Sunday 30 September 2012

ĐỊNH NGỮ CỦA DANH TỪ ĐƠN VỊ



            Như đã biết, danh từ có hai loại là danh từ đơn vị (trước đây thường gọi là “loại từ” hoặc “danh từ chỉ loại”) và danh từ khối (thường được gọi là “danh từ”, trong thế đối lập với loại từ).
            Theo “truyền thống”, người ta thường xem danh từ khối (cá, mèo, chó, sách, thịt, v.v.) là trung tâm của danh ngữ. Từ đó, tất cả các yếu tố đứng trước và sau nó nhất loạt trở thành định ngữ cho nó. Chẳng hạn những từ được gạch dưới sau đây đều là định ngữ của danh từ bàn, vịt:

  • Tất cả những cái bàn gỗ nâu đó
  • Tất cả những con vịt xiêm lông đen mập mạp này


            Do đã xác quyết danh từ (bàn, vịt) là trung tâm danh ngữ, người ta thường dùng những từ nghi vấn “gì?”, “nào?” để kiểm tra các định ngữ của danh từ đó. “Bàn gì?” – “bàn gỗ”, “bàn nào” – “bàn nâu”, “bàn nào” – “bàn đó”. “Vịt gì?” – “vịt xiêm”, “vịt nào?” – “vịt lông đen”, “vịt nào” – “vịt mập mạp”, “vịt nào?” – “vịt này”. Nghĩa từ vựng “hiển nhiên”(?) của bàn, vịt, mèo, sách, thịt, v.v. tạo ra cảm giác những tổ hợp trên là thỏa đáng, “có nghĩa”.
         
            Thực tế, nếu đối tượng được đưa ra để đặt câu hỏi là danh từ khối (như các ví dụ trên), cách làm này chỉ có thể phát hiện được hai thứ định ngữ: (i) định ngữ (chỉ) loại hay chất liệu (vịt xiêm, cá trê, mèo mướp, chó săn, thịt , bàn gỗ, nồi đất: yếu tố đi sau thu hẹp ngoại diên của yếu tố đi trước), (ii) định ngữ trực chỉ (cá này, rau đó, gạch này: những ngữ đoạn này biểu thị chủng loại chứ không biểu thị thực thể); còn lại các định ngữ khác, nếu có, bao giờ cũng là định ngữ của danh từ đơn vị (phải đặt câu hỏi trên danh từ đơn vị “cái gì/nào?” hay “con gì/nào?”).
Tức là, danh từ khối có định ngữ là (i) các yếu tố đứng sau nó, thu hẹp ngoại diên của nó (chẳng hạn: trê, mướp, xiêm, săn trong cá trê, mèo mướp, vịt xiêm, chó săn; thậm chí, có thể nhiều lớp: tiêu, da bò, Vĩnh Long trong nhãn tiêu da bò Vĩnh Long – vd của Hoàng Dũng và Nguyễn Thị Ly Kha); (ii) các yếu tố trực chỉ (này, kia, ấy, đó) đứng sau nó, với điều kiện trong ngữ đoạn không có mặt danh từ đơn vị.
Và hệ quả tất yếu là ngay cả danh từ khối cũng là định ngữ (chỉ) chủng loại hay chất liệu của một danh từ đơn vị đứng trước nó.
            Quả thật, về mặt nhận thức, những gì liên quan đến thuộc tính, trạng thái cụ thể, liên quan đến vị trí trong không gian và thời gian (được định vị), nói chung phải được thiết lập trên một thực thể (cá thể hay tập hợp) phân lập (con, cái, tấm, tờ, cây, sợi, quyển, bức, bầy, đàn, v.v.) chứ không thiết lập trên một chủng loại hay chất liệu.
            Một, hai, năm, mỗi, những, từng, hai, ba con/cái... chứ không phải là một, hai, năm, mỗi, những, từng, hai, ba //tủ/bàn...
            Đang bay, vừa gáy, mập mạp, xanh tươi, đầu tiên, cuối cùng, đằng kia... là những ngữ vị từ để nói về một/những thực thể (con/cái/cây, ...) nào đó chứ không phải nói về một chủng loại (chim//chó/chuối, ...).

            Nghĩa là trong một danh ngữ có cả hai loại danh từ trên thì danh từ đơn vị là trung tâm của danh ngữ. Đây chính là một trong những quan điểm mà GS Cao Xuân Hạo lập ngôn rất thuyết phục.
            Như vậy, trong các danh ngữ sau đây, các ngữ đoạn gạch dưới là định ngữ của danh từ đơn vị đứng đầu ngữ đoạn.
  • ·        con mèo lông đen ở đằng kia...
            Thao tác: con gì? – con mèo; con nào? – con lông đen; con nào? – con ở đằng kia
  • ·        con mèo mướp (mà) anh cho tôi...
            Thao tác:          con gì? – con mèo; con nào? – con (mà) anh cho tôi;
                                     mèo gì? – mèo mướp  
  • ·        quả bưởi Năm Roi nhỏ nhỏ đó...
             Thao tác:          quả gì? – quả bưởi; quả nào? – quả nhỏ nhỏ; quả nào? – quả đó
                                     bưởi gì? – bưởi năm roi
  • ·        quả bưởi da xanh đầu mùa em mới mua...
              Thao tác:          quả gì? – quả bưởi; quả nào? – quả đầu mùa; quả nào? – quả em mới mua
                                      bưởi gì? – bưởi da xanh
  • ·        con chó Bắc Kinh dữ nhất của ông ấy
               Thao tác:          con gì? – con chó; con nào? – con dữ nhất; con nào? – con của ông ấy
                                       chó gì? – chó Bắc Kinh
  
Hệ quả là khi có mặt các định ngữ chỉ lượng, định ngữ hạn định (giúp xác định thực thể trong không gian-thời gian), và định ngữ trang trí thì buộc phải có một danh từ đơn vị đứng làm trung tâm.

  • Nó mua ba bó rau muống.
  • Tôi muốn bắt con chó dữ nhất.
  • Tôi thích con chó đang sủa.
  • Tôi sợ con chó hôm qua quá!
  • Tôi thấy con chó mập mập đó dễ thương hơn.
  • Chiếc xe xanh xanh đằng kia hiệu gì vậy?
  • Tôi thích nhất (là) cái đồng hồ bố tôi tặng.


Ở người bản ngữ, theo nhận xét của tôi, đôi khi có nhầm lẫn khi sử dụng danh từ Hán Việt như những danh từ đơn vị. Chẳng hạn:
  • ??Hổ là động vật ăn thịt dữ nhất ở rừng nhiệt đới.
  • ??Ông tìm đến bác sĩ giỏi nhất của Khoa này để hỏi về bệnh tình của con.
(Có lẽ lý do là danh từ Hán Việt có thể hoạt động như những danh từ [±đếm được]: bốn bác sĩ, ba quân nhân, năm sinh viên, hai cán bộ. Thực tế, tính “đơn vị” và tính “đếm được” không đồng nhất với nhau. Về vấn đề này có lẽ cần nghiên cứu nhiều hơn nữa.)

Về tư cách của những yếu tố đứng trước thì phức tạp hơn.
            Cao Xuân Hạo (trong Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa) đưa ra “cách giải quyết có cơ may đúng hơn cả: nếu không có lý do gì buộc ta giải quyết cách khác, ta tạm coi cái gì đi trước trong ngữ đoạn là trung tâm.” (sic.) (tr.390)
            Nghĩa là, tất cả, cả, những, các, từng, mỗi, hai, ba, bảy, v.v., đều có thể đóng vai trò trung tâm của danh ngữ, sau nó là một ngữ đoạn định ngữ có danh từ đơn vị làm trung tâm (trừ tất cả: tất cả có thể độc lập làm thành ngữ đoạn).
            Cách xử lý này có lẽ xa lạ với đa số nhà nghiên cứu Việt ngữ, nhưng nó tỏ ra nhất quán hơn.
Sau đây là sơ đồ cấu trúc một ngữ đoạn theo quan điểm của Cao Xuân Hạo:






























Tuy nhiên, theo sơ đồ trên, khó thấy rõ quan hệ tầng bậc giữa trung tâm và thành phần phụ thuộc. Vì vậy, tôi xin thử phân tích ngữ đoạn trên theo sơ đồ hình hộp (dựa theo Ngữ pháp chức năng: Q2: Ngữ đoạn và từ loại, do CXHạo chủ biên)
            Theo đó, sợi có 4 định ngữ: “bấc đèn dầu hạt bông”, “mỏng manh”, “nhặt ngoài rừng”, “ấy”. Theo suy nghĩ của tôi, sơ đồ dạng này cho thấy 4 định ngữ này là “đồng cấp”. Trong khi đó, nếu căn cứ theo sơ đồ chúc đài ở trên thì dễ nghĩ rằng “mỏng manh” là định ngữ của cả ngữ đoạn “những sợi bấc đèn dầu hạt bông”; rồi “nhặt ngoài rừng” là định ngữ của cả ngữ đoạn “những sợi bấc đèn dầu hạt bông mỏng manh”, v.v..
Mỗi dòng trong sơ đồ là một bậc. Như vậy ngữ đoạn trên có tất cả 9 bậc.

           

1 comment:

  1. tác giả của bài này là ai vậy mọi người

    ReplyDelete