Saturday, 10 December 2011

"Là" và câu hỏi tổng quát


Trước tiên, chúng ta cần phân biệt câu hỏi tổng quát (dạng “có...không?”) và câu hỏi siêu ngôn ngữ dạng “..., phải không?”, “có phải... không?”. Câu hỏi siêu ngôn ngữ khác câu hỏi tổng quát ở chỗ bao giờ nó cũng tiền giả định mệnh đề được đưa ra để hỏi.
Khi hỏi “Nó đi chơi, phải không?”, mệnh đề “nó đi chơi” đã được tiền giả định như thể có người đã đưa ra nhận định “nó đi chơi” hay cái gì tương tự, và người hỏi muốn chất vấn nội dung mệnh đề đó (vì thế mà gọi là câu hỏi siêu ngôn ngữ); trong khi ở câu hỏi tổng quát “Nó có đi chơi không?” không có tiền giả định như vậy.


Cần chú ý, câu hỏi siêu ngôn ngữ vừa nói không giống với loại câu hỏi siêu ngôn ngữ “bình thường”, vd “Anh nói cái gì đạp?” dùng khi người hỏi không nghe rõ từ “xe” chẳng hạn. Và, về thực chất, cả hai loại câu hỏi trên đều là câu hỏi tổng quát vì nó nhằm vào tính xác thực của toàn bộ nội dung câu. Như vậy, loại câu hỏi siêu ngôn ngữ đang bàn có lẽ nên được gọi là “câu hỏi siêu ngôn ngữ tổng quát” hay “câu hỏi tổng quát siêu ngôn ngữ”.
Về hình thức, ở câu hỏi dạng thứ nhất (câu hỏi tổng quát - TQ), các yếu tố để hỏi nhằm trực tiếp vào vị ngữ, trong khi ở câu hỏi dạng thứ hai (câu hỏi tổng quát siêu ngôn ngữ - TQSNN), yếu tố hỏi bao trùm toàn bộ câu. Sở dĩ cả hai loại đều là câu hỏi tổng quát nhưng lại có khác biệt lớn về tiêu điểm hỏi là vì, ở loại 1, yếu tố nghi vấn (“”) đứng ngay trước vị từ trung tâm (kết hợp với “không” cuối câu), trong khi ở loại 2, toàn bộ mệnh đề được đưa ra chất vấn nằm giữa hai yếu tố nghi vấn (giữa “có phải” và “không?”) hoặc nằm trọn vẹn ở trước yếu tố nghi vấn (trước “phải không?”).
Có thể nói, dạng thức câu hỏi TQ “có... không?” có thể thiết lập trên gần như toàn bộ các vị từ có khả năng làm trung tâm vị ngữ.
             Anh có gặp cô ấy không?
             Anh có mệt không?
Nhưng riêng LÀ (một hệ từ hoạt động không khác gì một vị từ) hình như là một ngoại lệ: chúng ta không thể thiết lập dạng thức nghi vấn "có...không?" trên vị từ này.
Không ai nói:
            *Anh có là người Mỹ không?
            *Cô ấy có là sinh viên giỏi nhất ở đây không?
Và mặc nhiên LÀ được đa số xem như không có dạng câu hỏi TQ mà chỉ có duy nhất dạng câu hỏi TQSNN kiểu:
                 Anh là người Mỹ, phải không?
                Có phải anh là người Mỹ không?
                 Cô ấy là sinh viên giỏi nhất ở đây, phải không?
                Có phải cô ấy là sinh viên giỏi nhất ở đây không?
Tuy nhiên, LÀ còn có thể có một dạng thức hỏi khác mà ở đó yếu tố nghi vấn cũng mang dáng dấp của câu hỏi TQ. Dạng thức đó là “... có phải [là]... không?” chia cắt mệnh đề được hỏi thành hai bộ phận, tương tự ở câu hỏi TQ:
               [Anh] có phải [là người Mỹ] không?
               [Cô ấy] có phải [là sinh viên giỏi nhất ở đây] không?
Thật vậy, với câu Anh có phải là người Mỹ không?, rõ ràng về hình thức yếu tố nghi vấn tác động trực tiếp lên vị ngữ, chứ không tác động lên toàn bộ câu như Anh là người Mỹ, phải không? hay Có phải anh là người Mỹ không? (Do đó, tính chất siêu ngôn ngữ vốn có cũng không còn trọn vẹn nữa.)
Như vậy, nếu với hầu hết các vị từ “bình thường”, ta có hai dạng câu hỏi TQ và dạng “đối ứng” TQSNN; chẳng hạn:
                 Anh có lạnh không?
                Anh lạnh, phải không?
                → Có phải anh lạnh không?
                Hôm qua, anh có gặp anh Nam không?
                → Hôm qua, anh gặp anh Nam, phải không?
                → Có phải hôm qua anh gặp anh Nam không?
thì với LÀ ta cũng có hai dạng tương tự:
              Anh có phải là người Mỹ không?
             → Anh là người Mỹ, phải không?
             → Có phải anh là người Mỹ không?
Dạng câu hỏi "tổng quát" trên của LÀ không chỉ dùng để hỏi trong trường hợp LÀ "đồng nhất" kiểu (Danh là Danh) như trên mà nó cũng được dùng trong trường hợp LÀ "đánh giá" (là + tính từ).
               Học một ngày 5 tiếng là nhiều.
              Học một ngày 5 tiếng có phải là nhiều không?
Có một điều thú vị là nhiều vị từ tình thái như ĐÃ, SẼ, ĐANG, SUÝT, SẮP, KHÔNG, MỚI, VỪA cũng có dạng câu hỏi TQ giống như LÀ – trong khi ở dạng câu hỏi TQ “bình thường”, các vị từ này bị loại ra khỏi phạm vi nghi vấn của “có... không?”. Ví dụ:
                *Anh có đã gặp anh Nam không?
               Anh có phải đã gặp anh Nam không?
               *Anh có sẽ đi Mỹ không?
               Anh có phải sẽ đi Mỹ không?
              *Cô ấy có đang yêu không?
               Cô ấy có phải đang yêu không?
              *Mẹ nó có suýt phạt nó không?
              Mẹ nó có phải suýt phạt nó không?
               *Cô ấy có không đẹp không?
               Cô ấy có phải không đẹp không?
               *Anh có mới đến Việt Nam không?
               Anh có phải mới đến Việt Nam không?
Dạng câu hỏi "tổng quát" trên cũng được dùng cho trường hợp LÀ "biện giải" hay "thuyết minh". Ví dụ:
             Nó thi trượt là vì/tại/do nó bất cẩn.
             Nó thi trượt có phải là vì/do/tại nó bất cẩn không?
             Nó thành công là nhờ may mắn.
             Nó thành công có phải là nhờ may mắn không?

            

2 comments:

  1. Phát hiện rất thú vị. Nhưng cho nó là "câu hỏi tổng quát", e rằng ít người đồng ý!

    ReplyDelete
  2. Chị thử dùng Google kiểm tra lại ngữ liệu xem sao (nếu không có kho ngữ liệu nào khác trong tay).

    ReplyDelete