Sunday 26 October 2014

“CÙNG” – TÁC TỬ ĐÁNH DẤU THUYẾT ĐỒNG NHẤT


1.    Cùng là một từ ít được chú ý từ trước đến nay. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1995) xem cùng là (i) tính từ: với nghĩa “có sự đồng nhất hoặc sự giống nhau hoàn toàn về cái gì hoặc về hoạt động nào đó”, eg. Anh em cùng cha khác mẹ, Hai việc cùng quan trọng như nhau, Không có ai đi cùng; (ii) kết từ: biểu thị quan hệ liên hợp, 1. “biểu thị người hay sự vật sắp nêu ra có mối quan hệ đồng nhất về hoạt động, tính chất hoặc chức năng với người hay sự vật vừa được nói đến”, eg. Nó đến cùng với bạn, Nàng về nuôi cái cùng con, 2. “biểu thị người sắp nêu ra là đối tượng mà chủ thể của hoạt động vừa nói nhằm tới, coi là có quan hệ tác động qua lại mật thiết với mình”, eg. Biết nói cùng ai; (iii) trợ từ: “nhấn mạnh về sắc thái tha thiết mong muốn có sự đáp ứng, sự cảm thông ở người khác”, eg. Người trong một nước thì thương nhau cùng.
           

Sunday 14 September 2014

THÔI và NGỪNG


      Trong kho từ vựng tiếng Việt có nhiều đơn vị diễn đạt nghĩa “không tiếp tục” hay “không tiếp diễn” một hành động, quá trình. Trong đó, thôi ngừng là hai từ thường gây khó khăn và nhầm lẫn cho người nước ngoài học tiếng Việt. Đây cũng là hai từ hầu như chưa được các tài liệu ngôn ngữ học quan tâm giải thích, nếu không tính đến các quyển từ điển đơn ngữ – vốn rất cô đọng, khó sử dụng. Bàn về khái niệm “kết thúc”, “không tiếp tục”, “không tiếp diễn” một hành động, quá trình (và những khái niệm có liên quan), ngôn ngữ học thường khảo sát dưới góc độ thể (aspectual value). Do mục đích ứng dụng và do khuôn khổ có hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ngữ pháp và ngữ nghĩa của hai từ trên, trong đó thể cũng sẽ được bàn đến ở một mức độ cần thiết. Trong bài viết, chúng tôi sẽ lần lượt khảo sát khả năng hoạt động của từng từ và tiến hành so sánh chúng với nhau ở những nội dung có liên quan. Ngoài ra, để rõ hơn vấn đề đang bàn, chúng tôi cũng sẽ xét qua một số vị từ gần gũi với chúng: hết, dừng, ngưng, nghỉ.

Thursday 17 July 2014

BIẾN THỂ CÚ PHÁP CỦA CÂU QUAN HỆ VÀ VIỆC DẠY TIẾNG


1. Đặt vấn đề
Khi biểu hiện một sự tình, do ảnh hưởng của nhiều nhân tố, người nói có thể chọn một trong nhiều hình thức diễn đạt khác nhau. Những hình thức khác nhau này thường được gọi chung là các biến thể cú pháp (syntactic variants). Xét về mặt nội dung, biến thể cú pháp là những cách nhận định khác nhau của người nói về một sự tình dựa trên những khác biệt về cách thức tổ chức câu.
Người nước ngoài, do khả năng hạn chế về các mô hình cú pháp được học, thường đặt sai tiêu điểm thông tin (làm văn bản thiếu mạch lạc hay hội thoại thiếu liên tục), hoặc tạo lập những phát ngôn kém tự nhiên vì chỉ dựa trên những cấu trúc quen thuộc (với họ). Đôi khi một phát ngôn đúng ngữ pháp lại tỏ ra không đạt yêu cầu giao tiếp, vì người bản ngữ cảm thấy khó hiểu – đó không phải là một câu mà họ chờ đợi được nghe.
Vì vậy, trong quá trình dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, cần cung cấp các biến thể cú pháp khác nhau để người học có thể chọn lựa sao cho phù hợp với tình huống đối thoại hoặc phù hợp với sự mạch lạc của văn bản.
Mục đích của bài viết này là trình bày những thao tác xây dựng các biến thể cú pháp để từ đó giáo viên dạy tiếng có thể ứng dụng vào việc thiết kế các bài học tiếng Việt.

Wednesday 25 June 2014

"BẮT ĐẦU" - Ý NGHĨA THỂ


“BẮT ĐẦU” VÀ THỂ KHỞI PHÁT TIẾNG VIỆT[1]


1. Dẫn nhập
Trong các tài liệu ngôn ngữ học, thể (aspect) là một khái niệm đã được thừa nhận là phạm trù phổ quát – ít nhất là phổ quát hơn thì (tense) [1][2][14]; Lyons cho rằng nhiều ngôn ngữ không có thì nhưng rất ít ngôn ngữ không có thể [10, 705]. Và nhiều nhà ngữ học cho rằng thể vẫn là một phạm trù ít được hoặc chưa được chú ý đầy đủ [3][10].
Phạm trù thì liên quan đến việc định vị thời gian của sự tình đang được nói đến (event time) trong quan hệ với thời gian của phát ngôn (thời điểm đưa ra phát ngôn - speech time) hoặc/ và thời gian quy chiếu (reference time). Ở tiếng Anh, quan hệ trước sau giữa thời gian sự tình và thời gian phát ngôn sẽ được thể hiện bằng các phương tiện hình thái học, và ta có thì quá khứ, hiện tại và tương lai (past, present, future). Quan hệ trước sau giữa ba thời gian sẽ tạo ra pluperfect hoặc future perfect [3][11][13]. Trong khi đó, thể là một phạm trù ngôn ngữ học biểu hiện đặc trưng thời gian mang tính chủ quan (subjective) về sự tình được diễn đạt, hay nói cách khác, thể đặc trưng cho góc nhìn của người nói về đường nét thời gian của sự tình. Một sự tình diễn ra có thể được người nói nhìn từ ngoài như một toàn thể hoặc nhìn từ trong ở một khúc đoạn nào đó [3, 24].

Wednesday 26 March 2014

MỘT CHÚT – MỘT ÍT – MỘT SỐ – MỘT VÀI





Một chút, một ít, một số, một vài (cùng với dăm từ/ ngữ khác) là những tổ hợp cố định thường được xem là gần nghĩa, vì đều biểu thị một (số) lượng nhỏ, có tính ước chừng (không chính xác). Người Việt hầu như không bao giờ “có thể” dùng sai những tổ hợp đó; nhưng phân biệt một cách hiển ngôn ngữ pháp (và phần nào ngữ nghĩa) giữa chúng không phải là điều đơn giản.
Trong một bài viết cách đây không lâu, Bùi Mạnh Hùng đã cố gắng “lập thức các quy tắc ngữ pháp để hướng dẫn cho người học, nhất là người nước ngoài, hiểu và dùng đúng các nhóm từ chuyên dụng” này [1/24]. Những phân tích của Bùi Mạnh Hùng trong bài viết này rất thú vị và đặt ra nhiều vấn đề để tiếp tục suy nghĩ. Tuy nhiên, có lẽ do nhiều nguyên nhân (chưa khảo sát hết các tiểu loại danh từ/ danh ngữ có khả năng kết hợp hoặc không kết hợp với một ít/ một chút, chưa đặt các tổ hợp đang xét trong bối cảnh sử dụng cụ thể, chưa quan tâm đến cách tri nhận của người bản ngữ, chịu “áp lực” từ kết quả “tìm nhanh trên google”,...), những phân biệt của tác giả về một ítmột chút chưa thực sự minh bạch, khách quan và đắc dụng; thậm chí có chỗ còn có phần cảm tính.
Dựa trên những gì mà các nhà nghiên cứu đi trước đã đạt được, trong phạm vi bài này chúng tôi thử xem xét lại ngữ pháp và ngữ nghĩa của một ít, một chút (cùng với một vài tổ hợp có liên quan) nhằm làm sáng tỏ khả năng hành chức của chúng, góp phần phục vụ công việc dạy tiếng.
Các tổ hợp đang bàn có thể phân làm hai nhóm: nhóm 1 (một chút, một ít) tuyệt nhiên không kết hợp được với danh từ đơn vị, và nhóm 2 (một số, một vài) thì ngược lại.

Wednesday 5 February 2014

CHẲNG HẠN và THÍ DỤ




“Từ điển Tiếng Việt” (Hoàng Phê CB, 2005) định nghĩa chẳng hạnthí dụ như sau: