Trong khẩu ngữ tiếng
Việt, cấu trúc bắt đầu bằng thì được
sử dụng rất nhiều.
Từ điển tiếng Việt
(Hoàng Phê, 1985) cho thì “nhấn mạnh”
phần nêu sau đó; nhưng chẳng có chứng cứ gì để nói rằng có thì thì “mạnh” hơn là không có thì,
và cũng chẳng biết “mạnh” hơn là mạnh hơn về cái gì.
Ngoài Từ điển tiếng
Việt, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào giải thích nghĩa và cách dùng của “Thì...”.
Theo quan sát của
chúng tôi, có 4 trường hợp dùng “Thì...”
như sau:
Trường hợp 1:
(1) A: – Không mua được vé tàu thì sao? // Tôi sợ là hết vé tàu rồi!
B: – Thì
đi xe đò. Lo gì!
Ở đây, ta có một cấu
trúc điều kiện - kết quả điển hình, nhưng thành phần điều kiện không hiện diện
vì nó đã được nói ra trước đó.
Có thể khôi phục:
“Nếu không mua được vé tàu thì đi xe
đò”.
Trường hợp 2:
(2) A: – Khát quá!
B: – Thì
có bia trong tủ lạnh đó!
Ở đây, cấu trúc xuất
phát là cũng là cấu trúc điều kiện; và cũng có hiện tượng tỉnh lược nhưng là tỉnh
lược thành phần thứ hai (kết luận) và lại kết hợp với một nguyên nhân/lý do nêu
sau đó để biện giải cho kết luận của mình.
Có thể diễn giải
như sau: Với tình huống X, người nói đưa ra kết luận Y (một đề xuất hay một nhận
định) vì lý do X (“Nếu X thì Y vì Z”);
nhưng thành phần Y không được hiển ngôn, ta có: “Nếu X thì Z”.
Như vậy, ở ví dụ 2
có thể hình dung: “Nếu anh khát thì uống bia đi vì có bia trong tủ lạnh đó”
Một số ví dụ tương
tự:
(3) A: – Nồi cơm cháy đen rồi!
B: – Thì
có mì gói trong tủ đó!
(“Nếu nồi cơm cháy đen (= không có cơm) thì ăn mì gói vì có mì gói trong tủ”)
(4) A: – Phim này chán quá!
B: – Thì
có ai bắt anh xem đâu!
(“Nếu phim này chán thì
tắt tivi đi vì có ai bắt anh xem đâu”)
(5) A: – Chắc không mua được vé
tàu quá!
B: – Thì
cũng phải về thôi!
(“Nếu không mua được vé tàu thì đi xe đò vì (dù sao) cũng phải về”)
Trường hợp 3:
(6) A: – Xe của Tèo hư rồi!
B: – Sao cậu biết?
A: – Thì
nó đi bộ đó!
(7) A: – Ngày mai Tèo phải cuốc
bộ!
B: – Sao cậu biết?
A: – Thì
xe nó hư rồi!
Ở đây ta có cấu
trúc tiền đề - kết luận (một kiểu điều kiện – kết quả). Tuy nhiên, khác với trường
hợp 2, mối quan hệ này dựa trên kinh nghiệm của người nói (thực chất là dựa
trên mối quan hệ nhân quả mà người nói rút ra được từ thế giới thực).
Trong thế giới thực
có quan hệ nhân quả [X (xe hư) → Y (đi bộ)].
Từ quan hệ này,
người nói sẽ có suy luận: [X → Y] hoặc [Y → X]. Trong đó thành phần đứng trước
được chọn làm tiền đề, thành phần đứng sau là kết luận.
Như vậy, nếu thấy
“Tèo đi bộ” (tiền đề), người nói suy ra “xe hư”, và đưa ra nhận định như vd (6).
Nếu biết là “xe Tèo hư” (tiền đề), người nói suy ra “Tèo đi bộ”, và đưa ra nhận
định như vd (7).
Một vài ví dụ khác:
(8) A: – Ngày mai nghỉ học.
B: – Sao cậu biết?
A: – Thì
cúp điện mà!
(9) A: – Ngày mai cúp điện.
B: – Sao biết?
A: – Thì
ngày mai được nghỉ học, không biết à?
(10) A: – Hôm nay có lễ gì vậy?
B: – Sao cậu nghĩ là có lễ?
A: – Thì
các cô văn phòng mặc áo dài đấy!
(11) A: – Ngày mai các cô văn
phòng phải mặc áo dài.
B: – Sao vậy?
A: – Thì
lễ mà!
Cần chú ý:
Trong quan hệ tiền
đề - kết luận, người nói xuất phát từ tiền đề (diễn đạt bằng “Thì...”) cho nên phải đánh dấu tính hiện
thực hoặc tính xác định của nó bằng các dấu hiệu như vị từ tình thái có, vẫn, chính; trợ từ ...mà!, ...đó!; hoặc hiển ngôn “Thì tôi thấy...”, “Thì tôi nghe...”, v.v..
Có thể thấy rằng
thành phần sau thì bao giờ cũng trả lời
cho câu hỏi chất vấn về căn cứ hay cơ sở của nhận định trước đó (“Sao anh biết?”,
“Sao anh nghĩ vậy?” hoặc những câu hỏi tương tự). Ở các vd trên (vd (6) –
(11)), sau thì là một căn cứ thuộc về
nội dung của một quan hệ nhân quả. Nhưng cũng có khi sau thì là một căn cứ liên quan đến nguồn chứng cứ của nhận định
(chứ không phải kinh nghiệm về thế giới thực của người nói).
Ví dụ:
(12) A: – Cuối tuần có áp thấp
đấy!
B: – Sao anh biết?
A: – Thì
báo nói. // Thì tôi đọc báo.
Có thể diễn giải
như sau: “Nếu tôi nói X thì
có nghĩa là tôi có chứng cứ Y”.
Trong cấu trúc
này, thành phần theo sau “Thì...” (=
Y) bao giờ cũng biểu thị nguồn chứng cứ của nhận định X: người nói dùng Y để khẳng
định/xác nhận (chứ không phải biện minh) cho nhận định X vừa bị chất vấn.
Thêm một vài ví dụ:
(13) A: – Ông Bill Gates chỉ
giàu thứ hai trên thế giới thôi.
B: – Vậy hả? Sao anh biết?
A: – Thì
tôi đọc trên mạng.
(14) A: – Tèo sắp cưới vợ rồi đấy!
B: – Sao anh biết?
A: – Thì
cả phòng đồn ầm đấy!
(15) A: – Các nhà khoa học phát
hiện trên Sao Hỏa có sự sống đấy!
B: – Sao anh biết?
A: – Thì
tối hôm qua phim tài liệu nói vậy!
Trên thực tế, sau thì
người nói có thể nêu ra nhiều căn cứ thuộc một trong hai dạng vừa nói trên:
(16) A: – Lão Nam ham thành
tích lắm!
B: – Sao anh nghĩ vậy? // Ai nói với anh
như vậy? // Thật à?
A: – Thì
tôi nhìn vào những việc ông ta làm!
–
Thì những việc ông ta làm cho thấy
như vậy!
–
Thì anh cứ nhìn lại những gì ông ta
đã làm xem!
–
Thì có người nói với tôi!
–
Thì chính anh nói với tôi chứ ai!
–
Thì kế hoạch của ông ta đấy! Anh đọc
thử xem!
–
Thì ông ta hết chạy theo phong trào này
đến chạy theo phong trào khác.
Trường hợp 4:
(17) A: – Cái tivi này tệ thật!
B: – Thì
tôi đã nói với anh rồi!
(18) A: – Bây giờ làm sao kiếm
ra cả trăm triệu để sửa nhà đây?
B: – Thì
từ từ tính!
Ở đây chúng ta
không có điều kiện - kết quả hay tiền đề - kết luận như đã nói ở trên.
Trong “Thì...”, người nói đã lấy nội dung phát
ngôn của A làm Đề (nhưng không hiển ngôn) cho nhận định sau đó của mình.
Có thể hình dung:
A: – “...X...”
B: – “(Về) X thì Y”
Như vậy, ở (17) có thể diễn giải: “Về chuyện đó thì tôi đã nói với anh rồi!”; ở (18): “Về
chuyện đó thì từ từ tính!”.
Thêm một vài ví dụ:
(19) A: – Anh có hiểu ý của cô
ta không? Tôi thì chẳng hiểu gì cả!
B: – Thì
tôi cũng như anh thôi!
(“Về
chuyện đó (= ý của cô ta) thì tôi
cũng (không hiểu gì) giống như anh”)
(20) A: – Thằng bé càng ngày
càng hư.
B: – Thì
tại anh! Anh nuông chiều nó quá mà!
(“Về
chuyện đó (= thằng bé hư) thì tại
anh”)
No comments:
Post a Comment