Bài viết trước TV có phân tích rất rõ về sự khác nhau của à?, chứ? và sao?. Nhìn chung các phân tích ấy đều xác đáng. Phạm vi phân tích của tác giả rất rộng, bao hàm các tình huống giao tiếp có và không có phát ngôn đi trước, đặc biệt nói nhiều đến tình huống suy đoán qua ngữ cảnh. Bài viết này xin được nói thêm về các từ à/hả? và sao? trong phạm vi một cặp thoại, hay nói cách khác, trong phạm vi cái cho sẵn do phát ngôn đi trước thiết lập.
Trong phạm vi này, sự khác nhau giữa à/hả? và sao? có thể xét ở 3 biểu hiện:
Biểu hiện 1: Ở biểu hiện này, à/hả? và sao? có sự khác biệt rõ nét, tương tự như phân tích của tác giả TV ở bài viết trước.
Xét:
(1) A: Anh quê ở đâu?
B: Tôi quê ở Mỹ Tho.
Trong tình huống này, A có thể có 3 khả năng nối tiếp câu chuyện:
A: (a) Anh quê ở Mỹ Tho à? (/Vậy à? Thế à?)
(b) Anh quê ở Mỹ Tho sao? (/Vậy sao? Thế sao?)
À?/hả? trong câu (a) được người nói dùng để yêu cầu xác nhận thông tin vừa nghe.
Nhưng với sao? trong câu (b) thì, ngoài việc yêu cầu xác nhận thông tin, rõ ràng ở người nói còn có sự ngạc nhiên, nói như tác giả TV là "không mong đợi" một câu trả lời như vậy.
Tình hình này cũng diễn ra với cặp thoại mà trong đó à?/hả? và sao? được sử dụng để yêu cầu xác nhận lại suy đoán của người nói từ một phát ngôn (nói chính xác hơn là từ một thông tin cho sẵn).
Trong ví dụ (2) dưới đây, câu (b) còn có thêm một sắc thái nghĩa khác so với câu (a) là việc Nam đi du học là một việc "khôngngờ/không mong đợi" đối với B.
(2) A: Thằng Nam đi Mỹ rồi.
B: (a) Nó đi du học à?/hả?
(b) Nó đi du học sao?
Biểu hiện 2: Ở biểu hiện này, nghĩa yêu cầu xác nhận của à?/hả?/và sao? vẫn được giữ nguyên như biểu hiện 1. Tuy nhiên, sự khác biệt về ngữ nghĩa giữa chúng sẽ không còn rõ nét như ở biểu hiện 1 nữa.
Thuộc vào biểu hiện 2 này là những câu hỏi yêu cầu xác nhận có kèm theo các từ tình thái chỉ thái độ của người nói đối với thông tin vừa nghe: sớm, trễ, nhiều, ít, v.v..
(3) A: Mấy giờ rồi?
B: Năm giờ rồi.
A: (a) Mới năm giờ à?/hả? (Vậy mà tôi tưởng đã 6, 7 giờ)
(b) Mới năm giờ sao? (Vậy mà tôi tưởng đã 6, 7 giờ)
Bằng cách sử dụng từ tình thái mới người nói cho 5 giờ là sớm so với suy nghĩ của mình, như vậy câu hỏi trên đã bao hàm ý nghĩa là người nói không mong đợi nghe thông tin "5 giờ". Vì vậy câu (3a) (mặc dù chỉ sử dụng à?/hả?) cũng cho thấy người nói vừa được nghe một thông tin mà mình “không mong đợi”. Câu (3a) trở nên tương tự với câu (3b). Sở dĩ như vậy là vì ở (3a) cái tình thái do mới tạo ra đã được san sẻ cho à/hả, trong khi đó ở (3b) cái tình thái đó rất gần với với sao nên không làm thay đổi tình thái chung của câu.
Ví dụ tương tự:
(4) A: Đôi giày này trăm rưỡi.
B: (a) Có/Đến trăm rưỡi à?
(b) Có/Đến trăm rưỡi sao?
Biểu hiện 3: Ở biểu hiện này người hỏi đưa ra đánh giá của mình về một sự việc hay thông tin mà mình vừa nhận được.
Các vị từ thể hiện sự đánh giá mà cụ thể là rẻ, mắc trong ví dụ (5) sau đây làm cho sự khác biệt giữa à?/hả? và sao? trở nên mờ nhạt vì tiêu điểm thông tin của câu này chính là bày tỏ sự đánh giá của người hỏi. Hay nói cách khác, ở đây không còn là một câu hỏi yêu cầu xác nhận như trong các ví dụ từ (1) đến (4), nó chỉ mang "dáng dấp" một câu hỏi xác nhận để chuyển tải nội dung đánh giá của người hỏi sau khi nghe thông tin về giá của đôi giày.
(5) A: Đôi giày này trăm rưỡi.
B: (a) Rẻ/Mắc vậy à?/ hả?(b) Rẻ/Mắc vậy sao?
Vị từ rẻ/mắc bản thân nó đã cho thấy thái độ chủ quan của người nói, do vậy, khác biệt giữa câu (5a) và (5b) đã bị nhòe đi.
Như vậy, về ngữ dụng, biểu hiện 1 là những câu hỏi thực sự, biểu hiện 3 là những đánh giá, nhận định mang hình thức câu hỏi.
Như vậy, về ngữ dụng, biểu hiện 1 là những câu hỏi thực sự, biểu hiện 3 là những đánh giá, nhận định mang hình thức câu hỏi.
Một ví dụ khác:
(6) (Khi được hỏi đi Vũng Tàu hai ngày em mang theo mấy cái áo vậy?)
A: Tám cái.
B: (a) Tám cái à?
(b) Tám cái sao?
(c) Đến tám cái à?
(d) Đến tám cái sao?
(e) Nhiều vậy à?
(f) Nhiều vậy sao?
Quả thật, mức độ khác biệt giữa à/hả với sao giảm đi rõ rệt từ (6a,b) qua (6c,d) đến (6e-f).
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm một vài điều có liên quan đến các từ vừa đề cập mà TV chưa nhắc đến trong bài viết của mình.
(i) À? và hả? giống nhau khi xuất hiện ở vị trí cuối câu hỏi, còn ở những trường hợp khác không thể đồng nhất hai từ này.
(ii) Sao...? đầu câu và sao? cuối câu không đồng nhất về nghĩa.
(iii) Về ngữ dụng, tình huống giao tiếp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hành vi hỏi-đáp. Do vậy, trong một tình huống nào đó, các từ à?/hả? và sao? chỉ tạo ra những phát ngôn có "dáng dấp" của câu hỏi mà không cần có câu trả lời xác nhận (như ví dụ (5) và (6e,f)).
No comments:
Post a Comment