Friday, 16 December 2011

"Mỗi... một..." và "mỗi... mỗi..."



     Mỗi... một...mỗi... mỗi... rất gần nhau, và trong nhiều trường hợp có vẻ như có thể thay thế cho nhau. Nhưng hai cách nói đó không phải là một. Nó khác nhau rất nhiều cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp.




1.   Mỗi... một... diễn đạt một quan hệ phân bố (kiểu ánh xạ?) trong đó mỗi yếu tố của tập hợp thứ nhất có quan hệ đều đặn với một/hai/ba... yếu tố của tập hợp thứ hai.
   Chẳng hạn, tập hợp "học sinh" và tập hợp "câu hỏi", ta có thể có:

    (1) Mỗi học sinh trả lời một câu.  // Mỗi người một câu.
    (2) Mỗi học sinh trả lời ba câu.   // Mỗi người ba câu.

Tất nhiên, trong một bối cảnh cụ thể khác thì quan hệ phân bố đó có thể được diễn đạt linh hoạt hơn rất nhiều:

     (3) Một em một/ba câu nhé!
     (4) Năm em làm một đề tài!

Như vậy, có thể thấy mỗi... một... chỉ là trường hợp phổ biến của mối quan hệ phân bố giữa một đơn vị của tập hợp A với một đơn vị của tập hợp B. Chính vì quan hệ giữa 1 và 1 này, và chính vì tính nhất loạt của nó mà một chuyển thành mỗi.
     (Vì khi nói "mỗi người" có nghĩa là "một người" và "những người khác (cũng thế)", tức là cả tập hợp bao gồm các thành viên đang nói; do vậy mỗi là chọn lựa ưu tiên so với một, trong khi đó, nếu số lượng khác 1 thì sẽ không có dạng đối ứng tương tự.)
     Từ đó có mỗi... một...một... một....

   Cần thấy rằng, với nghĩa phân bố như vừa đề cập, yếu tố thứ nhất trong cấu trúc có thể là mỗi hoặc một, còn yếu tố thứ hai bao giờ cũng là một (hoặc một con số khác) chứ không thể là mỗi. Lý do: trong mỗi... một..., "một" là số từ (nằm trong sự phân biệt với 2, 3, 4, v.v.) chính danh, do đó vị trí "thường ngày" của nó phải là trước danh từ.
Ví dụ (1) ở trên không thể viết lại:

           (5) ??Mỗi học sinh trả lời mỗi câu.  // ??Mỗi người mỗi câu.

Có thể so sánh thêm một số câu sau:

          (6) a. Mỗi người được tặng một món quà.
               b. Mỗi người được tặng hai món quà.
               c. ??Mỗi người được tặng mỗi món quà.

           (7) a. Mỗi vé một người.
                b. Mỗi vé hai người.
                c. ??Mỗi vé mỗi người.

(Ý nghĩa của câu nói cửa miệng "mỗi người một ý" chính là điều vừa nói trên. Còn cái ý mà ai cũng biết "ý kiến khác nhau, không thống nhất" chỉ là một hàm ý suy ra từ đó; thậm chí, có người còn nói mạnh hơn "chín người mười ý"!)

2.   Cấu trúc mỗi... mỗi... có một biểu hiện ngữ nghĩa rất khác với quan hệ phân bố như đã nói trên.
      Lúc này, sau mỗi thứ nhất là một yếu tố biểu thị thời gian, sau mỗi thứ hai là một thành phần biểu thị sự tình tương ứng yếu tố thời gian ấy. Mà thời gian là một dòng liên tục; mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm là ngày này tiếp nối này khác, tháng này tiếp nối tháng khác, năm này tiếp nối năm khác. Chính điều này mang lại cho cấu trúc một nghĩa mới, tùy thuộc vào ngữ nghĩa của thành phần đi sau mỗi thứ hai.
    (Hay nói đơn giản hơn, cái sự tình được biểu thị sau mỗi thứ hai diễn ra đều đặn theo thời gian mà mỗi thứ nhất biểu thị.)

   Có hai biểu hiện: 

     i. Nếu thành phần đi sau mỗi thứ hai là một ngữ đoạn vị từ (động từ, tính từ) có tính thang độ (scalar) thì sự tình mà nó biểu thị sẽ diễn tiến cùng với diễn tiến của thời gian (được diễn đạt bằng danh từ đứng sau mỗi thứ nhất). (Có lẽ nên gọi nghĩa này là nghĩa tăng tiến?)
 
            (8) Cuộc sống mỗi ngày mỗi tốt hơn.
            (9) Ai cũng vậy, mỗi năm mỗi già.
            (10) Giá sinh hoạt mỗi ngày mỗi tăng.
                    
Chỉ trong biểu hiện ngữ nghĩa này, mỗi... mỗi... mới có thể được thay bằng mỗi... một... (Theo quan sát của tôi, có vẻ như mỗi... một... được dùng phổ biến và "thuận tiện" hơn mỗi... mỗi...)

            (11) Cuộc sống mỗi ngày một tốt hơn.
            (12) Ai cũng vậy, mỗi năm một già.
            (13) Giá sinh hoạt mỗi ngày một tăng.

   Chú thích: Do diễn tiến theo hướng tăng dần, sau vị từ thường có thể có những yếu tố như hơn, ra, lên, đi.


     ii. Nếu thành phần đi sau mỗi thứ hai là một ngữ đoạn vị từ không có tính thang độ thì sự tình mà nó biểu thị sẽ là sự tình lặp theo thời gian mà mỗi thứ nhất diễn đạt. (Liệu có thể gọi nghĩa này là nghĩa lặp?)
       Ở biểu hiện ngữ nghĩa này, không có sự đồng nhất giữa mỗi... mỗimỗi... một...; hay nói rõ hơn, mỗi... một... không thể xuất hiện.

           (14) Mỗi ngày (tôi) mỗi/*một nói mà nó vẫn không nghe.
           (15) Từ đây sang Pháp xa như vậy, vậy mà mỗi năm nó mỗi/*một đi.


Có thể tóm tắt những điều trình bày ở trên bằng ba câu ví dụ sau đây:

           (16) Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.                                                (1)
           (17) Cuộc sống mỗi ngày mỗi/một vui.                                              (2i)
           (18) Mỗi ngày tôi mỗi tìm mà vẫn chẳng thấy hạnh phúc ở đâu cả!     (2ii)



      Chú thích: Riêng đối với trường hợp (2i), trong tiếng Việt có rất nhiều cách diễn đạt có nghĩa tương tự (tất nhiên, không thể nói là đồng nghĩa). Chẳng hạn:
- càng... càng...
- càng ngày/lúc càng....
- ngày càng...
- dần dần....(hơn/ra/lên/đi)
- ... dần (lên/ra/đi)

No comments:

Post a Comment