Chúng ta nói “Người Việt ăn bằng đũa”, nhưng chúng ta cũng nói
“Người Việt ăn đũa”.
Tất nhiên, “ăn đũa” tức là “sử dụng
đũa để ăn” chứ không phải... “nhai… đũa rồi... nuốt”. Không người Việt bình
thường nào hiểu sai hay cảm thấy kỳ cục khi nói như vậy.
Hiện tượng có bằng hay không có bằng (viết
tắt là [± bằng]) này có thể gặp ở
nhiều nhóm vị từ khác nhau:
·
ăn đũa / muỗng / chén / đĩa / tay
·
uống cốc / ly / chén
·
nói tiếng Pháp / tiếng Anh
·
nói điện thoại
·
gọi điện thoại / điện / loa
·
đi xe / xe máy / tàu / máy bay
Giải
thích hiện tượng [±
bằng] là chuyện khó; càng khó hơn nếu
muốn khái quát thành những nguyên tắc đúng/sai.
Ở
đây tôi xin trình bày một vài nhận xét mà tôi nghĩ là có tính xu hướng.
1.
Khi đề cập đến thuộc tính ngôn ngữ của một dân tộc hay cộng đồng người, người ta
không dùng bằng:
(1) Người Philippin nói tiếng
Anh.
(2) Người Mỹ nói tiếng Anh.
(3) Người Áo nói tiếng Đức.
Nhưng khi đề cập
một hoạt động ngôn từ cụ thể (nói [gì]
với [ai]) thì sự có mặt của bằng có
thể xem là bắt buộc. Lúc này, bằng
không biểu thị thuộc tính mà biểu thị phương
tiện.
Hay
nói khái quát hơn, khi cần biểu thị phương tiện thì người ta phải đánh dấu bằng
bằng.
(4) Anh John nói chuyện với
chúng tôi bằng tiếng Anh.
(5) Anh ấy nói về sự kiện đó bằng tiếng Anh.
(6) Anh ấy nói mấy câu đó bằng tiếng Pháp.
Có
điều cần chú ý là trong hoạt động ngôn từ, những vị từ biểu thị hành động nói
năng nhưng có một nét nghĩa bổ sung nào đó (chẳng hạn các vị từ hỏi, trả lời, đáp, lầm bầm, than thở,
v.v.) bao giờ cũng cần bằng khi trong
câu có mặt danh ngữ biểu thị ngôn ngữ.
(7) Anh ấy hỏi tôi bằng tiếng Pháp, và tôi đáp lại bằng tiếng Việt.
(8) Tôi trả lời bằng tiếng Anh.
Điều đã nói trên
càng thể hiện rõ hơn nếu cái danh ngữ biểu thị ngôn ngữ mang một tính chất
riêng biệt nào đó (nghĩa là có định ngữ).
(9) Anh ấy nói mấy câu đó bằng một thứ tiếng Pháp khó nghe.
(10) Anh Kim nói chuyện với
chúng tôi bằng một thứ tiếng Anh bập
bẹ.
(11) Anh ấy nói về sự kiện đó bằng thứ tiếng Anh chuẩn mực.
Tuy
nhiên, nếu danh ngữ biểu thị ngôn ngữ đứng ngay sau vị từ và trong câu chỉ có
vai người nghe (nói với [ai]) chứ không có nội dung hay điều được nói thì sự có
mặt của bằng là tùy chọn. Có lẽ, với
vị trí ở ngay sau vị từ, ngôn ngữ có thể được hiểu hoặc thuộc tính hoặc phương
tiện.
Xét
2 câu sau đây:
(12) Anh Francoise nói tiếng
Pháp với tôi.
(13) Anh Francoise nói tiếng
Pháp với con, nói tiếng Việt với vợ.
Ở 2 câu trên nếu
có bằng, người ta dễ hiểu là có một sự
tỉnh lược (nói [gì]).
Bây
giờ, thay cho ngôn ngữ là một phương tiện vật lý nào đó (kể cả giọng điệu –
thái độ) thì tình hình cũng tương tự.
(14) Anh John nói chuyện điện
thoại với chúng tôi.
(15) Anh John nói chuyện bằng điện thoại với chúng tôi.
(16) Anh John nói điều đó bằng giọng cáu kỉnh.
(17) Anh John nói chuyện với
chúng tôi bằng điện thoại (di động).
(18) Anh John nói chuyện với
chúng tôi bằng cái điện thoại cũ kỹ
này đây.
(19) Anh John nói chuyện với
chúng tôi bằng cái giọng cáu kỉnh.
Như vậy, có thể tạm đi đến nhận định
rằng người ta dùng bằng khi muốn đánh
dấu phương tiện.
2.
Dựa vào những điều vừa nói trên, chúng tôi nghĩ,
những trường hợp khác cũng có biểu hiện tương tự; hoặc chí ít có thể xử lý
tương tự. Chẳng hạn ở nhóm vị từ “ăn uống”:
(20) Người Nhật ăn đũa.
(21) Người Nhật ăn bằng đũa.
(22) Uống trà thì uống tách chứ
sao lại uống ly?
(23) Uống trà thì uống bằng tách chứ sao lại uống bằng ly?
Ở các ví dụ
trên, có thể hiểu 2 cách, cho nên có thể [± bằng].
Nói chung, có bằng là phương tiện; không có bằng là thuộc tính.
Nhưng
trong những tình huống cụ thể hoặc với những phương tiện cụ thể thì thường chỉ
có một cách hiểu.
Chẳng hạn, khi
đi đá bóng, Tèo mang theo một ca trà đá, nhưng không mang theo ly, tách.
(24) Tí: – Uống bằng
gì?
Tèo: –
Uống bằng nắp đi! //
Uống bằng ca luôn đi! //
Uống bằng
cái cốc giấy nước ngọt hồi nãy đó!
Hoặc
khi trả lời cho điều tra viên về một vụ án mạng, chắc chắn nhân chứng sẽ dùng bằng để khai báo những gì mình thấy: “Hắn
uống bằng cái ly nhựa để sẵn trên
bàn”.
3.
Ở nhóm vị từ di chuyển cũng có thể xử lý như
trên. Tuy nhiên, sự có mặt hay không có mặt bằng
không làm ngữ nghĩa khác biệt nhiều như trường hợp 1.
(25) Nó đi xe lửa ra Hà Nội.
(26) Nó đi bằng xe lửa ra Hà Nội.
(27) Anh đi xe hay đi tàu?
(28) Anh đi bằng xe hay đi bằng tàu?
(29) Đi tàu mất 30 tiếng, đi
máy bay mất 3 tiếng.
(30) Đi bằng tàu mất 30 tiếng, đi bằng
máy bay mất 3 tiếng.
Tất nhiên, nếu
các danh ngữ (xe, tàu, máy bay) không đứng ngay sau vị từ (gián cách) thì phải
có bằng để đánh dấu phương tiện:
(31) Nó đi Hà Nội bằng máy bay rồi chạy ra Hạ Long bằng xe máy.
Khi đứng ngay
sau vị từ, nếu các danh ngữ đó có một định ngữ thì sự có mặt của bằng không phải là bắt buộc – đây là điều
khác biệt so với nhóm vị từ nói năng.
(32) Nó đi chiếc xe Toyota trắng
ra Vũng Tàu.
(33) Nó đi bằng cái xe cà tàng này ra Vũng Tàu à?
Phương
tiện của hành động đi có thể là giày,
dép, guốc, v.v.; và tình hình cũng tương tự:
(34) Nó đi (*bằng) dép chứ không bao giờ đi (*bằng) giày.
(35) Mặc áo dài mà đi (*bằng) guốc thì mới đẹp.
(36) Nó đi (*bằng) giày lên lầu à?
(37) Nó đi đám cưới bằng đôi giày rách tươm này à?
4.
Từ hiện tượng [± bằng] có thể xử lý một số hiện tượng tương tự.
(38) Nó ngồi ghế còn chú nó ngồi
đất.
(39) Nó ngồi trên ghế còn chú
nó ngồi dưới đất.
(40) Ông không quen ngủ nệm.
(41) Chị nằm giường đi, để tôi
nằm xô pha.
(42) Nó nằm trên giường gào to:
“Mẹ! Mẹ ơi!”.
(43) Nằm trong nhà nóng quá,
không ngủ được, nó đi ra sân ngồi.
(44) Chủ nhật mà nằm (*trong)
nhà à?
Trong
các ví dụ trên, nếu có mặt một giới từ (trên,
dưới, trong, ngoài...) thì nội dung của phát ngôn là nhằm định vị đối tượng
(cho biết đối tượng nằm/ngồi ở đâu); nếu không có giới từ thì nó nhằm đưa ra một
nhận định về cách thức/phương thức hay thuộc tính.
No comments:
Post a Comment