Sunday, 10 June 2012

MUỐN – BUỒN – MẮC


 MUỐN

Muốn là vị từ. Có hai biểu hiện, tùy vào thực thể mang trạng thái “muốn”.
(i)                 muốn: cần thỏa mãn một nhu cầu có sự kiểm soát của ý thức; ở trường hợp này sau muốn là những vị từ chủ ý; (có thể nói đơn giản: muốn là vị từ trạng thái biểu thị ý chí của chủ thể)

          (1) Trong phòng nóng quá, tôi muốn đi ra ngoài.
          (2) Cô muốn mua một cái áo đẹp để đi dự đám cưới.
          (3) Nó muốn nghỉ học vì chưa làm xong bài tập.


(ii)               muốn: có dấu hiệu sắp chuyển qua một thuộc tính hay trạng thái khác; ở trường hợp này sau muốn là những vị từ không chủ ý (nói rõ hơn, là những vị từ thuộc tính và trạng thái); (có thể nói đơn giản: “muốn…” là “có dấu hiệu sắp…”)


          (4) Trời muốn mưa đấy! (nói khi thấy có mây đen)
          (5) Cái tivi này muốn hư rồi. (nói khi thấy trên màn hình có sọc, hay mất hình mất tiếng)
          (6) Thằng bé muốn viêm họng rồi. Tôi nghe nó ho khục khặc từ chiều đến giờ.
          (7) Thằng bé muốn khóc. (nói khi thấy thằng bé đỏ mắt, mếu máo)
          (8) Nó muốn ngủ rồi. (nói khi thấy thằng bé lim dim mắt)
          (9) Tôi muốn ói quá. (nói khi dạ dày cồn cào, cảm thấy có cái gì đó sắp trào ra, khó chịu)

Khi chủ thể là người, vị từ không chủ ý sau muốn có thể được dùng như vị từ chủ ý (khi đó, “muốn ói” có nghĩa là muốn làm hành động gì đó để ói ra). Ở cách dùng này phải có ngữ cảnh hoặc tình huống chỉ định. Ví dụ:

         (10) Tôi muốn khóc thật to cho nhẹ người.
         (11) Sắp có đợt công tác xa. Tôi muốn bệnh vài ngày để khỏi phải đi.
         (12) Tối nay nó muốn ngủ một giấc thật ngon.

     (Có thể kiểm tra cách dùng muốn “ý chí” bằng cách tách vị từ theo sau ra, đặt nó làm vị từ trung tâm của một tiểu cú bổ nghĩa cho muốn: “Tôi muốn tôi khóc thật to…”/ “Tôi muốn tôi bị bệnh…”/ “Nó muốn nó được ngủ…”.)


BUỒN

Buồn là vị từ biểu hiện trạng thái tâm lý (đối nghĩa với vui) hoặc sinh lý. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập biểu hiện thứ hai.

(i)                 buồn: có cảm giác cần phải thỏa mãn một nhu cầu của cơ thể; theo sau buồn là vị từ biểu thị nhu cầu (buồn ngủ/nôn/tiểu/cười)
(ii)               buồn: có cảm giác cần phải có hành động cử chỉ gì đó ở một bộ phận cơ thể; theo sau buồn là những danh từ chỉ bộ phận cơ thể đó.

          (13) Kiếm cái gì đó ăn cho đỡ buồn miệng!
          (14) Ngồi không, buồn tay nó bật cái nắp bút tanh tách.
          (15) Đi dạo một vòng cho đỡ buồn chân!
          (16) Nó thấy buồn (buồn) ở dưới gan bàn chân, nhưng không dám nhúc nhích.
          (17) Đừng xoa nữa, buồn lắm!

Chú ý:
        Ba kết hợp “buồn miệng”, “buồn tay”, “buồn chân” có vẻ như đã bắt đầu cố định hóa;
        Với các bộ phận thân thể khác thì thường phải có giới từ (ở) hoặc danh từ định vị (trên, dưới, sau…);
        Hai câu cuối cùng ở ví dụ trên có thể thay bằng nhột (phương ngữ Nam bộ).
Theo chúng tôi, những tình huống tương tự (2 câu này) nên cung cấp nhột hơn là buồn. Có hai lý do: một là tránh được hiện tượng đa nghĩa; hai là nhột có thể dùng cho cảm giác mang tính tâm lý (tương tự chột dạ).

(iii)             buồn: luôn đi kèm với yếu tố phủ định (chẳng buồn, không buồn) để biểu thị thái độ không phản ứng với một tác động nào đó bên ngoài; sau buồn là một vị từ cho biết phàn ứng cần có ở những tình huống tương tự.

         (18) Con ruồi đậu trên mũi, hắn không buồn đuổi.
         (19) Thấy khách vào, nó không buồn hỏi.


MẮC

Mắc là vị từ có nhiều nghĩa, ở đây chỉ đề cập đến mắc với tư cách là vị từ không chủ ý.

(i)                 mắc: ở / gặp trạng thái không được tự do, thoải mái, trạng thái “kẹt” (thường không được xem là tốt, hay không mong muốn); sau mắc là một danh ngữ biểu thị nguyên nhân hay cái/điều gây ra trạng thái “mắc”.
Trong phương ngữ Nam bộ, mắc có nghĩa gần với bận khi đi với những vị từ chủ ý.

        (20) Nó bị cảm vì hôm qua mắc mưa.
        (21) Lóng ngóng như gà mắc dây thun.
        (22) Nó không ngờ là nó cũng mắc bệnh.
        (23) Tôi mắc chút việc nên đến trễ nhé!
        (24) Tôi mắc bận, không đến được.
        (25) Từ sáng giờ mắc học nên chưa mở máy tính ra.

     Trong thực hành tiếng, có lẽ nên cung cấp bận, khi đi với vị từ chủ ý, hơn là mắc.

(ii)               mắc: ở trạng thái cần thỏa mãn một nhu cầu của cơ thể; sau mắc là những vị từ biểu thị nhu cầu đó.
Ở biểu hiện này, mắc tương tự như buồn (i), nhưng không thể nói “mắc ngủ”. Do vậy, có lẽ nên cung cấp buồn hơn là mắc.

        (26) Nhìn nó, tôi thấy mắc cười quá!
        (27) Nó mắc ói nên không ăn được.



2 comments: