Friday, 25 May 2012

KHÔNG – TRỐNG – RỖNG



KHÔNG

Không là vị từ, thường làm định ngữ cho một danh từ hoặc làm trạng từ/phó từ cho một vị từ.
 “A không” nghĩa là “A, ngoài ra không có gì hoặc không làm gì khác” (tùy nghĩa của A).

(1) Sáng nay nó ăn bánh mì không. ( bánh mì không có thịt, phô mai, không có gì ngoài bánh mì)
(2) Cho tôi xin một cái ly không. (→ chỉ cái ly, không có gì trong đó)
(3) Nó tìm cái hộp không để đựng bút. ( chỉ cái hộp, trong hộp không có gì)
(4) Chúng đánh nhau tay không. (→ chỉ đánh bằng tay, không có vũ khí)
(5) Đi thăm người bệnh mà đi tay không à? (→ chỉ đi với “tay” thôi, tức là không có quà)


(6) Nó chơi không suốt ngày. ( → chỉ chơi, không làm gì cả)
(7) Cá khô mặn như vậy mà ăn không à? (→ chỉ ăn cá khô, không có gì khác)
(8) Ăn không của người ta, coi sao được? (→ chỉ ăn của người, không làm gì/có gì đáp lại)
(9) Tối nay tôi ở không. (→ chỉ “ở”, không phải làm gì cả)

     Người nói dùng không cho những sự vật/sự tình mà thông thường phải “có”: ăn bánh mì thường có thêm một thức gì nữa; trong quán ăn, người ta thường gọi một ly đá, trà, cà phê chứ không gọi “một cái ly không”; đi thăm bệnh thường phải mang theo quà, v.v.; nó phải học hành hay làm gì đó chứ không thể chỉ chơi; cá khô thường được trộn hay ăn kèm với rau, dưa, vì rất mặn, v.v..
     Có thể xem điều vừa nói trên như một tiền giả định của không; vì vậy, với tư cách là một vị từ “bình thường”, hầu như bao giờ không cũng “lùi vào hậu cảnh” (background) để làm định ngữ, trạng ngữ chứ không làm vị từ trung tâm.
     Đặc điểm vừa nêu của không có thể giúp phân biệt nó với trốngrỗng.



TRỐNG

Trống là vị từ thường làm định ngữ cho danh từ.
“A trống” nghĩa là “A ở trạng thái không có gì đặt để, không bị cản trở, che khuất, không bị sử dụng”.

(10) Nó ngồi xuống cái ghế trống gần cửa. (→ cái ghế không có người ngồi)
(11) Họ tìm một chỗ trống để trải báo ngồi. (→ chỗ không có gì choán, không có ai ngồi)
(12) Ngôi nhà nằm giữa đồng trống. (→ trên đồng không có cây cối hay vật gì che chắn)
(13) Chiều nay tôi có 2 tiết trống. (→ 2 tiết không có môn học)
(14) Cuộc họp rất căng thẳng, không có thời gian trống. (→ thời gian không được lấp đầy bằng một nội dung hay hoạt động gì đó)

Trống có thể là vị từ, đi sau làm trạng/phó từ cho (một vài) vị từ khác hoặc làm vị từ trung tâm.

(15) Họ để trống cái ghế này cho ai vậy? (→ không sử dụng)
(16) Mục nào không có thì bỏ trống. (→ không viết)
(17) Xe còn trống hai chỗ. (→ không có người ngồi)

(18) Phòng khách trống quá. (→ không có hoặc ít đồ đạc hoặc vật trang trí)
(19) Chiều nay tôi trống 2 tiết. (→ không học/dạy 2 tiết)



RỖNG

Rỗng là vị từ, thường làm định ngữ cho một danh từ.
“A rỗng” nghĩa là “trong A không có gì cả”.

(20) Cây trụ này là một thanh sắt rỗng. (→ bên trong thanh sắt không có gì hay chỉ có không khí; hoặc không phải là sắt nguyên khối, không đặc)
(21) Dưới đáy tủ có một ngăn rỗng. (→ có một không gian, không phải nguyên khối).

Rỗng có thể làm trạng/phó từ hoặc làm vị từ trung tâm.
(22) Cái chân bàn đã bị mọt đục rỗng.
(23) Nó đào rỗng dưới nền nhà.
(24) rỗng túi rồi nên phải mò về nhà.
(25) Cây bút bi này rỗng ruột. (ss: “Cây bút bi này chỉ có cái vỏ không”)
(26) Cây sắt này rỗng ruột.
(27) Đầu óc nó rỗng, nên lời nói cũng rỗng.

Chú ý:
        1.      “Cái thùng rỗng” khác “cái thùng không”:

             ·         “cái thùng rỗng” là cái thùng bên trong không có gì cả, lớp vỏ ngoài tạo thành một không gian;
             ·         “cái thùng không” chỉ là cái thùng, không có gì trong đó cả.
     Rỗng có thể phân biệt với không ở chỗ rỗng liên quan đến tư duy không gian, còn không thỉ không có liên quan gì đến không gian mà chỉ liên quan đến bản thân cái đối tượng được nói đến ngay trước nó.
     Vì vậy, theo cách tri nhận của người Việt, không thể nói “cái ly rỗng”, “cái đĩa rỗng”, “cái chén rỗng”, “cái túi xốp rỗng” (cái túi xốp xẹp lép nằm trên bàn), “(bàn) tay rỗng”, v.v..

        2.      Có “ngôi nhà trống” chứ không có “ngôi nhà rỗng”:
     Một ngôi nhà trống là một ngôi nhà bên trong không có gì cả (có thể rất ít đồ đạc) hoặc không có người ở.
     Nghĩa là, trống liên quan đến những thực thể định vị tại một không gian đang được đề cập, bất kể đó là không gian kín hay không gian mở (bề mặt của cái bàn, của khu đất chẳng hạn). Khi nói một cái gì đó/chỗ nào đó trống tức là muốn nói không hoặc ít thực thể (vật/người) có trong cái đó/tại chỗ đó.
     Trong khi đó, rỗng liên quan đến không gian kín. Khi nói một cái gì đó rỗng tức là muốn nói có một khoảng không gian trong cái vật thể đó (mà thường trong những vật thể tương tự không có cái không gian như vậy).

        Đối với người Việt, có lẽ nhà (và các công trình xây dựng khác) là một không gian mở, vì vậy không có nhận định rỗng hay không.
        Một đoạn sắt vốn là một vật nguyên khối, tức là một không gian kín; cho nên nếu không phải như vậy thì có thể nhận định là nó rỗng.
        Một cái va li thường đáy là vật thể nguyên khối, tức là không gian kín; cho nên nếu có khoảng không trong (dưới?) đáy thì có thể nhận định là đáy rỗng.
        Một hộp thịt chưa khui là một vật thể nguyên khối; cho nên nếu cầm lên thấy nhẹ hều thì có thể nhận định cái hộp này rỗng.


No comments:

Post a Comment