Sunday 30 April 2023

"LÀM" GÂY KHIẾN, KẾT QUẢ

 LÀM TRONG CẤU TRÚC GÂY KHIẾN, KẾT QUẢ

1. Dẫn nhập

Cấu trúc gây khiến (causative construction) là một vấn đề được giới nghiên cứu ngôn ngữ học chú ý và bàn luận rất chi tiết trong vài mươi năm nay, từ nhiều góc nhìn khác nhau; có thể kể: Shibatani (1976, 2002), Comrie (1976), Talmy (1976), Dixon (2000), Kulikov (2001), v.v.. Sở dĩ như vậy là vì nó liên quan đến tính chuyển tác và cách thức mã hóa mối quan hệ nhân quả, theo đặc trưng của mỗi ngôn ngữ.

            Theo Shibatani (1976), định nghĩa cấu trúc gây khiến là điều rất khó, khi chưa làm rõ những đặc trưng ngữ pháp của nó. Vì vậy, thay vào đó, ông miêu tả “tình huống gây khiến”. Theo ông, trong tình huống gây khiến có hai sự tình mà người nói tin rằng có quan hệ với nhau: (a) sự tình 2 (sự tình kết quả, caused event) xảy ra sau sự tình 1 (sự tình tác động, causing event), và (b) sự xuất hiện sự tình 2 hoàn toàn phụ thuộc vào sự xuất hiện của sự tình 1, và sẽ không xảy ra nếu sự tình 1 không xảy ra.

     Cách trình bày của Shibatani về hai sự tình của “tình huống gây khiến” có vẻ bao trùm cả các cấu trúc nhân quả, nói chung.

     Quả thật, quan hệ nhân - quả là một quan hệ cơ bản của thế giới khách quan; con người nhận thức và tư duy về thế giới khách quan trên cơ sở mối quan hệ ấy. Nếu có hai sự kiện xảy ra trước sau trên trục thời gian, đồng thời (nhưng không nhất thiết) chia sẻ thêm những yếu tố như địa điểm và/hoặc các thực thể tham gia sự kiện, thì người ta có thể nhìn nhận hai sự kiện ấy có quan hệ nhân quả và thể hiện bằng nhiều kiểu phát ngôn khác nhau. Trong tiếng Việt, trật tự tuyến tính của hai phát ngôn (hoặc hai mệnh đề) cũng đã biểu hiện mối quan hệ ấy:([1])

(1)  Nam không tặng quà sinh nhật cho Lan, Lan giận Nam.

(2)  Lan giận Nam, Nam không tặng quà sinh nhật cho Lan.

     Trong nhiều ngôn ngữ, để hiển ngôn quan hệ nhân quả, người ta có thể dùng các yếu tố liên kết([2]), chẳng hạn: because, thank to, so that (tiếng Anh), vì, bởi, bởi vì, tại, nhờ, do, nên, cho nên (tiếng Việt). Sự có mặt của các yếu tố liên kết này sẽ tạo ra “câu nguyên nhân” hay “câu nguyên nhân - kết quả” – thuật ngữ của nhiều tài liệu ngữ pháp tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa, trong câu nguyên nhân, thành phần nguyên nhân được đánh dấu bằng kết từ có thể xem là thành phần phụ, bổ sung, nhằm giải thích nguyên do cho sự tình chính, theo góc nhìn chủ quan của người nói, vì nó không có vai trò quyết định cấu trúc thuyết tính của câu.

     Thuật ngữ “cấu trúc gây khiến” không đồng nhất với thuật ngữ “cấu trúc/câu nguyên nhân”. Nó được dùng để chỉ những cấu trúc chỉ diễn đạt một sự tình phức đơn nhất (Comrie 1989: single complex macro-situation) bao gồm hai “vi sự tình” (micro-situations) được biểu hiện bằng một hoặc hai vị từ với những hình thức đặc trưng của nó, trong đó hàm chứa ý nghĩa tác động lẫn kết quả, bị thể của hành động tác động cũng đồng thời là chủ thể mang trạng thái kết quả. Thuật ngữ “cấu trúc gây khiến” cũng không đồng nhất với thuật ngữ “cấu trúc kết quả” (resultative construction), vì cấu trúc kết quả được hiểu rộng hơn, bao gồm tất cả những cấu trúc biểu hiện một sự tình duy nhất có chứa biểu thức kết quả; trong đó gây khiến chỉ là một dạng đặc trưng.

     Các ngôn ngữ đều có nhiều cách để mã hóa ý nghĩa gây khiến.

Về mặt loại hình, ý nghĩa gây khiến thường được thể hiện dưới ba dạng: gây khiến hình thái học (ý nghĩa gây khiến được thể hiện bằng phương tiện hình thái, như trong tiếng Hàn, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), gây khiến từ vựng (ý nghĩa tác động và ý nghĩa kết quả đồng thời được mã hóa trong một động từ, chẳng hạn kill, break, boil, open của tiếng Anh([3])) và gây khiến cú pháp (hoặc gây khiến phân tích, analytic). Ở dạng thứ ba, ý nghĩa gây khiến, nhìn chung, được thể hiện dưới hình thức một cấu trúc gồm hai vị từ và hai danh ngữ [NP1 – V1 – NP2 – V2] hoặc [NP1 – V1 – V2 – NP2]. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ phân tích tính cao, ý nghĩa gây khiến chủ yếu được thể hiện bằng dạng thức cú pháp.

            Trong tiếng Việt, có một số nhà nghiên cứu đã bàn đến cấu trúc gây khiến nói chung và từ LÀM nói riêng. Chẳng hạn, Nguyễn Kim Thản (1999) cho từ LÀM là một trong những động từ gây khiến chân chính, nhưng (như nhiều tác giả đã chỉ ra) ông không phân biệt ý nghĩa gây khiến và ý nghĩa cầu khiến – trong tiếng Việt, hai loại này phân biệt nhau khá rõ ràng về cả ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp.([4]) Về chi tiết, ông xem tổ hợp [LÀM + V] là một “động từ chắp” nên “làm nhục chúng ta” có cấu tạo “động từ + bổ ngữ”, còn “làm tôi nhục” mới là cấu trúc gây khiến gồm “động từ + bổ ngữ 1 + bổ ngữ 2” (NK Thản 1999: 57).

Diệp Quang Ban (2005) không nói đến “cấu trúc gây khiến” mà chỉ nói đến “câu chứa chủ ngữ nguyên nhân đánh dấu” với sự có mặt của từ LÀM, vì ông đặt nó trong quan hệ rộng hơn là quan hệ nhân quả (nhưng ông cũng không dùng thuật ngữ “cấu trúc kết quả”). Ông xem LÀM là động từ chuyển tác, “làm vị tố gây ra hệ quả cho thực thể mà động từ này tác động đến”, nhưng “không phải là ‘trực tiếp tạo ra một cái gì’”. Ông chủ trương là hai bổ ngữ sau LÀM phải hoán vị được cho nhau, “bổ ngữ nào đứng trước là bổ ngữ1, bổ ngữ nào đứng sau là bổ ngữ2, bổ ngữ2 là ‘bổ ngữ của bổ ngữ1’”. Tuy nhiên, theo ông, có “ngoại lệ duy nhất” khi hai bổ ngữ không hoán vị cho nhau được, tức là trật tự cố định kiểu NP2 - V2, “nhưng vẫn coi đó là hai bổ ngữ” (DQ Ban 2005: 135 - 143).

Cao Xuân Hạo (2004) thì phân biệt ba kiểu cấu trúc: gây khiến, kết quả và quan hệ, lần lượt:

(3)  Nam học giỏi làm cho bố mẹ vui lòng.

(4)  Nam đập vỡ chiếc cốc.

(5)  Nam học rất giỏi, làm cho bố mẹ vui lòng.

            Theo đó, cấu trúc kết quả trình bày quan hệ chuỗi giữa hành động tác động - trạng thái kết quả thể hiện bằng hai vị từ đi liền nhau; cấu trúc quan hệ trình bày mối quan hệ giữa một thực thể và một sự tình; cấu trúc gây khiến trình bày quan hệ giữa hai sự tình, “hành động chuyển tác gây nên một quá trình nào đó mà chủ thể chính là bị thể của hành động chuyển tác ấy”.

Nguyễn Hoàng Trung (2018) thì cho rằng cấu trúc gây khiến, trong đó vị từ kết quả đi liền LÀM (tức là [LÀM + V2]), tạo ra một sự tình duy nhất, gọi là gây khiến trực tiếp, gồm “các sự tình bộ phận nối tiếp nhau, không có khoảng dừng”; còn khi sau LÀM là một bổ ngữ vừa biểu thị đối tượng tác động của LÀM vừa làm chủ ngữ của vị từ kết quả (tức là [LÀM + NP2 + V2]) thì sẽ tạo thành kết cấu gây khiến gián tiếp, vì nó miêu tả “hai sự tình riêng biệt, không trùng lắp về thời gian-không gian”. Theo tác giả, hai kiểu gây khiến trực tiếp và gián tiếp khác nhau ở cách thức nhận thức/miêu tả sự tình.

            Cấu trúc gây khiến và cấu trúc kết quả trong tiếng Việt là một vấn đề phức tạp, đặc biệt là khi có mặt từ LÀM. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những biểu hiện ngữ nghĩa và ngữ pháp của LÀM dựa trên những đặc trưng phân biệt “cấu trúc quan hệ”, “cấu trúc gây khiến” và “cấu trúc kết quả”.

2. LÀM trong cấu trúc gây khiến-quan hệ

Trong tiếng Việt, với một tình huống cụ thể (như một người đàn ông mặt đầy sẹo, tay chân đầy hình xăm, bước vào quán ăn, và thực khách bỏ đi) chúng ta có thể diễn đạt bằng ba câu:

(6)  Anh ta làm (cho) mọi người bỏ đi.

(7)  Bề ngoài của anh ta làm (cho) mọi người bỏ đi.

(8)  Anh ta bước vào quán làm (cho) mọi người bỏ đi.

            Về ngữ nghĩa, ba câu trên chỉ khác nhau ở thông tin được mã hóa ở Đề: lần lượt là “anh ta”, “bề ngoài của anh ta” và (sự kiện) “anh ta bước vào quán”.([5]) Ở cả ba câu, chủ thể “anh ta” không hề thực hiện một hành động nào liên quan đến “mọi người” (bất kể có chủ định hoặc có mục đích hay không), trừ cái việc là “bước vào quán” – một hành động không thể nói là tác động đến cái “mọi người” kia; nghĩa là ở cả ba câu đều không có sự tình chuyển tác. (Dĩ nhiên, trên thực tế, có thể “anh ta” cố tình dùng bề ngoài của mình để dọa khách, nhưng điều này không được thể hiện trong phát ngôn).

            Từ LÀM trong các câu (6) – (8) không biểu thị hành động (bất kể chuyển tác hay vô tác) nên không thể hồi chỉ bằng biểu thức làm vậy (ở đây từ làm được dùng như một “đại vị từ”, proform ([6])); và vì vậy không thể được nối tiếp bằng phát ngôn sau:

(9)  *Tôi không hiểu tại sao anh ta làm vậy. (/*rất ngạc nhiên khi anh ta làm vậy.)

Hoặc giả, nếu người nghe không nghe rõ, hỏi lại: “Anh ta làm gì?” hay “Anh ta làm gì với đám người kia?” thì câu trả lời chắc chắn phải là “Anh ta chẳng làm gì cả” hoặc “Anh ta chỉ vào quán uống rượu thôi chứ chẳng làm gì cả”, LÀM không hành chức với tư cách vị từ hành động thì dĩ nhiên “anh ta” không phải là tác thể (agent), “mọi người” không phải là bị thể (patient).

Về phía “mọi người”, hành động “bỏ đi” có vẻ như là hành động tự chủ (autonomy) hoặc có ý chí (volition) của chủ thể “mọi người”;([7]) bởi vì hoàn toàn tự nhiên khi nói:

(10)                        Anh ta làm cho mọi người quyết định bỏ đi.

Thực chất, từ góc nhìn của người nói, sự tình “mọi người bỏ đi” vẫn là hệ quả theo sau, nếu “anh ta” không có mặt, hoặc không có bề ngoài “rằn ri”, hoặc không “bước vào” thì sẽ không xảy ra. Thậm chí, khi người nói tỏ ra ngạc nhiên trước hiện tượng vừa chứng kiến:

(11)                        Anh ta chẳng làm gì cả mà mọi người bỏ đi.

thì vẫn tồn tại mối quan hệ mà ngôn ngữ học gọi là quan hệ gây khiến giữa sự xuất hiện của “anh ta” và chuyện “bỏ đi” của “mọi người” (từ làm ở (11) là vị từ hành động).

Từ LÀM biểu thị mối quan hệ ở các phát ngôn (6) - (8) hành chức như một vị từ quan hệ chứ không phải vị từ hành động.

Có thể chứng minh thêm:

- Trong tình huống thông thường, không thể thiết lập phát ngôn mệnh lệnh với vị từ quan hệ LÀM: những phát ngôn mệnh lệnh với làm thì bao giờ cũng là làm hành động. Chẳng hạn:

(12)                        Anh đừng làm mọi người ra về!

(13)                        Anh làm cô ấy chịu đi chơi với tôi đi! Tôi sẽ trả ơn anh.

(14)                        Anh làm vậy nhé!

Các câu trên chỉ khả chấp khi yêu cầu người nghe thực hiện những hành động có chủ định: làm gì đó để đạt mục đích. (Về quan hệ giữa LÀM quan hệ và LÀM hành động, xem thêm mục 3.4).

- Chính vì LÀM là vị từ quan hệ, sự có mặt tác tử phủ định([8]) trước LÀM không làm thay đổi thực cách của sự tình theo sau. Nói cách khác, yếu tố phủ định đứng trước LÀM chỉ có vai trò phủ định quan hệ chứ không phủ định nội dung sau LÀM. Chẳng hạn, với tình huống như ở (6) hoàn toàn có thể nhận định:

(15)                        Anh ta không làm mọi người bỏ đi.

(16)                        Anh ta bước vào quán không làm mọi người bỏ đi.([9])

Nếu căn cứ vào thực tế là thực thể/sự tình thứ nhất gây ra hoặc khiến cho sự tình thứ hai xảy ra (dù không tự nhiên, không tất yếu), thì có thể xem những biểu thức có LÀM trên đây biểu hiện quan hệ gây khiến. Tuy nhiên, do LÀM không phải là hành động chuyển tác, nên sự tình gây khiến mà nó thiết lập nên là một kiểu gây khiến gián tiếp, có thể gọi chính xác hơn là gây khiến-quan hệ (relational-causative).

Về ngữ pháp, ở những sự tình gây khiến-quan hệ, LÀM là vị từ chính, trước nó là Đề (do một danh ngữ biểu hiện thực thể người hay vật, hoặc một tiểu cú biểu hiện sự tình), sau nó là một tiểu cú làm bổ ngữ (O) kết quả.

Cấu trúc ngữ pháp:          [(Đề) + (LÀM (cho) + O (NP2 – V2)]. 

Cấu trúc ngữ nghĩa:         [Nguyên nhân + LÀM (cho) + Kết quả].

Yếu tố đứng làm Đề của câu là một thực thể hoặc một sự tình bất kỳ (vốn không liên quan gì đến sự tình theo sau), có thể gọi là Nguyên nhân (Cause), chứ không phải là Kẻ gây khiến (Causer) hay Tác thể (Agent). Yếu tố đứng làm Đề cho sự tình kết quả không phải là bị thể của LÀM mà thực chất chỉ là chủ thể của trạng thái, quá trình hoặc hành động gây ra bởi nguyên nhân đã nói trước đó; nói cụ thể hơn, về ngữ nghĩa, nó là chủ thể của quá trình thay đổi trạng thái.

Xét thêm một vài ví dụ:

(17)                        (Chồng bà ấy mất vì tai nạn xe hơi.) Tai nạn đó làm bà phát điên.

(18)                        Xe cộ chạy ầm ầm làm bà ấy phát điên.

(19)                        Cơn bão ập đến làm hàng trăm gia đình phải sơ tán.

(20)                        Cơn bão làm hàng chục ngôi nhà bị sập.

(21)                        Vụ tấn công 11/9 ở Mỹ  làm cả thế giới rúng động.

Ở (17) - (19), “bà”, “hàng trăm gia đình” không thể xem là bị thể vì chúng không phải là đối tượng mà tác thể nào đó nhằm vào. Ở (20) cũng tương tự, “hàng chục ngôi nhà” không phải là bị thể của “cơn bão”, rất khác với “Cơn bão quật cây me đổ rồi”, trong đó có thể xem là có sự tình tác động trực tiếp (“cơn bão quật cây me”) và sự tình kết quả (“cây me đổ”). Ở (21) “vụ 11/9 ở Mỹ” và “cả thế giới rúng động” không chia sẻ khung không gian-thời gian, càng không thể nói đến tác thể và bị thể.

Có nhiều bằng chứng cho thấy giữa NP2 (“mọi người”) và V2 (“bỏ đi”) có mối quan hệ đề - thuyết (chủ - vị) thực sự (dĩ nhiên mối quan hệ này đã bị hạ cấp) chứ không phải là hai bổ ngữ riêng rẽ; cũng không phải là kiểu cấu trúc gây khiến mà một số nhà nghiên cứu chủ trương: ở thành phần kết quả, NP2 vừa là bị thể của V1 (= LÀM), vừa là chủ thể của V2, tức không phải là {[LÀM mọi người] + [mọi người bỏ đi]} mà là [LÀM (mọi người bỏ đi)].

Bằng chứng thứ nhất: Không có mối quan hệ nào giữa thực thể/sự tình đứng trước (“anh ta”, “anh ta bước vào”, ở vd (6) và (8)) với thực thể (“mọi người”) đứng sau LÀM mà chỉ có mối quan hệ với sự tình (“mọi người bỏ đi”).

Bằng chứng thứ hai: Các câu (6) - (8) có thể hồi chỉ sự tình quả bằng đại từ vậy/thế hoặc biểu thức làm vậy/thế, còn sự tình nhân thì không thể (cf. vd (9)):

(22)                        (- Anh ta bước vào quán làm mọi người bỏ đi.) - Sao mọi người làm vậy?

(23)                        Anh ta bước vào quán làm mọi người bỏ đi, tôi cũng vậy.

Bằng chứng thứ ba: Sự tình kết quả có thể được định khung thời gian riêng biệt với sự tình nguyên nhân:

(24)                        Tối hôm đó hắn vào quán quậy phá làm cả tuần nay quán không có khách.

(25)                        Vụ tai nạn hôm đó ở Ngã Sáu làm mấy hôm sau bà ấy qua đời.

Bằng chứng thứ tư: Bổ ngữ kết quả được đóng khung bằng hai tác tử phủ định “không/có (LÀM)... đâu” dùng để phản bác:

(26)                        Anh ta bước vào quán không làm mọi người phải bỏ đi (đâu) đâu!

(27)                        Chiếc xe tải đó chạy qua làm cửa kính vỡ đâu!

Ở (26) và (27), sau LÀM không phải là hai bổ ngữ nên không thể nói “không làm mọi người đâu”, “không làm bỏ đi đâu”, “có làm cửa kính đâu”. Điều này càng rõ hơn với sự có mặt của từ đâu phiếm chỉ trong ngoặc.

Bằng chứng thứ năm: Vị ngữ diễn đạt sự tình kết quả có thể tình thái hóa – điều không thể có được nếu nó không có tư cách Thuyết:

(28)                        Anh ta làm mọi người phải/định/suýt/không thể/quyết định bỏ đi. 

(29)                        Sự có mặt của anh ta làm mọi người đang vui bỗng hóa buồn.

Theo Cao Xuân Hạo, cấu trúc quan hệ diễn đạt mối quan hệ giữa một thực thể và một sự tình, trong đó một thực thể, “bằng tính cách của mình hoặc bằng một hành động không liên quan đến sự việc kia, mà gây ra nó” (CH Hạo 2004: 447).

Từ những phân tích trên đây có thể đi đến nhận định rằng giữa sự tình và sự tình cũng có thể có mối quan hệ thể hiện bằng LÀM, đó là quan hệ gây khiến gián tiếp: một sự tình vốn không có liên quan đến một sự tình khác nhưng gây ra nó.

3. LÀM trong cấu trúc gây khiến-tác động

3.1. Xét các câu sau đây:

(30)                        Nam đốt quyển sách cháy tiêu.

(31)                        Sóng đập con thuyền vỡ nát.

Ở (30), danh ngữ NP1 (“Nam”) biểu hiện Tác thể của câu, là một thực thể người, bằng hành động của mình (biểu thị bằng vị từ chuyển tác V1 “đốt”) tác động trực tiếp vào thực thể (được diễn đạt bằng NP2 “quyển sách”) và gây ra một kết quả nào đó ở thực thể này, tức là có sự thay đổi trạng thái (biểu thị bằng vị từ V2 “cháy tiêu”). Câu (31) cũng tương tự, chỉ khác ở chỗ NP1 không phải là Tác thể mà là Lực, V1 không biểu thị hành động chuyển tác mà biểu thị quá trình chuyển tác.

Ở hai câu trên, ta có kiểu cấu trúc [NP1 + V1 + NP2 + V2] được nhiều tác giả công nhận là cấu trúc gây khiến (NK Thản 1999, NT Quy 1995, NH Trung 2014). Khi miêu tả cấu trúc này, nhiều tác giả cho rằng NP2 vừa là bị thể của vị từ hành động/quá trình chuyển tác V1, vừa là chủ thể của V2.

Cách hiểu này có cơ sở từ giả định về một quá trình “cô đúc” ngữ pháp từ hai sự tình, trong đó một NP2 bị tỉnh lược trên cấu trúc mặt: [(NP1 - V1 - NP2) + (NP2 - V2)] Ž [NP1 - V1 - NP2 - V2], và cấu trúc ngữ nghĩa sẽ là: [Tác thể/Lực - Hành động/Quá trình - Bị thể - Trạng thái mới].

Nhìn chung, cách hiểu này (về dạng gây khiến phân tích) được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quan hệ ngữ pháp giữa NP2 và V2 sẽ được diễn giải thế nào: liệu giữa NP2 và V2 có quan hệ đề - thuyết không khi mà về ngữ nghĩa NP2 được xem là chủ thể của V2?

Có nhiều lý do để xác nhận V2 là bổ ngữ kết quả của V1 chứ không phải là thuyết/vị ngữ của NP2:

Thứ nhất: Cấu trúc gây khiến dựa trên tính tác động của tác thể/lực lên bị thể; về ngữ pháp, vị từ chuyển tác V1 là vị từ chính, sau nó phải là đối tượng chịu tác động chứ không thể là một sự tình. Như vậy, [Nó lau (cái bàn) (rất sạch)] chứ không thể là [Nó lau (cái bàn rất sạch)]; với [“Nó tỉa rau củ rất đẹp”] thì người nghe hiểu “nó tỉa rất đẹp” chứ không hiểu “rau củ rất đẹp” – mặc dù người nghe có thể suy ra trạng thái kết quả của đối tượng.

Thứ hai: V2 có thể tách ra, đứng làm thành phụ ngữ hoặc vế câu ghép biểu thị kết quả (vd: “Nam đốt quyển sách, cháy tiêu rồi”, “Sóng đánh chiếc thuyền, vỡ nát”) mà ý nghĩa thay đổi không đáng kể.

Thứ ba: Các tác tử phủ định không, chẳng, chưa xuất hiện trước V1 bao giờ cũng tạo thành phát ngôn siêu ngôn ngữ, vì nó chỉ có thể tác động đến bổ ngữ thứ nhất (NP2) chứ không đụng đến bổ ngữ thứ hai (V2) – nếu [NP2 - V2] có quan hệ đề - thuyết thì cả ngữ đoạn phải chịu tác động, vì là bổ ngữ của V1. So sánh:

(32)                        a) Nam không/chưa đốt quyển sách.

b) ??Nam không/chưa đốt quyển sách cháy tiêu.

Nếu tác tử phủ định xuất hiện trước V2 thì, về hình thức, cấu trúc gây khiến vẫn không đổi, nhưng ở NP2 không xảy ra sự chuyển thái: “Nam đốt quyển sách không cháy”. Điều này tạo ra mâu thuẫn về ngữ nghĩa: “không cháy” là trạng thái vốn có của quyển sách chứ không phải là trạng thái mới do hành động “đốt” gây ra; cho nên chỉ có thể hiểu nó là kết quả của hành động chứ không phải là trạng thái mới của bị thể. Nghĩa là ở đây không có sự tình gây khiến. (Điều này khác với cấu trúc kết quả: ở cấu trúc kết quả thì không nhất thiết phải có sự chuyển đổi trạng thái như thế).

Nếu bổ ngữ V2 liên quan đến sự tình chuyển vị thì có điểm cần chú ý. Xét:

(33)                        a) Nam ném hòn đá bay qua nhà hàng xóm..

b) ??Nam không ném hòn đá bay qua nhà hàng xóm.

c) Nam ném hòn đá xuống hồ.

d) Nam không ném hòn đá xuống hồ.   

Câu (b) khó chấp nhận, tương tự trường hợp đã nêu ở vd (32). Nhưng câu (d) thì hoàn toàn bình thường. Lý do: sau “hòn đá” không phải là một vị ngữ biểu thị hành động/quá trình di chuyển (như “bay...”) mà là một biểu thức biểu thị Hướng. Như vậy, khác với câu (a), câu (b) không có cấu trúc của một sự tình gây khiến.

Thứ tư: V2 phải có cấu tạo sao cho có thể làm bổ ngữ cho V1 chứ không phải có cấu tạo thích hợp với NP2. So sánh:

(34)                        a) Nó bẻ cây thước gãy đôi.                        b) *Nó bẻ cây thước bị gãy đôi.

(35)                        a) Nó băm tỏi thật nhuyễn.              b) *Nó băm tỏi trở nên nhuyễn.

(36)                        a) Nó lau cái bàn dơ quá!                            b) ?Nó lau cái bàn dơ.

Các câu (b) có cấu trúc vị ngữ thích hợp với NP2: “cây thước bị gãy đôi”, “tỏi trở nên nhuyễn”, “cái bàn dơ”; nhưng bất khả chấp nếu xét trên cấu trúc toàn câu.

Ở các phát ngôn trên, nếu V2 rút gọn ở dạng tối giản (“gãy”, “nhuyễn”, “dơ”) thì nó có xu hướng bị “hút” vào NP2 để trở thành định ngữ cho NP2 này (“cây thước gãy”, “tỏi nhuyễn”, “”cái bàn dơ”). Nghĩa là không có mối quan hệ ngữ pháp giữa NP2 và V2.

Hiện tượng này thường bị bỏ qua nên ở nhiều bài viết các tác giả chỉ chú ý phân tích một vài phát ngôn như “Nó đập con chó chết”, “Nó lau bàn sạch”, “Nó xé áo rách” – là những phát ngôn khả chấp phi ngữ cảnh. Thực ra, trong giao tiếp hằng ngày, V2 ở dạng tối giản như vậy sẽ tạo ra những phát ngôn thiếu tự nhiên. Chính vì vậy, V2 thường phải được cụ thể hóa hoặc sắc thái hóa dưới một hình thức nào đó; thậm chí, có vẻ như chính nó đảm đương vai trò tình thái hóa cho câu. Chẳng hạn: 

(37)                        a) Nó đập 2 cái bát sứ của bố vỡ nát.         b) ?Nó đập 2 cái bát sứ của bố vỡ.

(38)                        a) Nó lau tất cả bàn ghế sạch bong.           b) ?Nó lau tất cả bàn ghế sạch.

Thứ năm: V2 có thể được đánh dấu mức độ (nhiều tác giả cho rằng đây cũng là một dạng kết quả), trong khi thuyết/vị ngữ của NP2 thì không thể. Ví dụ:

(39)                        a) Nó đánh anh Nam đến chết.      

b) Nó sấy quần áo đến khô.

Thứ sáu: Ngoài vị từ trạng thái (V2), V1 có thể có một phụ ngữ biểu thị phương tiện hoặc liên đới thể đứng sau NP2 (vd: “Nam đốt quyển sách cháy tiêu bằng một que diêm”, “Nam bẻ thanh sắt gãy đôi với sự giúp đỡ của Hà”). Những phụ ngữ này phụ thuộc về ngữ nghĩa và ngữ pháp với V1 chứ không liên quan với NP2 hoặc V2: “đốt bằng một que diêm” chứ không phải “cháy bằng một que diêm”, càng không thể “quyển sách cháy bằng một que diêm”.

Thứ bảy: Nếu sau NP2 là một danh ngữ thì khó có thể xem là thuyết của NP2; chẳng hạn: “Nam sơn căn phòng màu đỏ” – nếu có quan hệ thuyết tính thì “màu đỏ” chỉ có thể miêu tả căn phòng chứ không thể diễn đạt trạng thái thay đổi.

Xét về ngữ nghĩa, các phát ngôn (30), (31) có thể được xem là cấu trúc gây khiến trực tiếp hoặc gây khiến-tác động([10]) – hiểu theo nghĩa là tác thể NP1 có thực hiện hành động tác động trực tiếp vào bị thể NP2 (tiếp xúc vật lý, physical) và gây ra kết quả là trạng thái mới của bị thể.

Trong tiếng Việt, về cơ bản, vị từ chuyển tác (hai diễn tố: tác thể/lực và bị thể) không biểu thị nghĩa kết quả (trong tiếng Việt hầu như không có dạng gây khiến từ vựng kiểu như “kill” của tiếng Anh), nhưng trong giao tiếp thông thường, người nghe vẫn suy ra kết quả như là một kết cục tự nhiên, nếu không có yếu tố can thiệp: “Nó đốt quyển sách” Ž “quyển sách cháy”, “Nó lau bàn” Ž “bàn sạch”.

Trong tình huống muốn thông tin về trạng thái của đối tượng, tiếng Việt sẽ dùng cấu trúc “khiển cách” (ergative, và cũng không cần hiển ngôn kết quả): “Quyển sách đốt rồi” – sẽ hiểu là “cháy rồi”, “Bàn lau rồi” – sẽ hiểu là “sạch rồi”. Như vậy, có thể nhận định rằng trong sự tình chuyển tác, kết quả sẽ được hiển ngôn khi nó không “tự nhiên”, không như lẽ thường (“Nó đốt quyển sách không cháy”, “Nó đốt quyển sách không được”, “Nó lau bàn không sạch”);  hoặc khi người nói có dụng ý cung cấp thông tin bổ sung (chẳng hạn, lời hăm dọa: “Tao đập mày chết!”); hoặc cùng một hành động, tùy trường hợp, có thể dẫn đến nhiều kết quả khác nhau, khó đoán định: chẳng hạn đập có thể dẫn đến vỡ, chết, gãy, nát, sưng hoặc không vỡ, không chết, không gãy, không nát, không sưng.([11])

Trong bối cảnh kết quả được hiển ngôn như vậy, ta sẽ có một cấu trúc kết quả. Từ đó, có thể nhận định rằng cấu trúc gây khiến-tác động chính là dạng thức đặc trưng của cấu trúc kết quả để vừa biểu hiện hành động/quá trình vừa biểu hiện sự thay đổi ở bị thể do chính hành động/quá trình đó gây ra (xem thêm mục 4).

3.2. Ở cấu trúc gây khiến-tác động, nếu đặt từ LÀM vào giữa hai pha thì tình hình phức tạp hơn. Xét:

(40)                        Nó đập con chó làm con chó chết tươi.

(41)                        Sóng đập mạnh vào con thuyền làm con thuyền vỡ nát.

Câu (40) diễn đạt tình huống gây khiến: hành động “đập con chó” và trạng thái kết quả “con chó chết tươi”. Nhưng ở đây rõ ràng hai “vi sự tình” được thể hiện riêng rẽ: tác động không được giả định là tự nhiên, tất yếu gây ra kết quả; vì “con chó chết” có thể chỉ là một trong những kết quả ngẫu nhiên của hành động “đập” – có thể “nó” chỉ muốn trừng phạt “con chó” vì tội gì đó chứ không chủ ý muốn “con chó chết” (khác với câu (30), ở (30) sẽ khó chèn từ LÀM mà không gây ngờ vực về ý nghĩa: ??“Nam đốt quyển sách làm quyển sách cháy”). Ở (41) cũng tương tự, từ LÀM làm cho quan hệ gây khiến giữa quá trình “đập con thuyền” và kết quả “con thuyền vỡ nát” xa nhau hơn, riêng rẽ hơn (cp. (31)). Như vậy, gây khiến ở (40), (41) cũng có “tác động trực tiếp”, nhưng tính tự nhiên (naturalness), tất yếu (inevitability) của kết quả ở mức độ thấp hơn so với (30) và (31).

Hiện tượng này sẽ càng rõ hơn ở những câu sau đây:

(42)                        Nó đá quả bóng làm cửa sổ vỡ.

(43)                        Nó bắn chim làm cửa sổ vỡ.

Ở (42) xuất hiện một thực thể trung gian: có thể hiểu là “quả bóng” đập vào cửa sổ và “cửa sổ vỡ” chứ không phải là “nó” đá vào cửa sổ gây vỡ. Ở (43) thì có khác: không phải “chim” đập vào “cửa sổ” gây vỡ mà chính là một hòn sỏi nào đó mà “nó” bắn ra – điều ai cũng biết dù thực thể trung gian này không có mặt trong phát ngôn. Hai câu này giống hai câu (40) và (41) ở chỗ tất cả thực thể thay đổi trạng thái đều là kết quả của một sự tác động, chỉ khác biệt ở mức độ tự nhiên, tất yếu.   

Lại xét:

(44)                        Nam đẩy cái ghế làm Lâm  ngã.

(45)                        Nam cắt internet làm bé Hà đọc sách.

Ở (44) ta có một sự tình quan hệ: tình huống là ‘Nam” chuyển cái ghế khỏi vị trí vốn có của nó vì một lý do riêng nào đó; ít phút sau, do không để ý, “Lâm” ngồi xuống và bị ngã. Ở (45) cũng vậy: để tiết kiệm, “Nam” cắt dịch vụ internet, và vì không có internet nên “bé Hà đọc sách” thay vì lướt web như trước đây. Chú ý là ở cả hai câu không hề có dấu hiệu nào cho thấy chủ thể “Nam” có chủ định khiến “Lâm ngã” hay “bé Hà đọc sách”.

Như ở mục 2 đã phân tích, với hai phát ngôn này, ta có cấu trúc gây khiến-quan hệ, biểu hiện một sự tình vốn không có liên quan đến sự tình khác nhưng gây ra nó. Ở dạng cấu trúc này, khó có thể hiểu chủ thể “Nam” tác động đến “Lâm” hoặc “bé Hà”, kể cả qua thực thể trung gian, càng không thể hiểu “Lâm”, “bé Hà” là đối tượng của hành động “đẩy”, “cắt”. Nếu có một sự tác động nào đó, hiểu theo nghĩa rộng nhất thì không phải giữa chủ thể và bị thể mà là giữa Nguyên nhân và Kết quả.([12])

Bây giờ, nếu hai phát ngôn trên được “chủ quan hóa” bằng những từ tình thái hoặc “trạng ngữ” biểu thị ý chí, mục đích của chủ thể thì có thể diễn giải rằng, bằng hành động của mình, chủ thể muốn tác động đến đối tượng (“Lâm”, “bé Hà”) thông qua việc tác động lên một thực thể trung gian (mặc dù “cái ghế”, “internet” hoàn toàn không “đập” vào đối tượng giống như “quả bóng” hay “hòn đá” như đã nói ở (42) và (43)). Chẳng hạn:

(46)                        Nam đẩy cái ghế cố ý làm Lâm  ngã.

(47)                        Nam quyết định cắt internet làm bé Hà phải đọc sách.

Hai phát ngôn này khác với (40) - (43) ở chỗ không có tác động trực tiếp của chủ thể hoặc của thực thể trung gian lên đối tượng. Mặt khác, ở đây tính “tự nhiên” của mối quan hệ giữa hành động và kết quả cũng thấp hơn so với những trường hợp trên; thậm chí kết quả có thể không xảy ra như dự đoán (vì nhiều lý do, chẳng hạn “Lâm” phát hiện được cái ghế không còn ở chỗ cũ, hoặc “Lâm” không ngồi xuống ghế).

 Trên hình thức, nếu người nói bỏ qua “vi sự tình” nguyên nhân mà chỉ thông tin “vi sự tình” kết quả và cũng không có những yếu tố biểu thị ý chí (tức là chỉ còn “Nam làm Lâm ngã”, “Nam làm bé Hà đọc sách”) thì những câu (44) – (47) lại hoàn toàn giống như cấu trúc gây khiến-quan hệ đã trình bày ở mục 2. Vậy đây là thứ cấu trúc gây khiến mà tính trực tiếp của tác động, và cùng với tính tự nhiên của kết quả có thể xem là thấp nhất, rất gần với gây khiến-quan hệ.

Đến đây, có thể nhận định rằng “gây khiến” là một thể liên tục (continuum), một đầu là gây khiến-quan hệ (phi tác động, phi tự nhiên) diễn đạt bằng dạng cấu trúc mà LÀM là vị từ trung tâm, còn một đầu là gây khiến-tác động diễn đạt bằng dạng cấu trúc mà vị từ trung tâm là vị từ chuyển tác, đối tượng của nó chịu tác động và phải ở vào trạng thái mới.

3.3. Với LÀM, gây khiến-tác động khác gây khiến-quan hệ (vd (6) - (8)) ở chỗ:

(i) Ở gây khiến-tác động, khi tác thể là người thì LÀM mang thuộc tính của vị từ hành động (chứ không phải vị từ quan hệ), câu hỏi kiểm tra “Nam làm gì Lâm?” và câu trả lời “Nam làm Lâm ngã” là hoàn toàn chuẩn tắc và tự nhiên, dù rằng phương thức tác động không hiển ngôn (nếu không có hành động chuyển tác diễn đạt bằng vị ngữ khác đi trước). Hơn nữa, sự tình quả có thể được hồi chỉ bằng vậy hoặc những tổ hợp có từ chỉ định (“chuyện đó”, “việc ấy”). Ví dụ:

(48)                        Nam (đẩy cái ghế) làm Lâm ngã. Lẽ ra hắn không nên làm vậy.

Trong khi đó, ở gây khiến-quan hệ, LÀM là vị từ quan hệ thì “Anh ta làm gì mọi người?” là câu hỏi có tính siêu ngôn ngữ, câu trả lời sẽ là “Anh ta không làm gì hết”; và cũng không có khả năng hồi chỉ (cf. mục 2).

(ii) Liên quan với điểm (i), ở gây khiến-tác động, LÀM mang thuộc tính của vị từ hành động vì có thể tình thái hóa bằng những vị từ biểu thị ý định, ý chí của chủ thể như sẽ, định, dự định, tính, cố ý, chủ ý, quyết, quyết định, muốn, v.v. trước V1 hoặc trước LÀM.([13]) Còn ở sự tình gây khiến-quan hệ không có biểu hiện này. Chẳng hạn: “Nam (đẩy cái ghế) cố ý làm Lâm ngã”, “Nam cố ý (đẩy cái ghế) làm Lâm ngã”.

(iii) Ngoài ra, ở gây khiến-tác động có tiềm năng xuất hiện bổ ngữ được/không được ở cuối câu, chẳng hạn: “Nam làm [bé Hà đọc sách] được/không được” (= Nam đã thành công/thất bại trong việc khiến cho bé Hà đọc sách); được/không được là bổ ngữ thành quả của LÀM. Trong khi đó, ở gây khiến-quan hệ, nếu xuất hiện được/không được ở cuối câu thì chúng chỉ có quan hệ với V2, và bổ ngữ này biểu thị khả năng của NP2: “Nam làm [bé Hà đọc sách được/không được]” (= Nam là nguyên nhân khiến cho bé Hà đọc sách được/không được).

Với vị từ LÀM, gây khiến-tác động giống gây khiến-quan hệ ở chỗ:

(i) Về ngữ nghĩa, ở gây khiến-tác động với LÀM là vị từ trung tâm thì không có tác nhân mà chỉ có Nguyên nhân (Cause): “Nam đẩy cái ghế” là nguyên nhân gây ra “Lâm ngã” chứ không phải “Nam” là tác thể tác động lên “Lâm” (ở gây khiến-quan hệ, “Anh ta bước vào phòng” là nguyên nhân “mọi người bỏ đi”: chính cái sự kiện xuất hiện trong phòng của anh ta, chứ không phải “anh ta” tác động gây ra kết quả).

Nói khái quát: Đề của cấu trúc gây khiến có LÀM là vai nghĩa Nguyên nhân chứ không phải Tác thể hoặc Lực. Cấu trúc gây khiến chung của LÀM (quan hệ và tác động) là [Nguyên nhân - LÀM - Kết quả (NP2 - V2)], trong đó NP2 và V2 có quan hệ thuyết tính; còn cấu trúc gây khiến-tác động với vị từ chuyển tác làm trung tâm là [Tác thể - V1 - Bị thể (NP­2) - Kết quả (V2)], trong đó NP2 và V2 là hai bổ ngữ của V1.

 (ii) LÀM không phải là hành động tác động vật lý trực tiếp lên đối tượng (“làm Lâm ngã” không phải là “đạp Lâm ngã”, vì ở trường hợp sau hành động (chuyển tác) “đạp” trực tiếp tác động vật chất lên “Lâm”); đây chính là tiêu chí về tính “tiếp xúc” (contactive, Shibatani 2002: 88). “Nam đẩy cái ghế làm Lâm ngã” hay “Nam làm Lâm ngã” thì đều không cho thấy có sự tiếp xúc vật lý.

Ngay cả khi trên thực tế hành động của chủ thể tác động vật lý vào NP2 thì vị từ LÀM vẫn không mã hóa tính “tiếp xúc” giữa chủ thể và bị thể NP2, do LÀM không biểu thị phương thức hành động. Chẳng hạn, trong cuộc sống hằng ngày, với phát ngôn “Nam làm cái máy tính chạy rồi” người nghe biết là máy tính đã hoạt động (trước đó nó không chạy), nhưng không thể đoan chắc rằng Nam đã tác động vật lý đến “cái máy tính” – vì ở trường hợp sau người nói sẽ dùng “sửa cái máy tính rồi” thay vì “làm...” (“sửa” thì phải đụng chạm vật lý, “chuyển tác” đến đối tượng; còn “làm” thì không chắc – tác nhân có thể không đụng chạm gì đến “cái máy tính” mà chỉ tác động đến ổ cắm điện hoặc dây nhợ) (cf. DQ Ban 2004: 142).

(iii) Cấu hình không gian-thời gian (spatio-temporal) của hai sự tình không nhất thiết đồng nhất, tức là sự tình nhân và sự tình quả có thể không diễn ra cùng thời gian, không gian: hành động “đẩy cái ghế” và trạng thái “ngã” thuộc hai khúc đoạn thời gian khác nhau dù có thể trước-sau liên tục (rất khác với “đập cái lọ vỡ nát”: hành động “đập” và trạng thái “vỡ” được tri giác gần như đồng thời). Với phát ngôn “Nó học giỏi làm bố mẹ vui lòng” thì càng khó lòng nói đến tính đồng nhất về thời gian-không gian (cf. vd (8)).

(iv) Nếu chủ thể ở sự tình kết quả là người thì để thuyết hóa cho nó V2 bao giờ cũng là vị từ trạng thái hoặc hành động mang tính bị “cưỡng bức” (coercive). Đây là một tiền giả định ngữ nghĩa (vì “X gây ra Y” thì có nghĩa là  “~X thì ~Y”) ứng dụng cho cả gây khiến-quan hệ và gây khiến kết quả. Chẳng hạn, “Anh ta làm mọi người bỏ đi”, “Nam cắt internet làm bé Hà đọc sách” thì việc “bỏ đi”, “đọc sách” không được hiểu là ý muốn khởi từ chủ thể (“mọi người”, “bé Hà”) mà nó chỉ xảy ra do sự có mặt hoặc hành động trước đó của “anh ta”, “Nam”.

(v) Ở gây khiến-tác động cần một hành động nào đó kích thích để gây ra sự thay đổi. Hành động kích thích ban đầu này có thể được hiển ngôn ở thành phần vị ngữ đứng trước LÀM, như “đá (quả bóng)” ở câu (42), nhưng cũng có thể ẩn đi hay tỉnh lược (“Nó làm cửa sổ vỡ”). Nghĩa là, cấu trúc ngữ nghĩa của LÀM sẽ là [(Nó làm gì đó) LÀM (cửa sổ vỡ)], nhưng nếu hành động kích thích được ẩn đi thì cấu trúc mặt của gây khiến-tác động hoàn toàn giống với gây khiến-quan hệ: [NP1 - LÀM - O (NP2 - V2)].([14])

Nói cách khác, cùng một cấu trúc cú pháp có thể được dùng để diễn đạt hai tình huống gây khiến khác nhau. Đây chính là lý do gây khó khăn khi diễn giải ngữ nghĩa của cấu trúc gây khiến của LÀM.

3.4. Căn cứ vào khả năng hoạt động của LÀM có thể đi đến giả thuyết rằng LÀM đã trải qua một quá trình ngữ pháp hóa, từ LÀM hành động đến LÀM gây khiến. Trên đại thể, quá trình ngữ pháp hóa đó có thể được hình dung theo các sơ đồ như sau:

(I) a) [(NP1 - V1 - NP2(O)] + [NP2(S) - V2]: Nó đập con chuột, con chuột chết.

Ž b) [(NP1 - làm gì đó) + (NP2 - V2)]: Nó làm gì đó, con chuột chết.

Ž b’) [NP1 - LÀM - (NP2 - V2)]: Nó làm con chuột chết.

Ž c) [NP1 - V1 - NP2 - V2]         : Nó đập con chuột chết (tươi).

(II) a) [(NP1 - V1 - NP2(O)] + [NP3(S) - V2]: Nó bắn con chim, cửa sổ vỡ.

Ž b) [(NP1 - làm gì đó) + (NP3 - V2)]: Nó làm gì đó, cửa sổ vỡ.

Ž b’) [NP1 - LÀM - (NP3 - V2)]: Nó làm cửa sổ vỡ.

Ž b’’) [(NP1 - V1 - NP2) LÀM (NP3 - V2)]: Nó bắn con chim làm cửa sổ vỡ.

(III) a) [(NP1 - V1 - NP2(O)] + [NP3(S) - V2]: Nó mắng em nó, hàng xóm khó chịu.

Ž b) [(NP1 - làm gì đó) + (NP3 - V2)]: Nó làm gì đó, hàng xóm khó chịu.

Ž b’) [NP1 - LÀM (NP3 - V2)]: Nó làm hàng xóm khó chịu.

Ž b’’) [(NP1 - V1 - NP2) LÀM (NP3 - V2)]: Nó mắng em nó làm hàng xóm khó chịu.

Diễn giải:

- Người nói cho rằng hai sự tình có quan hệ nhân quả với nhau, sự tình trước (sự tình nhân) gây ra, dẫn đến sự tình sau (sự tình quả): có thể diễn đạt bằng các cấu trúc (a) (hoặc dùng hình thức khác, như liên từ, giới từ). Tuy nhiên, trong chiều sâu ngữ nghĩa, mối quan hệ giữa các thực thể rất khác nhau.

- Khi người nói muốn tập trung vào sự tình quả, sự tình nhân không cần (hoặc người nói không muốn, không thể) miêu tả chi tiết thì có thể diễn đạt dưới hình thức thay thế (“đại vị từ” làm) và phiếm chỉ (đại từ, gì đó): các câu (b). Từ làm vẫn còn dáng dấp vị từ hành động.

            (Cách miêu tả thay thế (bằng từ làm) và phiếm chỉ (gì đó) như thế này vẫn là cách diễn đạt rất bình thường trong giao tiếp hằng ngày: (- “Sao bé Na khóc?” - “Thằng Tèo  làm gì đó nên bé Na khóc”)).

- Từ LÀM không đặc tả phương thức hành động (nội diên của LÀM rất hẹp) nên hình thức thay thế ở các câu (b) có thể rút gọn thành các câu (b’). Lúc này đại vị từ LÀM đã được ngữ pháp hóa thành vị từ diễn đạt ý nghĩa gây khiến, có thể gọi là vị từ gây khiến (nó không còn là hình thức thay thế của các vị từ chuyển tác V1 như đã nói ở mục 3.1). Hình thức của tất cả các câu (b’) là một.

- Từ LÀM ở cấu trúc (b’’) ở (II) và (III) là từ LÀM gây khiến (như ở các cấu trúc (b’)), vì vậy sự tình nhân diễn đạt bằng V1 vẫn có mặt.

- Cấu trúc (c) ở (I) xuất phát từ (a) là hình thức tỉnh lược bổ ngữ NP2 – đây cũng là thao tác tỉnh lược thường thấy trong các phát ngôn hằng ngày khi mà mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần không thể gây nhầm lẫn. (Chẳng hạn, [cô ấy giận Nam] + [(vì) Nam không đến] Ž “Cô ấy giận Nam không đến”)

- Các cấu trúc (a) ban đầu ở (I) và (II) là gây khiến-tác động: NP2 ở (I) và NP3 ở (II) chịu tác động với mức độ trực tiếp khác nhau. Còn cấu trúc (a) ở (III) là gây khiến-quan hệ: NP3 có liên quan chứ không chịu tác động trực tiếp của V1.

            3.5. Mặt khác, từ những đặc trưng nêu trên và từ khả năng phân bố tương đương giữa LÀMLÀM CHO cũng có thể nhận định rằng ở cấu trúc gây khiến có sự tương tác giữa ý nghĩa gây khiến của LÀM với ý nghĩa mục đích của CHO. Lý do là CHO rất gần với LÀM, nghĩa của nó là [NP1 (làm gì đó) CHO NP2 ở vào trạng thái V].

Sơ đồ:

(IV) a) [NP1 - V1 - (O1) - CHO (NP2 - V2)]: Nó uống thuốc cho mẹ nó yên tâm.

Ž b) [NP1 - (làm gì đó) - CHO (NP2 - V2)]: Nó làm gì đó cho mẹ nó yên tâm.

Ž b’) [NP1 - làm - CHO (NP2 - V2)]: Nó làm - cho mẹ nó yên tâm. 

Ž c) [NP1 - LÀM CHO/LÀM (NP2 - V2)]: Nó làm cho/làm mẹ nó yên tâm.

Ở (b’) làm là hình thức rút gọn của làm gì đó, cho nên vẫn có thể phát âm tách rời với CHO; trong khi đó, ở (c) LÀM CHO là một tổ hợp, tương đương với LÀM gây khiến.

Tổ hợp LÀM CHO rất khác với ĐỂ LÀM: ĐỂ mục đích và LÀM gây khiến không tạo thành tổ hợp, ĐỂ vẫn hành chức với tư cách giới từ chỉ mục đích và toàn bộ ngữ đoạn “LÀM...” là bổ ngữ của nó; do vậy, câu có ĐỂ LÀM không phải là cấu trúc gây khiến. Ví dụ:

(49)                        Nam đẩy cái ghế để làm Lâm ngã.

Sự có mặt của ĐỂ càng củng cố cho cách diễn giải rằng sau LÀM là một cấu trúc đề - thuyết / chủ - vị.

4. LÀM trong cấu trúc kết quả

4.1. Xét các câu sau đây:

(50)                        Tên trộm đập vỡ cửa kính.

(51)                        Nó đá bay quả bóng qua nhà hàng xóm.

(52)                        Sóng đánh chìm chiếc ghe.

Các phát ngôn trên cũng có ý nghĩa gây khiến: người nghe cũng hiểu là sự tình trước là nguyên nhân gây ra sự tình sau: “tên trộm đập” – “cửa kính vỡ”, “nó đá” – “quả bóng bay”, “sóng đánh” – “chiếc ghe chìm”.

Tuy nhiên, những phát ngôn trên nên được gọi là cấu trúc kết quả (resultative) thay vì cấu trúc gây khiến, vì nhiều lý do.

(i) Cấu trúc kết quả chỉ mã hóa hành động/quá trình kèm theo kết quả như một thể trọn vẹn chứ không mã hóa hai “vi sự tình” như ở cấu trúc gây khiến, vì ở dạng cấu trúc này không có độ trễ về thời gian giữa hành động/quá trình và kết quả. Có lẽ đây là lý do thích hợp để một số tác giả xem nó là loại gây khiến trực tiếp (cf. NH Trung 2018).

Ở cấu trúc kết quả, thành phần kết quả có thể ở dạng phủ định; chẳng hạn: đập vỡ, đập không vỡ, đánh chìm, đánh chưa chìm. Trong khi đó, ở cấu trúc gây khiến cũng có thành phần kết quả, nhưng không bao giờ ở dạng phủ định, vì nó diễn đạt trạng thái mới của đối tượng (cf. mục 3.1) – đây là lý do giải thích tại sao nên tách gây khiến ra thành một dạng cấu trúc kết quả đặc trưng (hoặc một cấu trúc riêng biệt). 

Nếu cấu trúc gây khiến có hình thức [NP1 - V1 - NP2 - V2], trong đó NP2 là bổ ngữ-Bị thể và V2 là bổ ngữ-Kết quả của V1 thì cấu trúc kết quả có hình thức [NP1 - V1 - (V2 - NP2)], trong đó NP2 không phải là Bị thể của V1 mà là Động thể của V2 (undergoer, động thể là thực thể trải qua quá trình không chủ ý), dù rằng trên thực tế, trong đa số trường hợp, NP2 có chịu sự tác động hay tiếp xúc trực tiếp của hành động. Nói rõ hơn, cả [V2 - NP2] làm thành diễn tố Kết quả của V1, trong đó NP2 là bổ ngữ của V2.([15])

Chẳng hạn:

(53)                        (Nó chơi bóng rổ với bạn). Nó ném lọt vào rổ 3 quả, rơi ra ngoài 2 quả.

(54)                        Sóng đánh lật chiếc thuyền chứ không chìm.

(55)                        Anh thợ khoan một hồi lâu mới thủng được lớp bê tông dày.

(56)                        Nó đá không bay quả bóng mà bay chiếc giày qua nhà hàng xóm.

Ở (53), “3 quả”, “2 quả” liên quan trực tiếp đến “”lọt (vào rổ)”, “rơi (ra ngoài”) chứ không chịu tác động của “ném” (dù trên thực tế là chúng phải được ném đi); câu hỏi kiểm tra là “lọt (vào rổ) mấy quả?”, “rơi (ra ngoài) mấy quả?” chứ không phải “ném mấy quả?”. Ở (54) và (55) cũng tương tự; câu hỏi kiểm tra là “(đánh) lật cái gì?”, “(khoan) thủng cái gì?”. Thậm chí, ở (56), hoàn toàn chắc chắn rằng “chiếc giày” không phải là đối tượng của “đá”: “bay cái gì?” – “bay chiếc giày” (và “đá cái gì?” – “đá quả bóng”).

Về mặt ngữ pháp, [V2 - NP2] là bổ ngữ kết quả của V1, trong đó NP2 lại là bổ ngữ của V2. Dĩ nhiên, vì vậy, không thể hoán vị V2 và NP2 như một số nhà nghiên cứu chủ trương (cf. DQ Ban 2004) nếu không muốn chuyển đổi cấu trúc và ngữ nghĩa của câu. 

4.2. Khi LÀM xuất hiện trong cấu trúc kết quả có hai trường hợp:

- LÀM thay thế cho vị từ V1.

Xét:

(57)                        Anh ta làm vỡ cửa kính.

(58)                        Nó làm bay quả bóng lên trời.

(59)                        Sóng làm chìm chiếc ghe.

Ở các phát ngôn trên, thành phần kết quả vẫn là [V2 - NP2] với NP2 là Động thể và giữ vai trò bổ ngữ của V2. Tuy nhiên, từ LÀM không diễn đạt sự tác động với một phương thức cụ thể nào cả, nó thay thế cho một vị từ chuyển tác bất kỳ, và được ngữ pháp hóa để đánh dấu kết quả. Vì vậy, ở những trường hợp (50) – (52) có thể nói “đập sắp vỡ”, “đá không bay”, “đánh không chìm” (nói chung: [V1 - V2] hoặc [V1 - không V2]), nhưng ở (57) – (59) không thể nói “làm chưa vỡ”, “làm không bay”, “làm không chìm”. Dĩ nhiên, trong những ngữ cảnh nhất định, LÀM vẫn bộc lộ thuộc tính của một vị từ hành động; chẳng hạn: “Suỵt! Đừng làm chạy cá!” hoặc “Đừng làm khô nước”.

Khi đã được ngữ pháp hóa thì LÀM không còn gắn với hành động/quá trình cụ thể nào nữa, cho nên khó có thể xác quyết NP1 đứng trước LÀM là chủ thể thực hiện hành động/quá trình. Thử xét các chuỗi sau đây:

(60)                        a) Nó bẻ gãy cành hồng.                  Ž b) Nó làm gãy cành hồng.

(61)                        a) Ông ta mổ chết người.                 Ž b) Ông ta làm chết người.

Ở (60a), hành động là “bẻ”, người thực hiện hành động là “nó”; còn ở (60b) không cho biết “phương thức” lẫn kẻ trực tiếp gây “gãy cành hồng”. Thử tưởng tượng tình huống: “nó” chơi bóng và quả bóng rơi trúng cành hồng, người nói quy “trách nhiệm”([16]) cho “nó” bằng cách nói “Nó làm gãy cành hồng” (chứ không thể nói câu (60a)). Ở (61), tình hình cũng tương tự.

- LÀM đứng sau V1.

Xét:

(62)                        a) Ông ta mổ làm chết người.                                 b) Ông ta đến chậm làm chết người.

Với LÀM, ở (62a) “ông ta mổ” là một sự tình làm Đề chứ không phải là thực thể (khác với (61a): ở (61a) Đề là thực thể “ông ta”); (62b) “ông ta đến chậm” cũng là một sự tình, nhưng khác với (62a), “ông ta” không có hành động nào liên quan đến nạn nhân, trừ “trách nhiệm” (có thể “ông ta” bị kẹt xe nên “đến chậm” và không kịp mổ cho bệnh nhân).  

Lại xét:

(63)                        a) ??Nó bẻ làm gãy cành hồng.                  b) ??Nó bẻ cành hồng làm gãy cành hồng.

(64)                        Cây phượng gãy làm hỏng hai chiếc xe hơi.

(65)                        a) Hoa phượng nở đỏ sân trường.   b) Hoa phượng nở làm đỏ sân trường.

Câu (63) bất khả chấp vì “bẻ” là hành động trực tiếp gây ra “gãy” nên không thể có mặt LÀM; ngược lại, nếu có mặt LÀM thì “bẻ” cần có một bổ ngữ riêng cho nó. Câu (64) là cấu trúc kết quả, vì V1 (“gãy”) là vị từ vô tác, vốn không liên quan đến “hai chiếc xe”,  có thể chấp nhận LÀM, cả ngữ đoạn “cây phượng gãy” làm Đề.

Câu (65a) lưỡng nghĩa, vì nó có thể được hiểu hoặc là cấu trúc kết quả hoặc chỉ là một cấu trúc miêu tả “bình thường”:

Trường hợp thứ nhất, (65a) có thể được hiểu là cấu trúc kết quả vì “hoa phượng nở” khiến “đỏ sân trường” (cf. DQ Ban 2004). Tuy nhiên, câu này rất khác với các câu (50) - (52): “hoa phượng nở” là một quá trình tự nó, không có liên quan gì đến “sân trường”.

Trường hợp thứ hai, khi (65a) không được hiểu là cấu trúc kết quả thì có hai cách diễn giải về ngữ pháp: (i) Đề (“hoa phượng”) – Thuyết (“nở đỏ sân trường”), (ii) Đề (“hoa phượng nở”) – Thuyết (“đỏ sân trường”). Cả hai cách diễn giải này đều khả chấp, và khó xác quyết cách nào thỏa đáng hơn, nếu không căn cứ vào ngữ cảnh.

Dù sao, xử lý (65a) như một câu miêu tả bình thường có lẽ thuyết phục hơn xử lý nó như cấu trúc kết quả. Lý do: nó trả lời rất tự nhiên cho câu hỏi: “Hoa phượng thế nào?” hoặc “Hoa phượng nở thế nào?”, tự nhiên hơn là câu hỏi “Hoa phượng nở thì sao?”. Câu (65a) không khác gì mấy với những câu trả lời khác như “Hoa phượng nở đỏ rực”, “Hoa phượng nở đỏ từ đầu làng đến cuối làng”.

Trong khi đó, câu (65b) với LÀM (“Hoa phượng nở làm đỏ sân trường”) chỉ có cách xử lý duy nhất: nó là cấu trúc kết quả – LÀM đánh dấu ý nghĩa kết quả của cấu trúc.

Tình hình cũng tương tự với những phát ngôn như “Mưa ngập đường” – “Mưa làm ngập đường”, “Bão đổ cây” – “Bão làm đổ cây”, “Uống nước tức bụng” – “Uống nước làm tức bụng”, v.v.. (“Uống nước tức bụng”  hiểu là “uống nước quá nhiều” – “uống” là vị từ chuyển tác, không có liên quan gì đến “bụng” – nhưng “Uống nước làm tức bụng” là cấu trúc kết quả. Điều này giải thích tại sao những câu như “Hắn uống rượu say mèm”, “Hắn uống rượu hết sạch” không thể xem là cấu trúc kết quả vì không thể nói “Hắn uống rượu làm say mèm”, “Hắn uống rượu làm hết sạch (rượu)” (cf. NT Quy 1995).

Như vậy, khi V1 là vị từ vô tác, hoặc V1 chuyển tác nhưng không liên quan gì đến NP2, sự có mặt của LÀM là cần thiết để thể hiện cấu trúc kết quả.

Trong cấu trúc kết quả với LÀM có hai diễn tố: Nguyên nhân và Kết quả.

Ngoài sự tình (như vd (62), (64)), nguyên nhân có thể là những thực thể vô tri hoặc những khái niệm trừu tượng được xem như thực thể:

(66)                        Cái bàn ủi này làm cháy cái áo của tôi.

(67)                        Các thiết bị điện tử đã làm hỏng bọn trẻ.

(68)                        Sự xa cách có thể làm thay đổi tình cảm.

Tất cả các câu trên đều diễn đạt sự tình kết quả, trong đó (khác với các câu (50) – (52)) thực thể làm Đề được quy trách nhiệm là nguyên nhân thay vì chủ thể là kẻ hành động thực sự. Việc chọn lựa nguyên nhân của một sự tình nào đó, nhiều khi tùy thuộc vào cách nhìn chủ quan của người nói, chẳng hạn:

(69)                        Cậu học sinh ấy làm đau đầu thầy giáo.

(70)                        Câu hỏi của cậu học sinh ấy làm đau đầu thầy giáo.

(71)                        Cậu học sinh hỏi câu đó làm đau đầu thầy giáo.

Như đã nói ở mục 4.1, ở cấu trúc có LÀM cũng không thể nói đến hiện tượng hoán vị V2 và NP2. Trên thực tế, có sự luân phiên: “làm bạn đau” – “làm đau bạn”, “làm lá rụng” – “làm rụng lá”, “làm tường nứt” – “làm nứt tường”, v.v.. Tuy nhiên, đây là hai kiểu cấu trúc khác nhau cùng thể hiện quan hệ nhân quả: kiểu trước là cấu trúc gây khiến [LÀM + O (NP2 - V2)], kiểu sau là cấu trúc kết quả [LÀM + O (V2 - NP2)].

Ở cấu trúc gây khiến, V2 “tự do” hơn, theo nghĩa là có thể thuộc những tiểu loại vị từ khác nhau, miễn có thể làm thuyết cho NP2. Trong khi đó, ở cấu trúc kết quả, V2 phải có khả năng nhận đối tượng làm Động thể; đây là lý do mà ??“làm vui mẹ”, ??“làm lo bố”, ??“làm gãy bạn” không được chấp nhận (nhưng “làm đau bạn” thì khả chấp). Điều này càng rõ hơn khi NP2 biểu thị một bộ phận của chỉnh thể; so sánh:

“làm mẹ vui” – ??“làm vui mẹ” – “làm mẹ vui lòng” – “làm vui lòng mẹ”

“làm tay nó đứt” – ??“làm đứt nó” – “làm nó đứt tay” – “làm đứt tay nó”

“làm ngực nó tức” – ??“làm tức nó” – “làm nó tức ngực” –  “làm tức ngực nó”

5. Kết luận

Từ những điều trình bày trên đây, có thể thấy LÀM là một vị từ đã được ngữ pháp hóa, được dùng để biểu thị cấu trúc gây khiến và cấu trúc kết quả. Nó không thể hiện dứt khoát tính chuyển tác [±transivity], tính trực tiếp tác động [±directness], tính chủ định [±intention] vì thế ý nghĩa kết quả của nó rất gần với ý nghĩa của cấu trúc quan hệ.

Có thể nói một cách vắn tắt: LÀM biểu hiện mối quan hệ giữa một thực thể hay sự tình với một sự tình được xem là do nó gây ra mà không nhất thiết có sự tác động trực tiếp hoặc chủ định hay không.

Từ góc nhìn về từ LÀM, có thể gợi ra nhiều vấn đề liên quan đến bản chất của các vị từ khiến, để, gây, cho; và cũng cho thấy nhiều vấn đề còn cần phải làm sáng tỏ hơn liên quan đến khái niệm “nhân quả” và những biểu hiện của thành phần gọi là “kết quả” trong cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu tiếng Việt.

 

Tài liệu tham khảo

1)     Cao Xuân Hạo 2004. Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb GD, H.

2)     Comrie, B. 1976. The Syntax of Causative Constructions: Cross-Language Similarities and Divergences. In M. Shibatani (ed.). Syntax and semantics 6. New York: Academic Press.

3)     Comrie, B. 1989. Language Universals and Linguistic Typology. The University of Chicago Press.

4)     Diệp Quang Ban 2005. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb GD, H.

5)     Dixon, R.W. 2000. A typology of causatives: Form, syntax and meaning. In R.M.W. Dixon & Alexandra Y. Aikhenvald (eds.). Changing valency: Case studies in transitivity. Cambridge University Press.

6)     Givón Talmy 1984. Syntax: A Functional-Typological Introduction, Vol I. John Benjamins Publishing Company. Amsterdam/Philadelphia.

7)     Haspelmath M. 1993  More on the typology of inchoative/causative verb alternations. In Bernard Comrie & Maria Polinsky (eds). Causatives and Transitivity. John Benjamins Publishing Company. Amsterdam/Philadelphia.

8)     Kulikov L. 2001. Causatives. In Martin Haspelmath & Ekkehard Konig (ed.). Language Typology and Language Universals - An International Handbook. Volume 2. WaIter de Gruyter, Berlin/New York.

9)     Kwon, Nayoung 2004, A Semantic and Syntactic Analysis of Vietnamese Causatives, UC-San Diego.

10) Moreno J.C. 1993. "Make" and the semantic origins of causativity: a typological study. In Bernard Comrie & Maria Polinsky (eds). Causatives and Transitivity. John Benjamins Publishing Company. Amsterdam/Philadelphia.

11) Nguyễn Hoàng Trung 2014. Vài nét về kết cấu gây khiến trong tiếng Việt. Tc Khoa học - Trường ĐHSP Tp. HCM, số 63/2014, Tp.HCM

12) Nguyễn Kim Thản 1999. Động từ trong tiếng Việt. Nxb KHXH, H.

13) Nguyễn Thị Quy 1995. Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó. Nxb KHXH, H.

14) Nguyễn Thị Thu Hương 2010. Cấu trúc gây khiên - kết quả trong tiếng Anh và tiếng Việt. LATS. Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

15) Nguyễn Vân Phổ 2018. Ngữ pháp tiếng Việt: ngữ đoạn và từ loại. Nxb ĐHQG Tp. HCM, Tp.HCM.

16) Shibatani, Masayoshi 1976. The grammar of causative constructions: A conspectus. In M. Shibatani (ed.). Syntax and semantics 6. Academic Press, NY.

17) Shibatani, Masayoshi 2002. The causative continuum. In M. Shibatani (ed.). The grammar of causation and interpersonal manipulation. John Benjamins, Philadelphia.

18) Talmy, Leonard 1976. Semantic causative types. In M. Shibatani (ed.). Syntax and semantics 6. Academic Press, NY.

 



[1] Thậm chí, giả sử rằng trong đầu người nói không cho rằng có quan hệ gì giữa hai sự kiện thì điều đó cũng không ngăn người nghe / người đọc nhận thức nó như là quan hệ nhân quả.

[2] Về mặt cú pháp, các yếu tố liên kết này có thể là liên từ hoặc giới từ.

[3] Trong tiếng Anh, từ “break” hàm chứa kết quả, khi nói “John broke the ruler” thì kết quả hiển nhiên là cây thước đã gãy. Ở tiếng Việt, “Nam đã bẻ cây thước” thông tin về hành động, không tất yếu biểu hiện kết quả, cho nên có thể nói: “Nam bẻ cong cây thước”, “Nam bẻ cây thước gãy đôi” hoặc “Nam bẻ cây thước không gãy”.

[4] Thực ra, nhiều tác giả nước ngoài cũng xem cầu khiến là một biểu hiện của gây khiến.

[5] Phát ngôn (6) có vẻ dễ được chọn lựa nhất, vì “anh ta” là một thực thể người, đủ đại diện cho tất cả những gì liên quan đến mình (vẻ mặt, mùi, thái độ, trang phục, hành động, v.v.).

[6] Trong biểu thức làm vậy (tương tự “do so” tiếng Anh) từ làm hành chức như một vị từ “thượng danh” (hypernym), thay thế cho một vị từ hành động đi trước. Chẳng hạn, trong phát ngôn “Nam đánh Lan”, có thể hồi chỉ hành động “đánh Lan” bằng biểu thức làm vậy: “Anh ta làm vậy à?”.

[7] Tính tự chủ, ý chí của chủ thể sẽ thấp nhất (= 0) khi biểu hiện bằng vị trạng thái, quá trình; nếu chủ thể là vật vô tri [-hữu sinh] thì càng không thể nói đến tự chủ và ý chí: “Bề ngoài của hắn làm cô ta sợ hãi”, “Tiếng nổ làm căn nhà rung lên”.

[8] Tác tử phủ định là không, chẳng, chứ không phải chưa, vì trong tình huống thông thường chưa không phủ định quan hệ chính danh. Ví dụ: với biểu thức quan hệ như “Nam là con trai của bà Hai” thì không thể phủ định: *“Nam chưa (phải) là con trai bà Hai”.

[9] LÀM ở hai phát ngôn như “Anh ta làm mọi người không bỏ đi” hay “Anh ta bước vào quán làm mọi người không bỏ đi” thì cũng hoàn toàn giống như LÀM ở (6) và (8).

[10] Gây khiến trực tiếp (direct causation) là khái niệm tùy thuộc chủ yếu vào khung lý thuyết của các tác giả. Tính “trực tiếp” có thể hiểu là sự phụ thuộc thời gian (kết quả diễn ra gần như đồng thời với tác động), vào việc không có thực thế “can thiệp”; cũng có tác giả cho tính trực tiếp chủ yếu chỉ thể hiện ở phương thức gây khiến từ vựng.

[11] Trong “Nó lau bàn rồi” và “Bàn lau rồi” đều có thể suy ra là “bàn đã sạch”. Thực chất, hai phát ngôn này chỉ thông báo hành động đã được thực hiện, còn trạng thái “sạch” chỉ là hàm ngôn, và người nói có thể “khử bỏ”.

[12] Nguyễn Thị Quy (1995) đã mở rộng khái niệm cấu trúc gây khiến của tiếng Việt  đến mức cho rằng chủ thể của V2 có thể là chủ thể của V1, và ví dụ: “Nó đá con chó trẹo cả hông”. Tác giả cho là có hai cách hiểu: hoặc (a) “con chó trẹo cả hông” hoặc (b) “nó trẹo cả hông”.  Thực ra, chỉ có cách hiểu (a) thỏa với cấu trúc gây khiến (có thể chèn LÀM vào giữa hai pha “Nó đá con chó làm con chó trẹo cả hông”); còn cách hiểu (b) thì không thể (?“Nó đá con chó làm nó trẹo cả hông”). Tuy nhiên, ví dụ của tác giả cũng không tự nhiên lắm (vì khó có tình huống để phát ngôn “con chó trẹo cả hông”). Chính ở chỗ này có thể thấy được tính ngẫu nhiên của sự tình: với những phát ngôn như “Nó đá con chó trúng chân bàn”, “Nó đá con chó bị ngã” thì không thể có hai cách hiểu như tác giả đề nghị nữa.

[13] Câu “Nam cố ý đẩy cái ghế làm Lâm ngã” có nghĩa biểu hiện không khác gì “Nam đẩy cái ghế cố ý làm Lâm ngã”, “Nam cố ý làm Lâm ngã”, “Nam làm Lâm ngã một cách cố ý”.

[14] Nói một cách đơn giản, “Nó làm cửa sổ vỡ” không đồng nhất với “Nó đá/đập/bắn cửa sổ vỡ”, dù rằng “Nó đá/đập/bắn cửa sổ vỡ” có thể suy ra “Nó làm vỡ cửa sổ”.

[15] Có một số nhà nghiên cứu đồng nhất bị thể (hoặc đối thể, patient) và động thể. Thực ra, bị thể là thực thể chịu tác động của hành động/quá trình chuyển tác, không nhất thiết phải chuyển thái hay chuyển vị, dù có thể suy ra. Còn động thể là chủ thể của một quá trình không chủ ý, không nhất thiết chịu tác động bởi hành động, quá trình chuyển tác. Ở cấu trúc kết quả, gán tư cách động thể cho NP2 có lẽ thích hợp hơn, do mối quan hệ ngữ nghĩa và ngữ pháp giữa nó với V2. Hơn nữa, trong một câu có thể có cả bị thể lẫn động thể: “Nó đụng tôiBT gãy chânĐT”, “Nó đụng gãy chân tôiĐT”; rất khác với ?“Nó đụng chân tôiBT gãy”. Đối với một ngôn ngữ không có dạng gây khiến từ vựng như tiếng Việt, sự phân biệt hai vai nghĩa này là cần thiết. Givón (1984) thì gọi chung là patient, nhưng phân biệt patient-of-state với patient-of-change.

[16] Trong kiểu cấu trúc này, ý niệm về “trách nhiệm” có thể thỏa đáng hơn tính [±chủ định] ở cấu trúc gây khiến; chẳng hạn: “Nó chạy nhảy làm mất/rơi chìa khóa” Ž “Nó làm mất/rơi chìa khóa”.