Tuesday 24 January 2012

ÍT KHI và NHIỀU KHI



Ít khinhiều khi là hai ngữ đoạn thường được xem là để biểu thị tần suất của sự tình. Có vẻ như hai ngữ đoạn này không cùng nằm trên trục đối vị – nghĩa là không thay thế được nhau ở cùng một vị trí trong nhiều ngữ cảnh cụ thể.


Xét các câu sau:
           (1)  – Chị có hay đi xem phim không?
           – Ít khi/*nhiều khi tôi đi xem phim!
           (2)  – Chị thỉnh thoảng có đi xem phim không?
           – Tôi ít khi đi xem phim lắm.
          (– Có, tôi thường/hay/*nhiều khi đi xem phim.)
           (3)  – Chị đi xem phim luôn, phải không?
           – Không, ít khi lắm.
          (– Vâng, tôi thường/hay/*nhiều khi đi xem phim lắm.)
           (4)  – Chị hay làm món này chứ?
            – Không, ít khi thôi.
           (– Vâng, tôi cũng thường/hay/*nhiều khi làm.)
           (5)  – Chị ít khi làm món này à?
           – Vâng, ít khi tôi làm.
          (– Không, tôi cũng thường/hay/*nhiều khi làm.)
           (6)  – Hè năm ngoái chị làm gì?
            – Tôi thường/hay/*ít khi/*nhiều khi tham gia công tác xã hội.
            (7)  – Mấy năm trước, nghỉ hè chị đi đâu?
            – Tôi thường/hay/*ít khi/*nhiều khi đi biển.

Ta thấy, với những câu hỏi tổng quát (vd (1)(2)) hoặc câu hỏi xác nhận (vd (3)(4)(5)), trong đó yếu tố biểu thị tần suất nằm trong phạm vi chất vấn, câu trả lời có thể là ít khi hoặc “đối tác” của nó (thường/hay) chứ không bao giờ là nhiều khi.
Với những câu hỏi chuyên biệt (vd (6)(7)), cả ít khinhiều khi đều không thể dùng để trả lời. Về phần ít khi, có thể giải thích bằng những lý do như đã có dịp trình bày ở bài “Ít - nhiều (2)”: trả lời cho những câu hỏi chuyên biệt phải là những gì được xem là nhiều, là phổ biến, vì đó chính là điều mà người hỏi muốn được thông tin.
Nhưng với nhiều khi thì không thể giải thích như vậy.
Từ các ví dụ trên, có thể nhận định rằng dường như nhiều khi không nằm trong hệ thống các từ ngữ biểu thị tần suất “thông thường”. Có vẻ như cái ấn tượng tần suất của nhiều khi là do (i) yếu tố khi tạo nên (vì nó mang hình thức tương tự ít khi, hiếm khi), và (ii) ở vị trí của nó trong câu, người ta có thể thay bằng một ngữ đoạn tần suất thực sự (chẳng hạn thỉnh thoảng, hiếm khi, thường).
Hay nói rõ hơn: người ta không dùng nhiều khi khi đưa ra một nhận định về tần suất (cao) của một sự tình bất kỳ, và lại càng không thể dùng nhiều khi để trả lời một câu hỏi bất kỳ về tần suất.     
Vậy khi nào thì nhiều khi được sử dụng?
    Thông thường, khi nói về một sự tình nào đó luôn, thường hay hiếm khi xảy ra, người ta không dùng nhiều khi. So sánh:

        (8)  a. Trong thời gian học ở SG, hiếm khi/ít khi/thỉnh thoảng tôi về nhà.
b. Trong thời gian học ở SG, tôi hiếm khi/ít khi/thỉnh thoảng/thường/hay/luôn về nhà.
c. *Trong thời gian học ở SG, nhiều khi tôi về nhà.

Trong ví dụ trên, câu (a) và (b) cho biết sự tình “tôi về nhà” diễn ra với tần suất cao hay thấp (nhiều hay ít lần) trong thời gian xác định. Có thể hiểu: trong thời gian học ở SG, “về nhà” là một sự việc bình thường, nó thuộc về tiền ước (presumptions) của phát ngôn. Như vậy, với phát ngôn (8a) và (8b), thông tin nằm ở chỗ cho biết “số lần” sự việc đó diễn ra (vì ai cũng biết là đương nhiên nó diễn ra).
 Trong khi đó, câu (c) không được chấp nhận vì người ta không thể hình dung được cái tình huống mà nó có thể xuất hiện. Nếu đảo ngược nội dung của câu (c), chẳng hạn “Trong thời gian học ở SG, cuối tuần nhiều khi tôi không về nhà”, thì lại dễ chấp nhận hơn. Như vậy, có vẻ nhiều khi là một ngữ đoạn dẫn nhập cho một sự tình mà người nói cho rằng nó nằm ngoài phạm vi suy nghĩ hay hiểu biết của người nghe.
     Bây giờ thử so sánh câu (c) ở trên với các câu sau đây:

(9) a. Trong thời gian học ở SG, nhiều khi tôi về nhà bằng xe máy.
b. Trong thời gian học ở SG, nhiều khi tôi về nhà vào cuối tuần.
c. Trong thời gian học ở SG, nhiều khi tôi về nhà mà không báo trước.

            Rõ ràng cả ba câu đều thỏa đáng cả về ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa. Cái sự tình “về nhà bằng xe máy”, “về nhà vào cuối tuần”, “về nhà không báo trước” là điều mà người nói đưa vào phát ngôn như một thông tin mới – vì trong điều kiện bình thường của tác giả (chẳng hạn nhà cách trường hơn 100km, không có tiền...), những sự tình trên là điều không thể hoặc rất khó xảy ra.
            Một ví dụ khác:

        (10)   a. Mì ăn liền không tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều khi tôi cũng phải ăn.
b. ??Rượu không tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều khi uống cũng không sao.
c. Rượu không tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều khi rượu cũng có lợi cho sức khỏe.

Ở (10a), thành phần câu đứng trước (“mì ăn liền không tốt cho sức khỏe”) sẽ dẫn đến một suy luận “bình thường” ở người nghe là “không ăn”, nhưng ở đây người nói dùng nhiều khi để dẫn nhập cho một điều theo lẽ thường không thể xảy ra “tôi ăn”. Câu (10b) thoạt nghe có vẻ hợp logic thông thường, nhưng nếu nghĩ kỹ thì không phải. Thành phần câu đứng sau “nhiều khi uống cũng không sao” cho phép người ta suy luận rằng “bình thường uống rượu thì nguy hiểm/chết”; nhưng thật ra chỉ khi uống rượu nhiều hay nghiện rượu thì mới nguy hiểm/chết, vì thực tế rất nhiều người uống rượu mà không sao cả. Do vậy, câu (10b) khó được chấp nhận; trong khi đó dạng tương tự của nó (10c) thì hoàn toàn khả chấp.

       Xuất phát từ nội dung vừa nêu, chúng tôi cho rằng nhiều khi thực chất là một ngữ đoạn dẫn nhập cho một thông tin mới, nằm ngoài tiền ước của phát ngôn. Về mặt ngữ pháp, đây thực sự là một cách nói ngắn của một biểu thức tồn tại: “có nhiều khi...” hoặc “có khi...” (và trong mọi trường hợp, có thể nói có nhiều khi thay vì chỉ nhiều khi) chứ không phải là một ngữ đoạn biểu thị tần suất như thoạt nhìn. Hơn nữa, không thể xem là tần suất khi vai trò của nhiều hầu như không đáng kể: có nhiều khi được dùng chẳng khác gì có khi!

            Chính vì nghĩa này, nhiều khi có thể dẫn nhập một sự tình mà người nói cho rằng ít ai ngờ tới, vì tính đặc biệt hay mức độ cao của nó. Chẳng hạn:

(11)  a. Sống với một ông chồng say sưa như vậy tôi không thể chịu nổi. Nhiều khi tôi muốn li dị quách cho xong.
 b. Nó luôn đi trễ. Nhiều khi thầy giáo vào lớp rồi nó mới đến.

Trong câu (11b), phát ngôn thứ hai không nằm ngoài nội dung biểu hiện của phát ngôn thứ nhất (luôn đi trễ), nhưng ở đây chúng ta không có lỗi trùng ngôn. Lý do là “thầy giáo vào lớp rồi” là mức độ trễ mà người ta không ngờ tới (thường học sinh vào trường khi cổng trường sắp đóng hoặc không tham gia kiểm tra 15 phút đầu giờ đã bị xem là “đi trễ”).

Do dẫn nhập một sự tình ngoài tiền ước, nhiều khi cũng có thể được dùng diễn đạt một sự tình mang tính phi thực (unreal). Ví dụ:  

(12)  a. Chiều nào cũng kẹt xe! Nhiều khi đi bộ còn nhanh hơn đi xe hơi.
 b. Anh cứ xin ông giám đốc nghỉ một ngày để đi khám bệnh đi. Nhiều khi ông ấy còn cho anh tiền trợ cấp nữa đó!
           
Câu (12a) và (12b) đều không thể xem là sự thật đã diễn ra, người nói có thể chưa bao giờ đi bộ cả, người nói có thể cũng chưa bao giờ thấy ông giám đốc trợ cấp cho ai. Cả hai phát ngôn đều mang tính dự đoán, nghĩa là không phải là hiện thực. Nhưng người nói làm ra vẻ đã có xảy ra những trường hợp như vậy.

            Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khi thường xuất hiện ở bộ phận câu thứ hai để nêu lên một trường hợp khác với trường hợp đã được diễn đạt ở bộ phận câu thứ nhất (liên kết bằng nhưng); hoặc để nêu lên trường hợp đặc biệt (mức độ cao) hay hệ quả ít ngờ tới của nội dung được diễn đạt ở bộ phận câu thứ hai (liên kết bằng nên). Có lẽ đây cũng chính là lý do người ta luôn có cảm giác nhiều khi thể hiện tần suất. Ví dụ:

            (13)     – (Sống một mình chị thấy thế nào?)
     – Hoàn toàn tự do, hoàn toàn thoải mái. Nhưng nhiều khi tôi cũng cảm thấy cô đơn.
            (14)    a. Sau giờ làm việc tôi chỉ quanh quẩn trong nhà nên nhiều khi tôi thấy cuộc sống thật buồn tẻ.
  b. Chị không chịu nổi quan hệ như vậy, nên nhiều khi chị muốn tung hê tất cả.

            Về hình thức, nghĩa tồn tại của ngữ đoạn nhiều khi hoàn toàn có thể được diễn đạt bằng một dạng thức đầy đủ hơn, trong đó là vị từ chính, chẳng hạn: có nhiều khi..., có khi..., và ở vị trí của khi hoàn toàn có thể thay bằng một danh từ khác (thích hợp với ngữ cảnh): có nhiều lần/trường hợp..., có rất nhiều lần/trường hợp..., có lần/trường hợp..., v.v..

          (15)  a. Thằng bé bị đối xử rất tệ. Có nhiều khi/lần/đêm nó phải nhịn đói đi ngủ.
b. Sống lạc quan hết sức quan trọng, có nhiều khi/trường hợp nó làm thuyên giảm cả bệnh ung thư.

     Ở hai câu (15), sự chọn lựa danh từ thay thế cho khi tùy thuộc vào ngữ cảnh, và khả năng này càng làm cho nhiều khi ít dáng dấp của một “trạng ngữ tần suất”.

Tuy nhiên, khả năng thay thế khi bằng một danh từ khác là có điều kiện. () nhiều khi khi là hai ngữ đoạn có khả năng hoạt động rộng rãi (biểu thị sự tình hiện thực hoặc phi thực); trong khi những trường hợp còn lại bao giờ cũng mang tính hiện thực, nghĩa là diễn đạt một sự tình đã xảy ra trong thực tế, thường ở một thời điểm trong quá khứ xa. So sánh các câu (a) (b) với ((c) (d) dưới dây:

       (16)     a. Anh nên gặp cô ấy một lần. (Có) nhiều khi anh còn thích cô ấy hơn tôi.
b. Theo tôi, không nên tăng thuế để tăng thu ngân sách. (Có) nhiều khi thuế càng cao càng thất thu đấy!
c. Khi nó mới ba tháng tuổi, mẹ nó không đủ sữa, có nhiều khi/lần mẹ nó phải chắt nước cháo loãng bón cho nó.
d. Con bé tính hơi ương ngạnh, có nhiều khi/lần/bữa nó bỏ cơm vì nghe bà nói xấu mẹ nó.

Ở câu (16a) và (16b) sự tình phi thực nên không thể thay khi bằng danh từ nào khác, còn trong (16b) và (16c) khi có thể thay bằng bất cứ danh từ nào thích hợp (lần, ngày, bữa, v.v.).


Chú thích:
    1.     Về ngữ pháp và ngữ nghĩa, đôi khi rất gần với nhiều khi, nghĩa là vẫn mang dáng dấp của một ngữ đoạn biểu thị nghĩa tồn tại với vị từ làm trung tâm. Ví dụ:

          (17) a. Xe buýt chạy lúc 6 giờ nên (có) nhiều khi/(có) đôi khi tôi không kịp ăn sáng.
b. Cuộc sống quá khó khăn nên anh không còn quan tâm đến người khác. (Có) nhiều khi/(Có) đôi khi anh cảm thấy mình thật ti tiện.

Tuy nhiên, khác với nhiều khi, đôi khi có tư cách một ngữ đoạn biểu thị tần suất thật sự khi nó được dùng để trả lời cho một câu hỏi liên quan đến tần suất. Ví dụ:

          (18)    – Cuối tuần chị có hay đi mua sắm không?
  – Chỉ thỉnh thoảng/đôi khi thôi.
           (19)   – Gần đây chị có gặp anh ấy chứ?
   – Vâng, thỉnh thoảng/đôi khi tôi có gặp.

      Ngoài ra, đôi khi còn khác nhiều khi ở chỗ nó không thể dùng cho những sự tình mang tính phi thực hay dự đoán. Các ví dụ (12) và (16a,b) ở trên không thể dùng đôi khi.

     2.     Trong các từ ngữ liên quan ít nhiều đến tần suất, có những trường hợp có thể đứng ở đầu câu và đứng trước ngữ vị từ (luôn luôn, thường, thỉnh thoảng, hiếm khi, ít khi), nhưng có trường hợp chỉ có thể đứng trước ngữ vị từ (luôn, hay), và cũng có trường hợp có thể đứng sau vị từ (luôn, thường). Do vai trò ngữ pháp của những yếu tố này (có nhiều tên gọi: phó từ, phụ từ, trạng từ, trạng ngữ), nhiều người cho rằng vị trí của nó là “tự do”, nghĩa là sự thay đổi vị trí không làm thay đổi nghĩa của câu.

      Thật ra, ít nhất có hai trường hợp không phải như vậy, đó là thườngluôn luôn (luôn luôn không tiêu biểu bằng thường).
      Theo chúng tôi, khi đứng ở vị trí đầu câu, thườngluôn luôn đóng vai trò một khung đề (hay nói theo ngữ pháp truyền thống, trạng ngữ của câu), rất khác với khi nó đứng trước (và sau) vị từ. Sự phân biệt này có ý nghĩa về cả ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Ví dụ:

         (20)   (Chị thỉnh thoảng có đi xem phim không?)
          a. Có, tôi thường/luôn luôn đi xem phim.
          b. *Có, thường/luôn luôn tôi đi xem phim.
          (21)   (Chị đi xem phim luôn, phải không?)
           a. Vâng, tôi thường/luôn luôn đi xem phim.
           b. *Vâng, thường/luôn luôn tôi đi xem phim.
          (22)   (Chị ít khi làm món này à?)
            a. Không, tôi cũng thường/luôn luôn làm.
            b. *Không, thường/luôn luôn tôi làm món này.

Ở các ví dụ (20)-(22), xét về mặt sở chỉ (referent, denotanum) câu (a) và câu (b) giống nhau, nhưng xét về mặt (nghĩa) sở biểu (significatum, designatum), chúng khác nhau rất nhiều. Khi trả lời cho một câu hỏi về tần suất, các câu (a) thích hợp, còn các câu (b) bất khả chấp. Lý do: người hỏi muốn chất vấn mức độ thường xuyên của hành động đi xem phim của người đối thoại, xuất phát điểm của phát ngôn là “chị” (chủ đề của câu), vì vậy xuất phát điểm của câu trả lời phải là “tôi”; trong khi đó ở các câu (b), người trả lời chọn xuất phát điểm là thường/luôn luôn – tức là cái khung cảnh huống (tình huống thông thường, đồng nhất) cho hành động xem phim – nên không được chấp nhận. (Tương tự như khi được hỏi “Anh tên gì?” thì câu trả lời phải là “Tôi tên là X”, còn khi được hỏi “Tên anh là gì?” thì câu trả lời phải là “Tên tôi là X” chứ không thể khác được.)

Nếu không phải là tình huống hỏi đáp, sự khác biệt giữa hai trường hợp đang bàn có thể khó nhận ra hơn. Thông thường, người ta bắt đầu một câu bằng thường để thiết lập cái khung cảnh huống làm nền cho các phát ngôn sau đó.  

Chẳng hạn, trong các ví dụ sau đây vị trí của thường ở đầu câu là thích hợp.

(23)   a. Ồ, chào anh! Anh đến lúc nào thế? Chờ tôi có lâu không?... May thật! Thường (thì) tôi về đến nhà sau 8 giờ tối, hôm nay cúp điện, được về sớm....

b. Nam mất việc. Một tháng sau hắn mất luôn người yêu. Nhưng hắn không buồn lắm. Thường một người đàn ông không giữ nổi việc làm thì làm sao giữ nổi người yêu?
(Thường không có tiền thì cũng chẳng có tình!)

Có vẻ như thường hay được sử dụng đầu câu để dẫn nhập cho một nhận định khái quát.



No comments:

Post a Comment