Tuesday 22 October 2013

VỊ TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT


 
Tri giác là một năng lực khách quan của động vật nói chung, con người nói riêng. Nó gắn với hoạt động của các cơ quan cảm giác (ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác). Do vậy, các vị từ tri giác đòi hỏi chủ thể tri giác phải là một thực thể người hoặc động vật [+animate], hoặc một vật thể nào đó được người nói gán cho năng lực tri giác (nhân hoá).
Trong các tài liệu nghiên cứu tiếng Việt trước đây, vị từ tri giác đã được một số tác giả đề cập ở góc độ từ vựng (tiêu biểu là Nguyễn Kim Thản 1977) và ngữ nghĩa-cú pháp (tiêu biểu là Cao Xuân Hạo 1991).  Nguyễn Kim Thản xếp vị từ tri giác vào nhóm “động từ cảm nghĩ – nói năng” vì “những động từ này biểu thị sự hoạt động của trí não, của các cơ quan cảm giác và ngôn ngữ” (NKThản 1977: 158). Cao Xuân Hạo nhắc đến vị từ tri giác khi bàn về hành động vô tác, và cho rằng một vị từ tri giác, chẳng hạn như nhìn, biểu thị một quá trình ứng xử, có hai diễn tố (hành thể và mục tiêu). Tuy nhiên, nội dung vấn đề tác giả đưa ra vẫn còn rất sơ lược.