữ nghĩa của
thành phần định ngữ theo sau và tùy thuộc vào ngữ cảnh.
(91) a. Cái ăn, cái mặc vẫn là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây.
b. Người đàn ông lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình.
(92) a. Họ mang theo nhiều cái để ăn (/?cái ăn) lắm:
cái để ăn chơi, cái để ăn no, cái để uống
rượu.
b. Chị có cả chục cái váy: cái mặc đi chơi, cái mặc đi làm.
Theo suy nghĩ của
chúng tôi, khả năng dùng theo kiểu thứ nhất (i) là hữu hạn, có lẽ số lượng
không nhiều lắm. Có thể kể một số: cái
ăn/mặc/ở/được/mất/lợi/hại/sống/chết/học/đẹp/bi/hùng/ hài/mạnh/yếu/đúng/sai,
v.v..
Ở khả năng thứ
nhất, cái khác sự. Trong danh ngữ có cái,
nội dung của thành phần định ngữ được vật thể hóa như là một thực thể. Trong
danh ngữ có sự, nội dung của thành phần
định ngữ bao gồm tất cả các gì có liên quan. Chẳng hạn: “cái ăn” chỉ tất cả những gì có thể “ăn” được (có thể hiểu đơn giản
là “lương thực, thực phẩm” nói chung), còn “sự
ăn uống” liên quan đến hoạt động ăn uống, cách thức ăn uống, v.v., bên cạnh “cái
để ăn uống”.
Do vậy, có trường
hợp dùng sự chứ không thể dùng cái, và ngược lại. So sánh:
(93) a. Đứng
trước cái/?sự sống và cái/?sự chết, ai mà không đắn đo?
b. Anh nhìn thấy sự/*cái sống trong cái cằn
cỗi, lụi tàn của đám rừng này.
c. Sự/*Cái sống không còn hiện diện ở đây nữa.
d. Anh đã ra đi nhưng cũng kịp để lại trong
cô sự/*cái sống.
So
với (i), khả năng dùng theo kiểu thứ hai (ii) hầu như vô hạn.
-
cái bằng
sắt/gỗ, cái làm bằng tay/máy
-
cái để
lau bảng/chén, cái để ăn trưa/tối
-
cái nằm
trên cao/dưới thấp, cái cao/thấp/giữa,
cái ở ngoài/trong/giữa
-
cái
còn lại/ở lại, cái giống/khác
Ở khả năng thứ
hai này, cái không có “đối thủ”.
4.
Trong rất nhiều trường hợp, nhất là trong khẩu
ngữ, cái có thể thay thế cho sự, việc, chuyện, điều, nhưng hầu như
không thể thay thế cho cuộc.
(94) Chuyện/Cái anh làm thì
anh phải biết chứ!
(95) Họ có bàn với tôi một vài việc/cái
liên quan đến quảng cáo.
(96) Những điều/cái anh nói, có chắc
đúng không?
(97) a.
Đa số nhân viên tham gia cuộc/*cái đấu tranh này.
b. Cuộc/*Cái họp đã bị hoãn vô thời hạn.
5.
Cái có
thể kết hợp với một vị từ hành động để tạo thành một danh ngữ biểu thị phương
tiện, công cụ. Chẳng hạn: cái cưa, cái cuốc, cái chuốt bút chì, cái mở
nút chai, v.v..
Tóm tắt:
SỰ
Ngữ
nghĩa: phạm trù hóa một hoạt động, trạng thái, quá trình
- - kết hợp với ngữ vị từ đẳng lập hoặc Hán Việt;
- - không kết hợp với vị từ đơn tiết, bất kể loại nào;
- - không kết hợp với ngữ vị từ có bổ ngữ, trừ những ngữ tương tự nhẹ dạ, vui mắt;
- - không kết hợp với tiểu cú;
- - không kết hợp với danh ngữ;
- - có nghĩa khái quát.
CUỘC
Ngữ
nghĩa: quá trình hóa một hoạt động
- - chỉ kết hợp với vị từ/ngữ vị từ [+động][+chủ ý];
- - mang tính chất chính thức xã hội;
- - không kết hợp với tiểu cú;
- - không kết hợp danh ngữ (trừ chiến tranh, đời);
VIỆC
Ngữ nghĩa: biểu
thị “cái” người ta làm
- - kết hợp với vị từ, ngữ vị từ, tiểu cú có tính [+chủ ý];
- - kết hợp với ngữ vị từ đẳng lập, Hán Việt;
- - kết hợp với ngữ vị từ chính phụ (có bổ ngữ hoặc trạng ngữ);
- - khó kết hợp với vị từ đơn tiết;
- - chỉ kết hợp với danh từ, danh ngữ biểu thị phạm vi, kiểu nhà, nội trợ, cơ quan.
CHUYỆN
Ngữ nghĩa: biểu
thị “sự kiện”, “sự việc”
- - kết hợp với các loại vị từ, ngữ vị từ, tiểu cú;
- - kết hợp với danh từ/danh ngữ;
- - có phạm vi sử dụng rất rộng, thường có thể thay thế cho việc.
ĐIỀU
Ngữ nghĩa: biểu
thị “sản phẩm” của hoạt động nói năng, cảm nghĩ
- - chỉ kết hợp với ngữ vị từ hoặc tiểu cú liên quan đến quá trình hay hoạt động nói năng, cảm nghĩ.
CÁI
Ngữ nghĩa: vật
thể hóa một hoạt động, trạng thái, quá trình
- - kết hợp với vị từ, ngữ vị từ, tiểu cú;
- - ít khi kết hợp với vị từ [+động][+chủ ý] Hán Việt (trừ khẩu ngữ);
- - khó kết hợp với vị từ không mang tính động tác;
- - có thể chỉ một khái niệm, phạm trù rất rộng, cũng có thể chỉ một sự vật cụ thể, chỉ định;
- - khi kết hợp với vị từ thuộc tính, trạng thái thường phải định vị trên một sự vật cụ thể;
- - có phạm vi dùng rộng nhất, tự do nhất so với các từ gần gũi, đặc biệt là trong khẩu ngữ.
No comments:
Post a Comment