Trong tiếng Việt có hai loại câu rất gần nhau, nhiều người
không phân biệt: mặc dù/tuy và dù.
MẶC DÙ/TUY
Trong nhiều sách ngữ pháp, mặc dù/tuy thường xuất hiện với nhưng,
xem như một “cấu trúc” nhượng bộ, hay nhân nhượng, hay nhượng bộ-tăng tiến. CXHạo
là một trong rất ít người cho rằng cách dùng này không được chững chạc lắm.
Cần nói ngay rằng, trong thực tế tiếng Việt, sự xuất hiện hai yếu tố đó trong cùng một câu là rất phổ biến – phổ biến đến mức mà giờ đây khó lòng nói là một cách dùng sai. Và cũng có thể nói ngay rằng xu hướng cặp đôi hai yếu tố tương tự đó làm phiền lòng không ít người học tiếng Anh – trên internet có rất nhiều câu hỏi từ khắp nơi trên thế giới liên quan đến cách dùng cặp đôi although và but!
Về ngữ pháp, không thể giải thích được sự đồng hiện của mặc dù/tuy – với tư cách một giới từ hoặc liên từ chính phụ/phụ thuộc, tùy
quan điểm – và nhưng – với tư cách một
liên từ đẳng lập. Về ngữ nghĩa, không thể giải thích được cái gọi là “nhân nhượng”
hay “nhượng bộ” trong nội dung của câu.
Về bản chất, trong đa số trường hợp, câu có mặc dù/tuy... nhưng... là câu đối lập;
nghĩa là sự có mặt của mặc dù/tuy hoàn toàn không đem lại một nét gì mới
về ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa cho câu. Toàn bộ sức nặng trong quan hệ giữa hai thành
phần câu nằm trên nhưng hoặc/và vẫn/cũng
đi trước vị từ của đoạn câu thứ hai. Vai trò của vẫn/cũng quan trọng đến mức
có thể nói rằng nó là chỉ tố quan yếu đánh dấu quan hệ nghịch nhân quả giữa hai
đoạn câu.
??Mặc dù/Tuy bố mẹ không cho phép nhưng nó đi.
?Bố mẹ không cho phép nhưng nó đi.
Bố mẹ không cho phép nhưng nó vẫn đi.
Bố mẹ không cho phép, nó vẫn đi.
Trong những câu mà quan hệ suy luận giữa hai thành phần phải
viện đến thành phần thứ ba thì vai trò của vẫn/cũng không còn nữa, còn vai trò của nhưng tăng lên.
Chỗ đó xa nhưng có xe buýt.
Anh ấy nghèo nhưng anh ấy có nghề nghiệp.
(Chỗ đó
xa → không thể đi, có xe buýt → có thể đi; nghĩa chung: có thể đi.
Anh ấy nghèo → không nên lấy, anh ấy có nghề
nghiệp → có thể lấy; nghĩa chung: có thể
lấy).
Cũng cần
nói thêm đôi điều:
(1) Thật ra, vẫn có một mặc dù đúng nghĩa “nhân nhượng”, nhưng vai
trò của nó giống với một chỉ tố tình thái hơn là một giới từ hoặc một liên từ
phụ thuộc.
(2) Vẫn/cũng rất quan trọng nhưng nếu cấu trúc của thành phần câu đứng sau
này đã được tình thái hóa đầy đủ thì vẫn có thể vắng mặt.
(3) Khi thành phần mặc dù/tuy đứng sau thì ta có một trạng
ngữ “bình thường”, nghĩa là tư cách ngữ pháp của nó rất rõ ràng.
DÙ
Khác với cấu trúc mặc dù/tuy, trong cấu trúc dù, thì phân giới cho hai thành phần chứ không phải là nhưng. Về cơ bản, đây là một cấu trúc nghịch nhân quả giả định; do đó nó rất gần với cấu trúc điều kiện.
Giống với cấu trúc mặc dù/tuy, trong cấu trúc dù, sự có mặt của dù là không cần thiết, nếu có thì và vẫn/cũng. Ngay cả thì cũng không phải là quan yếu nếu đã có vẫn/cũng.
Dù anh tin hay không thì tôi cũng nói.
Anh tin hay không thì tôi cũng nói.
Anh tin hay không, tôi cũng nói.
Có điều thú vị là
nội dung diễn đạt ở thành phần đứng trước bao giờ cũng có thể được gán cho tính
mức độ – mức cao nhất, cho nên CXHạo gọi là điều kiện cực đoan – bằng nhiều cách
diễn đạt khác nhau, đặc biệt là những quán ngữ: đến mấy, đến mấy đi nữa, ra sao, thế nào, v.v..
(Dù) cuộc sống khó khăn đến mức bữa no bữa đói (thì) chị cũng cho con đi học.
(Dù) cuộc sống khó khăn đến mấy đi nữa (thì) chị cũng cho
con đi học.
Trong thực tế sử dụng, cấu trúc đang bàn này được sử dụng nhiều hơn là chúng ta nghĩ. Chẳng hạn:
Anh
nói mấy nó cũng không nghe đâu.
Chết,
tôi cũng phải tìm cho được cô ấy.
Và
đặc biệt, có những phát ngôn có cũng không
thể giải thích được nếu không viện đến cấu trúc này. Ví dụ:
(–
Bao giờ anh đi?) – Tôi cũng không biết nữa!
Quả thật, không thể giải thích cũng trong câu trên là “Anh không biết,
tôi cũng giống anh, không biết!”, vì rất vô lý khi trả lời một việc của mình mà
lại nói rằng mình không biết giống người ta. Thật ra, câu đó ở dạng đầy đủ sẽ là:
“Dù là tôi/Dù đây là chuyện của tôi, tôi cũng không biết”.
Tương tự:
(–
Phở ở đây ngon đấy chứ?) – Cũng
không ngon lắm. (/Cũng ngon!)
(–
Tối hôm qua, vui không?) – Cũng vui! (/Cũng không vui lắm!)
Cảm ơn người viết ạaaaaa
ReplyDelete