Wednesday 30 November 2011

Khi nào "quyển" không cần "sách"?


Từ chỉ loại (= danh từ chỉ loại, loại từ, danh từ đơn vị) trong tiếng Việt thường được diễn giải như là một nhóm các từ đi kèm với những danh từ “bình thường” cùng một vài quy tắc ngữ pháp đại loại như:
a) Nó buộc phải có mặt trong một danh ngữ có chứa số từ (vd ba con chó) hoặc trong một danh ngữ mà trong đó danh từ đóng vai trò là thành tố chính (theo quan điểm truyền thống) được xem như đã được xác định (vd con chó này, người đàn ông anh nói chuyện hôm qua, quyển sách của tôi...)
b) Nó không được có mặt khi danh từ mà nó đi kèm chưa được xác định (vd Tôi thích ăn táo chứ không phải là Tôi thích ăn trái táo).

"Xanh xanh" là "hơi xanh"?

Trong tiếng Việt có 3 trường hợp lặp từ rất đáng suy nghĩ.

(1) nhà nhà, người người, nơi nơi, đêm đêm, sáng sáng, chiều chiều, tối tối, v.v..; với nghĩa chung là "mỗi" hay "mọi".
Hình thức lặp này thật ra không ứng dụng cho tất cả danh từ, hay nói đúng hơn, chỉ ứng dụng cho một số danh từ nhất định - cái dấu hiệu v.v. ở trên có lẽ chỉ có thể thay cho vài ba trường hợp nào đó mà tôi chưa nghĩ thêm.

(2) chạy chạy, đập đập, rung rung, lắc lắc, gõ gõ, nhịp nhịp, v.v.; với nghĩa chung là thể (aspect) - có lẽ là thể lặp (iterative) và dĩ nhiên có tính thời đoạn (durative).

Tuesday 29 November 2011

"Em ấy"!!!

Sống mấy mươi năm, và đọc sách ít hơn mấy năm, nhưng thảng hoặc tôi mới nghe "em ấy" được dùng để chỉ vai nhỏ, ngôi thứ ba. Thật ra, tôi chỉ nghe đôi lần ở lời thoại trong một vài bộ phim truyền hình vốn không được đánh giá cao lắm. Nhưng gần đây thì tôi bắt gặp "em ấy" khá nhiều ở một vài cuốn sách dạy tiếng Việt (cho người nước ngoài) và ở cửa miệng của một số thầy cô dạy tiếng - và dĩ nhiên ở nhiều học trò của họ.

Từ xưng hô! (2)

Nhiều nhà nghiên cứu và nhiều người dạy tiếng Việt cho người nước ngoài có vẻ rất thích thú khi có cơ hội được giải thích hệ thống từ xưng hô tiếng Việt. Dường như, với họ, trong cái phức tạp và 'tùy biến' của từ xưng hô tiếng Việt có một cái gì đó rất đáng tự hào và cần phải quảng bá!

Có một nguyên tắc lớn của việc dạy và học ngoại ngữ: học để dùng chứ không phải học để biết (dĩ nhiên, luôn có ngoại lệ). Điều vừa nói có vẻ nghịch lý, nhưng kỳ thực nó chi phối liều lượng từ vựng mà người dạy cung cấp cho người học.
Khi người nước ngoài học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, họ muốn sử dụng để giao tiếp với tư cách cá nhân họ; tức là một anh Kim, một chị Marie nào đó dùng tiếng Việt để nghe và nói với một người bạn, một cộng sự, một đối tác người Việt.
Vậy thì vốn từ bậc một mà họ cần sẽ là anh (ấy), chị (ấy), cô (ấy), ông (ấy), bà (ấy), họ,   và tôi.
Sau đó, bậc hai sẽ là chú, bác, ngài.
Còn lại sẽ là bậc ba: dì, dượng, cậu, mợ, v.v.
Vốn từ bậc ba chỉ cần đến khi người nước ngoài tham gia vào sinh hoạt của một gia đình Việt; nó không thể có tư cách ngang hàng với bậc một.
Cung cấp từ vựng có định hướng như vậy là hợp lý và tiết kiệm.

Từ xưng hô! (1)

Nhớ GS Cao Xuân Hạo, lúc sinh thời, có lần ông nói nửa đùa nửa thật, đại khái là "Anh nào mới bước vào nghiên cứu ngôn ngữ học hay tiếng Việt cũng 'nhăm nhe' một vài đề án... cải cách chữ Quốc ngữ!".
 Hình như chữ Quốc ngữ có nhiều khiếm khuyết đến nỗi ai cũng muốn cải cách nó!
Cho đến gần đây, rất gần đây (11/2011) cũng vậy!


Tôi nhớ GS Hạo là vì trong hai tháng nay tôi đã đọc được khoảng một chục bài của những nhà ngôn ngữ học tương lai bàn về... từ xưng hô trong tiếng Việt! Từ xưng hô tiếng Việt với đủ chiêu so sánh (với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, v.v. và v.v.) và dưới đủ góc độ (ngữ pháp, ngữ dụng, văn hóa, v.v.).
Hình như từ xưng hô trong tiếng Việt cũng chứa lủ khủ các vấn đề về ngôn ngữ học.
Hay nó là đỉnh cao của sự giàu và sự đẹp của tiếng Việt chăng?

Mục đích

Chúng tôi lập blog này là để ghi chép những suy nghĩ của mình về tiếng Việt.
Ghi chép để nhớ, để trao đổi và để suy nghĩ thêm.
Cũng có thể chúng tôi sẽ đăng những bài viết về tiếng Việt mà chúng tôi có được, của mình hoặc của bạn bè, đồng nghiệp.
Cũng có thể từ blog này chúng tôi sẽ gửi đến những ai cần một số tài liệu về tiếng Việt, về ngôn ngữ học mà chúng tôi góp nhặt được.