Tuesday 22 October 2013

VỊ TỪ TRI GIÁC TIẾNG VIỆT


 
Tri giác là một năng lực khách quan của động vật nói chung, con người nói riêng. Nó gắn với hoạt động của các cơ quan cảm giác (ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác). Do vậy, các vị từ tri giác đòi hỏi chủ thể tri giác phải là một thực thể người hoặc động vật [+animate], hoặc một vật thể nào đó được người nói gán cho năng lực tri giác (nhân hoá).
Trong các tài liệu nghiên cứu tiếng Việt trước đây, vị từ tri giác đã được một số tác giả đề cập ở góc độ từ vựng (tiêu biểu là Nguyễn Kim Thản 1977) và ngữ nghĩa-cú pháp (tiêu biểu là Cao Xuân Hạo 1991).  Nguyễn Kim Thản xếp vị từ tri giác vào nhóm “động từ cảm nghĩ – nói năng” vì “những động từ này biểu thị sự hoạt động của trí não, của các cơ quan cảm giác và ngôn ngữ” (NKThản 1977: 158). Cao Xuân Hạo nhắc đến vị từ tri giác khi bàn về hành động vô tác, và cho rằng một vị từ tri giác, chẳng hạn như nhìn, biểu thị một quá trình ứng xử, có hai diễn tố (hành thể và mục tiêu). Tuy nhiên, nội dung vấn đề tác giả đưa ra vẫn còn rất sơ lược.

(Gần đây, Nguyễn Tất Thắng (2008) có bàn riêng về vai trò của thị giác trong ngôn ngữ theo cách nhìn tri nhận luận; và Nguyễn Văn Hiệp (2008) cũng nhắc đến vai trò thị giác trong khi bàn về khái niệm tình thái. Nhìn chung, những công trình này không đặt nhiệm vụ khảo sát vị từ tri giác dưới góc độ ngữ nghĩa-cú pháp).
Nhóm từ biểu thị tri giác bao gồm nhìn, trông, xem, coi, dòm, thấy, nghe, sờ, nếm, ngửi, v.v.. Thực ra, tên gọi “vị từ tri giác” chỉ có ý nghĩa quy ước, bởi lẽ trong danh sách đó có thể kể đến hai tiểu nhóm phân biệt nhau: (1) vị từ biểu thị hành động nhằm tri giác đối tượng, và (2) vị từ biểu thị tri giác (“hành động ứng xử” và “quá trình chuyển thái” – CXHạo 1991: 235, 238).
Trong phạm vi bài này, chúng tôi phân tích những vị từ thị giác (nhìn, thấy, xem, trông) làm cơ sở để tiếp cận các vị từ đại diện cho các nhóm khác (nghe, sờ, ngửi, nếmthấy). Tất nhiên, những vị từ cùng nhóm vừa chia sẻ những đặc trưng của các vị từ tiêu biểu vừa phân biệt về mặt từ vựng.
1.      Phương thức thị giác
1.1.  Nhìn – vị từ hành động tri giác
             1.1.1. Nhìn là hành động để mắt vào một người, một vật (hay ví von theo cách của Cao Xuân Hạo: phóng ra một thứ tia gì đấy) hoặc hướng mắt về một phía nhất định (không có hay chưa có đối tượng cụ thể). Nghĩa là hành động nhìn không hàm nghĩa “nhằm mục đích tri giác đối tượng”, dù rằng trong đa số trường hợp là như vậy; điều này thể hiện rõ ở cấu trúc diễn tố của nhìn và ở sự đối lập giữa nhìnxem, thấy. (Đa số các nhà nghiên cứu gọi loại vị từ này là vị từ hành động tri giác (activity perception verbs hoặc active verbs)(1), chúng tôi sẽ giữ lại tên gọi này).
Nhìn là một hành động vật chất có chủ ý của chủ thể, chủ thể phải tiêu hao một năng lượng vật chất nhất định trong khi sử dụng giác quan của mình để thực hiện hành động đó. Tuy nhiên, rất khác với các quá trình chuyển tác vật chất, khi thực hiện hành động nhìn chủ thể không làm biến đổi, tạo mới hoặc hủy diệt đối tượng mà thông thường chỉ sử dụng các giác quan của mình để tri giác đối tượng (CXHạo 1991: 235).
(1)   a. Con chó nhìn thằng bé.
b. Nghe gọi, người đàn ông quay lại nhìn thằng bé.
Trong hai ví dụ trên, thằng bé không hề chịu một sự tác động vật chất nào cả, tuy rằng trong nhiều trường hợp thằng bé có thể có sự “thay đổi trạng thái”, chẳng hạn trở nên sợ hãi, yên tâm, v.v.. Tuy nhiên, sự thay đổi đó là một hệ quả tâm lý không hàm chứa trong nghĩa của vị từ (cf. “Con chó nhìn khúc xương”).
Cũng cần nói thêm, “đối tượng tri giác” hay “tri giác đối tượng” chỉ là một cách nói để làm việc, bởi vì trong thực tế nhìn có thể không nhằm tri giác mà nhằm một mục đích khác. Chẳng hạn:
(2)    a. Thấy bà chủ nhìn mình, thằng bé co rúm người lại. Nó biết cái gì đang chờ đợi nó.
    b. Cô nhìn anh, cô muốn nói với anh là cô vẫn chờ anh.
            Trong những câu như trên, người bản ngữ có thể hiểu nhìn nhằm truyền đạt một thái độ (2a) hay tình cảm (2b) đến đối tượng; tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan của nhân/vật có liên quan hoặc tùy thuộc vào ý muốn của chủ thể hơn là xuất phát từ bản thân ngữ nghĩa của từ và của câu (yếu tố ngoài ngôn ngữ). Về mặt từ vựng, điều này cũng thỏa ý niệm: nhìn chỉ là hành động để mắt hoặc hướng mắt đến đối tượng.
Nhìn đòi hỏi hai diễn tố: diễn tố thứ nhất là Hành thể (chủ thể tri giác) và diễn tố thứ hai là Mục tiêu (Goal) hoặc Hướng (Direction). Diễn đạt theo thuật ngữ của Halliday: sau nhìn là một vật (thing), một hoạt động (act) chứ không thể là một sự kiện (fact) – sự phân biệt thể hiện rõ trong tiếng Anh (Halliday 2004: 203-206). Ví dụ:
(3) a. I looked at him. (Tôi nhìn ông ta).
 b. I looked at him driving the car) (Tôi nhìn ông ta lái xe hơi).
 c. *I looked at he was driving the car.
Trong cấu trúc ngữ nghĩa của nhìn có thể không có Mục tiêu:
(4) a. Người đàn ông quay lại nhìn phía sau.
 b. Người đàn ông nhìn ra ngoài cửa sổ.
Ở đây, “phía sau” là toàn bộ không gian ở đằng sau “người đàn ông”, “ngoài cửa sổ” là toàn bộ không gian bên ngoài ngôi nhà đóng khung bằng khung cửa sổ trước đôi mắt của “người đàn ông”. Danh ngữ theo sau vị từ là thành phần diễn đạt Hướng của hành động, đóng vai trò diễn tố thứ hai, bảo đảm cho cấu trúc trên hoàn chỉnh về cả ngữ nghĩa và ngữ pháp.
Thật ra, về mặt nhận thức, nếu chấp nhận tính chất trung tính về độ lớn (magnitude neutral, Talmy 2000) của đối tượng thì hoàn toàn có thể cho rằng trong cấu trúc ngữ nghĩa của nhìn diễn tố thứ hai là Mục tiêu chứ không nhất thiết phải phân biệt thêm Hướng. Cách hiểu này có vẻ phù hợp hơn với điểm xuất phát là nhìn không hàm nghĩa tri giác.
Hơn nữa, sự đối lập ngữ nghĩa giữa Mục tiêu và Hướng có thể bị (/được) trung hoà hoá (neutralization) về ngữ nghĩa - ngữ pháp bằng sự có mặt của một tác tử chỉ hướng. So sánh các câu sau:
(5) a. Nam nhìn người đàn ông mặc quân phục.
b. Nam nhìn về (phía) người đàn ông mặc quân phục.
c. Nam nhìn đám đông để xem ai vừa nói.
d. Nam nhìn về (phía) đám đông để xem ai vừa nói.
          (6) a. Tôi nhìn qua vai Nam, thấy có người vẫy tay.
               b. Tôi nhìn lên lầu.
Ở (5a) “người đàn ông mặc quân phục” thường được nhận diện như Mục tiêu, trong khi ở (5b) “người đàn ông mặc quân phục” có thể là Mục tiêu nhưng cũng có thể là Hướng, (5c,d) đều có thể nhận diện “đám đông” là Mục tiêu hoặc Hướng. Ở (6a) “vai Nam” là Hướng, thậm chí là Con đường (Path), ở (6b) “lầu” là Hướng hay Mục tiêu tùy vào ngữ cảnh.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn của bài này chúng tôi vẫn giữ sự phân biệt Mục tiêu và Hướng.
1.1.2. Nhìn là một hành động [+chủ ý], do vậy hành động đó có thể mang các đặc trưng: có độ dài về thời gian, có thể cấu tạo thức mệnh lệnh, có thể tham gia cấu trúc mục đích, có thể có yếu tố phương thức hành động đi kèm.  
(7) a. Nam nhìn cô ấy mấy phút đồng hồ mà cô ấy không biết.
 b. Anh nhìn cái đồng hồ này đi! Đẹp phải không?
 c. Anh nhìn cô để tìm lại những đường nét của ngày xưa.
 d. Anh nhìn cô chăm chú. (Anh nhìn rất kỹ chiếc đồng hồ).
Tất cả những biểu hiện này cho thấy nhìn đã chia sẻ các đặc trưng ngữ nghĩa với vị từ hành động của một quá trình vật chất “bình thường”.
         1.1.3. Với đặc trưng ngữ nghĩa như trên, nhìn cũng phân biệt hoàn toàn với trôngxem.  
                  1.1.3.1. Nói chung, trông (chỉ phân tích nghĩa liên quan đến quá trình tri giác) không có khả năng kết hợp với diễn tố thứ hai là một Mục tiêu (thực thể hay hành động). Ví dụ:
(8) a. *Con chó trông thằng bé.
 b. *Nghe gọi, người đàn ông quay lại trông thằng bé.
 c. *Chị bước đứng bên cửa sổ trông bọn trẻ đang chơi.
Ở những cấu trúc kiểu như “Tôi ở nhà trông con”, “Nó phải trông nhà”, v.v., trông cũng là một hành động sử dụng mắt nhưng không nhằm mục đích tri giác mà nhằm mục đích theo dõi, bảo vệ, quán xuyến, nghĩa là nó có thể được thay bằng “giữ”, “bảo vệ”, “canh (chừng)” mà ý nghĩa không thay đổi.
Sau trông cũng không có diễn tố Hướng, một đặc trưng quan trọng của hành động thị giác (các vị từ hành động tri giác khác không có diễn tố này, xem mục 2). So sánh:
(9) a. *Nó trông vào nhà để tìm mẹ nó.
b. Nó nhìn vào nhà để tìm mẹ nó.
c. *Anh trông về phía sau xem có ai theo không.
d. Anh nhìn về phía sau xem có ai theo không.
Trong thực tế, có một vài trường hợp sau trông là Hướng: trông lên trời, trông ra cửa, trông ra biển, trông ra xa. Chúng tôi cho rằng ở đây trông không có nghĩa là nhìn mà chỉ có nghĩa là hướng (hướng lên trời, hướng ra cửa, hướng ra biển, hướng ra xa). Thử xét:
(10)   a. *Nghe gọi, ông ta quay lại trông về phía sau.
b. *Theo hướng tay chỉ của thằng bé, cô ấy trông ra xa.
c. *Bắt gặp cái nhìn của cô giáo, nó trông xuống đất
d. Ngôi nhà trông ra biển. (= hướng ra biển)
                   e. Chị đứng tựa cửa, mắt trông ra xa. (= hướng ra xa)
f. Ông ta ngồi trên bộ ván, trông ra cửa. (= hướng ra cửa)
Ba câu (d)-(f) có thể chấp nhận được vì trông được hiểu là hướng. Ở câu (d) có thể thay trông bằng nhìn, khi đó nhìn được hiểu theo lối ẩn dụ: “Ngôi nhà nhìn ra biển”. Riêng câu (e) và (f) chúng ta thử viết tiếp:
            (11) a. ?Chị đứng tựa cửa, mắt trông ra xa nhưng không thấy gì cả.
b. Ông ta ngồi trên bộ ván, trông ra cửa. Ông *trông (/ nhìn) mông lung. Nếu nhìn vào mắt ông, người ta biết ông không *trông (/ nhìn) gì cả. 
Rõ ràng ở các câu trên, trông không hành chức như vị từ hành động kiểu nhìn. Và do đó, trông cũng không mang đặc trưng về độ dài thời gian, không tham gia cấu trúc mệnh lệnh, cấu trúc mục đích và không có phương thức hành động đi kèm.
(12)   a. *Tôi trông cô ấy mấy phút mà cô ấy không biết.
b. ?Anh trông ngôi nhà đó đi! (cf. Anh trông nhà đi!)
c. *Tôi trông nó để đoán xem nó làm bằng vật liệu gì.
d. *Anh ấy trông đứa bé chăm chăm.
e. *Cô ấy trông tôi, tôi trông lại.
     1.1.3.2. Xem cũng là một hoạt động bằng mắt, nhưng trong khung diễn tố của xem có vẻ như không có Mục tiêu (là một thực thể) và cũng không có Hướng như nhìn. Xét các câu sau:
           (13) a. ??Nam xem thằng bé.
b. *Nam xem vào nhà.
c. *Nam xem sách, thấy rất dày.
Nếu ở câu (a) thực thể thay bằng hoạt động thì hoàn toàn chuẩn tắc, chẳng hạn: “Nam xem thằng bé tập thể dục”. Câu (c), thay cho một tri giác về hình thức của cuốn sách (“thấy rất dày”) bằng một tri giác (= nhận định) về nội dung của cuốn sách thì lại rất bình thường, chẳng hạn: “thấy rất hay”, “thấy có nhiều kiến thức mới”.
            Theo nhận xét của chúng tôi, vấn đề nằm ở chỗ xem là một vị từ tri giác hàm chứa nghĩa mục đích [+mục đích] như là một nét nghĩa nội tại của nó. Nếu nét nghĩa [+mục đích] này không được thể hiện thì xem phải được tình thái hoá bằng một phương tiện khác để bảo đảm tính ngữ pháp của nó. (Tất nhiên, văn cảnh cũng có thể có vai trò thay thế).
Như ở trên đã nói, nhìn có thể tham gia vào cấu trúc mục đích, nhưng khả năng này của nhìn thuộc một bình diện hoàn toàn khác. So sánh:
            (14) a. Nam nhìn tivi.  
                    b. Nam xem tivi để biết kết quả xổ số.
                    c. Nam xem cái tivi rất kỹ nhưng không biết nó hỏng ở đâu.
                    d. Ngày nào Nam cũng xem tivi.
                    e. Nam đã xem rất kỹ cái tivi rồi.
Ở câu (a), hành động nhìn không có dấu vết gì có tính mục đích nếu không được hiển ngôn bằng một thành phần phụ (phụ ngữ mục đích). Câu (b) và (c) nghĩa mục đích được hiển ngôn đầy đủ. Câu (d) và (e) không có yếu tố nào thể hiện mục đích, nhưng người bản ngữ bao giờ cũng hiểu rằng “xem tivi” là để tiếp nhận nội dung chương trình phát trên tivi, còn “xem cái tivi” là để đánh giá chất lượng của tivi (để mua bán) hoặc tìm kiếm nguyên nhân hỏng hóc.
Như vậy, xem bao giờ cũng giả định mục đích: để thưởng thức, để tiếp nhận thông tin, kiến thức, để khám phá đối tượng, v.v.. (Liệu có thể phát biểu một cách khái quát hơn rằng xem là hành động thị giác nhằm tri giác và/hoặc nhận thức đối tượng, trong khi nhìn chỉ là hành động thị giác có định hướng, có thể tiếp cận đối tượng từ bên ngoài?). Có lẽ chính vì nét nghĩa mục đích này mà xem có thể kết hợp được với tên gọi của một hoạt động (yếu tố này tương tự với diễn tố Cương vực (range) của một vị từ hành động vật chất bình thường, chẳng hạn: chơi bóng đá, leo núi, đánh cờ), còn nhìn thì chỉ có thể kết hợp được với một hoạt động cụ thể – nghĩa là một hoạt động gắn với một thực thể nhất định. So sánh:
(15)   a. Nam xem bóng đá.
b. Nam xem bọn trẻ đá bóng.
c. *Nam nhìn bóng đá.
d. Nam nhìn bọn trẻ đá bóng.
Ở câu (c) không thể có mặt bất cứ tên gọi nào của một phạm trù hiện thực: thể thao, ca nhạc, balê, triển lãm, trình diễn, v.v.. Câu (d) khác với (a) rất nhiều: nếu Nam muốn thưởng thức, muốn reo hò cổ vũ thì phải diễn đạt bằng câu (a) chứ không thể bằng (d).  
Điều vừa nói dẫn đến một hệ luận là cấu trúc tham tố của vị từ hành động tri giác xem không giống như nhìn: diễn tố thứ hai của nhìn hoặc là Mục tiêu hoặc là Hướng, trong khi diễn tố thứ hai của xem có thể là (i) Mục tiêu – thường được diễn đạt bằng một danh ngữ mà trung tâm là một danh từ đơn vị (cái tivi, chiếc xe, trận bóng đá, cuộc đấu); (ii) Phương tiện (Instrument hay tốt hơn là Medium(2)) – thường được diễn đạt bằng một danh từ khối (sách, giấy, giấy tờ, tivi, nhà, đất), nhưng cũng có thể bằng danh từ đơn vị (hồ sơ, tài liệu, danh sách); (iii) Cương vực (Range) – thường được diễn đạt bằng một danh từ khối (ca nhạc, bóng đá, thể thao, phong cảnh, lễ hội, trình diễn, kịch).
1.2.  Nhìn – vị từ miêu tả tri giác
Trong các ví dụ nêu trên, chủ thể của hành động nhìn (Hành thể) cũng đồng thời là đề (chủ ngữ) của vị từ chính. Nhìn cũng có thể hoạt động trong một cấu trúc mà ở đó đứng vai trò đề của vị từ không phải là chủ thể của hành động mà là đối tượng được hành động nhìn hướng tới – với cấu trúc này, ta không có một sự tình hành động mà chỉ có một sự tình trạng thái (state) [-động] [-chủ ý]. Các nhà nghiên cứu gọi một vị từ như thế là vị từ (tri giác) nối kết, hệ từ, vị từ kết quả hoặc vị từ miêu tả (copulative, copular, resultative, descriptive)(1). Trong đó, có lẽ dễ hình dung hơn cả là thuật ngữ vị từ miêu tả (tri giác).  
(16)   a. Thằng bé đó nhìn hiền lành quá.
b. Chiếc xe màu đỏ nhìn hấp dẫn thật.
c. Hai thằng bé đó nhìn giống như hai anh em sinh đôi.
Đứng vai trò đề của nhìn là đối tượng tri giác (diễn tố này cũng có thể gọi là Mục tiêu), còn bổ ngữ của nó là nội dung tri giác (diễn tố thứ hai này có thể gọi là Nội dung). Nói rõ hơn, Nội dung là những gì mà thị giác của chủ thể (không có mặt trong cấu trúc miêu tả đang bàn) thu nhận được từ đặc trưng bề ngoài, tính chất, tính cách của đối tượng. Ví dụ:  
(17)   a. Em có khoẻ không? Mặt em nhìn xanh quá!
b. Vải này nhìn hơi cứng.
c. Thằng bé nhìn rất dễ thương.
d. Bức tranh bên phải nhìn cũng vui!
e. Cú đá của cô gái nhìn đẹp mắt quá!
Ở các câu (a), (b), (c), chủ thể nêu ra thuộc tính của đối tượng, trong khi ở (d) và (e) thì lại đưa ra cảm xúc, cảm giác của mình khi tri giác đối tượng ấy. Tuy nhiên, về bản chất, cả năm câu trên đều có điểm chung: sau vị từ là những gì mà đối tượng đem đến cho chủ thể.  
Hơn nữa, nhìn là một quá trình tri giác, cho nên trong một nhận định về thuộc tính khách quan của sự vật (xanh, cứng), sự có mặt của nhìn là một chỉ báo cần yếu cho tính [+chủ quan]. Tuy vậy, Nội dung mang hàm thực hay vô hàm (factive / non-factive) là tuỳ vào mức độ phù hợp của nó với thuộc tính của đối tượng. Hay nói cụ thể hơn, nếu Nội dung là những gì liên quan đến thuộc tính bề ngoài của đối tượng mà chủ thể có thể tri giác trực tiếp được thì nó mang hàm thực; còn nếu nó liên quan đến những thuộc tính mà chủ thể phải tri giác gián tiếp (chẳng hạn tri giác tính cứng-mềm bằng mắt) hoặc có sự tham gia của kinh nghiệm (chẳng hạn căn cứ vào đường nét gương mặt để nhận biết tính dữ-hiền) thì nó vô hàm. So sánh:
(18)   a. Vải này hơi mềm.
b. Vải này nhìn hơi mềm.
c. Mặt thằng bé nhìn hơi buồn.
d. Mặt thằng bé nhìn đen quá.
Câu (a) là một cấu trúc quan hệ, trong đó “hơi mềm” mang tính thực (factive); không thể nói “Vải này hơi mềm nhưng thực ra nó rất cứng”. Trong khi đó, ở (b) ta có thể nói “Vải này nhìn hơi mềm nhưng thực ra nó chẳng mềm chút nào”. Câu (d) hàm thực vì không thể nói thêm “nhưng thực ra nó hơi nâu”, còn câu (c) vô hàm vì có thể nói thêm “nhưng tôi biết nó đang vui sướng” hoặc “vì nó vừa bị mắng”.(3)
      Để biểu thị thuộc tính của đối tượng, sau vị từ nhìn có thể có một biểu thức hoặc một vị từ so sánh (“có vẻ như”, “giống như”, “như”, “giống”) – những dấu hiệu này là bắt buộc khi yếu tố dùng để miêu tả là một danh ngữ (để tránh mơ hồ: danh ngữ này có thể được hiểu như Mục tiêu của nhìn). Chẳng hạn:
          (19) a. Hai mẹ con nhà đó nhìn có vẻ như hai chị em.
                  b. Bề ngoài loài bọ này nhìn giống như chiếc lá cây.
Khi biểu hiện quá trình tri giác, nếu đề của nhìn là một thực thể người thì có thể xảy ra tình trạng lưỡng nghĩa: (i) đề là chủ thể của hành động nhìn – ta có một nhìn-hành động; (ii) đề là đối tượng của hành động nhìn – ta có một nhìn-miêu tả. Chẳng hạn:
(20)  Gã đàn ông kia nhìn dữ quá.
Câu trên có hai cách hiểu: (i) “Cách nhìn/ánh mắt của gã đàn ông kia có vẻ rất dữ”, trong đó, “dữ” không phải là thuộc tính của “gã đàn ông” mà là cách thức nhìn; (ii) “Tôi nhìn gã đàn ông và thấy anh ta rất dữ”, trong đó “dữ” là nội dung tri giác của tôi về “gã đàn ông”. 
Thế lưỡng nghĩa này sẽ bị triệt tiêu nếu thay nhìn bằng trông. Trông có thể thay thế hoàn toàn cho nhìn khi biểu thị quá trình thị giác (với đề là đối tượng tri giác) chứ không thể thay cho nhìn khi biểu thị hành động [+chủ ý] (chủ thể tri giác làm đề). Có thể nói trông là một từ nằm trong quan hệ phân bố bao hàm với nhìn: trông < nhìn. Ví dụ:
(21)  a. Em có khoẻ không? Mặt em trông xanh quá!
b. Vải này trông có vẻ hơi cứng.
c. Mới mười sáu tuổi mà thằng bé trông như thanh niên.
Và ở sự lựa chọn này, trông tránh được thế lưỡng nghĩa như đã nói ở trên. Như vậy, nếu ví dụ trên được viết lại “Gã đàn ông trông dữ quá” thì chỉ có một cách hiểu duy nhất là cách hiểu (ii).
1.3. Thấy - vị từ nội dung tri giác
Khác với nhìn, thấy là vị từ [-chủ ý], biểu thị nội dung nhận biết của chủ thể qua con đường thị giác. Do vậy, nó có thể được gọi là vị từ trải nghiệm (experience, Viberg 1983: 123), vị từ (tri giác) nhận thức (cognitive perception), vị từ trạng thái (state), v.v.. Ở đây, chúng tôi gọi nó là vị từ nội dung tri giác vì diễn tố theo sau nó là Nội dung (tri giác).
Đứng vai trò đề của vị từ thấy có thể là danh ngữ biểu thị chủ thể tri giác hoặc đối tượng được tri giác:
1.3.1. Khi đề là chủ thể tri giác, theo sau thấy là danh ngữ biểu thị đối tượng được tri giác. Đối tượng này có thể là một vật (thing), một hành động (act) và cũng có thể là một sự kiện (fact) – đây là một khả năng mà nhìn không có được. Đối chiếu với tiếng Anh ta sẽ thấy rõ hơn đặc trưng này:
(22)   a. Thằng bé thấy con chó. (I saw the dog)
b. Tôi thấy cô ấy khóc. (= I saw her crying)
c. Tôi thấy cô ấy đang ngồi trong lớp. (I saw her sitting (/sit) in the class) // (I saw (that) she was sitting in the class)
Trong tiếng Anh, bổ ngữ của thấy là một cấu trúc vô định (ở hình thức -ing (danh động từ) hoặc infinitive – không có to) hoặc một cấu trúc hữu định (ở hình thức tiểu cú, có thể có that liên kết), dù cấu trúc hữu định này không phải là phổ biến.  
Thấy không phải là một hành động vật chất, do vậy không thể có tham tố Hướng trong cấu trúc ngữ nghĩa của nó. Nếu có, tham tố đó phải thuộc về một vị từ tri giác đi trước:
(23)   a. *Tôi thấy qua cửa sổ mẹ tôi.
b. Tôi nhìn thấy qua cửa sổ mẹ tôi đang cắt hoa. à Tôi nhìn qua cửa sổ thấy mẹ tôi đang cắt hoa.
Hoặc cùng với ngữ đoạn danh từ trước đó làm thành một tiểu cú:
(24)   a. Tôi thấy mẹ tôi ngoài cửa sổ.
b. Tôi thấy mẹ tôi đi (/ ở) ngoài cửa sổ.
            Giữa nhìnthấy thường được xem là có quan hệ hành động - kết quả (CXHạo 1991,  Viberg 1983). Tuy nhiên, nếu xét quan hệ ngữ pháp giữa các yếu tố tham gia cấu trúc thì tình hình phức tạp hơn rất nhiều. “Tôi nhìn thấy cô ta” nghĩa là “tôi nhìn” và “tôi thấy cô ta” hay là “tôi nhìn cô ta” và “tôi thấy cô ta”? Hay có một cách giải thích khác nữa? Thử xét các câu sau:
(25)   a. Tôi nhìn ra cửa sổ (và) thấy cô ta.
b. Tôi nhìn con chó và thấy một con bọ chét ở sau tai nó.
Ở câu (a) sau nhìn là Hướng, ở câu (b) là Mục tiêu. Ở cả hai câu, nội dung tri giác không phải là đối tượng hoặc không đồng nhất với đối tượng của hành động nhìn. Như vậy, hiểu nhìn - thấy như là chuỗi vị từ có quan hệ hành động - kết quả e rằng quá rộng. (Cf. “Tôi tìm thấy cô ta”: “Tôi tìm cô ta” và “tôi thấy cô ta”, trong đó “cô ta” là một đối tượng có chủ ý của “tìm”). Thậm chí, có thể nói, về mặt ngữ pháp phải bảo đảm rằng nội dung tri giác được diễn đạt sau thấy phải khác biệt với thành phần được diễn đạt sau nhìn. So sánh:
(26)   a. *Tôi nhìn cô ấy (và) thấy cô ấy.
b. Tôi nhìn cô ấy (và) thấy cô ấy khóc.
c. Tôi nhìn cô ấy (và) thấy chiếc nhẫn vẫn còn trên tay cô ấy.
Câu (a) không được chấp nhận vì đối tượng của nhìnthấy là đồng nhất. Câu (b) và (c) được chấp nhận vì đối tượng của nhìn là “cô ấy”, khác với đối tượng (= Nội dung) của thấy. Lại xét:
(27)   a. Tôi nhìn vào nhà và thấy cô ấy.
b. Tôi nhìn vào nhà và thấy cô ấy khóc.
Câu (a) và (b) đều được chấp nhận vì sau nhìn là Hướng còn sau thấy là Nội dung – điểm khác nhau duy nhất: Nội dung ở (a) là một “vật” (thing) trong khi ở (b) là một hành động.
Từ những điều vừa trình bày, chúng tôi cho rằng nên giải thuyết nhìn thấy (trong “Tôi nhìn thấy cô ấy”) như là một chuỗi vị từ; trong đó, vị từ trước đánh dấu phương thức tri giác và vị từ sau biểu đạt nội dung tri giác, là bổ ngữ của vị từ trước. Cách giải thuyết này có khả năng bao quát những phương thức tri giác khác mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau (mục 2). Trong mọi trường hợp, nếu không cần (và thường là không cần) phương thức có thể không có mặt.
Liên quan đến vấn đề vừa trình bày là chuỗi trông - thấycảm thấy.
Trông không có khả năng xuất hiện khi chủ thể tri giác là đề (xem mục 1.1.3.1), do vậy không thể lập luận như trường hợp của nhìn - thấy ở trên. Có thể khẳng định rằng chỉ khi nằm trong chuỗi trông - thấy đang xét trông mới có thể đứng ngay sau chủ thể. Như vậy, trông trong cấu trúc trông - thấy hoặc là một ngoại lệ hoặc là một biểu hiện của quá trình chuyển nghĩa (trông à nhìn). So sánh hai câu sau:
(28)   a. (Nghe tiếng động, nó quay mặt ra cửa). Nó nhìn không thấy gì bèn quay vào.
b. ??(Nghe tiếng động, nó quay mặt ra cửa). Nó trông không thấy gì bèn quay vào.
Có vẻ như trông vẫn không thể thay cho nhìn trong trường hợp này, nó cùng với thấy làm thành một tổ hợp bất thường về ngữ pháp, và do đó về ngữ nghĩa. Do vậy, chúng tôi tạm thời vẫn xem trông trường hợp đang bàn là một ngoại lệ.
Cảm thấy trong tiếng Việt là một trường hợp riêng biệt, vì cảm được xem là một vị từ biểu thị sự “nhận biết bằng giác quan, bằng cảm tính” (Hoàng Phê 1995, Từ điển tiếng Việt) nhưng nó không biểu thị bất cứ một phương thức tri giác nào. Về cảmcảm thấy có thể đề cập một số đặc điểm sau đây:
(i) cảm luôn luôn phải đi với một vị từ tri giác (thấy, nhận) hoặc một vị từ biểu thị kết quả (được);
(ii)    cảm thấy không có Mục tiêu là một thực thể (*“Nam cảm thấy cô ấy”), tất nhiên là cũng không có Hướng (*“Nam cảm thấy vào nhà/qua cửa sổ”);
(iii) cảm thấy bao giờ cũng phóng chiếu một cấu trúc thuyết tính (tiểu cú đầy đủ hoặc tỉnh lược), nghĩa là một nhận định (“Nam cảm thấy thơm” à “Nam cảm thấy (là) món đó thơm”);
(iv)  cảm thấy không thể có dạng phủ định nội dung tri giác (*“Nam cảm không thấy món đó thơm”).
Chính vì những đặc trưng vừa nói, chúng tôi cho rằng “cảm (thấy)” không thuộc nhóm vị từ tri giác mà thuộc nhóm vị từ cảm nghĩ.
1.3.2. Khi đề là đối tượng tri giác, tương tự như nhìn, sau thấy là nội dung mà chủ thể tri giác được từ đối tượng.
(29)   a. Cái áo này thấy cũng được.
b. Làm như vậy thấy cũng hay.
Tuy nhiên, khả năng này của thấy không phải là khả năng trội: trong nhiều trường hợp nhìn (hoặc trông) tỏ ra tự nhiên hơn thấy rất nhiều. Chẳng hạn:
(30)   a. (Tôi nhìn cái xe này, thấy nó rất đẹp). à Cái xe này nhìn rất đẹp.
b. (Tôi nhìn cái xe này, thấy nó rất đẹp). à ??Cái xe này thấy rất đẹp.
Lý do là quan hệ ngữ pháp giữa đề và vị từ trong hai câu trên không giống nhau. Ở câu (a) nhìn nhận “cái xe này” làm đề, sự vắng mặt của chủ thể tri giác là bình thường. Trong khi đó, câu (b) là một cấu trúc khó được xem là chuẩn tắc, và bao giờ cũng có thể phục hồi chủ thể tri giác ở vị trí trước vị từ (“Cái xe này tôi thấy rất đẹp”), và ta có một cấu trúc đề - thuyết tự nhiên hơn nhiều (phần thuyết có cấu trúc của một tiểu cú). Hay nói cách khác, những câu tương tự như (b) là dạng tỉnh lược của những câu có cấu trúc đầy đủ [Đối tượng - Chủ thể - thấy - Nội dung tri giác], hoặc diễn đạt theo khung tham tố [thấy (Mục tiêu) (Hành thể) (Nội dung)].
Về mặt ngữ nghĩa, khi ở dạng tỉnh lược (nghĩa là không có chủ thể), các cấu trúc chứa thấy nhiều khi cần phải được hoàn chỉnh bằng một yếu tố tình thái hoặc bằng một ngữ đoạn phụ thuộc. So sánh các câu sau đây:
(31)   a. Anh ta lịch sự.
b. ??Anh ta thấy lịch sự.
c. Anh ta thấy cũng lịch sự.
d. Anh ta thấy lịch sự như vậy nhưng khó chơi lắm!
e. Cái xe này đẹp.
f. ??Cái xe này thấy đẹp.
g. Cái xe này thấy vẫn đẹp.
h. Cái xe này thấy đẹp chứ chẳng biết dùng được không!
Câu (a) và (e) có cấu trúc quan hệ, biểu thị thuộc tính: [(Đương thể) (Thuộc tính)]. Sự có mặt của thấy đánh dấu nhận định về thuộc tính ấy là một nội dung của quá trình thị giác (điều này làm cho một sự tình tri giác khác với một sự tình quan hệ). Chính vì vậy, các câu (c), (d), (g), (h) thoả đáng về mặt ngữ nghĩa, trong khi đó (b) và (f) thì không.
Liên quan đến thấy cũng cần đề cập đến ra.
Ra cũng thường được xem là vị từ biểu thị kết quả (nhìn ra, nhớ ra, tìm ra, nghĩ không ra). Tuy nhiên, có sự khác biệt về ngữ nghĩa rất rõ giữa thấyra. Xét các câu sau:
(32)   a. Hôm qua tôi không nhìn thấy anh.
b. Hôm qua tôi không nhìn ra anh.
c. Hôm qua tôi có thấy anh nhưng không nhìn (= nhận) ra.
Rõ ràng (nhìn) ra không đồng nghĩa với (nhìn) thấy. Có thể thấy nhưng không biết thực thể được nhìn thấy đó là ai, là gì, là như thế nào. Muốn biết “anh” là ai thì phải so sánh, đối chiếu với “anh” trước đây, hoặc với những người đàn ông chung quanh. Như vậy, có thể nói ra trong nhìn ra biểu thị kết quả, nhưng không phải là kết quả của hoạt động thị giác mà là kết quả của quá trình tư duy trừu tượng (bậc cao hơn tri giác - nhận thức cảm tính). Và do đó, rathấy không thể xem là đồng nhất. (Ngoài thấy, còn một vị từ tri giác có thể đi với ra tương tự như nhìn, đó là nghe: “Tôi đã nghe ((thấy) âm thanh đó rồi) nhưng chưa nghe ra nó là gì”).
2.      Các phương thức tri giác khác
Từ những phân tích trên về quá trình thị giác, có thể thấy các quá trình xúc giác, khứu giác, vị giác, cảm giác cũng có những đặc trưng tương tự,­ trừ thính giác. Tức là chúng ta có thể đối lập một bên là vị từ biểu thị hành động tri giác (vì vị từ hành động tri giác thực hiện bằng các phương thức khác nhau nên cũng có thể gọi là vị từ phương thức tri giác) và một bên là vị từ biểu thị nội dung tri giác.
2.1. Vị từ hành động tri giác
Các vị từ biểu thị hành động tri giác nói chung có hai diễn tố: Hành thể và Mục tiêu.
(33)   a. Nam sờ tai con chó.
b. Nam ngửi cốc rượu vang, rồi nếm một ngụm.
c. Bác sĩ đang nghe tim người bệnh.
Các danh ngữ sau vị từ ở các câu trên đều là những đối tượng mà hành động của chủ thể hướng đến. Tuy nhiên, khác với nhìn, các vị từ đang bàn không có diễn tố Hướng (không thể nói: “ngửi qua cửa sổ”, “nếm lên phía trước”, “nghe về phía ngoài”). Ngay cả khi có mặt một chỉ tố hướng, như trường hợp của sờ sau đây, danh ngữ theo sau vẫn là Mục tiêu chứ không diễn ra hiện tượng trung hoà hoá như ở trường hợp của nhìn:
(34)   a. Nam sờ vào cái cặp da.
b. Nam sờ lên trán ông ngoại.
Cũng giống như nhìn, các vị từ sờ, nghe, ngửi, nếm cũng là những vị từ [+chủ ý], cho nên cũng có thể cấu tạo thức mệnh lệnh, có thể tham gia cấu trúc mục đích, có thể có yếu tố phương thức hành động đi kèm. 
(35)   a. Anh ngửi / nếm món này thử xem! Hấp dẫn lắm.
b. Chị sờ mặt vải đi, mịn không? Chị sờ nhẹ nhẹ thôi.
c. Anh nghe bài này một lần đi để biết thế nào là rock.
d. Ông ta rót một cốc rượu, ngửi đi ngửi lại để đoán năm sản xuất.
e. Nó nghe cẩn thận đoạn băng đó.
Do bản thân nghĩa từ vựng của mỗi từ, sờnghe có thể có độ dài thời gian, trong khi ngửinếm thường không có độ dài thời gian mà chỉ có tần số hành động (có biểu thức diễn đạt đơn vị hành động). Ví dụ:
(36)   a. Nó sờ một hồi lâu mà vẫn không nhận ra vật đó là cái gì.
b. Nó nghe ba mươi giây là có thể biết được tên bài hát.
c. Hắn ngửi hai ba hơi rồi lắc đầu chê dở.
d. Hắn nếm mấy muỗng rồi mà vẫn chẳng nói gì.
2.2. Vị từ miêu tả tri giác
Các vị từ phương thức tri giác cũng tham gia cấu trúc miêu tả tương tự nhìn; nghĩa là nó có thể nhận Mục tiêu làm đề và sau nó là diễn tố Nội dung. Ví dụ:
(37)   a. Vải này sờ mịn quá! // Vải này sờ dễ chịu quá!
b. Tiếng máy nghe lục cục lạc cạc thế nào ấy! // Bài hát này nghe thật buồn.
c. Rượu này ngửi cũng đủ say.
d. Món này nếm cũng ngon.
2.3. Vị từ nội dung tri giác
Ở hoạt động thị giác, tiếng Việt có một cặp tương quan: nhìn - thấy. Ở các hoạt động tri giác khác cũng có các tương quan: nghe - thấy, sờ - thấy, ngửi - thấynếm - thấy. Nghĩa là trong từ vựng tiếng Việt có một sự phân bố bất đối xứng giữa một bên là vị từ biểu thị hành động tri giác (gồm nhiều yếu tố từ vựng gắn với mỗi phương thức) và một bên là vị từ biểu thị nội dung tri giác (chỉ gồm một yếu tố là thấy).(4)
Xét các ví dụ sau:
(38)   a. Nghe bản nhạc đó thấy hay nên hắn chép lại.
b. Thằng bé sờ thấy cái bánh nóng hổi nên không đòi nữa.
c. Chị ngửi áo chồng thấy có mùi nước hoa lạ.
d. Chị nếm thấy hơi nhạt nên bỏ thêm đường.
e. Khua khoắng một lúc, thằng bé chỉ sờ thấy một cái vỏ lon bia bèn bước lên bờ.
            Nói chung, về ngữ nghĩa, sau vị từ hành động tri giác là Mục tiêu và sau vị từ nội dung tri giác là Nội dung. Tuy nhiên, khái niệm “đối tượng tri giác” và “nội dung tri giác” ở các quá trình xúc giác, khứu giác, vị giác, thính giác và thị giác có sự khác biệt cần thuyết minh thêm:
(i) Đối tượng của quá trình thị giác là bản thân cái thực thể mà mắt chúng ta “phóng” đến (chẳng hạn, “cô gái”), và nội dung (tri giác) là những “nhận biết” (rất đa dạng) về thực thể (cao, thấp, vui, buồn, cười, khóc, ăn, nói) hoặc cảm xúc, cảm giác của chúng ta về thực thể (vui, buồn, lạ, quen, yêu, ghét), trong nhiều trường hợp chúng ta lại có nhận biết về một thực thể khác (nhìn “cô gái” nhưng lại thấy “con sâu trên tóc cô gái”);  thậm chí, có khi đối tượng thị giác không có mặt mà chỉ có hướng, khi đó nội dung tri giác chính là thực thể, hành động, sự kiện nhận được (nhìn “vào nhà” và thấy “chị hai đang khóc”);
(ii)    Đối tượng của quá trình xúc giác là cái thực thể đem lại cho chúng ta cảm giác hay cảm xúc về nó (sờ vào “con dao” (= đối tượng) chúng ta nhận thấy sắc, lạnh, cứng, đau, nhói, sợ (= nội dung)); có khi cái thực thể mà chúng ta tiếp xúc là một khách thể chưa định danh và nội dung mà chúng ta nhận biết chính là bản chất của thực thể ấy (sờ vào “một khối mềm mềm” và thấy đó là “con gấu bông”);
(iii) Đối tượng của các quá trình còn lại, thông thường được hiểu là mùi, vị, tiếng, đem lại cho chúng ta cảm giác hay cảm xúc về mùi, vị, tiếng đó (ngửi “mùi cà phê” (= đối tượng) thấy “thơm” hoặc thấy “thèm” (= nội dung), nghe “tiếng đứa bé cười” (= đối tượng) thấy “hạnh phúc” (= nội dung)); có trường hợp đối tượng không phải là mùi, vị, tiếng mà chính là nguồn phát hoặc thực thể tạo ra mùi, vị, tiếng – khi đó tính chất, bản chất của mùi, vị, tiếng hoặc cảm giác, cảm xúc do mùi, vị, tiếng tạo ra mới là nội dung tri giác được (ngửi “tô phở” (= đối tượng) thấy “mùi hồi” hoặc thấy “thơm” hoặc thấy “thèm” (= nội dung)).   
Về ngữ pháp, khi có mặt cả hai vị từ hành động và vị từ nội dung (tri giác) thì sau vị từ thứ hai phải là một tiểu cú (kết cấu chủ-vị) đầy đủ hay không đầy đủ – lý do là nó diễn đạt một nhận biết (= nhận định) của chủ thể về đối tượng. Chẳng hạn, câu (b) ở trên có tiểu cú “cái bánh nóng hổi”, câu (c) có một tiểu cú tồn tại “có mùi nước hoa lạ”, câu (d) có một tiểu cú tỉnh lược đề “Æ hơi nhạt”, câu (e) cũng có một tiểu cú không đầy đủ “(cái vật lấp lánh dưới nước / cái vật em nó làm rơi xuống nước) là một cái vỏ lon bia” hoặc “(có) một cái vỏ lon bia”.
            Điều vừa nói đưa đến một hệ luận là sau vị từ phương thức tri giác không thể có một tiểu cú. Chẳng hạn, so sánh các câu (a) và (b), (c) và (d) sau đây: 
(39)   a. Cô Hà ngửi chén canh thấy hơi tanh nên không ăn.
b. ??Cô Hà ngửi chén canh hơi tanh nên không ăn.
c. Cô Hà sờ cái áo thấy mịn, thích lắm.
d. Cô Hà sờ cái áo mịn, thích lắm.
Câu (b) không thể chấp nhận vì “chén canh hơi tanh” là một tiểu cú, trong khi câu (d) có thể chấp nhận được nếu hiểu “cái áo mịn” là một danh ngữ.
      Về mặt cấu trúc thông báo, trong cấu trúc có hai vị từ đang đề cập, vị từ thứ hai chính là tiêu điểm thông tin. Có thể chứng minh: trong thực tế nói năng, phương thức là thành phần có thể bị lược bỏ, khi đó cấu trúc câu vẫn biểu hiện một quá trình tri giác (quá trình tinh thần – mental process), nghĩa là đặc trưng chính của cấu trúc vẫn được bảo tồn; trong khi đó, nếu lược bỏ vị từ nội dung, ta chỉ có một cấu trúc biểu hiện quá trình vật chất (material process) (Halliday 2004).
Ghi chú: Một quá trình tri giác thường có quan hệ tuyển chọn khá chặt chẽ đối với những thành phần triển khai sau nó, tạo thành một quá trình thống nhất (khi nó được nối tiếp bằng một thành phần phụ kết (subordination) hoặc đẳng kết (coordination)). Trong khi đó, quan hệ giữa một quá trình vật chất và quá trình gắn kết với nó tạo thành hai quá trình độc lập tương đối. So sánh các câu sau:  
(40)   a. Thằng bé sờ thấy cái bánh nóng hổi nên không đòi nữa (/nhưng vẫn đòi ăn).
b. ??Thằng bé sờ cái bánh nóng hổi nên không đòi nữa (/nhưng vẫn đòi ăn).
c. Thằng bé sờ vào tai con chó, thấy không nguy hiểm, bèn bước vào nhà.
d. Thằng bé sờ vào tai con chó. Nó bước vào nhà.
Khác với ví dụ (b), ví dụ (d) chấp nhận được vì nó diễn đạt hai sự tình độc lập.
Ngoài ra, trong các cấu trúc hai vị từ, sự có mặt của yếu tố phủ định bao giờ cũng tác động vào nội dung chứ không phải hành động tri giác. Xét các câu:
(41)   a. Nó không sờ thấy máu nên yên tâm.
b. Nó sờ không thấy máu nên yên tâm.
c. Con chó ngửi không thấy mùi lạ bèn cúi xuống ăn.
d. Con chó không ngửi thấy mùi lạ bèn cúi xuống ăn.
Ở cả bốn câu trên, hành động sờ, ngửi vẫn diễn ra bất chấp nội dung tri giác.
Riêng quá trình thính giác có một số đặc trưng không chia sẻ với các quá trình vừa nói. 
– Các danh ngữ xuất hiện sau vị từ nghe phải là những danh ngữ trực tiếp hoặc gián tiếp biểu thị âm thanh. Chẳng hạn các câu sau đây bao giờ cũng có thể thêm một danh từ như tiếng, lời, âm thanh vào trước biểu thức diễn đạt hoạt động, hiện tượng:
(42)   a. Tôi nghe nước chảy      --> Tôi nghe tiếng nước chảy         
b. Tôi nghe mưa rơi          --> Tôi nghe tiếng mưa rơi
c. Tôi nghe hắn đánh vợ    --> Tôi nghe tiếng hắn đánh vợ
Khi không thể thêm tiếng hay âm thanh vào ngữ đoạn bổ ngữ sau nghe thì ngữ đoạn ấy không phải là đối tượng tri giác của nghe, và bản thân nghe cũng không còn là vị từ biểu thị hoạt động thính giác nữa mà nó đã trở thành vị từ cảm nghĩ hay cảm giác. Ví dụ:
(43)   a. Tôi nghe lòng mình trĩu nặng.
b. Nó nghe đau khắp người.
Tất nhiên, trong “nghe bản nhạc” thì không thể thêm tiếng hay âm thanh vào trước “bản nhạc” được, vì “bản nhạc” ở đây không thể là cái gì khác ngoài toàn bộ âm thanh và giai điệu làm nên nó. 
– Trong quá trình thính giác, xuất hiện sau thấy ít khi là thuộc tính hay tính chất của âm thanh (ầm ầm, lách cách, ồn ào, véo von) mà thường là cảm giác hay cảm xúc của chủ thể. Hay nói khác đi, nghe không tham gia vào cấu trúc [nghe + Mục tiêu + thấy (tiếng…)] như kiểu của ngửi, nếm [nếm + tô phở + thấy (vị) cay]. Ví dụ:
(44)   a. *Nó nghe tiếng sáo thấy véo von. // Nó nghe tiếng sáo véo von thấy thích lắm.
b. Nó nếm cà phê thấy hơi đắng. // Nó nếm thấy cà phê hơi đắng.
c. *Tôi nghe (tiếng) sóng vỗ thấy ầm ầm. // Nghe (tiếng) sóng vỗ ầm ầm, tôi thấy hơi sợ. 
d. Tôi ngửi cà phê thấy rất thơm. // Tôi ngửi thấy cà phê rất thơm.
e. *Bác sĩ nghe tim ông ấy thấy (tiếng) thình thịch.           
f. Bác sĩ nghe (tiếng) tim ông ấy đập thình thịch.
So sánh các câu trên có thể rút ra nhận xét rằng thành phần đứng sau nghe cũng có thể là nội dung tri giác chứ không chỉ là đối tượng tri giác như các vị từ tri giác khác. Đây là một biểu hiện bất đối xứng rất lạ trong nhóm từ đang xét. Thậm chí, nghe có thể thay thấy ở vai trò biểu thị nội dung tri giác của vị từ sờ, nếm, ngửi.
(45)   a. Sờ tấm vải này nghe mát cả tay.
b. Nếm có một tí kim chi mà nghe cay xé.
c. Anh ngửi cái này có nghe thơm không?
Đặc biệt khả năng này rất phổ biến khi sau nghe là cảm xúc hay cảm giác của chủ thể (nghe thèm, nghe đau, nghe dễ chịu).
– Trong quan hệ với tác tử phủ định, nghe cũng không giống các vị từ tri giác khác. Xét các câu sau:
(46)   a. Nó sờ (/ nếm, ngửi) nhưng không thấy gì cả.
b. Nó không sờ (/ nếm, ngửi) thấy gì cả.
c. *Nó nghe không thấy gì cả.
d. Nó không nghe thấy gì cả.
Câu (a), sau vị từ hành động bao giờ cũng giả định sự có mặt của một Mục tiêu, do đó cả (a) và (b) đều có thể chấp nhận. Trong khi đó, ở (c) khó có thể cho rằng có một bổ ngữ như thế (không thể nói “Nó nghe bài hát (/ tiếng động, radio) nhưng không thấy gì”). Có vẻ như trong ngữ nghĩa của nghe đã giả định sự có mặt của đối tượng (một thứ âm thanh nào đó). Và điều này có lẽ xuất phát từ nhận thức về âm thanh của người Việt từ xa xưa.

KẾT LUẬN
Vị từ tri giác trong tiếng Việt có thể chia thành hai nhóm lớn dựa vào chức năng là vị từ biểu thị phương thức (hay hành động) tri giác và vị từ biểu thị nội dung tri giác. Căn cứ vào việc chọn lựa chủ thể hay đối tượng tri giác vào vị trí đề/chủ ngữ, vị từ phương thức lại có thể chia làm hai tiểu nhóm là vị từ hành động và vị từ miêu tả. Có thể tóm tắt theo bảng dưới đây:

CÁC PHƯƠNG THỨC TRI GIÁC
CÁC LOẠI VỊ TỪ TRI GIÁC
Thị giác
Thính giác
Khứu giác
Vị giác
Xúc giác
Phương thức tri giác
Hành động
nhìn
nghe
ngửi
nếm
sờ
Miêu tả
nhìn / trông
nghe
ngửi
nếm
sờ
Nội dung tri giác
thấy
thấy / nghe
thấy / nghe
thấy / nghe
thấy / nghe

Nói chung, trong khung ngữ nghĩa của tiểu nhóm hành động có diễn tố Hành thể và Mục tiêu (riêng phương thức thị giác có thể có diễn tố Hướng); tiểu nhóm miêu tả có Mục tiêu và Nội dung, nhóm nội dung có Hành thể, Nội dung và/hoặc Mục tiêu.
Trong từ vựng tiếng Việt, phương thức thính giác có một sự phân bố bất cân xứng so với các nhóm còn lại, và do vậy cấu trúc ngữ nghĩa của nó cũng có những biểu hiện khác biệt.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều thứ tiếng khác, về căn bản, tiếng Việt cũng có những biểu hiện của một hệ tôn ti (hierarchy) phổ biến: thị giác > thính giác > xúc giác > {khứu giác / vị giác} (cf. Viberg Ake 1983). Thậm chí có thể nói rằng thấynghe (với thấy > nghe) là hai phương thức biểu thị nội dung tri giác bao trùm các phương thức khác.

Chú thích:
(2) Fillmore Ch.J. (ed.) (2001). The FrameNet Project. http://www.icsi.berkeley.edu /~framenet/.
(3) Trong tiếng Anh, Gisborne phân biệt hai cách dùng: cách dùng hữu chứng (evidential) và cách dùng thuộc tính (attributary). Ở cách thứ nhất nhận định của chủ thể phát ngôn không có tính thực (non-factive) bởi vì khi nói “he looks a nice man” có thể tiếp tục “but he isn’t” hoặc “and he is”. Trong khi ở cách dùng thứ hai, nhận định của chủ thể phát ngôn được khẳng định là đúng: bởi vì “this paper looks pink but it’s blue” là một phát ngôn vô nghĩa (Gisborne 1998).
(4) Đặc trưng ngữ nghĩa bao trùm của thấy đã được Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê 1995) chú ý, dù rằng các tác giả hình như vẫn xem thấy trước hết lên quan đến quá trình thị giác.

Tài liệu tham khảo chính:
1.      Cao Xuân Hạo (1991). Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng. Nxb KHXH. H.
2.      Gisborne Nikolas (1998). The attribuary structure, evidential meanings, and the semantics of English SOUND-class verbs. Trong UCL Working Papers in Linguistics 10.
3.      Halliday M.A.K (2004). An Introduction to Functional Grammar. 3rd edition.  Hodder Arnold. London.
4.      Hoàng Phê (edit) (1995). Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học. Hà Nội & Đà Nẵng.
5.      Ibarretxe-Antuñano Iraide (1999). Polysemy and Metaphor in Perception Verbs: A Cross-linguistic. Study. Unpublished Ph.D. thesis. University of Edinburgh. www.atlantisjournal.org/ARCHIVE/30.1/ 2008Ibarretxe-Antunnano.pdf.
6.      Maslova Elena. A universal constraint on sensory lexicon, or when hear can mean ‘see’? http://www.stanford.edu/~emaslova/Publications/Perception.pdf
7.      Nguyễn Thị Quy (1995). Vị từ hành động tiếng Việt và các tham tố của nó. Nxb KHXH. H.
8.      Nguyễn Kim Thản (1977). Động từ tiếng Việt. Nxb GD. H.
9.      Nguyễn Ngọc Trâm (2002). Nhóm từ tâm lý-tình cảm tiếng Việt và một số vấn đề từ vựng ngữ nghĩa. Nxb KHXH. H.
10. Nguyễn Tất Thắng (2008). Thị giác trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ, số 9 (232), tr.1-7, H.
11. Nguyễn Văn Hiệp (2008). Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp. Nxb GD. H.
12. Rojo A. & Valenzuela J.. Verbs of sensory perception An English-Spanish comparison. www.benjamins.com/jbp/series/LiC/5-2/art/0002a.pdf
13. Quirk Randolph (et al.) (1985). A Comprehensive Grammar of the English Language. NewYork: Longman Inc. Press.
14. Talmy L. (2000). Toward A Cognitive Semantics, vol.1. The MIT Press.
15. Viberg Ake (1983). The verbs of perception: a typological study. Trong Linguistics – An Interdisciplinary Journal of the Language Sciences, vol.21, No 263, pp.123-162. La Haye.

No comments:

Post a Comment