Saturday 31 December 2011

"Đúng không ta?"


      Về ta cuối câu, "Từ điển Tiếng Việt" Hoàng Phê 1995 định nghĩa: "1. (kng.; dùng ở cuối câu hỏi, sau đâu). Từ dùng trong lời hỏi thăm quê quán để biểu thị ý thân mật. Ông quê ở đâu ta? 2. (ph.; kng.; dùng ở cuối câu biểu cảm hoặc câu nghi vấn). Từ biểu thị ý thân mật. Giỏi quá ta! Có gì ăn không ta?"
      "Từ điển Từ ngữ Nam bộ" Huỳnh Công Tín 2007 định nghĩa: "(pt) dùng ở cuối câu khẳng định để nhấn mạnh tính chất được khen, hoặc ở một câu nghi vấn, để nói lên ý thân mật, gần gũi; hoặc cách nói có sắc thái bình dị, dân dã. Thằng bé này linh lợi quá ta!, Có gì ăn cơm không ta?"

Monday 26 December 2011

"Còn" chứ không phải "nhưng"



   Trong bài báo nổi tiếng, "Ifs, ands and buts about conjunction" năm 1971, R. Lakoff có đưa ra hai cách dùng but: but đối lập ngữ nghĩa (the semantic opposition but) và but phủ nhận kỳ vọng (the denial of expectation but). Nói chung, từ but thứ hai dịch ra tiếng Việt là nhưng thì tương đối ổn thỏa; còn từ but thứ nhất thì không phải như vậy.

Wednesday 21 December 2011

"KHI NÀO" - hiện thực hay giả định?


Trong những lời hứa hẹn, dặn dò, nhắn nhủ, các từ ngữ KHI, KHI NÀO, NẾU thường được sử dụng với cảnh huống tương tự nhau. Có điều, tác động mà nó gây ra ở người nghe không giống nhau.
Chẳng hạn, để đáp lời mời hay đề nghị gặp mặt của ai đó, người ta có thể có ba câu đáp:
       
        (1) Khi có thời gian rảnh, tôi sẽ đến anh ngay.
       (2) Khi nào có thời gian rảnh, tôi sẽ đến anh ngay.
       (3) Nếu có thời gian rảnh, tôi sẽ đến anh ngay.

Sunday 18 December 2011

"Hãy...!" và điều kiện ràng buộc




        Sự khác nhau giữa HÃY...! và ….ĐI! trong câu cầu khiến lộ rõ trong các tình huống mà ở đó những sự việc, hành động  được yêu cầu có liên quan đến đám đông và đa số trường hợp mang tính chính thức.

Friday 16 December 2011

"Mỗi... một..." và "mỗi... mỗi..."



     Mỗi... một...mỗi... mỗi... rất gần nhau, và trong nhiều trường hợp có vẻ như có thể thay thế cho nhau. Nhưng hai cách nói đó không phải là một. Nó khác nhau rất nhiều cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp.


Wednesday 14 December 2011

Ba = bố = cha?

    Đọc một cuốn sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài xuất bản ở Tp.HCM, tôi thấy một số từ/ngữ địa phương SG được cung cấp có vẻ không thỏa đáng.
    Chỉ xin nói qua một hiện tượng: từ ba/má dùng trong sách theo tôi là một lựa chọn không thể xem là tối ưu.

Saturday 10 December 2011

Tính từ hay trạng từ?


Trong tiếng Việt, việc phân biệt tính từ và động từ về mặt ngữ pháp là điều khó khăn. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là GS Cao Xuân Hạo, gọi chung hai từ loại đó dưới cái tên vị từ. (Thật ra, về mặt thuật ngữ, khái niệm vị từ - trong tương quan với thể từ - không phải là hoàn toàn mới lạ.)
Tính từ chính là những vị từ biểu thị thuộc tính, trạng thái, mang đặc trưng [-động][-chủ ý]. Tất nhiên hai tên gọi không hoàn toàn trùng nhau về ngoại diên.

"Là" và câu hỏi tổng quát


Trước tiên, chúng ta cần phân biệt câu hỏi tổng quát (dạng “có...không?”) và câu hỏi siêu ngôn ngữ dạng “..., phải không?”, “có phải... không?”. Câu hỏi siêu ngôn ngữ khác câu hỏi tổng quát ở chỗ bao giờ nó cũng tiền giả định mệnh đề được đưa ra để hỏi.
Khi hỏi “Nó đi chơi, phải không?”, mệnh đề “nó đi chơi” đã được tiền giả định như thể có người đã đưa ra nhận định “nó đi chơi” hay cái gì tương tự, và người hỏi muốn chất vấn nội dung mệnh đề đó (vì thế mà gọi là câu hỏi siêu ngôn ngữ); trong khi ở câu hỏi tổng quát “Nó có đi chơi không?” không có tiền giả định như vậy.

Tuesday 6 December 2011

"Thật", "đúng" và "quả"


“Thật ra”, “đúng ra” và “đúng hơn”

“Thật ra”
Thật ra, có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trong câu, là một phương tiện đắc dụng để giữ thể diện cho người đối thoại trong khi điều chỉnh phát ngôn của người đó, hoặc trong khi đính chính một nhận định tồn tại mặc nhiên (người nói cho là đã tồn tại) cho đến thời điểm nói, hoặc trong khi đưa ra một nhận định bất đồng/đối nghịch với ý kiến của người đối thoại. Ví dụ:

(1)   A:     – Cái áo này ba trăm là rẻ.
       B:      – Thật ra, cũng không rẻ lắm đâu!
(2)   A:     – Anh Nam có vẻ hào phóng quá!
       B:      – Thật ra, anh ấy ra vẻ như vậy thôi.
(3)   A:    – Chị Hà vừa mua cái máy tập thể dục đấy!
       B:    – Thật ra, tập ở công viên vẫn hiệu quả hơn.
(4)   (Thấy anh chồng ở nhà hàng xóm thô bạo với cô vợ) A nói với B:
     – Thật ra, cô vợ cũng quá quắt lắm!

Monday 5 December 2011

Nói thêm về "...à?"/"...hả?" và "...sao?"


Bài viết trước TV có phân tích rất rõ về sự khác nhau của à?, chứ?sao?. Nhìn chung các phân tích ấy đều xác đáng. Phạm vi phân tích của tác giả rất rộng, bao hàm các tình huống giao tiếp có và không có phát ngôn đi trước, đặc biệt nói nhiều đến tình huống suy đoán qua ngữ cảnh. Bài viết này xin được nói thêm về các từ à/hả?sao? trong phạm vi một cặp thoại, hay nói cách khác, trong phạm vi cái cho sẵn do phát ngôn đi trước thiết lập.
Trong phạm vi này, sự khác nhau giữa à/hả?sao? có thể xét ở 3 biểu hiện:

Sunday 4 December 2011

"...à?", "...chứ?", và "...sao?"


     Sự khác biệt giữa các câu hỏi dùng những từ trên rất lớn, không thể lẫn lộn.


1.
Câu hỏi à? (hay hả?) được dùng để yêu cầu xác nhận một sự tình mà người hỏi đã nhận biết hoặc đã phán đoán theo một căn cứ nào đó.


     (1) Hôm nay chị nghỉ làm à?
     (2) Anh đau bụng à?


Chỉ hỏi được như vậy khi người hỏi thấy đã đến giờ đi làm mà "chị" không chuẩn bị, thấy "anh" đang ôm bụng nhăn nhó.

"Mặc dù" và "Dù"



        Trong tiếng Việt có hai loại câu rất gần nhau, nhiều người không phân biệt: mặc dù/tuy.

Friday 2 December 2011

"Tự" và "lấy"


Trong tiếng Việt có hai từ đánh dấu sự liên quan của chủ thể trong một hành động có chủ ý. Hai từ này khác nhau, nhưng thường đi chung với nhau, và không hiếm khi thay thế cho nhau. Đó là tựlấy.
(1)  Chuyện đó tôi tự giải quyết.
(2)  Chuyện đó tôi tự giải quyết lấy.
(3)  Chuyện đó tôi giải quyết lấy.

Wednesday 30 November 2011

Khi nào "quyển" không cần "sách"?


Từ chỉ loại (= danh từ chỉ loại, loại từ, danh từ đơn vị) trong tiếng Việt thường được diễn giải như là một nhóm các từ đi kèm với những danh từ “bình thường” cùng một vài quy tắc ngữ pháp đại loại như:
a) Nó buộc phải có mặt trong một danh ngữ có chứa số từ (vd ba con chó) hoặc trong một danh ngữ mà trong đó danh từ đóng vai trò là thành tố chính (theo quan điểm truyền thống) được xem như đã được xác định (vd con chó này, người đàn ông anh nói chuyện hôm qua, quyển sách của tôi...)
b) Nó không được có mặt khi danh từ mà nó đi kèm chưa được xác định (vd Tôi thích ăn táo chứ không phải là Tôi thích ăn trái táo).

"Xanh xanh" là "hơi xanh"?

Trong tiếng Việt có 3 trường hợp lặp từ rất đáng suy nghĩ.

(1) nhà nhà, người người, nơi nơi, đêm đêm, sáng sáng, chiều chiều, tối tối, v.v..; với nghĩa chung là "mỗi" hay "mọi".
Hình thức lặp này thật ra không ứng dụng cho tất cả danh từ, hay nói đúng hơn, chỉ ứng dụng cho một số danh từ nhất định - cái dấu hiệu v.v. ở trên có lẽ chỉ có thể thay cho vài ba trường hợp nào đó mà tôi chưa nghĩ thêm.

(2) chạy chạy, đập đập, rung rung, lắc lắc, gõ gõ, nhịp nhịp, v.v.; với nghĩa chung là thể (aspect) - có lẽ là thể lặp (iterative) và dĩ nhiên có tính thời đoạn (durative).

Tuesday 29 November 2011

"Em ấy"!!!

Sống mấy mươi năm, và đọc sách ít hơn mấy năm, nhưng thảng hoặc tôi mới nghe "em ấy" được dùng để chỉ vai nhỏ, ngôi thứ ba. Thật ra, tôi chỉ nghe đôi lần ở lời thoại trong một vài bộ phim truyền hình vốn không được đánh giá cao lắm. Nhưng gần đây thì tôi bắt gặp "em ấy" khá nhiều ở một vài cuốn sách dạy tiếng Việt (cho người nước ngoài) và ở cửa miệng của một số thầy cô dạy tiếng - và dĩ nhiên ở nhiều học trò của họ.

Từ xưng hô! (2)

Nhiều nhà nghiên cứu và nhiều người dạy tiếng Việt cho người nước ngoài có vẻ rất thích thú khi có cơ hội được giải thích hệ thống từ xưng hô tiếng Việt. Dường như, với họ, trong cái phức tạp và 'tùy biến' của từ xưng hô tiếng Việt có một cái gì đó rất đáng tự hào và cần phải quảng bá!

Có một nguyên tắc lớn của việc dạy và học ngoại ngữ: học để dùng chứ không phải học để biết (dĩ nhiên, luôn có ngoại lệ). Điều vừa nói có vẻ nghịch lý, nhưng kỳ thực nó chi phối liều lượng từ vựng mà người dạy cung cấp cho người học.
Khi người nước ngoài học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, họ muốn sử dụng để giao tiếp với tư cách cá nhân họ; tức là một anh Kim, một chị Marie nào đó dùng tiếng Việt để nghe và nói với một người bạn, một cộng sự, một đối tác người Việt.
Vậy thì vốn từ bậc một mà họ cần sẽ là anh (ấy), chị (ấy), cô (ấy), ông (ấy), bà (ấy), họ,   và tôi.
Sau đó, bậc hai sẽ là chú, bác, ngài.
Còn lại sẽ là bậc ba: dì, dượng, cậu, mợ, v.v.
Vốn từ bậc ba chỉ cần đến khi người nước ngoài tham gia vào sinh hoạt của một gia đình Việt; nó không thể có tư cách ngang hàng với bậc một.
Cung cấp từ vựng có định hướng như vậy là hợp lý và tiết kiệm.

Từ xưng hô! (1)

Nhớ GS Cao Xuân Hạo, lúc sinh thời, có lần ông nói nửa đùa nửa thật, đại khái là "Anh nào mới bước vào nghiên cứu ngôn ngữ học hay tiếng Việt cũng 'nhăm nhe' một vài đề án... cải cách chữ Quốc ngữ!".
 Hình như chữ Quốc ngữ có nhiều khiếm khuyết đến nỗi ai cũng muốn cải cách nó!
Cho đến gần đây, rất gần đây (11/2011) cũng vậy!


Tôi nhớ GS Hạo là vì trong hai tháng nay tôi đã đọc được khoảng một chục bài của những nhà ngôn ngữ học tương lai bàn về... từ xưng hô trong tiếng Việt! Từ xưng hô tiếng Việt với đủ chiêu so sánh (với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, v.v. và v.v.) và dưới đủ góc độ (ngữ pháp, ngữ dụng, văn hóa, v.v.).
Hình như từ xưng hô trong tiếng Việt cũng chứa lủ khủ các vấn đề về ngôn ngữ học.
Hay nó là đỉnh cao của sự giàu và sự đẹp của tiếng Việt chăng?

Mục đích

Chúng tôi lập blog này là để ghi chép những suy nghĩ của mình về tiếng Việt.
Ghi chép để nhớ, để trao đổi và để suy nghĩ thêm.
Cũng có thể chúng tôi sẽ đăng những bài viết về tiếng Việt mà chúng tôi có được, của mình hoặc của bạn bè, đồng nghiệp.
Cũng có thể từ blog này chúng tôi sẽ gửi đến những ai cần một số tài liệu về tiếng Việt, về ngôn ngữ học mà chúng tôi góp nhặt được.