Saturday 23 February 2013

Quên nữa, ...




Khẩu ngữ tiếng Việt có cách nói “quên nữa”, về ngữ pháp hoàn toàn không giống như ăn nữa, đi nữa, học nữa, v.v.. Chẳng hạn:

  • Chiều mai có cuộc họp lúc 2 giờ đấy. Bàn tiếp về cái đề án của ông Thăng. À, quên nữa, anh làm thư ký đấy!
Sau quên nữa phải có một phát ngôn bổ sung – điều đã bị quên trước đó.
Có lẽ đây là một cách nói ngắn của hai phát ngôn: 


      “Tôi quên. Còn (một điều/chuyện/việc) nữa: ...”

    
 Có điều lạ là quên nữa được phát âm với một ngữ điệu liên tục, cứ như là một ngữ đoạn có quan hệ ngữ pháp giữa hai thành tố vậy!

Còn hiện tượng nào như vậy nữa?


Saturday 16 February 2013

BỚT – GIẢM – ĐỠ – SÚT – SỤT



BỚT

     Bớt là vị từ biểu thị hành động/trạng thái thay đổi về lượng/mức độ để trở nên ít hơn, thấp hơn, nhẹ hơn.
1.
     Xét về mặt hình thức, bớt có thể đi trước danh ngữ, lượng ngữ hoặc vị ngữ.

(1) Món canh này bớt muối chắc ngon hơn.
(2) Em bớt lửa đi, không cháy đấy!
(3) Mấy bà nội trợ thích bớt tiền chứ không thích tặng quà.
(4) Tôi bớt (cho chị) năm ngàn đó. Lấy đi!
(5) Chị bớt một trái đi cho chẵn hai kí!
(6) Để quạt mạnh quá. Bớt lại một số đi.
(7) Con bớt đi chơi một chút là mẹ vui rồi.
(8) Dạo này nó bớt ăn, bớt ngủ nên trông gọn hơn.