Sunday 5 July 2015

HÃY...! và ...ĐI!



1.  Ở nhiều thứ tiếng, chẳng hạn tiếng Latin, tiếng Anh([1]), câu mệnh lệnh thuộc một thức ngữ pháp (imperative mood), phân biệt với những phát ngôn thuộc thức trần thuật (indicative) và thức giả định (subjunctive). Dĩ nhiên, cấu trúc trần thuật, bao gồm cả cấu trúc nghi vấn, cũng có thể có lực ngôn trung (illocution force) như một phát ngôn thuộc thức mệnh lệnh.
     Trong đa số các sách ngữ pháp tiếng Việt, thuật ngữ "câu mệnh lệnh" (hay "câu cầu khiến", "câu sai khiến", "câu khuyến lệnh") nằm trong sự phân biệt với "câu trần thuật" (hay "tường thuật"), "câu nghi vấn" và "câu cảm thán" – bốn loại câu phân loại theo “mục đích phát ngôn”([2]). Theo đó, câu mệnh lệnh được hiểu là một phát ngôn tác động trực tiếp vào người nghe, nhằm làm người nghe thực hiện một hành động được nêu trong nội dung phát ngôn đó.
     Tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, có nhiều phương thức diễn đạt “mệnh lệnh”; trong đó hãyđi có thể xem là hai chỉ tố từ vựng nổi bật. Người nói sử dụng hãyđi để hiển ngôn trực tiếp hành động yêu cầu; người nghe (có khi bao gồm cả người nói) ở vào tình thế phải thực hiện yêu cầu đó. Chẳng hạn:
(1) Em hãy trình bày ý nghĩa lịch sử của cách mạng Pháp!
(2) Cuộc họp kết thúc. Chúng ta hãy trở về làm việc!
(3) Con khóa cửa đi!
(4) Em ăn đi!

Saturday 9 May 2015

Ngữ nghĩa của "nếu"

Câu điều kiện tiếng Việt từ trước đến nay thường chỉ được đề cập thoáng qua trong các sách ngữ pháp với tư cách là một tiểu loại của câu ghép chính phụ. Do chưa được xem trọng nên – so với tiếng Anh, tiếng Nhật chẳng hạn – nhiều vấn đề của nó vẫn chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa. Hơn nữa, trong nhiều tài liệu, câu điều kiện (hay điều kiện-kết quả) lại được đặt song hành với các kiểu câu nguyên nhân (hay nguyên nhân-kết quả), câu nhượng bộ, câu tăng tiến, v.v. lại càng làm cho nội dung ngữ nghĩa của câu điều kiện trở nên khó hình dung và mang tính biệt lập([1]).
Do ngoại diên quá rộng của khái niệm “câu điều kiện”, để tránh nhầm lẫn, trong bài này chúng tôi chủ yếu chỉ bàn đến cấu trúc có nếu, thường có dạng Nếu P thì Q (và để tiện trình bày, một số chỗ chúng tôi sẽ gọi tắt là “cấu trúc/biểu thức nếu”). Chúng tôi sẽ nhìn nhận lại biểu hiện của hai nét nghĩa cơ bản nhất là nhân quả và giả định của nếu – thường được các sách ngữ pháp cho là chỉ tố tiêu biểu của câu điều kiện. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về ngữ nghĩa của câu điều kiện tiếng Việt.

QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN



QUAN HỆ NHÂN QUẢ VÀ CÂU ĐIỀU KIỆN[1]


1.         Câu điều kiện (conditionals) và câu nguyên nhân (causals) thường được trình bày trong các sách ngữ pháp nhà trường (ngữ pháp “truyền thống”) như là hai kiểu câu không hề có sự liên quan gì về ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay từ những mô hình câu điều kiện mang tính hình thức này, đã từ lâu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng quan hệ điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên rất khác với quan hệ điều kiện trong logic học. Và cái làm nên sự khác nhau đó chính là quan hệ nhân quả hàm chứa trong câu điều kiện của ngôn ngữ tự nhiên. Nhờ phát hiện này, câu nguyên nhân và câu điều kiện trở nên rất gần gũi về ý nghĩa: giữa hai mệnh đề tạo câu cùng tồn tại mối quan hệ nhân quả.
Và trong một chừng mực nào đó có thể nói rằng phát hiện về tính nhân quả là một nỗ lực của các nhà ngôn ngữ nhằm bổ sung cho thuyết hàm chân ngụy, nhằm góp phần giải thích ý nghĩa câu điều kiện trong ngôn ngữ tự nhiên.
       

Tuesday 7 April 2015

CÁCH SỬ DỤNG DANH TỪ ĐƠN VỊ TIẾNG VIỆT



1. Dẫn nhập
Trong mươi năm gần đây, cùng với quá trình dạy tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ thứ hai, có rất nhiều vấn đề lộ ra, cho thấy ngữ pháp tiếng Việt chưa thật sự được lập thức một cách đầy đủ và hệ thống. Loại từ là một trong những vấn đề như thế. Có thể nói, đối với người nước ngoài, đây là một thách thức lớn đeo đẳng họ từ những giờ đầu tiên theo học đến khi họ được xem là thành thạo tiếng Việt.
Thật ra, danh từ đơn vị là một trong những khái niệm ngữ pháp được rất nhiều nhà nghiên cứu tập trung khảo sát (Nguyễn Tài Cẩn, Lý Toàn Thắng, Hồ Lê, Trần Đại Nghĩa, Vũ Đức Nghiệu, Cao Xuân Hạo, v.v.) với tên gọi “từ chỉ loại”, “danh từ chỉ loại”, “danh từ đơn thể”, (và phổ biến nhất là) “loại từ”; và diện mạo của nó ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Đặc biệt, với hàng loạt công trình trong những năm 1990, Cao Xuân Hạo đã đứng hẳn trên bình diện ngữ pháp để xử lý danh từ đơn vị trong khuôn khổ của một cấu trúc danh ngữ, dù rằng quan niệm của ông có nhiều điểm vẫn còn đang tranh cãi [5] [7].

Wednesday 4 February 2015

Sắc thái âm tính của “Ai mà không biết!”



       Ai mà... là một cấu trúc nghi vấn có ý nghĩa phủ định nằm trong loạt câu nghi vấn phủ định trong tiếng Việt như làm sao mà…, ở đâu ra…, có bao giờ…, có bao nhiêu…, có mấy khi..., thiếu gì…, còn gì… , sợ gì…, lo gì…, làm gì…, cần gì..., v.v., rất hay được sử dụng khi người nói muốn phản bác, đính chính, hoặc bày tỏ sự ngờ vực, sự không hài lòng của mình; hay nói cách khác là nó biểu thị thái độ âm tính (hay tiêu cực) của người nói, đối với một phát ngôn trước đó của người đối thoại.
Về logic, Ai mà không... tương tự như Ai cũng…, cả hai đều diễn đạt một phán đoán tổng quát. (Đúng ra, “Ai mà không...?” mang hình thức một câu hỏi tổng quát). Tuy nhiên, giữa nó và Ai cũng tồn tại một khác biệt cơ bản về sắc thái: Ai mà không là một cấu trúc âm tính trong khi Ai cũng trung tính.