Saturday, 23 June 2012

MIỄN (LÀ)...


    
     Miễn là một liên từ thường được giải nghĩa “chỉ cần...” hoặc “với điều kiện...”, chẳng hạn:

(1) Ăn ở đâu cũng được, miễn (là) sạch sẽ. (//... chỉ cần/với điều kiện là sạch sẽ )
(2) Uống bia cũng không sao, miễn về trước 10 giờ. (//... chỉ cần/với điều kiện về trước 10 giờ).

     Cách hiểu đơn giàn như vậy đã vô hình trung dẫn đến những cách dùng mà chúng tôi cho là không chuẩn tắc:
    
(3) ??Em sẽ tha thứ cho anh, miễn là anh bỏ rượu.
(4) ??Mẹ sẽ mua xe máy cho con, miễn là con thi đậu.
(5) ??Bà ấy đồng ý thuê căn nhà này, miễn là có điện nước riêng.


     Theo suy nghĩ của chúng tôi, miễn chỉ được dùng trong những ngữ cảnh khá chặt chẽ, có thể diễn đạt như sau:
(i)                 “... miễn X” → “chấp nhận mọi tình huống, với điều kiện duy nhất là X”.
(ii)               “... miễn X” → “chấp nhận tình huống xấu nhất, với điều kiện duy nhất là X”

Với (i), thành phần đứng trước miễn bao giờ cũng có những yếu tố biểu thị “mọi tình huống” , chẳng hạn:
            ·         V + (ai/gì/đâu/mấy/..nào) thì V...
            ·         V + (ai/gì/đâu/mấy/..nào) cũng được...

Với (ii), thành phần đứng trước miễn bao giờ cũng có những yếu tố biểu thị thái độ chấp nhận khả năng (được xem là) xấu nhất (hay nói rộng hơn, ít đáng hài lòng nhất), chẳng hạn:
             ·         V cũng không sao...
             ·         V cũng được...

(Hai trường hợp trên khác nhau ở chỗ: (i) liên quan đến mọi tình huống (nên thường có mặt các đại từ phiếm chỉ), trong khi đó (ii) chỉ liên quan đến một tình huống nhưng tình huống này có thể xem là trở ngại đáng kể nhất.) 
Ví dụ:

(6) Anh làm gì thì làm, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.
(7) Anh làm gì cũng được, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.

(8) Anh làm cách nào thì làm, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.
(9) Anh làm cách nào cũng được, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.

(10) Anh làm với ai thì làm, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.
(11) Anh làm với ai cũng được, miễn xong trước 5 giờ chiều mai.

(12) Anh đi đâu thì đi, miễn về trước 5 giờ chiều mai.
(13) Anh đi đâu cũng được, miễn về trước 5 giờ chiều mai.

(14) Anh thuê mấy ngày thì thuê, miễn là trả đủ tiền.
(15) Anh thuê mấy ngày cũng được, miễn là trả đủ tiền.

(16)   – Đi xe buýt giờ này là phải đứng đấy!
– Đứng cũng không sao, miễn là về đến nhà.
(Đứng cũng được, miễn là về đến nhà.)

(17)   – Khám bệnh ở đó, chị sẽ chờ lâu đấy!
      – Chờ lâu cũng không sao, miễn là gặp bác sĩ giỏi.
                  (Chờ lâu cũng được, miễn là gặp bác sĩ giỏi.)

(18)   – Làm như vậy tốn tiền lắm!
      – Tốn tiền cũng không sao, miễn là xong việc.
                    (Tốn tiền cũng được, miễn là xong việc.)
                    (Tốn 10 triệu cũng được, miễn là xong việc.)

Chú thích:
      1.      Phần lớn những phát ngôn dùng miễn không chuẩn tắc (như vd (3) – (5)), theo chúng tôi, là do người nói chỉ chú ý đến đặc trưng “với điều kiện (duy nhất) là X” mà không để ý đến tình huống “chấp nhận mọi tình huống” hoặc “chấp nhận tình huống xấu nhất”.
     Rõ ràng, nếu chỉ quan tâm đến đặc trưng “với điều kiện là X” thì chúng ta có thể có những phát ngôn rất dễ nhầm lẫn với miễn như:
(19) Em sẽ tha thứ cho anh, với điều kiện là anh bỏ rượu.
(20) Mẹ sẽ mua xe máy cho con, với điều kiện là con thi đậu.
(21) Bà ấy đồng ý thuê căn nhà này, với điều kiện là có điện nước riêng.

Một số ví dụ khác:
(22) Rượu vang có thể tốt cho sức khỏe, với điều kiện là không lạm dụng.
(23) Tôi sẽ giúp anh, với điều kiện là anh phải nhận cháu tôi vào công ty.
(24) Chị sẽ xin mẹ cho em đi, với điều kiện là em phải nấu cơm cho chị ba ngày.
     Ở tất cả các câu (19) – (24), không nên thay “với điều kiện ()...” bằng miễn.

      2.      Có khi miễn được dùng khác với những biểu hiện phổ biến trên đây. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tình huống giao tiếp thì vẫn phải thỏa điều đã nói ở (i) hoặc (ii).
     So sánh 2 tình huống sau:

Tình huống 1: Trong bữa cơm, đứa con nói cho mẹ nghe những chuyện xảy ra trong trường:
(25)  Con:    – Mẹ ơi, trường con có tổ chức dạy võ đấy!
     Mẹ:     – ??Mẹ cho con học, miễn là con phải đạt “học sinh giỏi” cuối năm.
Phát ngôn của đưa con là một thông báo thuần túy, do vậy lời đáp của bà mẹ khó chấp nhận.

Tình huống 2: Đưa con năn nỉ mẹ cho đi học võ.
(26)   Con:    – Mẹ cho học võ đi mẹ. Bạn con đứa nào cũng học. Mẹ chịu đi mẹ! Đi mẹ!
      Mẹ:      – Thôi được! Mẹ cho con học, miễn là con phải đạt “học sinh giỏi” cuối năm.
     Ở tình huống 2, đối với bà mẹ, chuyện con đi học võ là một tình huống “xấu” buộc phải chấp nhận – vì vậy bà mẹ đã đặt điều kiện (miễn...). Mặc dù không có những dấu hiệu “đặc trưng” (cũng được, cũng không sao...), tình huống 2 vẫn thuộc trường hợp (ii).
     (Tình huống 2 vừa đề cập trên đây phải viện đến ngữ cảnh để giải thích. Vì vậy, theo chúng tôi, thay miễn bằng “với điều kiện...” có lẽ sẽ giản tiện hơn rất nhiều.)

      3.      Miễn rất giống “chỉ cần...” nhưng hai cách diễn đạt này không đồng nghĩa với nhau.
     Có thể nói “chỉ cần...” là một cách dùng rộng hơn miễn, bao quát miễn, nhưng ở “chỉ cần...” không có sự ràng buộc chặt chẽ về nghĩa như đã nói ở trên.
     Ngoài ra, “chỉ cần...” trên thực tế là cách nói tỉnh lược chủ ngữ (thường đó cũng là chủ ngữ của thành phần đi trước), cho nên nó có thể làm thành một câu độc lập, trong khi miễn thì không thể.
     Ở tất cả các ví dụ trên đây đều có thể thay miễn bằng “chỉ cần...”.
      Theo quan sát của chúng tôi, trong khẩu ngữ hằng ngày có vẻ như hiện nay miễn được sử dụng không khác gì “chỉ cần...”, tức là nó đã mất đi những ràng buộc ngữ nghĩa như đã nói trên.

No comments:

Post a Comment