Saturday 22 April 2023

CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA, NGỮ PHÁP CỦA TỪ “LÀM”

 

LÀM là một vị từ có tần số sử dụng cao và xuất hiện trong những bối cảnh rất rộng. Nó có thể hoạt động như một thứ đại vị từ (proform) hoặc vị từ nguyên sinh/sơ cấp (primitive verb): nó được dùng để miêu tả những hành động, quá trình (sử dụng năng lượng) vốn được diễn đạt bằng nhiều vị từ khác. Chẳng hạn, với phát ngôn “Nam xé tờ báo”, người ta có thể đặt câu hỏi thăm dò “Nam làm gì (với) tờ báo?”; nhưng với “Nam làm rách tờ báo”, “Nam làm báo” người ta không thể đặt câu hỏi “Nam làm gì với tờ báo?”, “Nam gì (với) báo?” mà không mang tính siêu ngôn ngữ.

Về từ vựng, có lẽ do tính chất “rộng khắp” (ubiquituos) của nó, vị từ LÀM khá “mơ hồ” về ngữ nghĩa: LÀM khó có thể được miêu tả bằng các thành tố ngữ nghĩa như những vị từ đi, chạy, ăn, v.v. mà phải được diễn giải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau (kể cả yếu tố ngoài ngôn ngữ). Chẳng hạn: “làm câu hỏi số 3” có thể hiểu là trả lời, cũng có thể hiểu là đưa ra câu hỏi số 3; “làm cốc nước cam” có thể hiểu là tạo ra, cũng có thể hiểu là uống cốc nước cam, “làm cơm” không thể hiểu đơn giản là những hành động/thao tác như “nấu cơm”, “chiên cơm”, v.v.. Nếu so với hành động “nhổ cỏ”, “cắt cỏ”, “chiên bánh”, “pha trà” thì “làm cỏ”, “làm bánh”, “làm trà” khá mơ hồ về nghĩa từ vựng: LÀM không cho biết thông tin rõ ràng về thao tác, công cụ, phương thức, thậm chí cả đối tượng hành động. Trong thực tế nói năng, LÀM có khả năng sản sinh rất cao: “làm án”, “làm chương trình”, “làm nghề”, “làm luật”, v.v.. Nói chung, nội hàm của LÀM khá hẹp, và do vậy ngoại diên của nó hết sức rộng, được diễn giải dựa vào những thành phần lân cận.([1])

            Có lẽ chính vì khả năng hành chức đặc biệt của nó, LÀM được xem là (một trong những) vị từ gây khiến điển hình. Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ miêu tả khung ngữ nghĩa của LÀM cùng những đặc trưng ngữ pháp có liên quan mà chưa thảo luận về những biểu hiện của nó trong cấu trúc gây khiến.

1. LÀM: vị từ hành động chuyển tác

1.1. Trước hết, LÀM là một vị từ hành động tạo tác, có cấu trúc khung vị ngữ: [NP1 - LÀM - NP2], trong đó NP1 là danh ngữ làm Đề, biểu thị Tác thể (hoặc Lực); NP2 là danh ngữ làm bổ ngữ, biểu thị sản phẩm của quá trình tạo tác, gọi là Tạo thể.

(1)  Chị tôi làm cái bánh này cho mẹ tôi.

(2)  Bà Năm làm giò chả để bán.

(3)  Trời làm mưa, làm gió.

Về ngữ nghĩa, không phải chủ thể của LÀM luôn luôn là người trực tiếp hành động và tạo ra sản phẩm. Chẳng hạn:

(4)  Bố tôi làm cái bàn này cho con ngồi học.

(5)  Bố tôi làm căn nhà này khi mới ra riêng.

Ở hai câu này, tùy vào ngữ cảnh sẽ có hai cách hiểu: “bố tôi” là người trực tiếp dùng “lực” (energy) của mình để tạo ra “sản phẩm”, nhưng cũng có thể người thợ nào đó làm ra (“bố tôi” là người dùng lực gián tiếp). Đây là hiện tượng hoán dụ rất phổ biến: chủ sở hữu hoặc kẻ khởi xướng, kẻ chịu trách nhiệm được xử lý như tác thể khi tác thể “chính danh” không nổi trội về mặt ngữ nghĩa (và không hiện diện trên hình thức). Với người bản ngữ, không có gì khó khăn trong việc hiểu phát ngôn.([2])

NP2 có thể chuyển vị trái làm Đề, hoặc tỉnh lược – khi đã biết trong ngữ cảnh. Nhưng lúc này, Đề (NP2) thường là một danh ngữ được đánh dấu xác định (như câu (6) dưới đây), nếu không thì cần có mặt một phụ ngữ (yếu tố E (extension) mở rộng nào đó) để phát ngôn đủ tự nhiên (câu (7), (8)) hoặc đề được thể hiện là đề tương phản (câu (9)).

(6)  Món giò này chị tôi làm.      

(7)  Giò chị tôi làm cho mẹ tôi.

(8)  Giò chị tôi làm để bán.

(9)  Giò (thì) chị tôi làm.

Cấu trúc: NP1 - LÀM - NP2 NP2 - LÀM - NP1 - E (thành phần mở rộng)

Ở cách dùng gọi là khiển cách (ergative), khi NP1 vắng mặt, thì sự có mặt của phụ ngữ E là bắt buộc, trong đó E có thể là danh ngữ hay vị ngữ diễn đạt mục đích, cách thức, thời gian, v.v.; câu diễn đạt hành động tạo tác trở thành câu diễn đạt sự tình quan hệ hoặc quá trình. Nếu không có phụ ngữ E thì vị ngữ LÀM phải được tình thái hóa thích hợp:

(10) Bát cháo này làm cho bà tôi. (//... làm từ chiều hôm qua.)

(11) Giò chả làm rất khó.

(12) Giò chả chưa làm.

Cần chú ý: trong cấu trúc nghĩa của vị từ LÀM ở các câu trên, “bát cháo”, “giò chả” là vật được tạo tác (Tạo thể), còn đối tượng (Bị thể hay Đối thể - Patient) chịu tác động và do đó chuyển đổi trạng thái (như nguyên liệu gạo, thịt, muối, v.v.) thì không có mặt.

- Trong cấu trúc câu, đối tượng chịu tác động có thể có mặt dưới hình thức một giới ngữ dẫn nhập bằng bằng, từ (tiếng Việt xử lý tham tố này như vai Nguồn, Source), đôi khi là với (tham tố này được xử lý như Liên đới thể, Comitative([3])).

(13) Mẹ tôi làm món này bằng nếp mới.

(14) Bố tôi làm cái chuồng gà từ những mảnh gỗ vứt đi.

(15) Bà Năm làm giò chả với thịt nạc dăm.

            Hành động tạo tác mà LÀM biểu thị có thể không diễn ra trên đối tượng khách quan mà có thể là chính cơ thể của chủ thể (chủ thể NP1 tạo tác chính cơ thể của mình): chẳng hạn: làm dáng, làm duyên, làm điệu, làm bộ, làm bộ làm tịch, làm mình làm mẩy, v.v. với ý nghĩa có ít nhiều thành ngữ tính. (“Làm dáng” là tạo ra một dáng vẻ đẹp, hấp dẫn mà chủ thể muốn, “làm bộ” là tạo ra một bề ngoài với mục đích nào đó, v.v.). Ở cách dùng này có thể có phụ ngữ biểu thị phương thức hoặc công cụ: “... làm dáng bằng/với một cành hoa cài trên mái tóc”; hoặc liên đới thể: “... làm điệu với đám trai trẻ”.

-           Sau vị từ LÀM có thể có từ ra, nên, thành để dẫn nhập NP2. Ví dụ:

(16) Với thứ nếp này, Lang Liêu làm ra một thứ bánh có hương vị đặc biệt.

(17) Môi trường sống sẽ làm nên tính cách của con người.

(18) Từ những ý tưởng này, anh có thể làm thành luận án.

Ở các câu trên, ra, nên, thành hành chức với tư cách một giới từ. Tuy nhiên, có vẻ như những từ này vẫn đang trong quá trình ngữ pháp hóa: ranên có thể đóng vai trò như phó từ cho LÀM (khả năng này ở thành hiếm gặp hơn) khi NP2 không có mặt sau nó. Chẳng hạn:

(19) Tài sản này chính tôi làm ra.

(20) Tính cách con người do cái gì làm nên?

(21) (- Bài tập số 3 khó quá!) - Tớ làm ra rồi.

Sự có mặt của ranên trong hai câu trên là bắt buộc; so sánh: ở “làm ra cái bàn”, “làm ra cái bánh” thì có thể bỏ từ ra, dĩ nhiên với sự thay đổi ngữ nghĩa nhất định, còn “làm ra tài sản”, “làm nên tính cách” thì không thể bỏ ranên được. Dựa vào phép ngoại suy, có lẽ nên cho rằng ra, nên, thành là những tác tử đánh dấu kết quả của hành động; nghĩa là NP2 được mã hóa như là diễn tố Kết quả (result) chứ không phải Tạo thể, mặc dù ai cũng biết rằng vật tạo tác bao giờ cũng là kết quả của một quá trình nào đó. Có hàng loạt trường hợp tương tự: “làm ra lẽ”, “làm nên chuyện”, “làm ra chuyện”, “làm ra tiền”, “làm ra ngô ra khoai”, “làm nên danh hiệu”, “làm thành tên tuổi”, “làm nên uy tín”, v.v..

            Chính từ khả năng kết hợp này, có vẻ như bản thân vị từ LÀM cũng đang diễn ra quá trình “hư hóa” thành giới từ (chỉ kết quả), nếu NP2 là danh ngữ có số từ đứng trước biểu thị kết quả của quá trình chia cắt. Xét:

(22) Lan cắt cái bánh này, làm thành bốn phần.

(23) Lan cắt cái bánh này thành/làm bốn phần.

            Ở (22), cắtlàm là hai đồng vị ngữ; ở (23) thànhlàm hành chức như giới từ [cắt (thành/làm bốn phần)]([4]). Khả năng này sẽ lộ rõ hơn nếu đối tượng được chuyển vị trái làm đề: “Cái bánh này Lan cắt thành/làm bốn phần”. Ngoài ra, còn một điều thú vị là nếu người nói không muốn hiển ngôn cái hành động-thao tác cụ thể (thể hiện bằng từ cắt) thì (22) và (23) sẽ mang dáng dấp của cấu trúc kết quả (resultative construction): “Cái bánh này Lan làm thành bốn phần”, “Lan làm cái bánh này thành bốn phần”, “Với mớ tre này họ làm thành một chiếc bè vững chãi”.

- Cũng có khi, người Việt sử dụng kết cấu chuỗi vị ngữ để mã hóa cả hai quá trình: quá trình tác động vào đối tượng (biểu hiện bằng một vị từ hành động) và quá trình tạo tác (biểu hiện bằng LÀM):

(24) Mẹ tôi lấy nếp mới làm bát cháo cho bà.

(25) Bố tôi đốn tre làm chuồng gà.

            Cấu trúc dạng này có thể diễn đạt những sự tình có vẻ trừu tượng hơn:

(26)     trồng cây làm cảnh  / mổ bò làm đám cưới / đưa tài liệu ra làm bằng / mời người làm chứng / lấy công làm lời / đổi thù làm bạn / chụp ảnh làm kỷ niệm /  giữ họ làm khách / mua vàng làm của / mua sách làm quà, v.v.

            Trong một phạm vi hạn hẹp hơn, một vài kết cấu chuỗi vị ngữ tương tự có thể mã hóa một hành động hoặc tư thế và quá trình tạo tác LÀM:

(27) Chị Lan đứng ra làm đám cưới cho em trai.

            Ở câu này, Đề của câu (“chị Lan”) là chủ thể của đứng (ra) và cũng là chủ thể của LÀM([5]), tương tự: đứng ra làm chứng, đứng làm trụ, đứng lên làm cách mạng, ngồi làm vì, ngồi làm cái, v.v..

1.2. LÀM là một vị từ hành động tác động: chủ thể (NP1) giữ vai trò Đề, tác động vào đối tượng (NP2) có sẵn (nên không phải tạo tác); kết quả của sự tác động không được mã hóa dưới bất cứ hình thức nào, trừ khi được hiển ngôn bằng một phụ ngữ (E) đi kèm.

Bổ ngữ NP2 của LÀM là một danh ngữ chỉ thực thể đã tồn tại trước khi hành động LÀM diễn ra: làm cá / gà / thịt / cỏ / đất / bài tập / bài thi / tóc / mặt / móng, v.v..

(28) Ông Năm làm cỏ cho người hàng xóm.

(29) Bà Nga làm cá cho bữa cơm chiều.

(30) Bé Nam đang làm bài tập toán.([6])

“Cỏ”, “cá”, “đất”, “bài tập”, v.v. là những thực thể đã có sẵn (có thể đánh dấu tính xác định), chủ thể tác động vào nó một cách có chủ ý, với mục đích biến đổi nó về mặt trạng thái, tức là sau khi hoàn thành hành động LÀM thì đối tượng không còn ở trạng thái ban đầu: “cỏ” sẽ chết hoặc không còn nữa, “đất” sẽ tơi xốp hoặc không còn cỏ, “gà” sẽ không còn sống và sẽ trở thành món ăn, “bài tập” sẽ có lời giải, v.v.. Xét về tính thể (aspectual) LÀM có thể là sự tình hành động (activities) hoặc sự tình hữu kết đoạn tính (accomplishments), tùy vào danh ngữ đối tượng theo sau – danh ngữ NP2 được lượng hóa (“làm cá” vs. “làm hai con cá”).

Nhưng về nghĩa từ vựng, từ  LÀM cũng không mã hóa thao tác, phương thức, kết quả, v.v. (LÀM “trống” nghĩa từ vựng). Do vậy, có thể nói rằng LÀM là “thực hiện hành động gì đó nhằm biến đổi đối tượng có liên quan”. (Trong trường hợp kết quả được hiển ngôn, nghĩa là quá trình chuyển thái, chuyển vị ở đối tượng được diễn đạt bằng một vị ngữ thì sẽ có cấu trúc gây khiến hoặc kết quả (causative, resultative). Đây là một vấn đề lớn, chúng tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.) 

Nếu NP2 biểu thị đối tượng là những bộ phận của cơ thể thì không thể cả quyết Đề là tác thể hay lợi thể, trừ khi viện đến ngữ cảnh. Ví dụ:

(31) Chị Hoa làm gà rất nhanh.

(32) Chị Lan làm tóc rất nhanh.

Ở (31), “chị Hoa” là Tác thể của LÀM. Ở (32) “chị Lan” có thể là Tác thể, nhưng thường được hiểu là Lợi thể của LÀM (có ai đó “làm tóc” cho “chị Lan”), còn “tóc”, “móng”, “mặt”, v.v. mới là những đối tượng chịu tác động của LÀM; sự tình được diễn đạt dưới hình thức khiển cách.

Danh ngữ NP2 biểu thị thực thể [-người] cũng có thể chuyển vị trái làm Đề, với điều kiện: nếu không có mặt tác thể thì cấu trúc vị ngữ làm thuyết phải được tình thái hóa và/hoặc trong cấu trúc vị ngữ phải có một/những thành phần phụ E nào đó; còn nếu có mặt tác thể thì điều kiện vừa nêu không quan yếu, NP2 được hiểu là đề tương phản (tương tự (10) – (12)). Chẳng hạn:

(33) Cá làm kỹ rồi. / Cá đang làm. / Cá làm kỹ mới không tanh. / *Cá làm.

(34) Cỏ (thì) bố tôi làm. / Đám cỏ này (thì) bố tôi làm.  

            1.3. Ngoài các biểu hiện vừa nêu, cũng cần nhắc đến trường hợp vị từ LÀM được dùng để thay thế cho những vị từ khác khi người nói muốn nói tránh, nói đùa, nói chung. Thường đó là những hoạt động/quá trình sinh hoạt (ăn, uống, ngủ, hút) hoặc những hành động mà hai bên giao tiếp đã rõ nên không muốn nhắc lại bằng một/những vị từ thông thường. Có thể nói, với biểu hiện này, LÀM đóng vai trò như một “đại vị từ” thực thụ. Chẳng hạn:

(35) Nghỉ tay, làm miếng nước/điếu thuốc đã! (= uống/hút)

(36)     a) Thời gian hội thảo quá ngắn, chỉ làm được mấy báo cáo là hết giờ. (= trình bày, thảo luận)

b) Chỉ làm mấy báo cáo là hết tuần. Thời gian đi nhanh thật! (= viết)

             Nhìn chung, LÀM được sử dụng theo cách này đòi hỏi phải có ngữ cảnh đủ rõ, do vậy nó thường xuất hiện trong giao tiếp mặt đối mặt (Từ điển tiếng Việt 2004, Hoàng Phê chủ biên, chú là cách dùng “khẩu ngữ”).

Khả năng “thay thế” của LÀM như ở các ví dụ trên chỉ là một biểu hiện bề mặt, dễ thấy. Trên thực tế, LÀM có phạm vi biểu hiện rộng hơn rất nhiều; quan hệ giữa LÀM và các vị từ khác gần giống như quan hệ thượng danh - hạ danh. Có rất nhiều trường hợp tại vị trí của LÀM không thể dùng chính cái vị từ mà nó “thay thế”. Chẳng hạn, tình huống: Nam đẩy một cô gái ngã rồi cười, bạn của Nam nhìn thấy, nói:

(37) Cậu làm như vậy mà coi được à?

Với từ LÀM, toàn bộ hành vi của đối tượng bị chất vấn, rất khác với khi thay từ “đẩy”, “cười” vào vị trí của LÀM: “Cậu đẩy/cười như vậy mà coi được à?” có thể hiểu là cái cách “đẩy”, cách “cười” đó “coi không được” (“đẩy” hoặc “cười” cách khác thì được).

2.         LÀM: vị từ hành động vô tác

LÀM là một vị từ hành động vô tác [-tác động]. Sau nó là một bổ ngữ cho biết đối tượng, nhưng cái đối tượng này không được tri nhận là đối tượng chịu tác động của LÀM vì nó không thay đổi vị trí, trạng thái trong hoặc sau quá trình LÀM.

            Xét về nghĩa, có thể nói khái quát: [LÀM + NP2] là hoạt động hoặc thực hiện những hành động nào đó liên quan đến NP2. Trong đó, NP2 là một danh ngữ có đặc trưng ngữ nghĩa rất phong phú, với các biểu hiện sau:

            2.1. Danh ngữ NP2 giữ vai nghĩa Cương vực (Scope/Range): nó biểu thị cái phạm vi mà trong đó hoạt động LÀM diễn ra, chứ không phải đối tượng chịu tác động của LÀM.

Cái phạm vi này có thể là (i) phạm vi không gian (bao gồm không gian cụ thể (vị trí) và không gian trừu tượng: các lĩnh vực hoạt động hoặc chính bản thân quá trình hoạt động), cũng có thể là (ii) phạm vi chất liệu (hoạt động LÀM diễn ra trong phạm vi liên quan đến chất liệu chứ không tác động lên chất liệu và càng không biến đổi chất liệu).

(i) LÀM + vườn / ruộng / rẫy / đồng / rừng / bếp / xí nghiệp / điện / nước / nội trợ / kinh tế / chính trị; v.v., LÀM + nghề y / nghề giáo / nghề gõ đầu trẻ / nghề cắt tóc, v.v.:

(38) Ông Năm làm vườn ở Bảo Lộc.

(39) Mẹ tôi đang làm bếp.

(40) Anh ấy làm điện rất giỏi.

(41) Bà ấy làm nghề giáo.

            “Làm vườn”, “làm bếp” không có nghĩa là tác động vào “vườn”, “bếp” mà là thực hiện những công việc vốn thuộc phạm vi của “vườn”, “bếp”; “vườn”, “bếp” không biến đổi trong và sau quá trình LÀM, dù rằng trên thực tế “làm vườn” có thể giúp vườn xanh tươi hơn, “làm bếp” có thể dẫn đến tình trạng bếp trở nên bừa bãi hay gọn gàng hơn. “Làm điện”, “làm nước” không tác động vào “điện”, “nước” mà tác động vào vật thể nào đó (thiết bị, đường dây, đường ống) giúp nhà có điện, có nước, máy chạy, v.v.. “Làm nghề y”, “làm nghề giáo” là thực hiện những hành động, công việc vốn thuộc cái phạm vi gọi là “nghề y”, “nghề giáo” (như khám, mổ cho bệnh nhân; dạy chữ cho trẻ em), chứ không tác động vào “nghề y”, “nghề giáo”, càng không phải là tác động vào y tế, giáo dục. Hơn nữa, những bổ ngữ NP2 mà nghĩa của nó không biểu thị vật thể (ví dụ: điện, nước, kinh tế, chính trị, vật lý, hóa học, v.v.) thì có thể hiển ngôn vai Cương vực bằng về hoặc trong (lĩnh vực/ngành):

(42) Ông Nam làm về điện lạnh.

(43) Bà Lan làm trong lĩnh vực hóa học.

Những bổ ngữ NP2 trên đây không phải là đối tượng chịu tác động cũng không phải là vị trí/địa điểm của hoạt động LÀM.

Kết cấu [LÀM + NP2] ở trường hợp này thường được dùng để biểu thị công việc khi LÀM có tiềm năng tham gia vào cấu trúc đoạn tính (“Cha tôi đang làm vườn”, “Ông ấy làm vườn xong chưa?”). Nó sẽ biểu thị nghề nghiệp, khi [LÀM + NP2] tạo ra một kết cấu mang tính thành ngữ; khi đó nó sẽ không trả lời trực tiếp câu hỏi (“... đang làm gì?”, “... xong chưa?”). Có lẽ, đối với người Việt, nghề nghiệp giống như một thuộc tính nên vị từ LÀM không thể tình thái hóa bằng những yếu tố đang, xong, rồi và/hoặc bổ ngữ NP2 không thể tùy tiện thay đổi bằng những dấu hiệu hình thức (nghĩa là không thể thêm giới từ, không thể lượng hóa, v.v.). Xét:

(44) Chị tôi đang làm vườn.

(45) Chị tôi đang làm hai mảnh vườn.

(46) Chị tôi đang làm trong vườn.

(47) Chị tôi làm vườn.

Câu (44) được hiểu là “chị tôi” đang làm những việc liên quan đến “vườn” (Cương vực), như nhổ cỏ, xới đất, gieo hạt, tưới nước, v.v.. Câu (45) được hiểu là “chị tôi” tác động đến “hai mảnh vườn” – giống những trường hợp ở mục 1.2.

Câu (46) được hiểu là “chị tôi” làm việc gì đó “trong vườn” (Vị trí), không nhất thiết là “làm vườn”. Câu (47) cho biết nghề nghiệp của “chị tôi” (“làm vườn”, “làm ruộng”, “làm rẫy”), nhưng trong tình huống nhất định nó giống với (44).

Cần nói thêm về trường hợp vai cương vực không biểu thị thực thể. Đó là trường hợp “việc” trong “Ông ấy đang làm việc”.

Trong các tổ hợp “tìm việc”, “giao việc”, “nhận việc”, “mất việc” thì “việc” được xử lý như một thực thể có sẵn, do vậy mới có thể là đối tượng của hành động “tìm”, “giao”, “nhận”.

Trong khi đó, “làm việc” (hoặc “làm việc nhà”, “làm việc nước”) là hoạt động hoặc thực hiện hành động gì đó trong phạm vi “việc”, như đánh máy, viết (báo cáo), thảo luận, tính toán, ký tên, nấu (cơm), đóng (bàn), v.v..  Mỗi hoạt động hoặc tất cả các hoạt động như vậy đều là “việc”; nhưng nó chỉ là “việc” trong tương quan với hành động “làm”: chẳng hạn, một nhóm người đang thảo luận về kế hoạch kinh doanh, người ta sẽ nói “Họ đang làm việc”, “thảo luận về kế hoạch kinh doanh” là “việc” vì nó được “làm”. “Việc” không phải là thực thể và cũng không có sẵn, nó giống như tên gọi của chính quá trình “làm”. Điều này không có gì khác với cách diễn đạt “Anh ta chơi một giai điệu”: sở dĩ “giai điệu” là “giai điệu” là vì nó được “chơi”, nếu không có quá trình “chơi” thì không có “giai điệu” (cf. Halliday 2004).

Từ “việc” trong “làm việc” giữ vai Cương vực chứ không phải Chuyển thể (Theme) hoặc Bị thể như ở “giao việc”, “nhận việc”. Và nó cũng có thể được xác định hoặc lượng hóa: “Nấu cơm và rửa chén, anh ta chỉ làm một trong hai việc đó”.

Gần gũi với “việc” là từ “chuyện”, “điều”. Tuy nhiên, “chuyện” và “điều” khi đi với LÀM bao giờ cũng phải đánh dấu tính [± xác định] hoặc/và lượng hóa:

(48) *Anh ta đang làm chuyện/điều.

(49) Anh ta đang làm chuyện ấy / làm những điều cấm kị.

Suy cho cùng, những danh ngữ như “nghề y”, “nghề giáo”, v.v. cũng không khác gì với “việc”, “chuyện”, “điều”: “nghề y” hay “nghề giáo” không phải là thực thể có sẵn, chỉ khi một người thực hiện những hoạt động a, b, c gì đó thì mới có thể nói “Anh ta làm nghề y/nghề giáo”. 

(ii) LÀM + nhôm / sắt / hồ / mộc / gỗ / nhựa / dầu / giấy / ve chai, v.v.. Ví dụ:

(50) (- Dạo này anh làm gì?) - Tôi làm nhôm.

Ở câu này, “làm nhôm” là làm gì đó hay thực hiện bất cứ hoạt động gì trong phạm vi liên quan đến “nhôm”; rất khác với “sản xuất nhôm” (= tạo ra nhôm), “dập nhôm” hay “lận nhôm” (“dập” hay “lận” thì phải có sẵn “thực thể” nhôm và “thực thể” này sẽ biến đổi). Thường khi NP2 được lượng hóa thì nó không còn là diễn tố cương vực nữa mà sẽ trở thành bị thể hoặc tạo thể. So sánh: “làm nhôm” (Cương vực) – “làm hai thanh nhôm” (Tạo thể hoặc Bị thể”). Với những danh từ khối biểu thị chất liệu nêu trên; đây thực chất là một cách dùng hoán dụ để chỉ phạm vi hoạt động có liên quan.

Bị chú: Riêng “thịt” thì cần thuyết minh thêm. Xét các câu sau:

(51) a. Mẹ tôi làm gà để đãi khách

b. Mẹ tôi làm hai con gà để đãi khách.

c. Mẹ tôi làm thịt hai con gà để đãi khách.

d. (- Hai con gà nòi đó đâu rồi?) - Mẹ tôi làm thịt rồi.

e. Mẹ tôi làm thịt gà để đãi khách.

f. ??Mẹ tôi làm thịt để đãi khách.

Ở hai câu (51a, b), “gà” và “hai con gà” là Bị thể vì biểu thị đối tượng bị tác động của LÀM, do đó LÀM là vị từ chuyển tác.

Ở (51c) “làm thịt” là hành động gì đó liên quan đến “thịt”, bao gồm “giết”, “mổ” và ngoài ra còn có thể có những hành động khác, không loại trừ nấu nướng. Hiển nhiên, “thịt” rất giống với “nhôm” ở ví dụ (50), nó là tham tố Cương vực của LÀM. (Từ điển tiếng Việt 2014 (Hoàng Phê CB) xử lý “làm thịt” là một mục từ, với nghĩa “giết con vật để lấy thịt ăn” và “giết chết, tiêu diệt”).

Sự có mặt của danh ngữ Bị thể “hai con gà” càng cho thấy từ “thịt” có vai trò ngữ nghĩa riêng của nó trong cấu trúc: [LÀM (thịt) (hai con gà)], chứ không phải [LÀM (thịt hai con gà)]. Trên thực tế, trong khung vị ngữ LÀM, nếu có bổ ngữ “thịt” bao giờ cũng cần thêm bổ ngữ bị thể (dù có thể không nói ra, nhờ ngữ cảnh), chẳng hạn như ở (51c, d), nếu không thì câu bất khả chấp (51f).

Ở câu (51e), LÀM có thể được diễn giải: Thứ nhất, giống như (51c): [LÀM (thịt) (gà)], trong đó “gà” là danh ngữ chỉ định (biểu thị một/những thực thể đã biết, tương tự như “xe” trong “Anh đã rửa xe rồi đấy!”). Thứ hai, [LÀM (thịt gà)], trong đó “gà” phụ thuộc trực tiếp vào “thịt” chứ không phải “làm”. Ở cách hiểu thứ hai, “thịt gà” là một thứ “thịt” nằm trong quan hệ đối vị với “thịt heo”, “thịt bò”; về mặt ngữ dụng, người Việt chỉ dùng như vậy khi có sự chọn lựa giữa ba thứ thịt. Tuy nhiên, thật khó có tình huống để đưa ra một phát ngôn (có vẻ “ổn” về ngữ pháp) như “Bà ấy làm thịt heo/bò để đãi khách” (rất khác với “Bà ấy làm heo/bò để đãi khách”.  

Từ những điều trên, nên cho rằng với khung vị ngữ như (51c, d) LÀM là vị từ chuyển tác chứ không phải là vị từ vô tác.

2.2. Bổ ngữ NP2 giữ vai nghĩa Danh nghĩa (Guise): nó biểu hiện danh nghĩa, tư cách của chủ thể khi chủ thể thực hiện một nhiệm vụ, trách nhiệm nào đó. Đây là vai nghĩa được thể hiện bằng những danh ngữ (i) biểu thị vị trí-tôn ti (gọi tắt là “địa vị”) trong các thiết chế xã hội (làm giám đốc, làm lãnh đạo, làm tổng thống, làm bộ trưởng, làm chủ tịch, làm chủ tọa, làm thị trưởng, làm sếp, làm thủ trưởng, làm khách, v.v.); hoặc (ii) biểu thị chuyên môn-chức trách (gọi tắt là “chức trách”: làm bác sĩ, làm giáo viên, làm luật sư, làm phóng viên, làm bảo vệ, làm kế toán, v.v.); hoặc (iii) biểu thị vị trí-thân thuộc (làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em, làm con, v.v.).

Ba tiểu nhóm trên có một đặc trưng chung: khả năng chuyển thành một cấu trúc thuộc tính. Đây chính đặc trưng phân biệt Danh nghĩa với vai Cương vực. Ví dụ:

(52) Bà Nga làm chủ tịch công đoàn. à Bà Nga là chủ tịch công đoàn.

(53) Ông Lê Nam làm bác sĩ. à Ông Lê Nam là bác sĩ.

(54) Anh làm chồng, em làm vợ. à Anh là chồng, em là vợ.

Giữa ba tiểu nhóm có sự khác biệt về chi tiết:

- Nhóm (i) và nhóm (iii) có khả năng tham gia cấu trúc của một sự tình quan hệ [NP1 - LÀM - NP2 - (của) NP3], còn nhóm (ii) thì không:([7])

(55) Chị Hoa làm sếp của hơn 3000 nhân viên đấy! (/của Ngân hàng ACB)

(56) *Ông ấy làm bác sĩ/luật sư của tôi.

(57) Em sẽ làm vợ của anh.

Ở nhóm (ii) thường không có quan hệ sở thuộc giữa cá nhân và cá nhân, nhưng có thể có quan hệ sở thuộc giữa cá nhân và tổ chức mà cá nhân đó thuộc vào. Đây có lẽ là trường hợp “chập cấu trúc” giữa “... làm...” với “... là... của...” (“Ông ấy làm phóng viên” + “Ông ấy là phóng viên của tờ Tuổi Trẻ” Ž “Ông ấy làm phóng viên của tờ Tuổi Trẻ”). Ngoài ra, có khi phụ ngữ diễn đạt quan hệ sở thuộc ở nhóm (ii) mang ý nghĩa thuộc tính chứ không phải là quan hệ. Chẳng hạn, câu “Ông ấy làm bác sĩ của bệnh viện (nhà nước)” cho biết rằng “Ông ấy không phải là bác sĩ làm việc ở phòng mạch tư”, rất khác với “Ông ấy là bác sĩ của tôi”.

Cũng cần chú ý rằng, quan hệ thân thuộc là thuộc tính vốn có (và được xem là thường tồn) giữa hai cá thể người, do vậy trong bối cảnh giao tiếp thông thường Danh nghĩa thân thuộc phải đồng thời thể hiện quan hệ:

(58) Cô ta làm vợ của một đại gia. à Cô ta là vợ của một đại gia.

Còn những câu như (54) thường chỉ thấy trong những tình huống như phân công, phân vai (trò chơi, phim ảnh, hoạt động tình báo, chẳng hạn) hoặc khi vị từ LÀM được tình thái hóa (về khả năng, ý chí, năng lực) hoặc phải được đặt trong một ngữ cảnh phi quan hệ: 

(59) Chị ấy sắp / muốn / không được làm mẹ.

(60) Anh ta làm bạn thì được chứ làm chồng thì... à Anh ta là bạn thì được chứ là chồng thì...

Câu (59) không liên quan đến quan hệ mà chỉ cho biết “cô ấy sắp có con”, “muốn có con” hay “không thể có con”. Câu (60) đánh giá thuộc tính hoặc năng lực thực hiện bổn phận của một người gọi là “chồng”.([8])

- Nhóm (i) và nhóm (ii) có thể dùng vị từ đang để thể hiện ý nghĩa diễn tiến trong ngữ cảnh có thể được định vị về thời gian-không gian (spatio-temporal):

(61) Lúc ấy, bà Linh đang làm giám đốc.

(62) Cô Lan đang làm giáo viên thì bị chuyển qua làm chuyên viên.

(63) *Lúc mất, bà ấy đang làm mẹ của Nam.

- Nhóm (i) có thể tham gia kết cấu cầu khiến, theo kiểu:

(64) Họ bầu / chọn / cử ông Nam làm tổng thống / *bố / *bác sĩ.

- Nhóm (ii) có thể có vai Lợi thể (Beneficiary) hoặc Mục đích (Purpose) trong cấu trúc vị ngữ([9]):

(65) Ông John làm luật sư cho tổng thống X. (/ *làm bộ trưởng cho Bộ Y tế)([10])

(66) Ông ấy thường làm ngựa để cháu cưỡi.

            Nói chung, về ngữ pháp, ở biểu hiện [-tác động] này của LÀM bổ ngữ NP2 không thể chuyển vị trái để làm Đề; nghĩa là LÀM không có cách dùng khiển cách nếu NP2 giữ vai nghĩa Cương vực hoặc Danh nghĩa. Về nghĩa sở biểu, LÀM [-tác động] giống như LÀM [+tác động]: nó diễn đạt một hành động gì đó trong một phạm vi hoặc dưới một danh nghĩa nhất định.

2.3. LÀM là vị từ hành động [-tác động] mà trong cấu trúc vị ngữ của nó, ngoài chủ thể [+hữu sinh] (animate), chỉ cần một vị từ làm bổ ngữ (ký hiệu V2) biểu hiện Phương thức (Manner), sự có mặt của các vai nghĩa khác chỉ đóng vai trò chu tố. Về nghĩa biểu hiện, LÀM diễn đạt một hành động gì đó được người nói đánh giá là có tính chất V2. Chẳng hạn: làm ngang, làm càn, làm bậy, làm biếng, làm siêng, làm già, làm dữ, làm ẩu, làm quá, làm trận (?trịch) làm thượng, làm bộ, làm nũng, làm cao, v.v..   

            Thực ra, trong khung vị ngữ của LÀM có thể có những bổ ngữ (/trạng ngữ) phương thức “thông thường” làm chu tố (bên cạnh diễn tố Bị thể, Cương vực, Danh nghĩa, Tạo thể), kiểu: làm nhanh, làm chậm, làm giỏi, làm tốt, làm nhiều, làm ít, làm xong, làm chưa xong, v.v.. Bổ ngữ phương thức “thông thường” này của LÀM khác rất nhiều so với kiểu bổ ngữ đang bàn, cả về ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp.

Về ngữ nghĩa, một đằng thì bao giờ cũng diễn đạt phương thức của một hành động nhất định với những chiều kích vật lý của nó, trên một đối tượng nhất định, cho dù trong cấu trúc câu đối tượng này không được thể hiện (điều này cũng đúng ngay cả khi nhận định tổng quát “Nó làm gì cũng nhanh” hoặc “Nó bao giờ cũng làm nhanh”). Một đằng thì diễn đạt kiểu hành xử([11]) thông qua một/những hành động nhất định của chủ thể; chẳng hạn, khi thấy gã thanh niên giật lấy một quả xoài của chị bán hàng rồi bỏ đi, không trả tiền, hoặc vô cớ đánh người, người ta có thể nói: “Anh ta làm càn”, và với phát ngôn đó, người nói chỉ đánh giá thái độ, cách hành xử của “anh ta” chứ không miêu tả hành động cụ thể nào cả.([12])

            Về ngữ pháp, từ LÀM đang bàn có hai đặc trưng:

            - Trong khung vị ngữ của nó không có vai nghĩa Bị thể, Cương vực, Danh nghĩa và Tạo thể mà chỉ có thể có Liên đới thể. Nói cách khác, V2 kiểu này không trả lời cho câu hỏi “... làm gì?” hoặc “... làm thế nào?” mà trả lời những câu hỏi đại loại như “Anh ta thế nào?”, “Anh ta có thái độ thế nào?”, “Anh ta xử sự thế nào?”.  So sánh:

(67) *Anh ta làm càn việc đó. /*Anh ta làm càn bác sĩ. /??Việc đó anh ta làm càn. 

(68) Anh ta làm việc đó nhiều (/kỹ, tốt) rồi. /Việc đó anh ta làm nhiều (/kỹ, tốt).

(69) Em đừng làm dữ/cao với anh ấy.

(70) *Anh đừng làm tốt (/nhanh, nhiều, kỹ) với cô ấy.

Hệ quả:

- Trong những phát ngôn không hàm chỉ một việc, một đối tượng nhất định thì [LÀM + V2] chỉ có thể là thái độ hành xử.([13]) So sánh:

(71) Ngày mai gặp anh Nam, anh đừng làm dữ (/quá, bậy) nhé!

(72) Từ trước đến giờ, anh ấy toàn làm biếng (/ngang, ẩu).

(73) ?Ngày mai gặp anh Nam, anh đừng làm nhanh (/tốt, gọn) nhé!

(74) ?Từ trước đến giờ, anh ấy toàn làm nhanh (/nhiều, ít).

Câu (73) và (74) chỉ có thể sử dụng khi hai bên giao tiếp hiểu rằng đang nói về một việc nhất định.

- Vị từ làm bổ ngữ cho LÀM không thể phủ định (trừ khi phủ định siêu ngôn ngữ):

(75)     a. (- Cẩn thận kẻo hắn làm bậy/quá.) - *Anh ấy làm không bậy/quá đâu!

b. (- Thái độ của hắn thế nào?) - *Hắn làm không dữ với tôi.

Trong khi đó, vị từ bổ ngữ phương thức thông thường, có khả năng bị phủ định trực tiếp (yếu tố phủ định đứng ngay trước nó) hoặc gián tiếp (yếu tố phủ định đứng trước LÀM). So sánh (75a, b) với (76 a,b) sau đây:

(76)     a. Anh ấy làm không kỹ đâu!       // Anh ấy không làm kỹ đâu!

b. Hắn làm không tốt việc đó. // Hắn không làm tốt việc đó.

- Trong khung vị ngữ LÀM khó xuất hiện yếu tố đánh dấu thang độ, vì sự có mặt của những yếu tố này sẽ phá vỡ quan hệ ngữ nghĩa chặt chẽ giữa LÀM và vị từ theo sau.

(77) *Cô làm rất cao với đồng nghiệp vì nghĩ là mình đẹp.

(78) *Anh làm rất càn trước mặt nhiều người.

Nói chung, giữa LÀM và vị từ theo sau không thể có bất kỳ yếu tố nào xen vào giữa. Có lẽ vì điều này mà làm biếng, làm cao, làm bộ v.v. thường được xem là một tổ hợp thành ngữ tính.

            - LÀM là một vị từ hành động-hành xử, gần giống như tính chất hay trạng thái, vì vậy không thể đánh dấu kết điểm.

(79) *Chị làm biếng xong thì bắt đầu dọn dẹp nhà cửa.

(80) *Cô làm cao với các bạn đồng nghiệp xong thì tỏ ra biết lỗi.

- Từ những điều vừa nêu, có thể thấy tổ hợp [LÀM + V2] này có kết cấu khá chặt chẽ, hành chức ở dạng “nguyên khối”, lý do nằm ở nghĩa biểu hiện “zéro” của LÀM. Tuy vậy, quan hệ ngữ pháp giữa LÀM và các yếu tố theo sau vẫn rất rõ ràng.

Kết luận

Vị từ LÀM trong tiếng Việt có hai biểu hiện chính: hành động chuyển tác [±tạo tác] và hành động vô tác. Nội hàm của LÀM khá “đơn giản” nên nó có cấu trúc tham tố đa dạng, thậm chí cùng một cấu hình, nó có thể diễn đạt nhiều quá trình khác nhau. Đây chính là lý do mà LÀM có thể hành chức như một “đại vị từ”, và có thể tham gia vào cấu trúc gây khiến, cấu trúc quan hệ như một số nhà nghiên cứu chủ trương.

Từ những phân tích về LÀM có thể phát hiện những điều lý thú về ngữ nghĩa và ngữ pháp của những vị từ tương tự như cho, để, khiến.

Thư mục tham khảo

1)     Cao Xuân Hạo (2004), Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb GD, H.

2)     Diệp Quang Ban (2005). Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb GD, H.

3)     Haspelmath M. (1993),  More on the typology of inchoative/causative verb alternations. In Bernard Comrie & Maria Polinsky (eds). Causatives and Transitivity. John Benjamins Publishing Company. Amsterdam/Philadelphia.

4)     Halliday M.A.K. (2004), An Introduction to Functional Grammar. Hodder Arnold. London.

5)     Kulikov L. (2001), Causatives. In Martin Haspelmath & Ekkehard Konig (ed.). Language Typology and Language Universals - An International Handbook. Volume 2. WaIter de Gruyter, Berlin/New York.

6)     Moreno J.C. (1993), "Make" and the semantic origins of causativity: a typological study. In Bernard Comrie & Maria Polinsky (eds). Causatives and Transitivity. John Benjamins Publishing Company. Amsterdam/Philadelphia.

7)     Nguyễn Kim Thản (1999), Động từ trong tiếng Việt. Nxb KHXH, H.

8)     Nguyễn Thị Quy (1995), Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó. Nxb KHXH, H.

9)     Nguyễn Vân Phổ (2018), Ngữ pháp tiếng Việt: ngữ đoạn và từ loại. Nxb ĐHQG Tp. HCM, Tp.HCM.



[1] Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2014), LÀM được miêu tả với 11 nét nghĩa, chưa kể khoảng 40 tổ hợp có LÀM (như làm ăn, làm bàn, làm bằng, v.v.).

[2] Nếu nói “Chị tôi làm cái bánh” thì ai cũng hiểu chính chị của người nói dùng lực của mình tạo ra “cái bánh”. Nếu nói “Bố tôi làm nhà” thì ai cũng hiểu căn nhà được tạo nên bằng lực của nhiều người (không phải “bố tôi”). Nhưng nếu nói “Bố tôi làm cái ghế này” thì người nghe sẽ nghi hoặc, và có thể hỏi lại “Bố anh đóng à?”, “Bố anh tự làm à?”, “Bố anh mua à?”. Nói chung, trong trường hợp chính chủ thể dùng lực trực tiếp, để tránh hiểu nhầm, người nói có thể hiển ngôn bằng các yếu tố như tự, tự tay, lấy.

[3] Trong tiếng Việt, có một hiện tượng thú vị: khá nhiều tham tố được xử lý như Liên đới thể, đánh dấu bằng với, mà trong những bối cảnh khác nó lại là phương tiện/công cụ, phương thức, danh nghĩa; chẳng hạn: “Nó đi Vũng Tàu với chiếc xe cà tàng này”, “Hắn trả lời với thái độ khó chịu”, “Ông ấy nói với tư cách một người bạn”.

[4] Nếu có thêm từ ra thì từ ra này làm bổ ngữ chỉ hướng (= phó từ) cho cắt: “cắt ra thành/làm bốn phần”.

[5] Trước LÀM có thể thêm giới từ để đánh dấu mục đích, nhưng ngữ nghĩa có sự thay đổi đáng kể.

[6] Trong tình huống khác, “Thầy Hoàng đang làm bài tập cho học sinh”, “bài tập” là Tạo thể, x. mục trước.

[7] Ở đây có sự khác biệt giữa “làm thầy”, “làm học trò” và “làm giáo viên”, “làm học sinh”: có thể nói “làm thầy của nhiều thế hệ”, “làm học trò của anh ấy” chứ không thể nói “làm giáo viên của nhiều thế hệ”, “làm học sinh của thầy Nam”. Nghĩa là “làm thầy”, “làm học trò” có thể tham gia cấu trúc quan hệ, còn “làm giáo viên”, “làm học sinh” thì không; hay nói cách khác, “thầy”, “trò” là những danh từ biểu thị quan hệ, còn “giáo viên”, “học sinh” thì không.

[8] Theo logic của thế giới khách quan, có thể nói “sắp làm cha / mẹ / ông / bà” chứ khó có tình huống để nói “sắp làm con / cháu / em”.

[9] Ở nhóm (i) cũng có Lợi thể khi NP2 Danh nghĩa được xem như một chức trách chứ không phải địa vị.

-          *Bà Cúc làm lãnh đạo cho công ty X (/chúng tôi).

-          Bà Cúc làm chủ tọa cho phiên họp chiều nay. (/?làm chủ tịch cho Liên đoàn Lao động Quận)

-          Ông Nam làm bộ trưởng cho chính phủ Trần Trọng Kim (/*Bộ Nội vụ).

[10] Trong trường hợp xuất hiện trước giới ngữ “cho...” thì những từ ngữ địa vị (nhóm (i)) sẽ được hiểu như chức trách (nhóm (ii)): “Ông ấy làm làm bộ trưởng cho chính phủ Trần Trọng Kim”, “Ông ấy làm giám đốc cho một tập đoàn nước ngoài”.

[11] Halliday (2004) có bàn đến quá trình ứng xử (behavioural process); Cao Xuân Hạo (2004) cũng có nói đến hành động ứng xử khi bàn về hành động vô tác. Cao Xuân Hạo cho rằng trong hành động vô tác, “diễn tố duy nhất” “cử động theo một phương thức nào đó hay làm một việc gì có tính chất ứng xử với tình thế”. Ở đây dùng Hành xử để phân biệt LÀM với những vị từ ứng xử “thông thường” như xem, nhìn, cười, quan sát, v.v..

[12] Những biểu hiện của LÀM ở đây và ở mục 1.3 cho thấy LÀM giống như một “vị từ nhẹ” (light verb), vì ngữ nghĩa của nó được biểu thị chủ yếu bằng một vị từ hoặc một danh ngữ theo sau. 

[13] Trong khung vị ngữ của LÀM có thể có hai từ làm: “Tối nay mình đi nhà hàng. Em làm biếng làm cơm quá!”.


No comments:

Post a Comment