Thursday 12 January 2012

ÍT - NHIỀU (2)



II.                Ngữ dụng của ÍT / NHIỀU

1.     Trong nhiều ngôn ngữ, các từ chỉ tính chất, trạng thái mang tính thang độ thường tạo thành một thể liên tục (continuum). Khi định danh nó hay khi dùng nó để thiết lập câu hỏi, người ta có xu hướng chọn yếu tố ở cực dương làm từ đại diện, ít nhất là trong ngôn ngữ sinh hoạt đời thường (trong ngôn ngữ nghề nghiệp hay kỹ thuật thì khác).

Chẳng hạn, bình thường người ta sẽ hỏi các câu (a) sau đây chứ không phải (b):

(1)  a. Độ dài tối thiểu của bài viết là bao nhiêu?
      b. ??Độ ngắn tối thiểu của bài viết là bao nhiêu?
(2)  a. Con sông này độ sâu là bao nhiêu?
      b. ??Con sông này độ nông là bao nhiêu?
(3)  a. Thằng bé cao bao nhiêu?
      b. ??Thằng bé thấp bao nhiêu?
(4)  a. Căn nhà đó rộng mấy mét?
      b. ??Căn nhà đó hẹp mấy mét?

Theo đó, một câu hỏi (đặc biệt là câu hỏi tổng quát) thiết lập trên trục ít-nhiều hoặc ít-hay cũng thường chọn từ ở bên phải làm đại diện:

(5)  Gia đình anh nhiều/??ít người không?
(6)  Ngoài đường giờ này nhiều/??ít xe không?
(7)  Anh mang theo nhiều/*ít tiền không?
(8)  Tết này chị được nghỉ nhiều/*ít không?
(9)  Nó có hay/??ít đi trễ không?
(10) hay/*ít đi xem phim không?

Tuy nhiên, ở loại câu hỏi này, ít có thể sử dụng khi tính chất “ít” là điều quan tâm (đúng hơn là chờ đợi, mong muốn) của người hỏi:

(11) Ngoài đường giờ này ít xe không? (Tôi muốn đi dạo một chút.)
(12) Trong phòng có ít người không? (Ta vào đó nói chuyện đi.)
(13) Phim này có ít cảnh bạo lực không? (Tôi ghét phim bạo lực lắm!)
(Tuy nhiên, tôi cho rằng ba câu hỏi vừa đưa ra dùng từ nghi vấn chứ/à có lẽ tự nhiên và thích hợp hơn. Xem thêm ví dụ (20)-(23))

Trả lời các câu hỏi trên, có hai chọn lựa: ít hoặc nhiều/hay.
Khi trả lời các câu hỏi chuyên biệt trung tính (tức là không có yếu tố lượng tính ít-nhiều, ít-hay) thì nguyên tắc chọn “từ đại diện” vẫn được tuân thủ:

(14) - Buổi tối anh làm gì?
 - Buổi tối tôi hay/*ít đi xem phim.
(15)  - Mỗi lần cần mua sắm, chị đi đâu?
 - Tôi hay/??ít đi chợ Bến Thành.
(16)  - Chiều mai ông giám đốc họp với ai?
 - Họp với nhiều/??ít người lắm. (/một vài người thôi.)

     Có thể giải thích lý do: Khi trả lời một câu hỏi không có tính hạn định như trên, bao giờ người ta cũng hướng về cái cái phổ biến, tức là cái mà đa số người hỏi chờ đợi được thông tin, và cái phổ biến này luôn được định danh bằng từ bên phải (từ đại diện) trên trục liên tục ít - nhiều. Và cũng vì vậy, không thể trả lời bằng một câu phủ định với những từ này:

           - ??Buổi tối tôi không hay đi xem phim.
           - ??Tôi không hay đi chợ Bến Thành.
           - *Họp với không nhiều người. / ??Không họp với nhiều người.


    Nếu ngược lại, ta sẽ có trường hợp như vừa nói ở trên (vd (11)-(13)).

Với câu trần thuật hay câu kể tình hình cũng tương tự:

(17)     Khi về chắc chắn anh sẽ mua nhiều/??ít quà cho cô. 
(18)      Sống xa nhà, cô ấy hay/*ít khóc vì buồn.
(19)      nhiều/*ít người nói với tôi là cô ấy đã thay đổi.

2.     Một câu hỏi đặt ra là khi nào thì ít có thể sử dụng chứ không phải “đối tác” nhiều/hay của nó?
Theo nhận xét của tôi, ở câu nghi vấn, dường như chỉ các câu hỏi yêu cầu sự xác nhận hoặc câu hỏi hạn định (A hay B?) thì mới có thể xuất hiện ít. Nghĩa là người đã biết về thuộc tính ít hoặc nhiều/hay của một sự vật, sự tình nào đó, và muốn người nghe xác nhận.

(20) Anh có ít bạn bè lắm à? (vs. *Anh có ít bạn bè không?)
(21) Dạo này anh ít đi công tác nhỉ? (vs. *Dạo này anh ít đi công tác không?)
(22) Bà ấy ít cằn nhằn anh rồi chứ? (vs. *Bà ấy vẫn hay cằn nhằn anh chứ?)
(23) Tháng 11 bắt đầu ít mưa rồi, phải không? (vs. *Tháng 11 bắt đầu ít mưa không?)
(24) Nó đã ít đi trễ hay vẫn thường (= hay) đi trễ như trước?
(25) Anh hay gặp cô ấy hay ít gặp?

Các câu hỏi chuyên biệt đôi khi cũng có thể sử dụng ít, khi đó người hỏi muốn cung cấp thêm thông tin theo tính chất ít mà mình đã biết. Nhưng loại câu hỏi này mang tính siêu ngôn ngữ rõ rệt.

(26)             Trong những người đó, chị ít gặp ai?
(27)             Trong những người đó, chị ít muốn nói chuyện với ai?
(28)             Phụ nữ có thai nên ít ăn gì?
(29)             Anh vừa nói cô ấy ít làm gì?

Ở câu trần thuật hay câu kể, dĩ nhiên người nói có thể dùng ít để nhận định về mức độ, số lượng hay tần suất thấp của sự vật hay sự tình.

(30)             Đường này ít cây quá!
(31)             Hôm nay ít nắng/nóng. May quá!
(32)             Dạo này nó ít đi chơi hẳn.
(33)             ít vận động nên nó ít ăn.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ, những trường hợp trên bao giờ cũng để ngỏ khả năng đối lập, nghĩa là có thể xuất hiện nhiều/hay.

Ở đây tôi muốn đề cập một trường hợp đáng chú ý: Rất nhiều trường hợp, khi dùng ít, người nói có hàm ý phủ định (hay phủ nhận) một nhận định (hay suy nghĩ) của người đối thoại rằng sự vật/hiện tượng gì đó có số lượng, mức độ hay tần suất cao.
Chẳng hạn, khi được yêu cầu “miêu tả” một cô thư ký trong văn phòng, người ta có thể nói:

(34) Cô ấy ít đi trễ, ít ngồi lê đôi mách, ít mặc váy ngắn quá đầu gối.

Sở dĩ người nói nói câu trên là vì có ấn tượng rằng các cô thư ký khác thường đi trễ, ngôi lê đôi mách, mặc váy ngắn, hoặc người nói biết/đoán rằng người đối thoại có suy nghĩ như vậy. Nếu chỉ là những miêu tả bình thường (trung tính) thì chắc chắn người nói sẽ có cách diễn đạt khác, theo hướng tích cực hơn.
Một tình huống khác:
Hai người bạn đi chơi, nhìn thấy một viên cảnh sát nhận hối lộ, có thể một người sẽ nói:

(35)   (Thật ra), cảnh sát ít người nhận hối lộ.
hay tự nhiên hơn:
         Cảnh sát nhận hối lộ như vậy chỉ ít người thôi.

Sở dĩ anh ta nói như vậy là vì anh ta muốn phản bác nhận xét của người bạn rằng "Cảnh sát nhiều người nhận hối lộ" (cần chú ý rằng người ta thường có xu hướng khái quát hóa một vài hiện tượng mà họ đã biết); cũng có thể anh ta muốn phủ nhận một ý nghĩ xấu về cảnh sát mà anh ta nghĩ rằng người bạn có thể có khi nhìn hình ảnh ấy – dù người bạn không hề nói ra.
Có thể thấy hiện tượng vừa nói ở nhiều ví dụ khác (trong tình huống không phải là lời đáp cho một câu hỏi nào đó):

(36) Sống xa nhà, nhưng cô ấy ít khóc lắm. (vs. nhưng cô ấy vui vẻ lắm)
(37) ít người nói với tôi điều đó. (vs. Chỉ có mấy người nói với tôi...)
(38) Khi về anh ấy sẽ tặng ít quà cho cô. (vs. tặng nhiều quà cho cô)
(39) Cửa chùa ít đóng. (vs. Cửa chùa luôn rộng mở)

Như vậy, có thể nhận định rằng, trong nhiều trường hợp, một phát ngôn có ít thường mang hàm ý của người nói theo hướng phủ định “đối tác” của ít. (Về mặt kinh nghiệm, chính đối tác nhiều/hay là xu hướng chung trong suy nghĩ và phát ngôn của đa số người trong tình huống giao tiếp tương tự.)


No comments:

Post a Comment