Friday 2 March 2012

"NGHĨ LÀ..." chứ không "SUY NGHĨ LÀ..."




    Nghĩsuy nghĩ là hai từ cùng nghĩa. Nhưng có nhiều khi người nói vô tình quên rằng nó vẫn là hai từ khác nhau, do vậy có khi sử dụng nhầm lẫn hoặc kém tự nhiên.

Có hai trường hợp dùng nghĩ chứ không dùng suy nghĩ:

1.     Khi dẫn nhập cho một bổ ngữ là một tiểu cú (hay cụm chủ - vị, clause) theo kiểu như một lời dẫn (có thể có hay rằng liên kết), chỉ có thể dùng nghĩ chứ khó có thể dùng suy nghĩ.


Ví dụ:
(1)  (Anh thấy đề nghị đó thế nào?)
a. Tôi nghĩ (là) khả thi.
b. *Tôi suy nghĩ (là) khả thi.
c. Tôi nghĩ nó khả thi.
d. *Tôi suy nghĩ nó khả thi.

(2)  (Tại sao em không chọn trường đó?)
a. Em nghĩ (là) trường đó xa.
b. *Em suy nghĩ (là) trường đó xa.

(3)  (Tại sao em không làm bài tập?)
a. Xin lỗi cô. Em nghĩ (là) thứ sáu nộp.
b. *Xin lỗi cô. Em suy nghĩ (là) thứ sáu nộp.

Các câu sau đây cũng thuộc trường hợp trên:

(4)  a. Anh nghĩ ai là thủ phạm?
b. *Anh suy nghĩ ai là thủ phạm?
(5)  a. Món đó, anh nghĩ bao nhiêu?
b. *Món đó, anh suy nghĩ bao nhiêu?
(6)  a. Chiếc xe đó, hiện giờ, anh nghĩ ở đâu?
b. *Chiếc xe đó, hiện giờ, anh suy nghĩ ở đâu?
(7)  a. Về chuyện đó anh nghĩ sao?
b. ??Về chuyện đó, anh suy nghĩ sao?

Tuy nhiên, với một phát ngôn có thành phần đi sau là một tiểu cú có độ dài nhất định vẫn có thể xuất hiện sau suy nghĩ. Chẳng hạn:

(8)  Tôi suy nghĩ, trong một nền giáo dục tốt sẽ không có đứa trẻ nào cảm thấy mình là “người lạ”.
(9)  Về vấn đề đó, ông suy nghĩ, nó vẫn còn nhiều điểm bất ổn về mặt xã hội.

     Có lẽ chính khả năng này là nguyên nhân gây ra hiện tượng nhập nhằng giữa nghĩsuy nghĩ.

     Chúng tôi cho rằng ở đây có sự khác biệt về ngữ pháp giữa hai từ đang bàn.
     Với nghĩ, chúng ta có cấu trúc:
(i)    Đề - Thuyết (hoặc S - V[nghĩ] - O[clause/VP] – diễn đạt theo “truyền thống”)

     Với suy nghĩ, chúng ta có cấu trúc:
(ii)   Đề - Thuyết, Đề - Thuyết (hoặc S - V[suy nghĩ], S - V - O)

Ở (i), bổ ngữ là một tiểu cú hoặc một ngữ vị từ; khi nó mang hình thức ngữ danh từ thì ngữ danh từ đó phải có thuyết tính, hay nói rõ hơn, nó là phần thuyết của một tiểu cú mà phần đề đã được tỉnh lược. Vd:

(10)     a. (Người đàn ông kia là ai vậy?)
    b. Tôi nghĩ (là) bạn của chủ nhà. (/người đàn ông kia là bạn của chủ nhà)

Ở (ii), chúng ta có hai sự tình được diễn đạt bằng hai cấu trúc đề - thuyết; giữa chúng có một quan hệ mà Halliday gọi là “phóng chiếu” (mapping). Về lý thuyết, người nói có thể chọn lựa một trong hai từ (nghĩsuy nghĩ) để diễn đạt, và thường thì người bản ngữ không nhầm lẫn trong sự chọn lựa này.

2.     Nghĩ có thể đi với phó từ (adverb) đến (chỉ đích hay đối tượng) hoặc ra (chỉ kết quả), còn suy nghĩ thì hầu như không thể. (Thật ra, có trường hợp vẫn có thể chấp nhận, nhưng không tự nhiên lắm.)

      Ví dụ:
(11)             a. Anh có bao giờ nghĩ đến em không?
         b. ??Anh có bao giờ suy nghĩ đến em không?
(12)             a. Cô ấy luôn nghĩ đến mọi người.
         b. ??Cô ấy luôn suy nghĩ đến mọi người.
(13)             a. Yêu nhau thì phải nghĩ đến nhau/hôn nhân.
         b. ??Yêu nhau thì phải suy nghĩ đến nhau/hôn nhân.
(14)             a. Khi quyết định như vậy, anh có nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra cho người xung quanh không?
         b. ?Khi quyết định như vậy, anh có suy nghĩ đến những hậu quả xảy ra cho người xung quanh không?
(15)             (Anh nghĩ ra chưa?)
         a. Tôi nghĩ ra rồi.
         b. ??Tôi suy nghĩ ra rồi.
         c. Tôi chưa nghĩ ra.
         d. ??Tôi chưa suy nghĩ ra.
(16)             a. Ồ, nghĩ ra rồi!
         b. *Ồ, suy nghĩ ra rồi!
(17)             a. Bài toán đó, bao giờ nghĩ ra thì gọi cho tớ!
         b. ??Bài toán đó, bao giờ suy nghĩ ra thì gọi cho tớ!

Nhưng khả năng xuất hiện trước giới từ (preposition) về của cả hai gần như ngang nhau.

Ví dụ:

(18)             a. Đôi khi tôi cũng nghĩ về cô ấy.
         b. Đôi khi tôi cũng suy nghĩ về cô ấy.
(19)             a. Lúc nào anh ta cũng nghĩ về chuyện tiền.
         b. Lúc nào anh ta cũng suy nghĩ về chuyện tiền.
(20)             a. Bây giờ anh mới có thì giờ nghĩ về những chuyện vừa xảy ra.
         b. Bây giờ anh mới có thì giờ suy nghĩ về những chuyện vừa xảy ra.


No comments:

Post a Comment