Friday, 25 January 2013

RƠI – RỚT – RỤNG




     1.      Cả ba từ rơi, rớt, rụng đều có nghĩa là di chuyển khỏi vị trí ban đầu thường theo hướng tử trên xuống. 


  • Theo nghĩa này, rơi (người Nam bộ dùng rớt chứ không dùng rơi) có thể xuất hiện trong mọi tình huống.


(1) Chiếc lá / Quả cam (từ trên bàn) rơi xuống đất.
(2) Cái ly rơi từ trên bàn xuống mà không vỡ.
(3) Cành cây gãy, nó rơi xuống đất. May là không sao!
(4) Cái túi bị rách nên đồng xu rơi ra ngoài.
(5) Nó cảm động đến rơi nước mắt.

  • Rớt có thể thay cho rơi trong tất cả các ví dụ trên mà không có sự thay đổi nào về ý nghĩa. Tuy nhiên, khi nói vể một điều trừu tượng (có vẻ như có liên quan đến số phận hoặc sự ngẫu nhiên) thì chỉ dùng rơi chứ không dùng rớt.


(6) Tai họa rơi/*rớt xuống đầu nó.
(7) Cờ rơi/*rớt vào tay ai người đó phất.
(8) Bao nhiêu cái rủi ro không hiểu sao cứ rơi/*rớt vào đầu nó.

  • Rụng thay thế cho rơi khi nói về các vật thể sống (một bộ phận rời khỏi cơ thể sống của nó, thường là lá, quả, tóc, lông, râu, rốn, răng, móng tay) bất kể có tác động từ bên ngoài hay không. Đây có lẽ là nét nghĩa duy nhất của rụng.

(9) Quả này chưa chín. Chờ nó chín, nó rụng/*rơi ăn ngon hơn.
(10) Hai hàm răng rụng/*rơi còn có mấy cái nên bà ăn uống không thấy ngon nữa.
(11) Loại thuốc đó nghe nói làm rụng/*rơi tóc đấy!

     Thậm chí, một vài cách diễn đạt ẩn dụ cũng có thể sử dụng rụng.

(12) Cậu làm tớ muốn rụng/*rơi tim. Đùa gì mà ác thế!
(13) Thi vào đó khó lắm! Rớt như sung rụng/*rơi đấy!
(14) Đùa kiểu đó có ngày rụng đầu đấy!

     Từ nét nghĩa này của rụng mà ta có tổ hợp rơi rụng: biểu hiện trạng thái mất dần theo thời gian như là một quá trình tự nhiên.
(15) Do không sử dụng, kiến thức đã rơi rụng ít nhiều.
(16) Đầu năm thứ nhất sĩ số là 40, sau đó rơi rụng dần, đến năm thứ tư chỉ còn 16.


2.      Rơi có nghĩa là chuyển vào/qua trạng thái hay hoàn cảnh xấu, không may mắn. Rớt không thể thay cho rơi ở nét nghĩa này.
Chú ý: ở trường hợp này, sau rơi thường là các danh ngữ như tình hình, tính thế, tình trạng, trạng thái, hoàn cảnh, cảnh, tay, bẫy, v.v..

(17) Công ty rơi vào tình trạng nợ nần là do tay giám đốc đó.
(18) Bố mất, gia đình em rơi vào cảnh túng thiếu.
(19) Không sớm thì muộn cô ấy cũng sẽ rơi vào tay hắn.


3.      Rớt có nghĩa là ở tình trạng còn lại hoặc chậm hơn so với đồng loại hoặc bộ phận khác. Rơi không thể thay thế rớt ở nét nghĩa này.
Chú ý: ở trường hợp này, rớt thường đi trước lại. 

(20) Đi đường nhớ quan sát kỹ, đừng để ai rớt lại phía sau.
(21) Chị đã quét dọn mấy lượt mà vẫn còn rớt lại mấy cánh mai vàng.
(22) Hắn đã cố thay đổi, nhưng cái tật cũ thuở hàn vi vẫn còn rớt lại.

     Từ nét nghĩa này của rớt mà ta có tổ hợp rơi rớt:

(23) Đó là dấu vết của chế độ mẫu hệ còn rơi rớt lại.

No comments:

Post a Comment