Thursday 19 December 2013

THẾ - VẬY


      Trong việc tiếp nhận tiếng Việt như một ngoại ngữ, đại từ là một hệ thống khó nắm bắt đối với người nước ngoài, đặc biệt là các đại từ có khả năng sử dụng đa dạng như thế/ vậy. Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích thế/ vậy dưới góc độ thực hành tiếng, nghĩa là trình bày các biểu hiện hình thức của nó để từ đó rút ra những nhận xét có tính nguyên tắc trong việc dạy tiếng. Chúng tôi tiếp cận thế/ vậy ở hai biểu hiện: thế/ vậy dùng trong liên kết câu (hồi chỉ cái đã đề cập trước đó trong văn bản) và thế/ vậy dùng trong liên kết tình huống (chỉ cái đã biết trong tình huống thực tế chứ không có mặt trong văn bản).

1. Thế/ Vậy trong liên kết câu
Trong một văn bản hoàn chỉnh, các câu liên kết với nhau bằng các phương tiện liên kết. Các phương tiện liên kết này, tuỳ vào chức năng, được các nhà ngữ học phân chia thành nhóm hồi chỉ, nhóm khứ chỉ và nhóm liên từ cấp câu [1,191]. Thế/ vậy là hai đại từ thuộc nhóm hồi chỉ, thường được sử dụng để thay cho một thành phần câu, một câu, thậm chí thay cho cả đoạn văn trước đó.
Hồi chỉ (anaphora) là chỉ những gì đã được phát ngôn ở lượt lời (của một trong hai bên giao tiếp) hoặc những gì đã được thể hiện ở văn cảnh đi trước. Trong tiếng Việt, từ ngữ hồi chỉ phần lớn do các yếu tố chỉ xuất (demonstrative) đảm nhiệm, bao gồm đại từ và tính từ.(1) Về hình thức, trong khi đa số đại từ khác chỉ có thể thay thế cho một danh từ/ ngữ để hồi chỉ chẳng hạn một nhân/ vật (nó, hắn, y), một vị trí/ không gian (đấy, đó), thì thế/ vậy có khả năng thay thế rộng nhất, và phạm vi hồi chỉ của nó cũng rất đặc thù.

Sunday 24 November 2013

VỊ TỪ CẢM GIÁC



     Vị từ cảm giác thường được nhắc đến trong nhóm vị từ cảm nghĩ, thậm chí trong nhóm cảm nghĩ-nói năng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, những công trình có liên quan rất ít, thậm chí có công trình hầu như không dành cho vị từ cảm giác một dòng nào; những luận giải và dẫn chứng thường chỉ dựa trên những vị từ cảm xúc, tình cảm hoặc nhận thức.
      Trong bài này chúng tôi sẽ trình bày một vài nhận xét về ngữ nghĩa của vị từ cảm giác dựa trên cái nhìn chức năng luận.
1.    Theo cách hiểu thông thường, cảm giác là phản ứng có tính chất sinh lý của cơ thể sống, trước hết là con người, trước một tác động ngoại cảnh hoặc một biến đổi bên trong cơ thể. Khi chúng ta thực hiện hành động sờ vào một vật nhọn hoặc sắc, cơ quan xúc giác của chúng ta sẽ tiếp nhận tín hiệu và truyền về trung khu thần kinh và chúng ta ngay lập tức nhận biết cái nhọn, cái sắc của vật ấy vì ngón tay của chúng ta nhói, đau, buốt. Nhọn, sắc ở đây là tính chất của cái đối tượng mà ta vừa tiếp xúc, còn nhói, đau, buốt chính là cảm giác mà chúng ta vừa có được. Như vậy, về mặt ngôn ngữ, có thể có hai phát ngôn sau:
(1).                      a. Nhọn quá!
                      b. Đau quá!

Tuesday 22 October 2013

VỊ TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT


 
Tri giác là một năng lực khách quan của động vật nói chung, con người nói riêng. Nó gắn với hoạt động của các cơ quan cảm giác (ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác). Do vậy, các vị từ tri giác đòi hỏi chủ thể tri giác phải là một thực thể người hoặc động vật [+animate], hoặc một vật thể nào đó được người nói gán cho năng lực tri giác (nhân hoá).
Trong các tài liệu nghiên cứu tiếng Việt trước đây, vị từ tri giác đã được một số tác giả đề cập ở góc độ từ vựng (tiêu biểu là Nguyễn Kim Thản 1977) và ngữ nghĩa-cú pháp (tiêu biểu là Cao Xuân Hạo 1991).  Nguyễn Kim Thản xếp vị từ tri giác vào nhóm “động từ cảm nghĩ – nói năng” vì “những động từ này biểu thị sự hoạt động của trí não, của các cơ quan cảm giác và ngôn ngữ” (NKThản 1977: 158). Cao Xuân Hạo nhắc đến vị từ tri giác khi bàn về hành động vô tác, và cho rằng một vị từ tri giác, chẳng hạn như nhìn, biểu thị một quá trình ứng xử, có hai diễn tố (hành thể và mục tiêu). Tuy nhiên, nội dung vấn đề tác giả đưa ra vẫn còn rất sơ lược.

Saturday 21 September 2013

Về tính phản bác của "Ai mà không biết"


                                                                       (Đây là một góc nhìn khác về "Ai mà không biết")




Ai mà... là một cấu trúc nghi vấn có ý nghĩa phủ định nằm trong loạt câu nghi vấn phủ định trong tiếng Việt như làm sao mà…, có bao giờ…, có mấy khi..., thiếu gì…, sợ gì…, lo gì…, làm gì…, v.v., rất hay được sử dụng khi người nói muốn phản bác hoặc phủ nhận nội dung được diễn đạt bằng một ngữ vị từ hoặc một tiểu cú đi kèm; hay nói cách khác là nó biểu thị thái độ âm tính (hay tiêu cực) của người nói khi phát ngôn.
Ai mà không… là dạng phủ định của Ai mà…và tất nhiên nó cũng được xem là cấu trúc nghi vấn nhưng vì nó là phủ định của phủ định nên nó (trái với Ai mà) thường được xem là một biểu thức có ý nghĩa khẳng định mạnh (“Ai mà không thích” → “Ai cũng thích” → “(Chắc chắn) Tôi (cũng) thích”).
Tuy nhiên, trong hội thoại, khi đặt trong quan hệ với một phát ngôn đi trước của người đối thoại, Ai mà không… có những biểu hiện đáng chú ý mà trước hết là ý nghĩa phản bác âm tính mạnh của nó.
Trong bài viết này chúng tôi sẽ thử phân tích những biểu hiện của biểu thức Ai mà không biết để làm rõ tính phản bác âm tính của nó, và từ đó tìm ra cơ chế hành chức của những biểu thức tương tự.

Thursday 22 August 2013

ĐÂU? hay Ở ĐÂU?



     Trong tiếng Việt, người ta thường dùng “... ở đâu?” khi hỏi vị trí của một hoạt động (họp ở đâu? sống ở đâu? làm ở đâu?, v.v.) và dùng “... đâu?” khi hỏi đích/hướng của sự di chuyển (đi đâu? đến đâu? về đâu? sang đâu?, v.v.).
     Như vậy, ở một số trường hợp có hai cấu trúc ngữ nghĩa và ngữ pháp khác nhau – dù rất gần nhau.

1.
(1) Chiều nay mình đi chơi ở đâu?
(2) Chiều nay mình đi chơi đâu?
     Ở câu (1) ở đâu có quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa với chơi, trong khi ở (2) đâu có quan hệ với đi. Vì vậy, câu (1) có thể viết lại “Chiều nay mình chơi ở đâu?” và câu (2) “Chiều nay mình đi đâu chơi?” mà ý nghĩa không thay đổi. (Như vậy, hai phát ngôn “Họ đi du lịch Thái Lan” và “Họ đi du lịch Thái Lan” cũng có khác biệt tương tự).

Monday 22 July 2013

LUÔN


      Luôn là một từ khó, có nhiều biểu hiện ngữ nghĩa khác nhau. Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1995), luôn được định nghĩa như sau: 1. Một cách lặp lại nhiều lần hoặc liên tiếp không ngớt. Đến thăm nhau luôn. 2. Một cách không ngừng hoặc gần như đồng thời, không để có sự gián đoạn. Viết luôn một lúc mấy lá thư. 3. Liền ngay tức thời (sau sự việc có liên quan). Nói xong, làm luôn. 4. Không phải chỉ có tính chất nhất thời, trong một thời gian, mà suốt từ đó về sau là như thế. Nó bỏ làng đi luôn không về nữa.
Về cơ bản, một số tài liệu khác cũng trình bày nghĩa của luôn tương tự.
Những nét nghĩa của luôn diễn giải như trên nói chung là chưa giúp đối lập luôn với những từ có nghĩa gần gũi. Chẳng hạn, với nghĩa 1 luôn có thể thay bằng liên tục, thường xuyên; với nghĩa 2 luôn có thể thay bằng liên tục, liền, ngay; với nghĩa 3 luôn có thể thay bằng liền, ngay; với nghĩa 4 luôn có thể thay bằng mãi, hẳn. Nếu hình dung ngữ nghĩa của luôn rời rạc như vừa nói sẽ dễ dàng đồng nhất luôn với các từ/ngữ có thể thay thế cho nó; và hệ quả là chúng ta có một tập hợp các khả năng “đồng nghĩa” rất đáng ngờ - một hiện tượng khó chấp nhận về mặt lý thuyết. Hơn nữa, theo ngữ liệu mà chúng tôi thu thập được từ một số tác phẩm văn chương, và từ khẩu ngữ tự nhiên (ghi âm) thì luôn còn một vài biểu hiện khác mà Từ điển tiếng Việt (TĐTV) chưa đề cập, không thể thay bằng các từ/ngữ nói trên; và nếu bổ sung những biểu hiện này vào từ điển thì sự rời rạc và bất cập vừa nói lại càng lộ rõ hơn.
Trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ phân tích ngữ nghĩa của luôn dựa trên tiền đề rằng ngữ nghĩa của một từ (thường là “hư từ”) bao giờ cũng được hình thành trên một cơ sở nhận thức thống nhất, liên quan đến cách nhận thức thực tại của người bản ngữ. Theo đó, các nét nghĩa của luôn có thể được nhận thức như là các biểu hiện của cùng một nội dung ngữ nghĩa ở mức độ cơ sở của nó (semantic primitives, Wierzbicka 1996); và chính điều này làm cho nó khu biệt với các khả năng thay thế có tính chất tình huống của những đơn vị từ vựng khác.

Monday 1 July 2013

BỘ...?




     Trong khẩu ngữ Nam bộ có một từ bộ dùng như sau:

Tình huống: Thấy một người bạn hớp một hớp trà rồi lắc đầu, người ta có thể hỏi:

(1) Bộ anh không thích à?

(2) Bộ trà không ngon sao?

   Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (2003) không đề cập từ bộ này, còn Từ điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín (2007) thì có đề cập, nhưng giải thích không đúng.

Wednesday 1 May 2013

TRÁI (LẠI) – NGƯỢC (LẠI) – ĐỔI (LẠI) – BÙ (LẠI)

            Trái, ngược, đổi, là những vị từ “bình thường”, có thể đóng vai trò vị từ trung tâm của phần thuyết/vị ngữ, và có thể làm phó từ khi xuất hiện sau một vị từ khác (Khả năng này rất hay thấy ở trái, ngược, hầu như không thấy ở đổi).
            Trái, ngược, đổi có thể kết hợp với phó từ lại để tạo thành một ngữ đoạn chuyên đóng vai trò trạng ngữ câu; trong đó, quan trọng nhất là trái lại  ngược lại.
Do nghĩa từ vựng của tráingược, nhìn chung các trạng ngữ này có vẻ như chuyên đánh dấu sự đối lập hay khác biệt giữa sự tình trước và sau nó, từ góc độ của người nói. Có thể xem đây là một trạng ngữ cảnh huống: sự tình đi trước tạo thành cảnh huống bất tương hợp cho sự tình theo sau, sự tình theo sau diễn ra trong cảnh huống bất tương hợp mà sự tình đi trước tạo ra.
            Trong đa số trường hợp, sự vắng mặt của loại trạng ngữ này không làm tổn hại gì đến nội dung của phát ngôn, vì trên thực tế sự bất tương hợp giữa hai sự tình đã được bảo đảm bằng chính ngữ nghĩa của các tiểu cú/câu biểu thị hai sự tình đó hoặc bằng liên từ nhưng, , còn. Như vậy, loại trạng ngữ này có lẽ cũng nên được xem là một thứ quán ngữ tình thái chủ quan, ít nhất là về ngữ nghĩa.
            Trong bài này, chúng tôi xuất phát từ trái (lại), từ đó đối chiếu với những trường hợp còn lại.

Khi không...



Tình cờ nghe tình khúc “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng.
Có hai câu rất đẹp:
-          Trời nắng hạ, khi không mà trở rét!
-          Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt, sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa?

Khi không... là một cách nói đã lâu lắm rồi mới được nghe lại, ít nhất là ở cái đất Sài Gòn này.
Khi không... giống như tự nhiên: “(khi) không có lý do”.
Người miền Nam thường dùng khi không hay tự nhiên để “bình” về một “sự” gì đó mà mình không biết sao lại xảy ra.
Có vẻ gì đó rất hồn nhiên, ngây thơ, chứ không “cứng nhắc” như những từ đã "hư" quá nhiều: bỗng/bỗng dưng/bỗng nhiên.

Wednesday 3 April 2013

CHÚ Ý – ĐỂ Ý – LƯU Ý – COI CHỪNG



CHÚ Ý
     Chú ý là một vị từ tri giác, với nghĩa là đặt hay hướng tâm trí vào một thực thể/hoạt động nào đó nhằm một mục đích hoặc vì một lý do nhất định.

(1) chú ý môn toán nhiều hơn các môn khác.
(2) Ở đó có nhiều người nhưng hắn chỉ chú ý cô gái áo vàng.
(3) Cô ấy chú ý mấy cái áo thêu kia hơn.
(4) Sự nhiệt tình của nó làm mọi người chú ý (đến nó).
(5) Báo cáo đó được chú ý nhất trong hội thảo.

     Chú ý là vị từ biểu hiện một hoạt động tinh thần (quá trình tinh thần) nhưng nó có những đặc trưng của một vị từ hành động ([+chủ ý] [+động]) vô tác.
(6) Nó đang chú ý nghe giảng.
(7) Đừng/Nên chú ý chuyện đó!
(8) Kiểu váy này đang được chú ý.
(9) Hắn bắt đầu chú ý đến gia đình chứ không còn cặp bè cặp bạn như trước nữa.

Tuesday 19 March 2013

ĐỔI – THAY – THẾ



ĐỔI
     Đổi là vị từ biểu hiện hành động hoặc quá trình bỏ cái này để lấy cái khác hoặc chuyển từ cái này sang cái khác (đó là những thực thể có thể tri giác được: vật, người, thiết chế, sản phẩm của quá trình tinh thần, tình cảm).

A.  Trong câu hành động, đổi có tác thể (người thực hiện hành động) làm đề/chủ ngữ, và có một hoặc hai đối thể (đối tượng bị tác động) làm bổ ngữ.
     Khi hai bổ ngữ cùng có mặt, có thể dễ dàng xác định đó là đối thể 1 (tạm gọi là “bị chuyển thể” – cái mà tác thể từ bỏ) hoặc đối thể 2 (tạm gọi là “chuyển thể” – cái mà tác thể nhận lấy) căn cứ vào các chỉ tố dẫn nhập như ra, thành, lấy, qua, sang.
     Ví dụ:
(1) đổi tờ 200 ngàn ra tiền lẻ.
(2) Học sinh phải đổi cấu trúc chủ động thành/qua/sang cấu trúc bị động.
(3) Người trúng giải không được đổi tặng phẩm lấy tiền.
(4) Ở nhiều nước, sau khi lấy chồng, phụ nữ phải đổi họ bố qua/sang họ chồng.
(5) Hắn gạ đổi tình lấy tiền.
(6) Các nhà tâm lý khuyên nên đổi tình yêu ra tình bạn.
  

Saturday 23 February 2013

Quên nữa, ...




Khẩu ngữ tiếng Việt có cách nói “quên nữa”, về ngữ pháp hoàn toàn không giống như ăn nữa, đi nữa, học nữa, v.v.. Chẳng hạn:

  • Chiều mai có cuộc họp lúc 2 giờ đấy. Bàn tiếp về cái đề án của ông Thăng. À, quên nữa, anh làm thư ký đấy!
Sau quên nữa phải có một phát ngôn bổ sung – điều đã bị quên trước đó.
Có lẽ đây là một cách nói ngắn của hai phát ngôn: 


      “Tôi quên. Còn (một điều/chuyện/việc) nữa: ...”

    
 Có điều lạ là quên nữa được phát âm với một ngữ điệu liên tục, cứ như là một ngữ đoạn có quan hệ ngữ pháp giữa hai thành tố vậy!

Còn hiện tượng nào như vậy nữa?


Saturday 16 February 2013

BỚT – GIẢM – ĐỠ – SÚT – SỤT



BỚT

     Bớt là vị từ biểu thị hành động/trạng thái thay đổi về lượng/mức độ để trở nên ít hơn, thấp hơn, nhẹ hơn.
1.
     Xét về mặt hình thức, bớt có thể đi trước danh ngữ, lượng ngữ hoặc vị ngữ.

(1) Món canh này bớt muối chắc ngon hơn.
(2) Em bớt lửa đi, không cháy đấy!
(3) Mấy bà nội trợ thích bớt tiền chứ không thích tặng quà.
(4) Tôi bớt (cho chị) năm ngàn đó. Lấy đi!
(5) Chị bớt một trái đi cho chẵn hai kí!
(6) Để quạt mạnh quá. Bớt lại một số đi.
(7) Con bớt đi chơi một chút là mẹ vui rồi.
(8) Dạo này nó bớt ăn, bớt ngủ nên trông gọn hơn.

Friday 25 January 2013

RƠI – RỚT – RỤNG




     1.      Cả ba từ rơi, rớt, rụng đều có nghĩa là di chuyển khỏi vị trí ban đầu thường theo hướng tử trên xuống. 


  • Theo nghĩa này, rơi (người Nam bộ dùng rớt chứ không dùng rơi) có thể xuất hiện trong mọi tình huống.


(1) Chiếc lá / Quả cam (từ trên bàn) rơi xuống đất.
(2) Cái ly rơi từ trên bàn xuống mà không vỡ.
(3) Cành cây gãy, nó rơi xuống đất. May là không sao!
(4) Cái túi bị rách nên đồng xu rơi ra ngoài.
(5) Nó cảm động đến rơi nước mắt.

  • Rớt có thể thay cho rơi trong tất cả các ví dụ trên mà không có sự thay đổi nào về ý nghĩa. Tuy nhiên, khi nói vể một điều trừu tượng (có vẻ như có liên quan đến số phận hoặc sự ngẫu nhiên) thì chỉ dùng rơi chứ không dùng rớt.

Saturday 5 January 2013

SỰ – VIỆC – CHUYỆN – ĐIỀU – CUỘC – CÁI

I.
            Sự, việc, chuyện, điều, cuộc, cái là những từ có mặt thường trực trong tiếng nói của người Việt. Ít có ai sử dụng sai những từ này; nhưng giải thích hay phân biệt rành mạch từ này với từ kia không phải là chuyện đơn giản.
            Nhằm mục đích dạy tiếng, chúng tôi thử đưa ra một cách phân biệt. Hy vọng “độ bao phủ” được chừng 70-80%.

     1.      Điều hiển nhiên là các từ trên là những danh từ “chính danh”, có thể tự làm thành một danh ngữ (nghĩa là nó hoạt động như một danh từ khối, không cần có định ngữ) để đảm đương một cương vị ngữ pháp (thường là bổ ngữ).

            Chẳng hạn: gây sự, vô sự, hữu sự; vào cuộc, ngoài cuộc, bỏ cuộc, thắng cuộc;việc, xong việc;chuyện, nhiều chuyện, kiếm chuyện; có điều (là), lắm điều, đặt điều, v.v..
            Nếu nhìn ở góc độ này thì cái khác hẳn, nó phải có định ngữ. Hay nói khác đi, cái là một danh từ đơn vị (loại từ) “thuần chất”, tuyệt nhiên không thể hoạt động như một danh từ khối.
(1) *Tôi không thích cái. (Ss: cái đó/cái màu xanh)
            Tuy nhiên, trong quá trình dạy tiếng, cách dùng này của các từ trên không gây nhầm lẫn.