BỚT
Bớt là vị từ biểu thị hành động/trạng
thái thay đổi về lượng/mức độ để trở nên ít hơn, thấp hơn, nhẹ hơn.
1.
Xét về mặt hình thức,
bớt có thể đi trước danh ngữ, lượng
ngữ hoặc vị ngữ.
(1) Món canh này bớt muối chắc ngon hơn.
(2) Em bớt lửa đi, không cháy đấy!
(3) Mấy bà nội trợ thích bớt tiền chứ không thích tặng quà.
(4) Tôi bớt (cho chị) năm ngàn đó. Lấy đi!
(5) Chị bớt một trái đi cho chẵn hai kí!
(6) Để quạt mạnh quá. Bớt lại một số đi.
(7) Con bớt đi chơi một chút là mẹ vui rồi.
(8) Dạo này nó bớt ăn, bớt ngủ nên trông gọn hơn.
Danh ngữ theo sau bớt có hai loại:
i.
Sau bớt
là đối thể chịu tác động (của bớt): muối, lửa, tiền ở (1), (2), (3); cấu trúc của trường hợp này là
[(ai) bớt (cái gì)];
ii.
Sau bớt
là lượng hoặc mức độ – tạm gọi là lượng tố
của bớt: năm ngàn, một trái, một số ở (4), (5), (6); cấu trúc của trường hợp
này là [(ai) bớt (bao nhiêu)].
Với tư cách là một
vị từ hành động, đề (= chủ ngữ) của bớt
thường phải là tác thể (kẻ hành động) chứ không thể là đối thể (hay lượng tố).
So sánh:
(9) Bà bớt lửa đi! // ?? Lửa bớt
đi!
(10) Tôi bớt cho chị năm ngàn đó! // ??Năm ngàn bớt cho chị đó!
2.
Bớt hoạt động như một vị từ tình thái
khi đi trước một vị từ.
Vị từ theo sau bớt có thể là các loại vị từ ([±động] [±chủ ý]).
(11) Gần thi rồi nên nó cũng bớt đi chơi/chơi trò chơi điện tử/xem
tivi.
(12) Từ sau khi bị bệnh, hắn đã
bớt uống.
(13) Bón phân kali nhiều thì cành
bớt gãy.
(14) Máu bớt chảy rồi. Có lẽ không sao đâu!
(15) Bớt mưa rồi hãy về!
(16) Bây giờ bà ấy bớt đẹp rồi, chứ mấy năm trước bà ấy là
hoa khôi đấy!
(17) Thằng bé đã bớt nóng/sốt.
(18) Nghỉ một chút cho bớt mệt rồi làm tiếp.
(19) Bác sĩ khuyên nhân viên
văn phòng bớt ngồi yên một chỗ mà hãy
năng vận động.
Về mặt ngữ nghĩa, [bớt + V] có hai cách hiểu: (i) tần số V
ít hơn so với một chuẩn nào đó; (ii) lượng hay mức độ (của một lần V) ít hơn.
Ở (11) có lẽ chỉ
có cách hiểu (i): bớt đi chơi được hiểu
là ít đi chơi hơn (so với trước kia). Ở (12) bớt uống có hai cách hiểu. Cách hiểu (i) tương tự như câu (9); cách
hiểu (ii): có thể trong bữa tiệc này hắn uống ít hơn (so với bữa tiệc hôm qua).
Nhưng nếu thay đổi một chút, chẳng hạn “Hôm nay hắn không khỏe nên hắn bớt uống” thì chỉ có thể hiểu cách (ii).
Như vậy, cách hiểu
bớt tùy thuộc vào các yếu tố chung
quanh nó. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong bối cảnh không đầy đủ, cách
hiểu (i) dường như được ưu tiên hơn cách hiểu (ii).
Bớt có thể xuất hiện sau một vị từ hành
động để biểu thị kết quả còn lại ít hơn (đối tượng đang nói đến sẽ ít/nhẹ hơn về
lượng/mức độ).
(20) Năm nay xoài nhiều quá, ăn
không hết. Có lẽ phải bán bớt.
(21) Lá xum xuê như vậy làm sao
ra hoa được? Tỉa bớt lá đi!
(22) Nhiều quá, anh ăn không hết
đâu. Em ăn bớt giùm anh đi!
Ở cách dùng này, bớt là một phó từ, đối lập về ngữ nghĩa
với hết, sạch, v.v. (bán hết, bán sạch,
tỉa hết, tỉa sạch chẳng hạn). Giảm bớt
cũng là một ví dụ thuộc trường hợp này.
GIẢM
Giảm là một vị từ biểu thị quá trình hay
trạng thái thay đổi về lượng/mức độ (trở nên ít hơn, thấp hơn, nhẹ hơn).
1.
Danh ngữ đi với giảm cũng có hai loại giống như bớt: một là đối thể (ký hiệu là A), hai là lượng
tố (ký hiệu là B).
Hai thành phần này
tạo thành khung cấu trúc phổ biến của giảm:
[A giảm B].
(23) Giá vàng giảm 100.000đ/lượng.
(24) Lượng xe hơi nhập khẩu đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm.
(25) Giá xăng trên thế giới đã giảm mà ở đây chưa thấy giảm gì cả.
(26) Doanh thu của công ty đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chú ý:
- Nếu so với mục 2 của bớt ở trên, có thể nói cấu trúc tiêu biểu của giảm là [A giảm B], tức là trước giảm là đối thể, sau giảm là lượng tố.
- Về khái niệm đối thể (A) cần nói thêm:
Đối thể
(A) là tên gọi chung vật thể (vàng, xe hơi, xăng, công ty) và bình diện được đề
cập của vật thể đó (giá, chất lượng, doanh thu, lợi nhuận, v.v.). Nếu cần phân
biệt rõ hơn thì có thể gọi cái thứ hai này là phạm vi (thay vì đối thể),
ký hiệu A’.
Như vậy câu (23) có thể có những dạng gần
gũi:
(27) a.
Vàng giảm 100.000đ/lượng.
b. Vàng giảm giá rồi.
c. Vàng giảm giá 100.000đ/lượng.
Cấu trúc đầy đủ của giảm là [A giảm A’ B] hay
[(Đối thể) giảm (Phạm vi)(Lượng tố)].
2.
Xét các câu sau
đây:
(28) Tôi sẽ ăn kiêng và tập thể
dục để giảm mỡ bụng/cholesterol/cân/trọng
lượng.
(29) Tôi sẽ giảm mỡ bụng/cholesterol/cân/trọng lượng.
Ở (28), cái hành động
mà tôi thực hiện chính là ăn kiêng và
tập thể dục (và hệ quả là mỡ bụng giảm) chứ tôi không thực hiện hành động giảm nào cả. Mỡ bụng ít đi là trạng thái mà tôi đạt được sau quá trình
ăn kiêng và tập thể dục.
Câu (29) có nghĩa
là “tôi sẽ gầy đi, thon thả hơn...” chứ không phải cho biết tôi thực hiện hành
động giảm. (Câu “Bàn lau rồi” cho biết
tình trạng sạch của cái bàn chứ không
hề diễn đạt hành động lau của bất kỳ ai).
Xét thêm các câu
sau đây:
(30) Trong thời gian chiến
tranh, người VN giảm tuổi thọ đáng kể.
(31) Bác sĩ nói anh bị giảm hồng cầu.
(32) Trung Đông đã giảm nhiệt rồi.
(33) Các hãng xe lớn sẽ giảm trọng lượng xe để giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ.
“Người VN giảm tuổi thọ” tức là tuổi thọ của người
VN giảm. Đó là kết quả của một hoàn cảnh
sống tồi tệ và căng thẳng chứ người VN không có hành động nào tác động vào tuổi
thọ.
“Anh bị giảm hồng cầu” tức là (số lượng) hồng cầu
của anh giảm, có thể do virus, do bệnh
gì đó chứ anh chẳng có hành động gì tác động vào đối tượng hồng cầu cả.
“Trung Đông đã giảm nhiệt” không có nghĩa là các chính
phủ Trung Đông hành động nhằm vào “nhiệt độ” (tức “sự đối đầu”) để “nhiệt độ” giảm mà có nghĩa là các chính phủ ấy
tuyên bố điều gì đó và kết quả là “nhiệt độ” ở Trung Đông giảm.
Công việc mà các
hãng xe sẽ làm là nghiên cứu để tìm ra các loại vật liệu nhẹ hơn thép và dùng
nó để sản xuất các bộ phận của xe. “Trọng lượng xe giảm” và nhờ đó “lượng nhiên liệu giảm” chỉ là trạng thái kết quả của những công việc kia.
Có trường hợp, có
vẻ giảm được sử dụng như một vị từ
hành động chuyển tác (giống bớt), vd:
(34) Chính phủ giảm thuế cho nông dân.
Thật ra, ngay ở
trường hợp này cũng không làm gì có một hành động tác động vào thuế (theo kiểu bớt muối, bớt nước) mà chỉ có những hành
động như họp, thảo luận, biểu quyết, ký tên..., và cuối cùng “thuế giảm”.
Suy cho cùng, những
cách diễn đạt như giảm chi phí, giảm chất
lượng, giảm giá thành, giám áp lực, giảm bức xạ, giảm tốc độ/tốc, giảm nhiệt độ/nhiệt,
v.v., đều có thể diễn giải tương tự.
Từ những ví dụ vừa
xét, có thể thấy rằng đối thể của giảm thường là một danh ngữ biểu thị những
sự vật (trừu tượng) mà thông thường người ta không thể trực tiếp tác động vào.
(Người ta chỉ có thể bấm nút và nhiệt độ giảm, chứ không thể bấm nhiệt độ được; nhưng người ta có thể
nói giảm nhiệt độ).
Về mặt ngữ pháp,
diễn tố đối thể của giảm có thể là bổ ngữ trực tiếp (đứng
sau giảm), nhưng thường là đề (chủ ngữ
ngữ pháp), như đã nói ở mục 1. Nói cách khác, giảm vốn là một vị từ mang tính chất (giống như) khiển cách
(ergative): đứng vai trò chủ ngữ ngữ pháp của giảm là đối thể chứ không phải là tác thể. Đây là đặc trưng ngữ
pháp-ngữ nghĩa của giảm, khác với bớt.
- Điều này giải thích tại sao có những trường hợp rất khó đặt một chủ thể người ở vị trí chủ ngữ của giảm. Trong khi đó, đối thể đứng trước vị từ giảm lại dễ dàng hơn rất nhiều.
(35) a. ??Tôi
đã giảm áp lực công việc rồi.
b. Áp lực (công việc) đã giảm.
(36) a. ?Trong
6 tháng cuối năm, chúng ta sẽ giảm
tai nạn giao thông!
b. Tai nạn giao thông sẽ giảm nhanh trong 6 tháng cuối năm.
(37) a. ?Chúng
ta đã giảm thu nhập đến 15%.
b. Thu nhập của chúng ta
đã giảm đến 15%.
- Điều này giải thích tại sao trong giao tiếp hàng ngày (sinh hoạt đời thường) bớt, chứ không phải giảm, được dùng chủ yếu. Trong khi đó, giảm lại xuất hiện nhiều ở thể loại báo chí. Ở đây hình như có một sự phân công chức năng khá rõ. So sánh:
(38) a. Con
nên bớt cơm. Ăn rau quả nhiều tốt
hơn.
b. Những người béo phì độ
1 nhất thiết phải giảm (lượng) tinh bột
hằng ngày.
(39) a. Cơm
sôi rồi, bớt lửa đi!
b. Số vụ cháy rừng đã giảm đáng kể.
(40) a. Chị
bớt tiền chợ để có tiền đi thăm nuôi
chồng.
b. Thu nhập giảm nên người dân cũng bớt mua sắm.
- Cũng có khi đề (chủ ngữ) của giảm là người (hoặc một thực thể được xem là người, như cơ quan, tổ chức). Thông thường danh ngữ lượng tố theo sau giảm cũng mang đặc trưng tương tự như đối thể, tức là cũng sẽ được diễn giải như trên.
Vd:
(41) Sau ba tháng ăn kiêng nó
đã giảm (được) hai kí.
(42) Bây giờ thao tác của cô đã
thuần thục. Cô đã giảm (được) 7 phút
cho mỗi sản phẩm.
(43) Các ngân hàng thương mại
đã giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn.
(44) Trong cuộc bầu cử năm nay,
Đảng Dân chủ giảm 12 ghế.
(45) Công ty đã quyết định giảm 6 nhân viên ở phòng tiếp thị.
Tuy nhiên, theo quan sát của
chúng tôi, có những tình huống giao tiếp mà bớt
được chọn lựa chứ không phải giảm; chẳng
hạn khi trả giá, mua bán ngoài chợ hoặc khi trao đổi trong sinh hoạt gia đình
(việc ăn uống, nấu nướng, v.v.). Vd:
(46) Tôi bớt 5 ngàn, chị lấy đi! // ?Tôi giảm
5 ngàn, chị lấy đi!
(47) Chị bớt thì tôi mua. // ?Chị giảm
thì tôi mua.
(48) Tôi trả giá mà họ không bớt một đồng. // ?Tôi trả giá mà họ
không giảm một đồng.
(49) Chiên bốn con nhiều lắm. Em
bớt lại một con đi! // ?Em giảm một con đi!
(50) Nó muốn giữ eo đó! Mỗi bữa
nó bớt nửa chén. // ?Mỗi bữa nó giảm nửa chén.
(Lý do: Trong những
tình huống tương tự, có lẽ người Việt tri nhận là có một hành động làm cho thay đổi lượng chứ không phải là có một trạng thái kết quả như phân tích ở
trên).
2.
Khả năng kết hợp
sau với vị từ của giảm rất hạn chế so
với bớt.
- Nhìn chung, giảm hầu như không kết hợp được với các loại vị từ. Khó gặp những kết hợp kiểu như giảm đi chơi, giảm uống, giảm nói, làm việc, giảm gãy, giảm ngã, giảm run, giảm đẹp, giảm nóng, giảm mệt, giảm ngồi, v.v..
(51) Càng ngày càng yếu, anh
nên bớt/??giảm làm việc.
(52) Sau lần bị mắng, nó đã bớt/??giảm nói dối.
(53) Từ sau khi bỏ rượu hắn đã bớt/??giảm đánh con.
(1) Về chiều, trời cũng bớt/??giảm nóng.
(54) Bớt/??Giảm mưa rồi về!
(55) Nghe bác sĩ nói vậy, tôi
cũng bớt/??giảm lo.
- Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, nhất là trong các văn bản báo chí - chính luận và kỹ thuật, có khá nhiều kết hợp [giảm + vị từ] chẳng hạn: giảm nghèo, giảm mù chữ, giảm tử vong, giảm khó khăn, giảm phát, giảm tiêu dùng, giảm chi, giảm đầu tư, giảm béo, giảm đối đầu, giảm xung đột, giảm xóc, giảm rung, v.v..
Do giới hạn về chức
năng của những kết hợp này, chúng tôi cho rằng thực chất đây là những cách nói
tắt (tỉnh lược danh từ/ngữ đi trước, chỉ còn lại thành phần định ngữ) nhằm mục
đích tiết kiệm trong khi diễn đạt. Ví dụ:
(56) Ngành giáo dục không đạt mục
tiêu giảm (tỉ lệ/số người) mù chữ trong
năm nay.
(57) Các bệnh viện phấn đấu giảm (tỉ lệ/số ca/số vụ) tử vong.
(58) Các nhà lãnh đạo G7 đã thảo
luận biện pháp giảm (tình trạng) đối
đầu trong khu vực.
Cũng cần chú ý, các
ngữ định danh liên quan đến một lĩnh vực chuyên môn nào đó chỉ dùng giảm chứ tuyệt nhiên không dùng bớt: (thuốc) giảm đau, giảm sốt, (thiết bị/bộ phận) giảm xóc, giảm rung, (biện pháp) giảm mặn, v.v..
- Giảm cũng không thể đứng sau vị từ với tư cách một phó từ như bớt. Không thể nói bán giảm, tỉa giảm, uống giảm, ăn giảm, v.v.; trừ trường hợp làm giảm.
Làm là một yếu tố có tác dụng chủ ý hóa
[+chủ ý] một trạng thái [-chủ ý]. (Tương tự như làm đẹp [+chủ ý] so với đẹp
[-chủ ý]). Làm giảm là một ngữ đoạn biểu
thị hành động chứ không phải trạng thái.
(59) Trà có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
(60) Chính sách này sẽ làm giảm vai trò của Công đoàn.
(Chú ý: cắt giảm trong câu “Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng” là một kết
cấu đẳng lập, giống như cắt tỉa, cắt gọt,
v.v.).
ĐỠ
Đỡ là vị từ trạng thái biểu thị kết quả
của sự thay đổi lượng/mức độ, theo hướng đi xuống và tốt hơn.
(61) Từ ngày mẹ về sống với thằng
Út, chị đã đỡ lo cho mẹ.
“Chị đã đỡ lo cho mẹ” tức là chị không còn lo
cho mẹ nhiều như lúc trước nữa. Trạng thái lo đã giảm, trở nên ít hơn, thấp
hơn. Như vậy, đỡ hoạt động như một vị
từ biểu thị trạng thái kết quả, tương tự bớt.
Tuy nhiên, về ngữ
pháp, đỡ hoạt động như một vị từ tình
thái vì nó đòi hỏi bổ ngữ theo sau là một vị từ (vị từ thường hoặc vị từ tình
thái).
Do đặc trưng ngữ
nghĩa là thay đổi theo hướng tốt hơn nên vị từ (trạng thái) theo
sau đỡ phải là những vị từ mang ý
nghĩa âm tính, như bệnh, mệt, đau, nóng,
lạnh, đói, khát, buồn, sợ, v.v..
(62) Chúng ta nghỉ một chút cho đỡ
mệt rồi làm tiếp.
(63) Ăn một chút bánh mì cho đỡ
đói.
(64) Chân mẹ tôi đỡ đau rồi.
Nhờ tập thể dục đấy!
Khi tình huống cho
phép (thường là tình huống hiện đương), vị từ sau đỡ có thể tỉnh lược.
(65) Mệt quá à? Uống một chút
nước là đỡ.
(66) – Sao, anh đỡ chưa? – Cảm ơn, tôi đỡ rồi.
Khi đi với những vị
từ biểu thị hành động, quá trình hay tư thế, vốn không hàm chứa nghĩa dương
tính hay âm tính, thì đỡ sẽ đóng vai
trò như một chỉ tố định hướng nghĩa: những vị từ sau nó được người nói xem là
âm tính hoặc không đáng mong muốn. Đây cũng chính là lý do, khi đi với những vị
từ này, đỡ có thể kết hợp với phải – một vị từ biểu thị tình thái bắt
buộc.
(67) Ngày mai là chủ nhật, đỡ (phải) dậy sớm. Sướng quá!
(68) Sếp đi nước ngoài rồi à? Vậy
tuần này mình đỡ (phải) họp.
(69) Tôi đang tập uống cà phê để
đỡ (phải) ăn sáng.
Có một vài trường
hợp đỡ kết hợp với danh từ: đỡ tiền, đỡ cơm, đỡ bụi. Chúng tôi cho rằng
đây là một cách nói tắt: vị từ bổ ngữ bị tỉnh lược.
(70) Anh sẽ tự sửa cái máy đó
cho đỡ tiền. (= đỡ tốn tiền)
(71) Giận à? Không ăn à? Không
ăn thì đỡ cơm (= đỡ tốn cơm)
(72) Đóng cửa lại cho nhà đỡ bụi. (= đỡ có bụi, nghĩa là đỡ dơ)
Với đặc điểm như vừa trình bày, đỡ có thể thay thế cho bớt khi bớt đi với vị từ (mục 2)
Ghi chú:
Trong những câu
trên, đỡ là vị từ tác động đến toàn bộ
ngữ đoạn đi sau nó. Tuy nhiên, có một trường hợp không phải như vậy. Vd:
(73) Đi chợ mà có người giữ xe
thì đỡ được năm ngàn.
(74) Thằng Út về đây phụ thì
mình đỡ được mấy ngày công.
Hai câu trên có chứa
“chuỗi bất thường”, vì được là vị từ
mang sắc thái dương tính rất rõ. Chúng tôi cho rằng ở đây có hiện tượng “chập cấu
trúc”: hai ngữ đoạn vị từ [đỡ mấy ngày công]và [được mấy ngày công] đã được ghép lại để cho cấu trúc [(đỡ) + (được mấy ngày công)]. Như vậy “được...”
là một vị ngữ độc lập, quan hệ trực tiếp với chủ ngữ mình chứ không phải là bổ ngữ của đỡ.
Cách giải thích
này sẽ thuyết phục hơn nếu ta thử thêm một vị từ vào vị trí sau được (75) và sau đỡ (76). Rõ ràng ở câu (76) có hai vị ngữ: [(đỡ tốn) + (được mấy ngày công)].
(75) *Thằng Út về đây phụ thì
mình đỡ được tốn mấy ngày công.
(76) Thằng Út về đây phụ thì
mình đỡ tốn được mấy ngày công.
Có lẽ nên xem đây
là một trường hợp ngoại lệ hoặc đặc biệt của cách dùng đỡ.
HẠ
Hạ là vị từ biểu thị hành động hay quá
trình chuyển động theo hướng từ trên xuống.
Nếu là vị từ quá
trình, đề (chủ ngữ) của hạ là đối thể
(vật) được nói đến; sau hạ có thể có
lượng tố hoặc một ngữ đoạn biểu thị mức độ kết quả.
(77) Mực nước sông Hồng đã bắt
đầu hạ xuống.
(78) Huyết áp/Cơn sốt hạ rồi.
(79) Giá lúa đang hạ, khoan bán đã.
(80) Giá lúa hạ 100đ/kg.
(81) Giá lúa hạ còn bằng hồi đầu năm.
Nếu là vị từ hành
động, đề hay chủ ngữ của hạ là người
(hoặc thực thể được xem là người), bổ ngữ của hạ là đối tượng.
(82) Bức tranh treo cao quá
không đẹp. hạ xuống một chút đi!
(83) Tên lính hạ súng xuống.
(84) Phải hạ cái máy lạnh xuống mới sửa được.
(85) Nó hạ giọng xuống vì sợ người ta nghe thấy.
Khi có đề là người,
sau hạ có thể có bổ ngữ là đối thể,
tương tự như giảm.
(86) Công ty hạ giá những mẫu quần áo “đề-mốt” để dễ
tiêu thụ.
(87) Chúng ta phải hạ giá thành sản phẩm thì mới cạnh
tranh được.
(88) Ngân hàng quyết định hạ lãi suất tiết kiệm xuống còn 9%/năm.
Tuy nhiên, phạm vi
sử dụng của hạ không rộng rãi như giảm, và càng hẹp hơn so với bớt, vì nó khó kết hợp trực tiếp với lượng
tố.
(89) ??Tôi hạ năm ngàn đồng đó, chị lấy đi!
(90) ??Chị ấy hạ 2 kí rồi.
(91) ??Quạt chạy mạnh quá! Anh hạ một số đi!
Từ ý nghĩa đã nói
trên, hạ được dùng để biểu thị hành động
làm cho đối tượng (người, vật) phải ngã xuống, nằm xuống.
(92) Cây dừa này già quá rồi. Để
tôi hạ nó.
(93) Hắn hạ được hai tên ở khoảng cách 100m.
Và nếu đối tượng
là người, hạ có một nghĩa phái sinh,
giống như thắng, đánh bại; đặc biệt
dùng trong thể thao.
(94) Tôi hạ nó 2-0.
SÚT
Sút là vị từ biểu thị trạng thái thay đổi
theo hướng đi xuống (xấu hơn, kém hơn). Thường dùng để nói về trình độ, năng lực,
thể lực.
(95) Chỉ mới mấy ngày mà nó sút hẳn. (= Trông gầy, hốc hác)
(96) Thời gian gần đây, việc học
của nó sút đi trông thấy. (= Học kém
đi)
(97) Nó sút môn toán, còn mấy môn kia vẫn chưa đến nỗi nào.
Sút có thể đứng sau làm phó từ cho một vị
từ khác.
(98) Dạo này nó học sút.
Ghi chú:
Trên thực tế, ngoại
trừ nói về việc học và về sức khỏe, khó có thể tìm thấy ví dụ về sút cho những trường hợp khác. (Khi nói
thể lực sút thì thường phải có biểu
hiện (mặt hốc hác, thân gầy ốm chẳng hạn)). Trong khi đó, các kết hợp đẳng lập sút với một vị từ khác (giảm sút, sút giảm, sa sút) thì lại có
phạm vi sử dụng rộng hơn rất nhiều.
SỤT
Sụt vốn là là vị từ biểu thị chuyển động
theo hướng đi xuống (đất sụt, đường bị
sụt, lún).
Từ đó, sụt thường được dùng để nói về tình trạng
giá cả đi xuống. Sụt gợi cảm giác mạnh,
đột ngột hơn giảm. Sụt rất phổ biến trong khẩu ngữ Nam bộ.
(99) Cá tra sụt, người nuôi lao đao.
(100) Lúa sụt giá, bán lỗ đó!
(101) Lúa sụt gần 200đ một kí.
Trong khẩu ngữ Nam
bộ cũng có khi dùng sụt để nói về thứ
hạng, huyết áp, điện áp, v.v.. Nói chung, phạm vi sử dụng sụt khá hẹp.
(102) Tháng này nó nghỉ nhiều
nên sụt hạng.
(103) Nó sụt gần 10 hạng, đứng thứ 16 trong lớp.
(104) Điện áp sụt dễ làm hỏng các thiết bị điện trong
nhà.
(105) Người ta đồn là có nhiều
loại trái cây có thể làm sụt huyết
áp.
Ở tình huống này,
người Bắc bộ sẽ dùng tụt (và Nam bộ lại
có một âm khác cho từ này: tuột). Cả
hai câu trên đều có thể thay sụt bằng
tụt/tuột.
No comments:
Post a Comment