1.
XUỂ
Xuể là một vị từ chỉ dùng trong những phát
ngôn nghi vấn (có làm/đếm xuể không?)
và phát ngôn phủ định.
KHÔNG XUỂ
Có hai mô hình:
(i)
V + không xuể
(ii)
Không + V + xuể
Ngữ nghĩa: không thể V [vì số lượng quá nhiều hay khối lượng quá lớn]
Vd:
–
Xe nhiều quá, tôi đếm / giữ / rửa / sửa không xuể.
–
Cái cây này ba người ôm không xuể.
Thay vì không xuể, người Nam bộ dùng không
hết với mô hình và ngữ nghĩa tương tự.
Tuy nhiên phạm vi sử dụng của không hết rộng hơn (có nhiều trường hợp có
thể dùng không hết nhưng không thể dùng
không xuể).
Vd:
– Xe nhiều quá, tôi đếm / giữ / rửa / sửa không hết.
– Cái cây này ba người ôm không hết.
– Ổ bánh mì to quá, không ăn hết / *xuể đâu
– Má dặn nhiều quá, con nhớ không hết / *xuể!
– Tao thương nó không hết / *xuể, làm sao tao hại nó được?
Nên nhớ rằng không phải không xuể là của phương ngữ Bắc, tương
đương với không hết là của phương ngữ
Nam. Không hết là của cả Nam và Bắc;
còn không xuể là một cách diễn đạt riêng
của Bắc (?), phạm vi ngữ nghĩa của nó nằm trong không hết.
(Không
hiểu sao nhiều cuốn sách dạy tiếng lại cường điệu không xuể, trong khi chẳng có lấy một ghi chú nào về không hết!!)
2.
SAO
Sao vốn là từ nghi vấn dùng để hỏi cách
thức hoặc nội dung của một sự tình. Cũng tương tự những từ nghi vấn khác, nó có
thể dùng như một đại từ hồi chỉ (một sự tình). Sao có thể dùng trong phát ngôn nghi vấn, trần thuật hoặc phủ định.
KHÔNG SAO
Mô hình: không sao + V + được/nổi
Ngữ nghĩa: không thể V [dù rất
cố gắng]
(Không sao V được tức là không làm thế nào, không làm cách nào V được.)
Vd:
–
Tôi không sao ăn được mắm tôm!
–
Cô không sao chịu nổi anh ta!
–
Dù đã đọc đi đọc lại, nó vẫn không sao hiểu được.
(Không
sao hầu như không được đề cập trong các tài liệu dạy tiếng. Không sao hiểu
nổi!!!)
3.
HỀ
Hề là một vị từ, dùng cho phát ngôn nghi
vấn và phủ định. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, và Từ điển tiếng
Việt của Hoàng Phê cho là nó có nghĩa “can hệ”, “bao giờ”. Thật ra, hề trong ngữ đoạn không/chẳng hề hay chưa hề
(+ V) hiện tại không thể hiện nghĩa như vậy.
KHÔNG HỀ
Mô hình: không hề + V (hoặc: chưa hề + V)
Ngữ nghĩa: hoàn toàn không V / tuyệt
nhiên không V
Vd:
–
Tôi không hề quen anh ta.
–
Họ không hề nói với tôi chuyện đó.
–
Suốt đêm chị không hề chợp mắt.
Ngoài
sắc thái mạnh – yếu, tuyệt đối – trung tính, không hề còn khác không ở
chỗ không hề chỉ dùng để phủ nhận một
điều gì đó trước thời điểm phát ngôn hoặc trước một thời điểm chỉ định trong
khi không có thể dùng theo kiểu phi
thời gian (nghĩa là nội dung mà nó phủ định không được đánh dấu về thời gian).
Vd:
–
Cô ấy không có ý định đi chơi xa.
–
Cô ấy không hề có ý định đi chơi xa.
–
Cô ấy định không đi chơi xa.
–
*Cô ấy định không hề đi chơi xa.
–
Anh ấy không hứa giúp cô.
–
Anh ấy không hề hứa giúp cô.
–
Anh ấy hứa không làm cô buồn.
–
*Anh ấy hứa không hề làm cô ấy buồn.
(Có một trường hợp dùng có vẻ đúng với
cách giải thích của hai quyển từ điển vừa nói trên:
–
Nói như vậy cũng không hề gì!
–
Chiếc xe nát bét. Vậy mà nó không hề gì. May thật!
Không
hề gì có thể giải thích là không can hệ gì, hay nói đơn giản hơn, không (bị) sao (cả).)
Chưa hề đối lập với chưa ở sắc thái tương tự như không
hề và không. Nhưng có vài điều cần
nói thêm.
Trong
tiếng Việt có 2 trường hợp sử dụng chưa:
(i)
[Chưa
+ V] là không thực hiện hay không tồn tại một sự tình V nào đó cho đến trước thời
điểm phát ngôn hoặc thời điểm quy chiếu mà (theo kinh nghiệm đời thường) sự
tình này chắc hẳn sẽ diễn ra vào một lúc nào đó (sự tình tiềm năng); chẳng hạn
“chưa ăn”, “chưa ngủ”, “chưa nói”, “chưa tắm”, “chưa đi làm”, v.v.;
(ii)
[Chưa
+ V] là không thực hiện hay không tồn tại một sự tình V nào đó cho đến trước thời
điểm phát ngôn hoặc thời điểm quy chiếu mà (theo kinh nghiệm đời thường) sự
tình này có diễn ra hay không không thể cả quyết được; chẳng hạn “chưa đi Mỹ”,
“chưa bị xúc phạm”, “chưa lên bàn mổ”, “chưa đi du lịch nước ngoài”, v.v.. Trường
hợp (ii) này rất gần với chưa từng, chỉ
khác là chưa từng (và cả từng, đã từng) cường điệu nghĩa “kinh nghiệm”. (Có thể lấy chưa từng để làm “thuốc thử” cho hai
cách sử dụng này.)
Ở
trường hợp (i), chưa có thể thay bằng
chưa hề chứ khó có thể thay bằng chưa bao giờ.
Ở
trường hợp (ii), khả năng xuất hiện cả 3 có thể xem là ngang nhau.
Vd:
–
Tô phở đó nó chưa đụng đũa.
–
Tô phở đó nó chưa hề đụng đũa.
–
*Tô phở đó nó chưa bao giờ đụng đũa.
–
Từ sáng đến giờ nó chưa nhận được tin nhắn nào.
–
Từ sáng đến giờ nó chưa hề nhận được tin nhắn
nào.
–
*Từ sáng đến giờ nó chưa bao giờ nhận được tin
nhắn nào.
–
Cả tuần nay nó chưa tắm.
–
Cả tuần nay nó chưa hề tắm.
–
*Cả tuần nay nó chưa bao giờ tắm.
–
Cho đến tối hôm qua, tôi vẫn chưa biết chuyện đó.
–
Cho đến tối hôm qua, tôi vẫn chưa hề biết chuyện
đó.
–
*Cho đến tối hôm qua, tôi vẫn chưa bao giờ biết
chuyện đó.
–
Mẹ tôi chưa / chưa hề / chưa bao giờ đi nước
ngoài.
–
Từ nhỏ đến giờ nó chưa / chưa hề / chưa bao giờ
thấy một số tiền lớn như vậy.
–
Từ khi bố mất, nó chưa / chưa hề / chưa bao giờ
làm buồn lòng mẹ.
Chú thích:
Hề trong [không hề / chưa hề + V] hiện tại không thể giải thích là “can hệ” và
càng không thể giải thích là “bao giờ” như hai quyển từ điển trên.
Thật
ra, về ngữ nghĩa, không hề và chưa hề có liên quan lần lượt với không và chưa chứ không liên quan với không
bao giờ và ít liên quan với chưa bao
giờ.
Tuy
nhiên, xét một sự tình trên trục thời gian, có lẽ cũng cần phân biệt hai biểu
thức khác xa nhau này.
Về
mặt thời gian, không hề phủ nhận sự tồn
tại của một sự tình cho đến thời điểm nói hoặc thời điểm chỉ định.
Không bao giờ phủ nhận sự tồn tại của một
sự tình tuyệt đối về mặt thời gian; nghĩa là cho rằng sự tình đó không tồn tại
cả trước, tại và sau thời điểm nói. Chính vì vậy không bao giờ có thể dùng cho những dự đoán, phỏng đoán, dự định, ý
chí.
–
Chị thề sẽ không bao giờ bước chân vào căn nhà này
nữa.
–
*Chị thề sẽ không hề bước chân vào căn nhà này nữa.
–
Tôi không bao giờ chịu lấy anh đâu! Anh đừng hy
vọng!
–
*Tôi không hề chịu lấy anh đâu! Anh đừng hy vọng!
Không hề và không bao giờ không thay thế cho nhau được.
Trong
ví dụ trên, không bao giờ có thể thay
bằng không, vì không là hình thức phủ định phi thời gian. Như vậy, có thể thấy có
hai cặp đối lập cần phân biệt:
(1)
không/chẳng
– không/chẳng hề
(2)
không/chẳng
– không/chẳng bao giờ
chứ không cần có cặp đối lập không/chẳng hề – không/chẳng bao giờ.
No comments:
Post a Comment